Những vần thơ tri ân
Có thể khẳng định mỗi trang sử vẻ vang oanh liệt của dân tộc ta đều gắn với những kỳ tích, công lao của các thế hệ liệt sĩ, thương binh - những  người con  sẵn sàng nhận những mất mát, đau thương và cả cái chết để giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc. Đó là những  người có công lớn nhất. Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta đã có nhiều hình thức, nghĩa cử tri ân những con người “có công lớn nhất” ấy. Trong đó, đáng quý biết bao là những dòng thơ tri ân các thương binh, liệt sĩ.

Lịch sử mấy nghìn năm của dân tộc ta là lịch sử mấy nghìn năm chống giặc ngoại xâm, gần đây nhất là hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Trong những cuộc đấu tranh sinh tử với kẻ thù, nhiều chiến sĩ cách mạng đã anh dũng hy sinh. Sự hy sinh anh dũng đó đã gây nên muôn vàn tiếc thương và cảm phục ở đồng chí, đồng bào. Các chiến sĩ cách mạng đều khảng khái, kiên cường, cho đến giây phút cuối cùng vẫn còn vạch mặt, tiến công kẻ thù. Sự hy sinh của các đồng chí Trần Phú, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Đức Cảnh, Tô Hiệu v.v. mãi là tấm gương sáng cho đời sau. Tâm hồn cao cả và nghĩa khí tuyệt vời của các liệt sĩ đã hòa vào khí thiêng sông núi và muôn đời bất tử. Thơ cách mạng, nhất là những vần thơ của các chiến sĩ cộng sản, đã ghi lại nhiều hình ảnh xúc động về cái chết của những con người sống mãi. Bài thơ Khóc đồng chí Nguyễn Đức Cảnh của người chiến sĩ cộng sản Đặng Xuân Thiều đã đưa người đọc vào một không khí thiêng liêng, xót xa thương tiếc, cảm phục và biết ơn những chiến sĩ đã hy sinh vì nghĩa lớn: “Bóng dương qua lại tần ngần / Xuân thu rầu rĩ thay làn cỏ xanh / Đâu nắm đất vô danh tử sĩ / Giọt mưa rơi rủ rỉ lá vàng / Đảng viên cộng sản Đông Dương / Bỏ mình vì nghĩa giữa đường hôm qua / Sông núi hỡi vòng hoa thiên cổ/ Phủ cho người nấm mộ thời gian / Nổi lên táp biển mưa ngàn/ Sóng gào gió thét xua tan thảm sầu”.
Câu chuyện về cuộc đời hoạt động của đồng chí Nguyễn Phong Sắc cũng đem lại nhiều bài học về tinh thần đấu tranh cách mạng. Sự hy sinh của đồng chí đã gây lòng tiếc thương và cảm phục sâu sắc: “Hoa cỏ rủ buông màu rờn rợn / Núi sông nghiêng chào đón hồn anh / Những người chết bởi giang sơn / Gió muôn chiều rộn cung đàn tiễn đưa” (Khuyết danh).
Tháng 11-1940, cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ bị thực dân Pháp dìm trong biển máu. Sau cuộc khởi nghĩa, chúng đã xử tử một số nhà lãnh đạo của Đảng như đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Thị Minh Khai, Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần… tại trường bắn Bà Điểm (ngày 28-8-1941). Trước cái chết, những chiến sĩ cộng sản vẫn bình tĩnh, ung dung và tin vào ngày chiến thắng. Khí tiết đó đã đi vào trong những vần thơ của cố nhà thơ Tố Hữu:
“Các anh chị bước lên đài gươm máy / Đầu sắp rơi mà môi vẫn cười tươi / Chỉ còn đây một giây sống nữa thôi / Mà mắt đó vẫn trông đời bình thản” (Quyết hy sinh -Tố Hữu).
Đẹp đẽ, tự hào thay hình ảnh của những người chiến sĩ cách mạng - những người không hề lùi bước, không chút dao động trước những hy sinh chồng chất. Đối với họ thì “Tù lao, máy chém, chiến trường / Dẫu tan nát thịt còn vương vấn hồn / Chết nằm xuống còn hôn cờ Đảng / Chết còn trao súng đạn, quên đau / Chết còn trút áo cho nhau / Miếng cơm dành để người sau ấm lòng” (Tố Hữu).

Tôi đã từng đọc và rất thích thú, cảm phục những trang viết của người cộng sản, nhà thơ cách mạng Trần Huy Liệu. Có thể nói, Trần Huy Liệu là nhà thơ cách mạng giàu tình cảm, đặc biệt là tình cảm dành cho những người đã hy sinh vì nước, vì dân. Năm 1941, ở Sơn La, ông đã đòi đi phá rừng cho kỳ được, không phải là để chặt cây, đốn củi cho thực dân Pháp, mà để có dịp viếng thăm Gốc Ổi, nơi thực dân Pháp dùng để chôn những người tù chính trị đã chết ở Sơn La. Từ Gốc Ổi ra về, ông đã có những vần thơ đến quặn thắt lòng: “Tôi dến thăm đây một buổi chiều / Mầu trời đùng đục gió hiu hiu / Bờ tre núm đất lô nhô mọc / Phủ tấm màn thâm của núi đèo /…/ Điểm lại người nằm dưới đất đen / Bốn ba chiến sĩ lạ và quen / Đã từng tranh đấu bao oanh liệt / Cho đến hơi cùng: chịu ngủ yên …/…/ Nhưng này chiến sĩ của ta ơi / Sứ mạng thiêng liêng bạn trọn rồi / Trên bước đường xa người nối gót / Vầng đông le lói một phương trời / Rồi một ngày kia xã hội thay / Vườn đời tươi tốt cỏ hoa đầy/ Nơi đây ghi lại bao thương nhớ / Bạn sẽ cười vang dưới khóm cây” (Qua thăm Gốc Ổi).

Tôi cũng đã từng đọc những trang viết của đồng chí Lê Đức Thọ - nguyên là Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, một người cộng sản yêu thơ, làm nhiều thơ ngay từ khi còn bị giam cầm trong lao tù đế quốc. Tôi cảm phục ông vì trong những vần thơ như có cánh, có một góc ông dành riêng cho những người đã hy sinh vì đất nước. Trên đường ra tiền tuyến, đi qua những cánh rừng, nơi có những nấm mồ của các chiến sĩ vô danh, ông đã xúc động thốt lên rằng: “Giữa rừng nắm đất còn tươi / Mồ ai mưa gió, ai người viếng thăm / Anh vui giấc ngủ ngàn năm / Thương anh ngày tháng hờn căm chất chồng …” (Mồ chiến sĩ không tên). Đến với “Khúc ruột miền Trung”, ông nhớ đến những người đã ngã xuống nơi đây, nhớ đến mẹ Suốt anh hùng: “Giữa làn bom đạn xông pha / Thương con, thương nước thiết tha cháy lòng” và trong sâu thẳm của tâm hồn mình, ông bày tỏ nỗi niềm “Nhớ mẹ”: “Đò xưa vắng bóng mẹ rồi / Nhìn sông nhớ mẹ ngậm ngùi xót xa / Quân thù đã giết mẹ ta / Một đêm mưa gió máu hòa dòng sông / Mẹ về với những chiến công / Ghi trang sử đẹp anh hùng Bảo Ninh”. Ông đã từng trải qua những ngày tháng bị giam cầm tù ngục, đã nếm trải, chứng kiến những ngón đòn độc hiểm của kẻ thù. Nhiều đồng chí của ông đã anh dũng hy sinh. Ông thương cảm xót xa bày tỏ: “Bạn đã hy sinh trọn một đời / Cành hoa sớm héo giữa ngày tươi / Rừng xanh còn dấu vừng trăng giãi / Lòng vẫn còn in vết hận đời” (Hận rừng xanh).

Đến với những vần thơ tri ân nghĩa tình này, tôi đã từng đọc đi đọc lại rất nhiều lần những vần thơ xúc động của cố Tổng Bí thư Trường Chinh. Cũng như Hồ Chủ tịch, ông là người lãnh đạo cấp cao của Đảng rất quan tâm đến thế hệ trẻ. Với thế hệ trẻ, ông muốn nói nhiều đến lẽ sống đẹp mà những chiến sĩ cách mạng trước kia đã tìm đến và thế hệ hôm nay phải bảo tồn, phát triển. Vì thế, khi nghĩ đến người em vừa hy sinh ngoài mặt trận, ông đã bày tỏ sự xót xa đau đớn và chân thành cảm phục: “Người ta ai cũng chỉ sống một lần / Em đã hiểu thế nào là sống cho ra sống / Giờ đây / Trên mồ em / Ngày dệt nắng vàng; đêm trăng đan bóng / Chim rừng, gió núi sẽ ru cho em ngủ / Bốn mùa hoa nở / Sực nức hương thơm”. Những tấm gương sáng ấy mãi mãi gây xúc động và đem lòng kính yêu cho nhiều thế hệ.
Vấn đề sống và chết, chia ly và đoàn tụ, tưởng như không thể hòa hợp với nhau, nhưng những người chiến sĩ cách mạng khi đã đặt quyền lợi của dân tộc lên trên thì những đối lập ấy lại trở nên thống nhất. Nhiều sáng tác của ông đã đề cập đến những mối quan hệ trên. “Viếng mộ anh Hoàng Văn Thụ” là một trong những bài thơ tiêu biểu về tình bạn bè đồng chí và nghĩa tử sinh. Đến viếng mộ người bạn chiến đấu thân thiết của mình, ông đã có những câu thơ bình dị, thật thà và chân thành nhất: “Hôm nay đứng trước mộ anh / Bùi ngùi nhớ lại / Những năm tháng cùng nhau bôn ba xuôi ngược / Tuyên truyền cổ động, chinh phục lòng người / Nhớ những khi ấp ủ giữa lòng dân / Chia bát cơm khoai, bẻ đôi củ sắn / Nhớ những phen thoát vòng vây địch / Ngủ bờ, ngủ bụi, vượt mọi chông gai/.../ Hôm nay viếng mộ anh / Bao ký ức của những ngày gian khổ dãi dầu /Đã tràn ngập lòng tôi trong giây phút !”.

Kể sao cho hết những trang viết chân thực và xúc động về người chiến sĩ. Những trang viết như tiếp thêm sức mạnh giúp chúng ta biết sống “uống nước nhớ nguồn”; biết khắc sâu đạo lý nhân văn “ăn quả nhớ người trồng cây”; nhắc nhở chúng ta ghi nhớ công lao của những con người đã:
“Trải tấm lòng son vì đất nước / Đem dòng máu đỏ giữ quê hương”.
Vâng, “Đất nước lớn vì nhân dân anh hùng / Nhân dân lớn vì tấm lòng yêu nước / Người đang sống nhớ thương người đã khuất / Khắc đá làm bia dựng giữa đất trời” (Đời đời ghi nhớ - Viễn Phương).
                            
--------------------------------
Tài liệu tham khảo: Tập “Phê bình- Bình luận văn học”, NXB Văn nghệ, TP. HCM. 1999.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất