Cái tâm

Những năm gần đây, trong quan hệ công tác hay sinh hoạt đời thường, khi nhận xét, đánh giá về một con người, người ta hay đề cập đến vấn đề “cái tâm” hơn. Nhiều ý kiến cho rằng, do có nhiều trường hợp hiện tượng đánh lừa bản chất nên rất khó để đánh giá “cái tâm” thực chất hay “cái tâm” giả dối. Bên cạnh nhiều đồng chí cán bộ lãnh đạo, quản lý có năng lực về chuyên môn, trong sáng về đạo đức, phẩm chất, chúng ta vẫn thấy một số cán bộ “nói một đằng, làm một nẻo”, “nói vậy nhưng không phải vậy”, hoặc “nói nhưng không làm”…

Số cán bộ lãnh đạo, quản lý này tuy không nhiều, nếu không quan tâm, để ý thì khó nhận ra được thực chất. Bởi vì khi họp cơ quan, chi bộ hay phát biểu trên diễn đàn, lúc nào họ cũng giáo huấn “làm gì cũng phải có cái tâm”. Nhưng nói vậy cốt để che đậy cho những việc làm không trong sáng, nhằm đánh lừa dư luận.

Trong quá trình quản lý, điều hành, những người này thường tìm mọi cách để ém nhẹm thông tin; sẵn sàng vi phạm các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; không công khai tài chính, hoặc có công khai cũng “úp úp, mở mở”, hình thức. Có những việc lớn lẽ ra phải được đưa ra bàn bạc trong tập thể nhưng họ lại làm ngược lại; còn những việc không đáng thì lại đưa ra bàn, làm ra vẻ dân chủ để dối trên, lừa dưới.


Nếu “cái tâm” của người cán bộ lãnh đạo, quản lý được nhìn nhận ở góc độ phẩm chất đạo đức, thì “cái tầm” được xem là phẩm chất năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành. Trong một cấp ủy, một cơ quan, nếu người bí thư cấp uỷ hay thủ trưởng cơ quan có “cái tâm” đặt lợi ích chung của tập thể, sự nghiệp của Đảng lên trên hết, có “cái tầm” tổ chức mọi lực lượng đều hướng tới mục tiêu trọng tâm và hiệu quả thì cán bộ, đảng viên trong cơ quan đó sẽ đoàn kết, nhất trí cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ.


Trong hoạt động mỗi tổ chức đảng, chất lượng sinh hoạt chi bộ giữ vai trò quan trọng và phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Trong đó sự dân chủ, cởi mở trên tinh thần xây dựng rất quan trọng. Phát huy được sức mạnh tập thể sẽ nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Thực tiễn cho thấy, nơi nào, lúc nào mà sinh hoạt chi bộ lỏng lẻo, nội dung nghèo nàn, không cụ thể, hình thức, chiếu lệ thì nơi đó, lúc đó có nguy cơ hạ thấp vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng, kỷ luật của Đảng bị buông lỏng, các biểu hiện tiêu cực có cơ nảy sinh và phát triển, sự gắn bó giữa Đảng và quần chúng bị suy yếu. Cơ quan nào người lãnh đạo, quản lý không đặt lợi ích của tập thể lên trên, ít chăm lo cho đồng nghiệp, luôn tìm mọi cách vun vén cho cá nhân, đánh bóng bản thân thì không khí làm việc sẽ trở nên nặng nề, người cán bộ dưới quyền cảm thấy không được tôn trọng, tất sẽ nảy sinh tình trạng bằng mặt không bằng lòng, sự bất mãn, những vấn đề 
nội bộ.

Không đảng viên, cán bộ, nhân viên chân chính nào chấp nhận để chi bộ, đơn vị mình sa sút. Những đảng viên, cán bộ có trình độ lại càng mong muốn đóng góp xây dựng chi bộ, đơn vị vững mạnh. Bởi thành công, thất bại của đơn vị liên quan mật thiết đến mỗi người. Điều đáng quan tâm là trong khi phải “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” (nhất là về những vấn đề thuộc lĩnh vực chi tiêu tài chính của cơ quan, về đạo đức, lối sống, phong cách của cán bộ…) thì vấn đề đảng viên nói ra cần được chi ủy, chi bộ đón nhận một cách công tâm. Nếu cấp ủy có sự công tâm, biết lắng nghe, kể cả những chỉ trích, để tiếp thu thì cán bộ, đảng viên sẽ tích cực đóng góp, hào hứng khi sinh hoạt, tạo sự đồng thuận cao, cơ quan, chi bộ, phấn khởi trong làm việc.


Vấn đề chính vẫn là “cái tâm” của người lãnh đạo, quản lý. Đồng thời, mỗi người phải mạnh dạn phát biểu chính kiến xây dựng. Điều này cũng thuộc về “cái tâm” trong sáng của mỗi cán bộ, đảng viên.      

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất