Từ văn hóa nhậu đến tư cách người đảng viên
Nhậu cũng nên có nét văn hóa trong đó

Nhậu - một từ dân dã đã quá quen thuộc từ khi nào không rõ, là môi trường để người ta hỉ, xả, ái, ố với nhau... Tưởng vậy chứ có nhiều điều để nói về chuyện nhậu mang “yếu tố văn hóa”, nhất là khi đời sống vật chất, thu nhập nhiều người ngày càng được nâng cao...  

Hiểu một cách đơn giản thì nhậu là chuyện người ta uống bia và có ít nhất hai người trở lên để đối ẩm. Không mấy ai ngồi uống rượu một mình mà lại kêu là nhậu cả và càng đông bạn nhậu thì cuộc nhậu càng vui. Đã vui thì rôm rả, ồn ào,…  Rồi quá một chút thì hò hét, hát ca, nghiêm trọng hơn là lời qua tiếng lại, chai, ly bay, thượng cẳng tay hạ cẳng chân và đích đến cuối cùng có khi là bệnh viện, trại giam…  

Ở đây, xin bàn chuyện nhậu của các đối tượng “người nhà nước” mà trong đó có không ít đảng viên, những người ít có “nguy cơ phạm tội” từ các cuộc nhậu hơn cả. Nhưng không phải vì thế mà lúc nào cũng ôn hòa, lịch lãm hơn trong các cuộc nhậu dân dã khác. Phổ biến nhất là chuyện phát ngôn bừa bãi trong cuộc nhậu. Nào là chuyện cơ quan, chuyện nhà nước, chuyện sếp, chuyện chị em… Xấu tốt, dở hay lẫn lộn. Sau khi nạp đủ độ cồn là người ta có thể nói “thả dàn”. Rượu vào, lời ra là chuyện khó tránh khỏi, nói chuyện vui, chuyện tiếu lâm, hát hò thì cũng là chuyện thường tình khi đã hưng phấn. Nhưng nói cả những chuyện đáng lẽ chỉ dành cho những cuộc họp hay chốn riêng tư thì không nên, nhất lại là ở chốn đông người như các quán nhậu, nhà hàng.  

Thứ hai là chuyện “ép uống”. Đã có không ít người, mỗi khi được mời nhậu mà nghe có mặt của những nhân vật có tính “thích ép” là tìm cách từ chối khéo. Khả năng uống (tửu lượng) của mỗi người mỗi khác, sức có khi khỏe khi không mà cứ tham gia nhậu là bị ép uống thì sớm muộn cũng tìm cách từ chối ở những lần sau. Đó là chưa kể cái nạn “uống phạt” vì đến muộn. Trong cuộc nhậu, để đối phó với tình trạng bị ép uống, đã xuất hiện đủ hình thức không trung thực, nào là tìm cách đổ xuống đất, tráo ly, pha nước ngọt, nước khoáng để qua mặt người khác…  

Một tình huống hay gặp nữa là trong cuộc nhậu tại các quán đông khách, hay gặp “khách không mời” mà đến mời cụng ly. Những người có “vai vế” một chút là hay “được” người khác tìm đến “chúc” nhất. Người lịch sự một chút thì tùy lòng, uống bao nhiêu cũng được, miễn là có đáp từ, người “quên” lịch sự thì đề nghị, thậm chí là ép phải uống hết mới chịu... bắt tay và về lại vị trí cũ. Có những vị đến chúc không chỉ một lần mà 2-3 lần. Không may trong lần nhậu nào đó mà gặp quá nhiều người quen như vậy thì quả là vất vả. Đó là chưa kể những bậc mày râu thấy bàn nhậu có phụ nữ là thường xuyên lui tới bắt cụng, bắt uống cho bằng được, mặc dù chị em đã lịch sự từ chối…  

Nói lên những điều này không phải để đả phá, tẩy chay việc nhậu. Thỉnh thoảng gặp bạn bè, đồng nghiệp, rồi tiếp khách làm ăn... uống vài ly bia, dă ba chén rượu cũng là thường tình. Nhưng uống để thừa mứa thức ăn, để phát ngôn bừa bãi, con người bệ rạc, mất tư cách là điều không nên! Cái quan trọng là thật tình với nhau, lượng sức mình mà đối ẩm. Đã chân thành thì có uống ít cũng vui, ai uống được bao nhiêu tùy sức, tùy khả năng của mỗi người, không cần lúc nào cũng phải uống cho lon đầy bàn, chai đầy đất mới là đáng mặt nam nhi! Hơn nữa, nếu quý mến, tôn trọng nhau thì cũng không nên tìm cách buộc người khác phải nạp vào cho nhiều bia rượu để rồi họ phải lãnh hậu quả về sức khỏe, cũng như những rủi ro không mong muốn có thể gặp phải...

Thiết nghĩ, với các cuộc nhậu cũng nên có nét văn hóa trong đó, đặc biệt là trong cán bộ, đảng viên. Sôi động, vui vẻ nhưng không bê tha, sát phạt nhau trên bàn tiệc. Quan trọng là phía sau mỗi cuộc nhậu là sự thoải mái về tư tưởng, dễ chịu về thể xác và trên hết là thể hiện được sự tôn trọng của mỗi người dành cho nhau.

Phản hồi (2)

chauthu 23/03/2011

Rất cảm ơn tác giả đã nói hộ điều rất muốn nói của nhiều người, nhất là chị em phụ nữ công sở như chúng tôi. Thật là khó xử khi bị ai đó ép phải hết ly, hết lon, nhất là trước mặt sếp, và là ban bè của sếp mời. Vì nhiều vị vẫn cho rằng có hết ly, hết lon mới là kính trọng thật sự và mới là có "bản lĩnh", "đáng mặt", là "được việc". Họ quên mất sau buổi tiệc là gì: tư cách, sức khỏe,công việc gia đình; và nguy hiểm hơn có thể đe dọa đến tính mạng vì ai mà chẳng phải rời quán nhậu sau buổi tiệc. Riêng tôi, từ trước tới nay vẫn khâm phục những người "không dễ dàng bị ép". Còn việc nói năng trên bàn nhậu thì đúng là nếu "ngơ ngơ, ngây ngây" thì nhiều khi không hiểu các vị đang nói gì. Người nào tâm lý một tí cũng đỏ mặt. Mong bài viết của tác giả làm nhiều người ngẫm lại!

quanghuy 17/03/2011

Tit bai nay kha hap dan. Dung la van de thuong gap hien nay. Ngay nao cung co, quan nao cung co va...khong it dang vien roi vao tinh trang nay! Co le can xem xet lai tu cach dang vien.

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất