Tiếng vọng từ ngã ba Đồng Lộc
Từ đầu 4-1968 địch tập trung đánh phá tuyến đường này và ngày 20-4 đường số 1 bị cắt đứt tại đoạn từ cầu Thượng Gia đến Cổ Ngựa thuộc xã Tiến Lộc. Ngã Ba Đồng Lộc thành nơi duy nhất để con đường vận tải chiến lược đi qua và trở thành điểm đọ sức chiến lược giữa ta và địch. Ròng rã 7 tháng trời, Đồng Lộc rung chuyển vì bom đạn, trên 50 ngàn quả bom, không kể Rốc-két và đạn 20 mm đã trút xuống nơi đây. Bình quân mỗi tháng chúng đánh 28 ngày, ngày đánh nhiều nhất là 103 lần với trên 800 quả bom các loại xuống cái ngã ba nhỏ bé này. Hố bom chồng chất, đất đá cày đi xới lại.
Nếu cái ngã ba này bị cắt đứt thì hàng binh đoàn, hàng ngàn ô tô vận tải sẽ dồn ứ lại, thành mồi cho máy bay Mỹ. Ngày ngày, khi màn đêm vừa buông xuống, hàng ngàn, hàng ngàn TNXP, bộ đội công binh, công nhân quốc phòng… ùa ra phá bom nổ chậm, san lấp hố bom, dẫn đường cho xe vượt tuyến. Không một chiếc xe, một người nào được có mặt giữa ngã ba khi trời đã sáng. Có mặt ở ngã ba này giữa ban ngày đồng nghĩa với đón nhận cái chết!
Ngày 24-7-1968, để kịp cho xe thông đường, Tiểu đội nữ 4 TNXP thuộc Đại đội 2 Tổng đội TNXP 55 của tỉnh Hà Tĩnh đã quyết định san lấp hố bom giữa ban ngày. Với những cô gái trẻ từng lăn lộn ở “ túi bom” thì cũng là chuyện thường thôi. Buổi chiều, máy bay Mỹ liên tục đến trút bom, 3 lần họ đã bị bom vùi lại rũ đất đứng dậy, tiếp tục đào đất, bê đá san lấp hố bom. Cho đến 16h, trận oanh tạc lần thứ 15, một quả bom tấn đã rơi trúng vào chỗ mười cô gái đang làm việc. Tiếng nổ  dữ dội, chát chúa, đất đá tung toé, khói bom mù mịt, đen ngòm trùm lên cả đội hình mười cô gái.  Một phút, ba phút, năm phút, đài quan sát không thấy ai đứng dậy. Tốp nữ TNXP Tiểu đội 5 ở phía sau chạy ào lên, bộ đội, nhân dân lao ra gọi tên từng người. Nhưng trước mặt chỉ là một hố bom sâu hoắm. Suốt đêm hôm đó và cả ngày hôm sau, đồng đội đã đào bới tìm kiếm được thi hài 9 chị. Chỉ còn
chị Hồ Thị Cúc là không tìm thấy. Mọi người muốn họ yên nghỉ trong đội hình tiểu đội nên cố chờ đợi. Mãi cho đến sáng ngày thứ ba mới tìm thấy Cúc dưới bao nhiêu đất đá trên đồi Trọ Voi. 10 chiếc quan tài gỗ tạp đơn sơ xếp thành hàng đặt bên nhau trong đồi Bãi Dịa, bát hương làm bằng thân cây chuối. Và hoa mua, hoa sim trên đồi Can Lộc toả hương bên linh hồn trắng trong của họ.

Đứng trước 10 nấm mồ, tôi như thấy vọng lên từ hố bom  nơi Ngã Ba Đồng Lộc lời nhắn gửi của mười cô gái yêu nước, yêu đời:   
Mình là Võ thị Tần nếu còn sống năm nay mình trên 60 tuổi. Một cô gái xinh xắn vui vẻ, cởi mở, vô tư. Mình là một tiểu đội trưởng dũng cảm, tiểu đội chúng mình luôn xứng đáng là lực lượng chủ công, cánh chim đầu đàn. Trước lúc hy sinh 6 ngày mình đã viết thư gửi mẹ. Mẹ lo cho mình nhiều lắm và lúc nào mình cũng thương nhớ mẹ vô cùng. Mình thưa với mẹ và nói với chính mình “Bom đạn của chúng nó có thể làm rung chuyển núi rừng nhưng không có thể làm rung chuyển được trái tim của chúng con”. Nhiều lần mình tâm sự cùng đồng đội: “Chiến trường không thể thiếu đạn, thiếu gạo một ngày, một giờ đựơc. Chúng mình phải mở đường máu cho xe vào mặt trận. Vào đây sự sống và cái chết chỉ có trong gang tấc. Vì sự sống con đường, để ngày thống nhất Nam Bắc đến gần hơn, chúng mình chẳng sợ hy sinh”. Mình thương anh Hồng lắm, người con trai cùng làng hiền lành, khoẻ mạnh. Anh vào bộ đội còn Tần vào TNXP. Đêm chia tay chúng mình chỉ biết cầm tay nhau khóc và hẹn nhau ngày chiến thắng sẽ làm lễ vu quy. Chiến tranh kết thúc, anh trở về thì người yêu không còn nữa. Mãi sau nguôi ngoai, anh mới đi xây dựng gia đình. Hôm chuyển hài cốt mình cùng đồng đội về khu di tích, anh Hồng xin đựơc tự tay đưa hài cốt người yêu vào chiếc tiểu sành. Xong việc, anh ôm mình trong vòng tay và khóc nức nở. Anh Hồng ơi! Tất cả tình cảm và việc làm của anh, em đều cảm nhận đựơc hết. Từ cõi vĩnh hằng em luôn cầu chúc cho anh hạnh phúc.
Mình là Hồ Thị Cúc, quê mình ở bên con sông Ngàn Phố nước trong xanh. Một tuổi mồ côi cha, bốn tuổi mẹ đi lấy chồng, tuổi thơ của mình chịu nhiều tủi cực đắng cay.  Như bao cô gái khác, mình đi TNXP chống Mỹ. Với cương vị tiểu đội phó, mình đã cùng chị Tần chỉ huy tiểu đội bám trụ chiến đấu, bảo đảm thông đường 15A trên trận địa ngã ba Đồng Lộc. Trong trận bom thù hôm đó, mình bị đất đá vùi kín trong tư thế đang ngồi, đầu vẫn còn đội nón, bên cạnh là chiếc cuốc. Mình không cựa quậy được, chỉ còn cách dùng đôi tay bới đất, đôi lúc mình nghe rõ tiếng đồng đội đang gọi mình, mình hét lên, hét lên. Vô hiệu. Mình lả dần đi trong lòng đất tối om. Biết là đang đến cõi chết mà không thể nào thoát được!
Mình là Nguyễn Thị Nhỏ, bằng tuổi chị Tần. Cảnh đời cũng tương tự như chị Cúc, bố mẹ mất sớm, chị gái nuôi Nhỏ. Chị gái đi lấy chồng, chồng chị là bộ đội nên chị vẫn ở lại quê nhà nuôi Tần. Chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ ngày một ác liệt, mình gia nhập TNXP. Vào TNXP, mình mới chập chững tuổi dậy thì, cả tiểu đội ai cũng khen mình ngày một xinh hơn. Lúc rỗi rảnh  lấy gương ra soi trộm và tự mỉm cười. 24 tuổi mình đi vào cõi chết mà chưa một lần được cầm bàn tay ấm nóng của một người con trai. Xót xa đấy nhưng lòng thanh thản.
Mình là Dương Thị Xuân, quê Đức Thọ, công nhân Nhà máy đường sông Lam. Nhiều lúc mình nhớ đến nôn nao cái nhà máy dưới chân núi Thành, bên ngã ba sông, nhớ cái khu tập thể đơn sơ bên sườn núi đất, nhớ người con trai cùng làng tên là Tân đến thế. Tình cảm của mình với anh như bờ bến sông Lam, mới bắt đầu mà đã thầm hẹn ước. Nếu giặc Mỹ không đánh phá nhà máy của mình thì mình giờ đã nghỉ hưu rồi, đã có con có cháu với người mình yêu dấu.
Mình là Võ Thị Hợi, quê mình đẹp lắm, có dãy Hồng Lĩnh quanh năm mây vờn gió núi, có mái chùa Hương Tích cổ kính từ ngàn xưa. Hồi nhỏ mình cùng đám bạn bè chăn bò trên những bãi cỏ biếc xanh dưới chân núi Hồng. Đám bạn ấy nhiều đứa bây giờ nhà cửa con cháu đề huề, hạnh phúc. Quê hương Hà Tĩnh của mình giờ đổi mới diệu kỳ. Từ cõi thẳm sâu, mình thấy mừng cho chúng bạn,  mừng cho quê hương, thấy sự ra đi của mình có ý nghĩa xiết bao.
Mình là Nguyễn Thị Xuân, tự hào có người cha là đảng viên từ những năm Đảng ra đời. Nhiều lúc Xuân da diết nhớ cây mít dai đầu ngõ múi to ngọt như đường phèn, nhớ những giây phút đi học về sà vào lòng mẹ. Xuân quen anh Vĩnh trên một bãi bom nổ chậm, sau lần chạy vào hầm trú ẩn, Xuân đánh rơi chiếc túi xách nhỏ. Tan báo động thì anh đột ngột xuất hiện và trả chiếc túi cho mình. Cũng từ đó… Anh là lính trong đội công binh phá bom. Tiếc là ngay hôm sau, anh đã cùng đơn vị lên đường đến trận địa mới. Anh viết cho mình nhiều thư lắm, ôi những lá thư còn khét mùi bom đạn giặc nhưng chan chứa tình yêu thương. Nhiều đêm mình nằm mơ nói mớ về anh. Sau càng thương anh hơn khi biết anh bao lần bị mảnh bom đạn địch. Tất cả còn là trong kỷ niệm mà thôi !
Mình là Trần Thị Hường. Cha đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp năm mình 4 tuổi, cũng năm ấy mẹ mình có mang em gái. Rồi mẹ đi lấy chồng, mình và em phải về ở với ông bà ngoại. Trong tiểu đội, mình được mệnh danh là “chim sơn ca” vì có giọng hát hay, quyến rũ. Hường chẳng bao giờ quên những giây phút cả tiểu đội quây quần bên nhau mà hát. Những bài hát át tiếng bom gầm còn vang mãi đến mai sau.
Mình là Hà Thị Xanh, quê Đức Thọ, hiền lành ít mồm ít miệng nhưng bù lại có cái sức vóc khoẻ mạnh, việc gì cũng chăm chỉ, xốc vác. Tuổi ngoài đôi mươi ra đi không chút bận tơ lòng.
Mình là Trần Thị Rạng, sinh ra trên một xóm chài quanh năm sông nước, tuổi thơ buồn vui với dòng nước sông La.  Rạng chứng kiến bao trận bom đạn địch dội xuống bến đò Hào quê hương. Căm thù quân xâm lược, Rạng xin mẹ cha lên bờ, tình nguyện vào TNXP và đi vào cõi chết khi vừa tròn 18 tuổi.
Còn mình là Võ Thị Hà - em út của tiểu đội. Mình sinh ra bên dòng sông La thơ mộng và tuổi thơ từng gửi bao mộng mơ lên những cánh buồm xuôi về Vinh hay ngược lên Linh Cảm. Nhưng bao mộng mơ thời con gái đã khép lại mãi mãi cùng tuổi 17 của mình.

Trong âm vang đồng vọng từ mười cô gái bên nhau trong lòng đất, tôi ngước nhìn lên đồi Trọ Voi bỗng thấy màu xanh rừng thông dày đậm đến thế, nhìn xuống chân dãy núi Trà Sơn vàng rực một màu lúa chín, thấy bình thản đàn bò vàng đang uống ánh chiều tươi và cả một đoàn xe đưa khách thăm Ngã ba Đồng Lộc nối đuôi nhau trên đường 15 láng trong màu đá mịn màng. Bỗng thấy từ sâu thẳm những hố bom nay đã lành da thịt vọng lên những tiếng cười khúc khích, vui tươi, nhí nhảnh và ánh mắt nhìn mướt xanh của bao cô gái, chàng trai tuổi đôi mươi...

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất