Bài học về lãnh đạo quần chúng làm cách mạng
Nhận định về nguyên nhân thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, đồng chí Trường Chinh khẳng định: "Cuộc khởi nghĩa Tháng Tám 1945 đã đạt được mục đích giành chính quyền, mục đích trực tiếp của mọi cuộc cách mạng, vì nó là sự nghiệp của toàn dân đoàn kết, kiên quyết chiến đấu để tự giải phóng, do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo"(2).

Cách mạng Tháng Tám để lại những bài học lịch sử quý báu. Một trong những bài học luôn có ý nghĩa thực tiễn là bài học về phát động, tổ chức, hướng dẫn quần chúng tạo thành những cao trào sôi nổi hoàn thành những nhiệm vụ lịch sử của cách mạng.

1. Ý Đảng hợp lòng dân là một cơ sở quyết định để có cao trào cách mạng

Đảng ta là một đội tiên phong của giai cấp công nhân và của dân tộc Việt Nam. Mục tiêu phấn đấu của Đảng cũng là nguyện vọng của đông đảo quần chúng. Đường lối, chủ trương của Đảng không phải dựa trên ý muốn chủ quan của một bộ phận mà căn cứ vào tình hình thực tiễn của đất nước, khả năng, nguyện vọng của quần chúng.

Vào thời kỳ tiền khởi nghĩa, nguyện vọng bức thiết của cả dân tộc lúc bấy giờ là thoát khỏi ách thống trị tàn bạo của phát xít Nhật. Ngay sau khi Nhật đảo chính Pháp, Đảng phát động cao trào kháng Nhật cứu nước làm tiền đề cho cuộc tổng khởi nghĩa. Ý Đảng hợp với lòng dân, khẩu hiệu cứu quốc có sức cổ vũ lớn đối với mọi giai cấp, mọi tầng lớp, mỗi người dân yêu nước. Khắp các địa phương, từ rừng núi đến đồng bằng, thành thị đều nô nức khẩn trương chuẩn bị khởi nghĩa cướp chính quyền. Được lệnh khởi nghĩa, toàn dân đồng loạt vùng lên với khí thế mãnh liệt của lực lượng chính trị quần chúng đông đảo và lực lượng vũ trang, bán vũ trang. Ở một số địa phương, do điều kiện thông tin liên lạc nên  lệnh khởi nghĩa của Trung ương tới muộn, đảng bộ và Mặt trận Việt Minh căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương, vào phương hướng hành động của Đảng đã chủ động lãnh đạo quần chúng nổi dậy khởi nghĩa.

Bài học ý Đảng hợp với lòng dân thể hiện rất điển hình trong Cách mạng Tháng Tám và được phát triển trong những thời kỳ cách mạng sau đó, Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 15 (khóa II) đến với sự mong chờ khát khao của đồng bào miền Nam đã làm bùng lên phong trào Đồng Khởi. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước đáp ứng nguyện vọng của nhân dân đã tạo nên những phong trào cách mạng trên nhiều lĩnh vực, đạt được những  thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới.

Những sai lầm, vấp váp của Đảng trong tiến hành cải cách ruộng đất, trong việc đề ra kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội ở Đại hội IV (1976) của Đảng đều có nguyên nhân do Đảng chủ quan, không nắm vững thực tiễn, không nắm bắt được nguyện vọng, khả năng của quần chúng nhân dân. Sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc hiện nay đang đặt ra nhiều vấn đề với sự lãnh đạo của Đảng. Muốn phát huy được tinh thần cách mạng của quần chúng nhân dân, trước hết đường  lối, chủ trương của Đảng phải coi lòng dân là một điểm xuất phát quan trọng hàng đầu.

2. Chăm lo đáp ứng nguyện vọng trước mắt và lâu dài của nhân dân

Vào đầu năm 1945, nạn đói diễn ra khủng khiếp ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Hai triệu người chết đói, hàng triệu người khác đang bị đói và có nguy cơ chết đói. Trước tình hình đó, Mặt trận Việt Minh kêu gọi: "Phá kho thóc Nhật cứu đói". Hàng triệu nông dân nghèo dù chưa giác ngộ cao nhưng để cứu bố mẹ, vợ con và bản thân mình khỏi chết đói đã rầm rộ tham gia cuộc đấu tranh phá kho thóc Nhật. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quần chúng nhân dân từ hình thức đấu tranh cho quyền lợi kinh tế hằng ngày đến giác ngộ chính trị, đấu tranh cho độc lập dân tộc. Đi theo Việt Minh cứu nhà cũng chính là đi theo Việt Minh để cứu nước. Đó là nhận thức cụ thể, sâu sắc và biện chứng của nhân dân. Nhân dân được phát động vùng dậy với khí thế hừng hực khởi nghĩa chống Nhật giành chính quyền. Qua sự kiện lịch sử này, đồng chí Lê Duẩn đã rút ra kết luận: "Một khẩu hiệu sát đúng với tình thế cụ thể có sức dấy lên cả một phong trào"(3).

Trong cách mạng XHCN, chúng ta ngày càng nhận thức rõ lợi ích vật chất là động lực trực tiếp. Đảng và Nhà nước ta đã có đường lối, chính sách thường xuyên chăm lo đời sống của mọi tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, mỗi người cần nhận thức đúng đắn mối quan hệ hài hoà giữa quyền lợi vật chất với quyền lợi tinh thần, lợi ích kinh tế với những vấn đề chính trị xã hội, quyền lợi trước mắt của bản thân, gia đình với mục tiêu chung của đất nước, của cách mạng. Đặc biệt, cần chống những quan niệm sai trái coi lợi ích vật chất là duy nhất, chỉ lo "ích kỷ phi gia", bàng quan với cuộc sống khó khăn của người xung quanh, với sự nghiệp cách mạng của đất nước, của dân tộc.

3. Nêu cao vai trò tiên phong gương mẫu xả thân vì nước của cán bộ, đảng viên.

Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, người cán bộ, đảng viên vì lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, dám xả thân mình để hoạt động cách mạng. Họ tuyên truyền, vận động, tổ chức và hướng dẫn quần chúng đấu tranh. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, người cán bộ, đảng viên đều nêu cao vai trò tiền phong gương mẫu. Những nơi đòi hỏi phải hy sinh, khó khăn gian khổ thì "đảng viên đi trước, làng nước theo sau". Trong đoàn biểu tình, cán bộ, đảng viên đi hàng đầu. Trong chiến đấu, đảng viên xung phong lên phía trước. Đảng viên luôn nêu gương sáng dẫn dắt, cổ vũ quần chúng đi theo cách mạng. Nhờ vậy, trong Cách mạng Tháng Tám, chỉ với 5.000 đảng viên mà Đảng đã phát động, tổ chức, lãnh đạo được phong trào cách mạng rộng lớn của toàn dân.

Sau khi cách mạng thành công, nhất là trong cách mạng XHCN, đảng viên, cán bộ thường được giao các cương vị công tác "có chức có quyền". Từ đó, xuất hiện không ít "quan cách mạng"  như Bác Hồ đã cảnh báo từ những ngày đầu của chính quyền cách mạng. Hiện nay, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị suy thoái về phẩm chất đạo đức, quan liêu, tham nhũng, không những mất uy tín trước nhân dân, làm suy giảm uy tín của Đảng, mà còn đang là lực cản phong trào cách mạng của quần chúng. Tệ nạn này đã trở thành quốc nạn. Đảng phải thực sự dựa vào dân, kiên quyết loại trừ những “quan cách mạng”, làm trong sạch đội ngũ, khôi phục niềm tin của dân với Đảng.

Thấm nhuần nguyên lý của Chủ nghĩa Mác-Lênin, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo cuộc Cách mạng Tháng Tám thằng lợi, để lại những bài học quý giá luôn nóng bỏng tính thời sự mà chúng ta cần nghiêm túc vận dụng có hiệu quả, đưa cách mạng nước ta tiếp tục giành những thắng lợi mới.

-----------------
(1) Hồ Chí Minh, toàn tập, NXBCTQG, H.1995, tập 6, tr.159.
(2) Trường Chinh, Cách mạng Tháng Tám, cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1975, tập 1, tr.374.
(3) Lê Duẩn, Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, Nxb Sự thật, Hà Nội. 1975, tr.46-47.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất