Phát triển tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước

                               BÀI 1: HẠT GIỐNG ĐẦU TIÊN

Năm 1989, Xí nghiệp Dệt nhuộm in hoa xuất nhập khẩu Hương Sen (tiền thân của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hương Sen hiện nay) đi tiên phong trong cả nước thành lập Chi bộ Đảng. Đồng hành cùng sự phát triển của doanh nghiệp, tổ chức đảng nơi đây đã thực sự phát huy vai trò hạt nhân chính trị, đảng viên luôn gương mẫu, đi đầu thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh.

Gieo hạt giống

Đến bây giờ, Nghệ nhân, Anh hùng Lao động Trần Văn Sen, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Hương Sen vẫn còn nhớ như in ngày đầu thành lập Chi bộ đảng trong doanh nghiệp. Ông kể: Năm 1989, Xí nghiệp Dệt nhuộm in hoa xuất nhập khẩu Hương Sen có 3 đảng viên là Phó Giám đốc Đỗ Văn Vẻ, còn một đảng viên là lái xe, một đảng viên nữa là bảo vệ. Mặc dù làm việc trong Xí nghiệp nhưng họ vẫn chưa yên tâm và hỏi tôi sẽ sinh hoạt đảng ở đâu. Với mong muốn có tổ chức đảng trong doanh nghiệp, tôi quyết định viết đơn đề nghị Huyện ủy Hưng Hà cho phép thành lập Chi bộ Đảng. Ngày ấy, việc thành lập doanh nghiệp tư nhân đã là hướng đi táo bạo còn chuyện thành lập Chi bộ Đảng thì chưa có tiền lệ nên Ban Thường vụ Huyện ủy Hưng Hà phải họp bàn rất nhiều, xin ý kiến tỉnh, báo cáo Ban Tổ chức Trung ương. Cuối cùng, Ban Tổ chức Trung ương cử 1 đoàn cán bộ về Thái Bình nghiên cứu tình hình và đồng ý thành lập Chi bộ Đảng tại Xí nghiệp, đây cũng là Chi bộ Đảng trong doanh nghiệp tư nhân đầu tiên của cả nước. Đồng chí Đỗ Văn Vẻ, Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Hương Sen, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh kể lại: Ngày ấy, tôi là Bí thư Chi bộ và để duy trì hoạt động của Chi bộ rất khó khăn bởi Chi bộ ra đời chưa có tiền lệ, chưa có hướng dẫn mô hình, cách thức hoạt động. Tôi phải tự mày mò nghiên cứu xây dựng Quy chế làm việc của Chi bộ và viết nghị quyết đầu tiên.

Nghệ nhân, Anh hùng Lao động Trần Văn Sen chia sẻ thêm: Chặng đường từ một xí nghiệp tư nhân nhỏ bé trở thành một tập đoàn kinh tế lớn mạnh như hiện nay, Hương Sen phải trải qua muôn vàn khó khăn, thử thách. Tác động của những rào cản từ cơ chế chính sách, khó khăn về vốn, thị trường tiêu thụ… có những thời điểm tưởng chừng như doanh nghiệp đứng bên bờ vực phá sản. Thế nhưng những lúc đó, đảng viên lại là những người đi tiên phong hiến kế, đồng cam cộng khổ cùng chủ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thử thách. Vì vậy, tôi luôn trân trọng và coi tổ chức đảng là chỗ dựa của mình.

Gặt thành công

Chi bộ đảng ban đầu chỉ có 3 đảng viên, đến nay Đảng bộ Công ty Cổ phần Tập đoàn Hương Sen có 4 chi bộ với 68 đảng viên. Luôn lấy nhân tố con người là yếu tố quan trọng hàng đầu thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển nên ngoài tổ chức đảng, Công ty còn thành lập các tổ chức: công đoàn, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh… chăm lo đời sống, bảo đảm quyền lợi cho người lao động nên họ yên tâm gắn bó với doanh nghiệp. Bí thư Đảng ủy Đỗ Văn Vẻ cho biết thêm: Đảng ủy xây dựng Quy chế hoạt động, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, lề lối làm việc và mối quan hệ giữa Đảng ủy với Hội đồng Quản trị, Tổng giám đốc. Những vấn đề lớn, tầm chiến lược liên quan đến sự phát triển của doanh nghiệp đều được tập thể Đảng ủy, Hội đồng Quản trị và Tổng giám đốc thảo luận, thống nhất quyết định trên tinh thần thẳng thắn, dân chủ, trách nhiệm. Trung bình mỗi năm, Đảng bộ kết nạp 6 đảng viên. Các chi bộ sinh hoạt đều đặn vào ngày mùng 3 – 5 hàng tháng. Đảng viên đi sinh hoạt đảng được chấm công, đi học bồi dưỡng được phụ cấp. Tổ chức đảng trong doanh nghiệp đã phát huy dân chủ, xây dựng mối quan hệ thân thiện nhưng vẫn bảo đảm nền nếp, kỷ cương, lãnh đạo các tổ chức đoàn thể tăng cường giáo dục, vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên nêu cao tinh thần trách nhiệm trong lao động sản xuất.

Ở Công ty Cổ phần Tập đoàn Hương Sen hiện nay, hầu hết các đảng viên đều được bố trí vào các vị trí chủ chốt. Anh Trần Văn Hội là đảng viên trẻ, đồng thời là Bí thư Chi bộ Công ty TNHH Bao bì Hương Sen chia sẻ: Chi bộ được thành lập năm 2012 hiện có 5 đảng viên. Công ty đã tạo mọi điều kiện về thời gian, kinh phí để Chi bộ sinh hoạt đều đặn hàng tháng, các đảng viên đi học nâng cao trình độ nhận thức lý luận chính trị nên ai cũng phấn khởi, tích cực phấn đấu hết mình vì công việc. Nội dung sinh hoạt trọng tâm là bàn các giải pháp cùng với Ban Giám đốc lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, khuyến khích đảng viên, công nhân viên, người lao động phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Người lao động yên tâm, gắn bó với doanh nghiệp, được bảo đảm mức thu nhập và các chế độ khác theo quy định. Thời gian tới, Chi bộ sẽ tiếp tục phát hiện, bồi dưỡng những quần chúng ưu tú để kết nạp Đảng; thống kê, rà soát, vận động đảng viên đang làm việc trong Công ty chuyển sinh hoạt đảng từ nơi cư trú đến sinh hoạt tại Chi bộ để xây dựng tổ chức đảng ngày càng vững mạnh, tất cả vì sự phát triển của doanh nghiệp.

Nhờ có tổ chức đảng song hành cùng với sự phát triển của doanh nghiệp đã giúp cho Tổ hợp Dệt Tân Phương nhỏ bé ở làng quê Phương La xưa kia, nay vươn lên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Hương Sen với nhiều chi nhánh trong cả nước, kinh doanh đa lĩnh vực, ngành nghề. Doanh nghiệp hiện liên kết với nhiều đối tác kinh tế lớn và xuất khẩu sản phẩm đi nhiều nước trên thế giới. Công ty tạo công ăn việc làm cho 700 lao động chính thức với mức lương bình quân 5 - 6 triệu đồng/người/tháng, trên 3.000 lao động tham gia tiếp thị bán hàng trên thị trường và hàng chục ngàn lao động vệ tinh. Công ty luôn phát triển ổn định, doanh thu tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước. 14 năm liên tục, Hương Sen dẫn đầu toàn tỉnh về nộp ngân sách cho Nhà nước, chỉ tính riêng 2 năm 2014 - 2015 bình quân mỗi năm nộp khoảng 650 tỷ đồng, trung bình mỗi ngày nộp gần 2 tỷ đồng. Công ty luôn đi đầu trong các hoạt động nhân đạo, từ thiện, bảo đảm an sinh xã hội.

Từ mô hình tổ chức đảng trong doanh nghiệp tư nhân đầu tiên ở Thái Bình, đến nay cả nước có hơn 3.000 doanh nghiệp tư nhân có tổ chức đảng. Và thực tế hoạt động của tổ chức đảng ở Công ty Cổ phần Tập đoàn Hương Sen khẳng định rất cần có tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, vừa để xây dựng lực lượng chính trị trong giai cấp công nhân vừa định hướng, tạo tiền đề để doanh nghiệp phát triển đi lên trong nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay .

NGUYỄN HÌNH


 

Công ty TNHH Bao bì Hương Sen duy trì sản xuất tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động



                                           BÀI 2: NỖ LỰC LẤP “KHOẢNG TRỐNG”   

Thời gian qua, việc phát triển tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước vẫn còn những “khoảng trống”. Nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, Thái Bình đã có nhiều giải pháp củng cố, phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức đảng, đảng viên ở khu vực này và bước đầu có chuyển biến tích cực.

Một mục tiêu, nhiều giải pháp

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, những năm qua, Đảng ta đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, kết luận chỉ đạo tăng cường phát triển, phát huy vai trò của tổ chức đảng và đảng viên trong doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Ngày 29/7/2010, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá XI) đã ban hành Kết luận số 80-KL/TW về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) về tăng cường công tác xây dựng Đảng, đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Ngày 30-1-2013, Ban Tổ chức Trung ương đã ban hành Hướng dẫn số 17-HD/BTCTW về thực hiện thí điểm việc kết nạp những người là chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng. Thực hiện chủ trương trên, ngày 15/5/2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Đề án số 10 về tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước giai đoạn 2014 - 2020. Đồng chí Nguyễn Thị Nhung Quyên, Trưởng ban Tổ chức Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh cho biết: Thực hiện Kết luận số 80 và Đề án số 10, Ban Chấp hành Đảng bộ Khối doanh nghiệp tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, đề án, thực hiện chương trình phối hợp để phát triển tổ chức đảng và đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Hàng năm, Đảng ủy Khối đưa chỉ tiêu về phát triển tổ chức đảng và đoàn thể chính trị trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước để các cấp cùng phấn đấu thực hiện. Các đoàn thể trực thuộc đã phát động nhiều phong trào thi đua sôi nổi thu hút đông đảo hội viên, đoàn viên tham gia, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, qua đó phát hiện, bồi dưỡng, giới thiệu được nhiều đoàn viên ưu tú vào Đảng. Hàng năm, Đảng ủy Khối cũng đã phối hợp với Sở Công Thương tổ chức gặp mặt lãnh đạo các doanh nghiệp tìm hiểu, bàn giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; tuyên truyền, vận động, thuyết phục chủ doanh nghiệp và công nhân, người lao động về ý nghĩa của việc thành lập tổ chức đảng, đoàn thể đối với việc nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, chăm lo, bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, từ đó tạo sự đồng thuận, ủng hộ việc thành lập tổ chức đảng trong doanh nghiệp. Đảng ủy Khối cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi chuyển sinh hoạt đảng cho đảng viên đang sinh hoạt nơi cư trú đến sinh hoạt ở tổ chức đảng trong các doanh nghiệp. Chú trọng bồi dưỡng, đào tạo và vận động những lãnh đạo doanh nghiệp trẻ tuổi đứng trong hàng ngũ của Đảng và tham gia cấp ủy các cấp, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức đảng và các tổ chức chính trị hoạt động.

Đến 30-6-2016, Thái Bình có 175 tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước với 4.839 đảng viên, tăng 127 tổ chức đảng và 4.226 đảng viên so với thời điểm 30/6/2011. Đảng bộ tỉnh đã lựa chọn, kết nạp mới được 19 đảng viên là chủ doanh nghiệp tư nhân. 5 năm qua, Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp tỉnh đã thành lập mới được 15 tổ chức cơ sở đảng, kết nạp mới trên 1.300 đảng viên; mỗi năm mở 4 lớp tìm hiểu về Đảng và đảng viên mới cho trên 400 quần chúng ưu tú và đảng viên dự bị. Đến nay, Đảng bộ Khối Doanh nghiệp tỉnh có 112 tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp với hơn 3.600 đảng viên.

           
            Phát huy vai trò hạt nhân chính trị

Là một người lính được kết nạp Đảng trong chiến trường nên ông Đào Trọng Tài, Giám đốc Công ty Cổ phần Sao Mai hiểu rõ hơn ai hết niềm vinh dự, tự hào của một người đảng viên, vì vậy năm 2007, ông tự nguyện viết đơn đề nghị thành lập Chi bộ Đảng. Ông bộc bạch: Những năm qua, Chi bộ đã lãnh đạo hoạt động kinh doanh của Công ty đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chi bộ thực hiện tốt quy chế dân chủ trong Đảng và trong doanh nghiệp, lãnh đạo nhưng không áp đặt, phát huy tối đa vai trò của đảng viên, quyền làm chủ, tính tự giác của người lao động. Hầu hết đảng viên ở doanh nghiệp là những người có tấm lòng, làm việc có trách nhiệm, luôn giữ tính tổ chức, tính kỷ luật, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu, nói đi đôi với làm, làm việc theo kế hoạch. Khi đề bạt nhân sự, tôi luôn ưu tiên đảng viên nên hầu hết các đảng viên đều được bố trí, sắp xếp vào những vị trí chủ chốt. Cấp ủy, lãnh đạo doanh nghiệp luôn coi người lao động là tài sản đặc biệt, vốn quý nhất của doanh nghiệp. Do vậy, quần chúng luôn tin tưởng, tích cực học tập, phấn đấu được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Từ 5 đảng viên ban đầu, đến nay Chi bộ có 28 đảng viên, luôn đoàn kết, thống nhất, giúp doanh nghiệp phát triển ổn định. Hiện nay, Công ty tạo việc làm thường xuyên cho gần 500 lao động. 5 năm qua, Sao Mai đều đạt tốc độ tăng trưởng bình quân từ 20 - 25%/năm, thu nhập của người lao động được bảo đảm và tăng từ 10% trở lên/năm. Chị Vũ Thị Huyền, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Cổ phần Sao Mai chia sẻ: Khi vào làm việc ở Sao Mai tôi chỉ là một nhân viên có trình độ sơ cấp dược nhưng được Chi bộ, lãnh đạo doanh nghiệp tạo điều kiện cho đi học nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đến nay tôi có bằng đại học chuyên ngành dược và được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Là một đảng viên tôi thấy thực sự tự hào, thấy mình trưởng thành hơn và tự ý thức sẽ phải nỗ lực hơn nữa học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, gương mẫu trong công việc, xứng đáng với vị trí công tác và vai trò của một người đảng viên.

Tháng 12-2015, Công ty Cổ phần Việt Xô Gas thành lập Chi bộ Đảng. Chị Bùi Thị Yến, Bí thư Chi bộ cho biết: Từ 3 đảng viên ban đầu, đến nay chi bộ có 7 đảng viên và dự kiến đầu năm 2017 sẽ kết nạp thêm 3 đảng viên nữa. Các đảng viên đều trách nhiệm, gương mẫu, tích cực, nhiệt tình trong công việc. Hàng tháng, Chi bộ duy trì nghiêm nề nếp sinh hoạt, các đảng viên phát huy tinh thần dân chủ, tích cực tham gia đóng góp ý kiến đề xuất nhiều giải pháp, sáng kiến giúp Chi bộ, Ban Giám đốc lãnh đạo sản xuất kinh doanh hiệu quả. Hiện nay, nhiều bạn trẻ trong doanh nghiệp tích cực phấn đấu và thiết tha được đứng trong hàng ngũ của Đảng nên Chi bộ đã phân công đảng viên giúp đỡ, phấn đấu mỗi năm kết nạp ít nhất từ 2 đảng viên trở lên, xây dựng tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngày càng vững mạnh. Mặc dù thuộc thành phần kinh tế tư nhân nhưng năm 2006 Công ty Sứ Đông Lâm đi tiên phong thành lập Chi bộ Đảng. Ông Trần Văn Dũng là chủ doanh nghiệp cũng là một trong những chủ doanh nghiệp tư nhân đầu tiên của tỉnh được kết nạp Đảng. Từ Chi bộ phát triển thành Đảng bộ, 10 năm qua, tổ chức đảng luôn giữ vai trò là hạt nhân chính trị cùng Ban Giám đốc lãnh đạo đưa doanh nghiệp phát triển đi lên, mở rộng thị trường tiêu thụ ở nhiều nước trên thế giới. Doanh thu hàng năm của Công ty tăng bình quân 10% trở lên. Những đảng viên có năng lực, kinh nghiệm được bố trí vào những vị trí chủ chốt, luôn hết mình vì công việc. 450 công nhân được bảo đảm việc làm với mức lương 3 - 4 triệu đồng/người/tháng nên rất yên tâm gắn bó với doanh nghiệp.

Từ những điển hình trên đã chứng minh những doanh nghiệp nào quan tâm đến công tác xây dựng Đảng thì vai trò, uy tín của tổ chức đảng và tính tiền phong, gương mẫu của đảng viên được khẳng định, giúp doanh nghiệp phát triển. Hiện nay, nhiều tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn tỉnh đã phát huy vai trò hạt nhân chính trị, làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục người lao động và vận động chủ doanh nghiệp chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và những kiến nghị của người lao động để tham gia với chủ doanh nghiệp giải quyết, bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, góp phần hạn chế những vụ tranh chấp hợp đồng, đình công, lãn công xảy ra trong doanh nghiệp. Một số tổ chức cơ sở đảng đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, tổ chức tốt các phong trào thi đua, đóng góp tích cực vào nguồn thu ngân sách cho tỉnh và sự phát triển của doanh nghiệp.

NGUYỄN HÌNH


Công ty Cổ phần Sao Mai luôn quan tâm, bảo vệ lợi ích hợp pháp của người lao động


Hoàn thiện sản phẩm tại Công ty Cổ phần Việt Xô Gas



                                                BÀI 3: CÒN NHIỀU RÀO CẢN

Mặc dù đã có những chuyển biến tích cực, song hiện nay công tác phát triển tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước vẫn còn nhiều rào cản và gặp không ít khó khăn. Số doanh nghiệp có tổ chức đảng chiếm tỷ lệ rất thấp so với tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Những con số khiêm tốn

    Trong những năm gần đây, nhờ những cơ chế chính sách ưu đãi thu hút đầu tư của tỉnh, các doanh nghiệp trên địa bàn đã phát triển mạnh cả quy mô và số lượng, góp phần quan trọng vào việc giải quyết việc làm cho người lao động, đóng góp ngân sách nhà nước, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng sản xuất nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp, thương mại - dịch vụ. Tính đến ngày 30/6/2016, Thái Bình có 4.925 doanh nghiệp với tổng số 400.000 lao động. Tuy nhiên, toàn tỉnh chỉ có 175 tổ chức cơ sở đảng ở doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước (chiếm 22,7% tổng số cơ sở đảng toàn tỉnh) và 4.839 đảng viên (chiếm 4,6% tổng số đảng viên  trong toàn tỉnh). Thành phố Thái Bình là nơi tập trung lượng lớn số doanh nghiệp hoạt động nhưng số doanh nghiệp có tổ chức đảng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Theo báo cáo của Thành ủy Thái Bình: Tính đến hết tháng 5/2016, toàn Thành phố có 1.130 doanh nghiệp với 13.652 lao động tuy nhiên chỉ có 13 tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước với 109 đảng viên, 72 doanh nghiệp có 85 đảng viên nhưng chưa có tổ chức đảng. Từ năm 2010 đến tháng 6/2016, chỉ có 7/13 tổ chức đảng trong doanh nghiệp tư nhân được thành lập với 25 đảng viên. Huyện Hưng Hà hiện có 220 doanh nghiệp nhưng cũng chỉ có 5 doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước có tổ chức đảng với 83 đảng viên. Toàn tỉnh hiện còn hàng trăm đảng viên đang làm việc tại các doanh nghiệp nhưng chưa có tổ chức đảng nên vẫn sinh hoạt tại nơi cư trú, nhưng đóng góp của những đảng viên này cho tổ chức đảng nơi cư trú rất hạn chế vì phần lớn thời gian lại làm việc tại doanh nghiệp. Theo báo cáo của Liên đoàn Lao động tỉnh: Hiện toàn tỉnh có 1.863 tổ chức công đoàn cơ sở với 100.580 đoàn viên thì chỉ có 406 tổ chức công đoàn ở doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước (chiếm 8,26% tổng số doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước và 21,8% số tổ chức công đoàn toàn tỉnh) với 55.435 đoàn viên. Hiện nay, toàn tỉnh còn 106 doanh nghiệp đủ điều kiện nhưng chưa thành lập tổ chức công đoàn; 6/8 huyện chưa thành lập được hội phụ nữ trong doanh nghiệp. Với số lượng tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước ít như vậy chưa tương xứng với sự phát triển của doanh nghiệp, đồng nghĩa với việc chăm lo đời sống, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động sẽ có những hạn chế, chưa tạo động lực để công nhân lao động quyết tâm phấn đấu đứng trong hàng ngũ của Đảng.

            
            Rào cản từ đâu?

Công tác phát triển đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước vẫn còn gặp khó khăn trước hết là do một số doanh nghiệp mới chỉ tập trung vào sản xuất kinh doanh, thiếu quan tâm đến việc xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên. Đa số công nhân cũng chỉ quan tâm đến việc làm, thu nhập và còn mang nặng tâm lý người làm thuê, phải lao động theo ca, theo nhóm nên cần có thời gian nghỉ ngơi, không muốn tham gia sinh hoạt đảng, đoàn thể và bản thân chưa xác định rõ mục đích vào Đảng là để phấn đấu, được tiếp tục bồi dưỡng nâng cao trình độ về mọi mặt. Anh Nguyễn Quang Trưởng làm việc tại một doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh quan niệm: “Những người làm trong cơ quan nhà nước mới cần vào Đảng còn công nhân như mình vào Đảng để làm gì. Đi làm đã vất vả lắm rồi nên mình rất ngại phải học tập chính trị, tham dự các cuộc họp, sinh hoạt… nếu lãnh đạo không tạo điều kiện sẽ không được tính lương trong thời gian nghỉ đó”. Cùng với đó, một số doanh nghiệp cũng chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc về sự cần thiết, mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng tổ chức đảng trong doanh nghiệp. Nhất là trong cơ chế thị trường hiện nay tạo ra áp lực lớn nên các doanh nghiệp  mới chỉ quan tâm đến sản xuất kinh doanh để tìm kiếm lợi nhuận mà “quên mất” công tác phát triển đảng, đảng viên. Nhiều chủ doanh nghiệp chưa hiểu đúng hoặc cố tình không hiểu đúng về vai trò, chức năng của tổ chức đảng trong doanh nghiệp, từ đó họ không muốn thành lập tổ chức đảng và cũng không tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức đảng hoạt động. Một chủ doanh nghiệp chia sẻ: “ Thời gian đối với doanh nghiệp là thời cơ, là tiền bạc nên chúng tôi rất sợ phải họp hành nhiều, báo cáo nhiều. Vì vậy, nếu thành lập tổ chức đảng trong doanh nghiệp đề nghị các cấp, các ngành cần đổi mới phương thức lãnh đạo và sửa đổi lề lối làm việc của cấp ủy cho phù hợp với đặc thù ở doanh nghiệp”. Nhiều chủ doanh nghiệp độ tuổi không còn trẻ nên họ đều e ngại, không muốn phấn đấu vào Đảng. Thực tế trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn nhiều tổ chức đảng trong doanh nghiệp nhưng chủ doanh nghiệp lại chưa là đảng viên.

    Theo đồng chí Trần Lê Huy, Phó Bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh: Khó khăn hiện nay là ở một số doanh nghiệp dù đã có tổ chức đảng nhưng vẫn còn lúng túng về tổ chức và phương thức hoạt động, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu còn thấp, sinh hoạt Đảng không thường xuyên, nội dung sinh hoạt nghèo nàn, tự phê bình và phê bình còn yếu, việc phân công nhiệm vụ cho đảng viên còn gặp nhiều khó khăn. Hoạt động của tổ chức đảng còn phụ thuộc vào chủ doanh nghiệp, vai trò lãnh đạo của cấp ủy và đảng viên chưa được phát huy. Đây cũng là lý do mà các chủ doanh nghiệp không nhận thấy sự khác biệt giữa doanh nghiệp có tổ chức đảng với doanh nghiệp chưa có tổ chức đảng, từ đó họ không mặn mà với việc thành lập tổ chức đảng. Còn ở những doanh nghiệp chưa có tổ chức đảng, công tác giáo dục về chính trị, giác ngộ về lý tưởng cách mạng của Đảng cho giai cấp công nhân chưa được chú trọng và còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều nhân tố điển hình tiên tiến trong công nhân lao động cũng chưa được bồi dưỡng, tạo nguồn để kết nạp Đảng và tạo thành nòng cốt, có tính chiến lược của Đảng. Việc xây dựng và phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể chính trị trong giai cấp công nhân lao động để thực hiện chức năng chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.   

    Những hạn chế trong công tác phát triển Đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực ngoài nhà nước ở tỉnh ta hiện nay xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân khách quan là vì đây vấn đề mới và khó, việc cụ thể hóa các chủ trương, chính sách thành cơ chế để thực hiện còn chậm và thiếu đồng bộ. Thêm vào đó, cấp ủy các cấp cũng chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc yêu cầu, nội dung các chỉ thị, nghị quyết, đề án của trung ương, của tỉnh về phát triển tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước nên chưa chủ động lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các chủ doanh nghiệp thành lập tổ chức đảng, chưa quan tâm đúng mức đến việc tổng kết, rút kinh nghiệm và nhân rộng điển hình. Một số doanh nghiệp đã có tổ chức đảng nhưng cán bộ làm công tác đảng còn kiêm nhiệm, điều kiện, phương tiện phục vụ sinh hoạt còn nhiều khó khăn…


NGUYỄN HÌNH

May hàng xuất khẩu tại một công ty may ở xã Vũ Công (Kiến Xương)


Sản xuất hàng sứ gia dụng tại Công ty TNHH - Sản xuất kinh doanh Sứ Hảo Cảnh (Khu công nghiệp Tiền Hải, Tiền Hải)



                            BÀI 4: VÌ MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP

Để củng cố, phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức đảng, đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước ở Thái Bình hiện nay cần có giải pháp đồng bộ và vấn đề mấu chốt là có sự đồng thuận của chủ các doanh nghiệp.

Sự đồng thuận của chủ doanh nghiệp là mấu chốt

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nghị quyết và đề án, kịp thời sửa đổi, bổ sung nhiều cơ chế, chính sách nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh tỉnh. Thái Bình phấn đấu đến năm 2020, chỉ số PCI của tỉnh nằm trong top 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước và top 3 tỉnh, thành phố dẫn đầu khu vực đồng bằng sông Hồng. Chủ trương này chắc chắn sẽ khuyến khích, tạo điều kiện để các loại hình doanh nghiệp đăng ký vào đầu tư và phát triển trên địa bàn tỉnh, tạo việc làm cho nhiều lao động, tăng thu ngân sách cho địa phương, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Đồng chí Trần Thế Nghiêm, Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy khẳng định: Xây dựng và phát triển tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước là chủ trương đúng đắn của Đảng, bảo đảm cho sự phát triển của doanh nghiệp, phù hợp với xu thế tất yếu trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay. Tuy nhiên, thời gian qua việc phát triển tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước gặp khó khăn là do nhiều chủ doanh nghiệp, nhà đầu tư chưa tiếp cận và hiểu hết chủ trương, quy định của Đảng về việc thành lập tổ chức đảng. Chính vì thế, các cấp ủy, tổ chức đảng, đoàn thể trong tỉnh cần tích cực, chủ động làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục để chủ doanh nghiệp nâng cao nhận thức, hiểu rõ chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp là nhằm mục đích đem lại lợi ích cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và người lao động chứ không phải là rào cản đối với doanh nghiệp. Hàng năm, ngành chuyên môn tham mưu với tỉnh tổ chức hội nghị gặp mặt các chủ doanh nghiệp để trao đổi kinh nghiệm trong xây dựng, phát triển tổ chức đảng; biểu dương, khen thưởng những doanh nghiệp làm tốt công tác xây dựng Đảng, chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, từ đó các chủ doanh nghiệp thấy rõ sự khác biệt giữa doanh nghiệp có tổ chức đảng và doanh nghiệp không có tổ chức đảng và lợi ích của việc thành lập tổ chức đảng. Kịp thời hỗ trợ, giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh kết hợp kiên trì vận động, thuyết phục chủ doanh nghiệp vào Đảng. Nếu chủ doanh nghiệp đồng thuận coi như mọi việc đã thành công. Ông Đỗ Văn Vẻ, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Hương Sen, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh khẳng định: Tổ chức đảng là chỗ dựa vững chắc cho doanh nghiệp hoạt động, giúp doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Mối quan hệ giữa tổ chức đảng với ban giám đốc, hội đồng quản trị và chủ doanh nghiệp phải gắn bó mật thiết, hỗ trợ cho nhau vì sự phát triển của doanh nghiệp. Vì vậy, để tổ chức đảng trong doanh nghiệp tư nhân phát huy vai trò hạt nhân lãnh đạo, đồng chí bí thư, cấp ủy phải gương mẫu, có tâm và có tầm, có bản lĩnh, trí tuệ năng động và sáng tạo đưa ra những sáng kiến, ý tưởng kinh doanh làm lợi cho doanh nghiệp, cho người lao động. Chủ doanh nghiệp cũng cần tạo mọi điều kiện cho tổ chức đảng hoạt động, tạo môi trường thuận lợi cho đảng viên làm việc, quan tâm, cất nhắc những đảng viên gương mẫu, tích cực, có trí tuệ vào những vị trí chủ chốt thì cấp ủy, những đảng viên đó cũng sẽ phấn đấu hết mình cho doanh nghiệp. Cấp ủy, chính quyền các cấp thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động, tạo nhiều cơ hội cho chủ doanh nghiệp tham gia hoạt động trong các tổ chức chính trị - xã hội, từ đó họ nhận thức rõ vai trò lãnh đạo của Đảng, mong muốn được thành lập tổ chức đảng trong doanh nghiệp và có nguyện vọng tha thiết được đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Các cấp, các ngành cùng vào cuộc

Trong Đề án số 10 - ĐA/TU ngày 15/5/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước giai đoạn 2014 - 2020 đề ra mục tiêu: Mỗi năm, tỉnh ta thành lập mới từ 10 tổ chức đảng và kết nạp 200 đảng viên trở lên trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, ít nhất kết nạp được 2 đảng viên là chủ doanh nghiệp; 80% tổ chức cơ sở đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước hoàn thành nhiệm vụ, trong đó 50% đạt trong sạch vững mạnh. Theo đồng chí Trần Lê Huy, Phó Bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh: Công tác xây dựng, củng cố, phát triển tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và là trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng và hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, trước hết là các huyện ủy, thành ủy, Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh. Vì vậy, cấp ủy các cấp cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, người lao động trong doanh nghiệp và chủ doanh nghiệp về sự cần thiết phải củng cố, xây dựng, phát triển tổ chức đảng, đoàn thể. Ban Thường vụ Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh sẽ chủ động phối hợp với các huyện ủy, thành ủy, các ngành liên quan thường xuyên rà soát, quản lý cán bộ, đảng viên tại các doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, kết hợp với vận động thành lập các tổ chức đảng, đoàn thể. Đối với các doanh nghiệp có tổ chức đảng, cấp uỷ, chi bộ nơi đó phải thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của tổ chức đảng cho phù hợp, thực hiện mục tiêu chung là nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh để chủ doanh nghiệp thấy được lợi ích thiết thực của việc thành lập tổ chức đảng, tạo thuận lợi cho tổ chức đảng hoạt động, tạo sự lan toả với những doanh nghiệp khác. Cấp ủy các cấp thường xuyên chăm lo, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng công tác phù hợp cho đội ngũ bí thư, cấp ủy viên, lãnh đạo các đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước để họ có đủ năng lực, trình độ đóng góp trí tuệ, công sức nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Hướng dẫn các tổ chức đảng trong doanh nghiệp các nội dung, phương pháp hoạt động phù hợp với điều kiện sản xuất kinh doanh; tham mưu với tỉnh chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt chính sách của Đảng và Nhà nước hỗ trợ cho tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước để hoạt động có hiệu quả hơn. Tiếp tục thí điểm kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân có đủ tiêu chuẩn vào Đảng, trước mắt tập trung vào những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, ở các khu, cụm công nghiệp. Các cấp, các ngành, các tổ chức đảng, đoàn thể ở doanh nghiệp chủ động tham gia xây dựng, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách pháp luật và những vấn đề thiết thân đối với công nhân như: việc làm, thu nhập, các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hộ lao động... Ông Trần Trọng Kim, Giám đốc Điều hành Tổng công ty May 10, Bí thư Chi bộ, Giám đốc Xí nghiệp May Thái Hà chia sẻ kinh nghiệm: Ở Công ty May 10, người lao động là tài sản quý của doanh nghiệp, khi họ cùng mục tiêu, chí hướng với tổ chức đảng, Ban Giám đốc thì làm mọi việc đều thành công. Do vậy, bên cạnh việc nâng cao vai trò, tính tiền phong gương mẫu của đội ngũ cấp ủy, đảng viên thì chúng ta phải đặc biệt quan tâm đến đời sống của người lao động, tổ chức và tạo điều kiện công nhân tham gia các hoạt động xã hội, tiếp cận các thông tin thời sự chính trị, xã hội, nắm bắt tình hình phát triển kinh tế - xã hội, từ đó họ thấy rõ vai trò lãnh đạo của Đảng, có động lực, mục tiêu rèn luyện phấn đấu được đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Nguyễn Hình

May hàng xuất khẩu tại  Xí nghiệp May Thái Hà (Tổng công ty May 10)

Làm khuôn mặt hàng sứ gia dụng tại Công ty TNHH – Sản xuất kinh doanh Sứ Hảo Cảnh 
 (Khu công nghiệp Tiền Hải, Tiền Hải)



Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất