Cần chọn đại biểu đủ tài đức để gánh vác việc nước

Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước, là nơi có các đại biểu trung thành với quyền lợi của nhân dân, có trách nhiệm thay mặt nhân dân bầu ra những chức vụ cao nhất của Nhà nước và giám sát các công việc của Nhà nước.

Đại biểu Quốc hội được nhân dân tín nhiệm gửi gắm tâm tư, nguyện vọng, đề đạt các ý kiến về những chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tại diễn đàn Quốc hội, đại biểu cần thảo luận những vấn đề mà cử tri quan tâm, đề ra các giải pháp khắc phục, tháo gỡ những vấn đề bức xúc của xã hội, đáp ứng yêu cầu nguyện vọng của đa số cử tri. Do vậy, người đại biểu Quốc hội phải hiểu rõ cử tri muốn gì, tâm tư, nguyện vọng ra sao...

Với vai trò, trọng trách như vậy đại biểu Quốc hội cần phát huy tốt khả năng của mình để cho từng nhiệm kỳ Quốc hội hoạt động thật hiệu quả. Để làm được điều đó, cần:
Khắc phục hạn chế phần lớn 
đại biểu Quốc hội là kiêm nhiệm, số lượng đại biểu chuyên trách ít, do vậy khó làm tốt công việc của đại biểu. Hơn nữa, đại biểu kiêm nhiệm thường né tránh đăng đàn Quốc hội về những vấn đề liên quan đến ngành, lĩnh vực do mình lãnh đạo, quản lý. Vì thế chất lượng hoạt động của đại biểu không cao.

Cần khuyến khích tự ứng cử đại biểu Quốc hội và không nên khống chế về số lượng. Thực tế chứng minh, nếu tự ứng cử và trúng cử thì đại biểu đó chuyên tâm, có trách nhiệm cao và hoạt động hiệu quả. Cách đây hơn 10 năm, ông Đặng Văn Khoa, người tự ứng cử duy nhất trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân Tp.Hồ Chí Minh, trong thời gian công tác của mình, cứ mỗi kỳ họp, các đại biểu và người dân Thành phố lại nghe ông đặt ra nhiều nội dung, chất vấn những vấn đề đang đặt ra trong thực tế, đang bức xúc trong dư luận, với những dẫn chứng sôi động và cụ thể. Trong lần bầu cử Quốc hội khóa XIII sắp tới, mong có nhiều Đặng Văn Khoa như thế.

Người đại biểu Quốc hội là cầu nối giữa nhân dân và cơ quan quyền lực cao nhất. Do đó, khi tiếp xúc với cử tri đại biểu cần ghi nhận những tâm tư, nguyện vọng, cả những bức xúc chính đáng của người dân về cơ chế, chính sách, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước trên thực tế. Qua đó, kiến nghị đúng bộ, ngành, cơ quan có liên quan khắc phục hoặc tham mưu tháo gỡ những khó khăn, tìm giải pháp; đại biểu không được né tránh các ý kiến của cử tri. Vì mỗi ý kiến có trách nhiệm của cử tri đều có giá trị phê bình mang tính xây dựng cho một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân.

Sáng suốt lựa chọn các đại biểu đủ đức, đủ tài gánh vác công việc trọng đại của đất nước thông qua hoạt động của các nhiệm kỳ Quốc hội là hết sức quan trọng và cần thiết.

Mặt khác, cũng cần tăng cường khuyến khích các đại biểu tự ứng cử vào Quốc hội; nhưng trước khi tự ứng cử phải tự xét mình có đủ trình độ, đạo đức và sức khỏe để làm đại biểu cho cử tri và nhân dân hay không? Khi mỗi đại biểu tự ý thức đầy đủ về vai trò, vị trí, trọng trách, khi cơ cấu đại biểu được bầu vào Quốc hội hợp lý thì tin chắc rằng bầu cử Quốc hội khóa XIII sắp tới sẽ thực sự thành công tốt đẹp. Lúc ấy Quốc hội sẽ đủ mạnh để làm nhiệm vụ bảo vệ lợi ích của cử tri và đủ thực lực để xứng đáng là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước, quyết định những vấn đề liên quan đến quốc kế, dân sinh, vận mệnh của cả quốc gia, dân tộc.

Phản hồi (1)

toan 19/08/2011

Hay.

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất