Nhớ lại những năm tháng sống trong nghèo khó, chàng trai trẻ không khỏi day dứt khi chứng kiến các hộ gia đình trong thôn mang thúng đi nhận gạo, tiền của tỉnh, huyện hỗ trợ hộ nghèo. Những trăn trở, day dứt ấy đã ám ảnh anh suốt những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường. Làm giàu chính đáng cho gia đình là tâm nguyện giúp anh tìm hướng đi đúng đắn, giúp anh gặt hái thành quả ngọt ngào hôm nay.
Thanh niên nghèo tìm đường mưu sinh
Trong khu vườn rộng rợp bóng mát cây trái, bên cạnh là trang trại chăn nuôi gà, vịt, ngỗng, tân Phó Chủ tịch xã Nguyễn Hồng Phúc, nguyên Bí thư Đoàn Thanh niên xã Đạ Tồn cho tôi biết: “Mình đang dự định trồng 200 cây Ca cao thử nghiệm…”. Hồng Phúc kể, gia đình anh có tới 4 thế hệ sống tại tỉnh Quảng Ngãi. Vì đông người lại thiếu đất sản xuất nên kinh tế gia đình quá khó khăn. Năm 1980, cả gia đình chuyển vào lập nghiệp tại Thôn 1, xã Đạ Tồn, huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng). Những năm đầu lập nghiệp trên quê mới, tài sản chẳng có gì ngoài đôi bàn tay trắng. Ông bà nội và cha mẹ Phúc cật lực khai hoang mở rộng đất canh tác. Thời điểm đó, xã Đạ Tồn còn là vùng đất hoang vu, cỏ tranh và thồ ô bao phủ. Gia đình Phúc cần cù khai khẩn, gieo trồng để sinh sống và nuôi con ăn học. Nhà có 4 chị em, Phúc là con trai duy nhất, dù kinh tế rất khó khăn nhưng gia đình quyết tâm cho Phúc ăn học để có cơ hội lập nghiệp.
Năm 2000, học hết THPT, Hồng Phúc thi đậu vào trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh và học chuyên ngành Kế Toán- Kiểm toán. Năm 2005 ra trường, anh làm việc tại phòng Kinh tế thuộc UBND huyện Bình Chánh - TP. Hồ Chí Minh gần 2 năm. Những tưởng cuộc đời chàng trai gắn bó với công việc của một công chức, nhưng ngã rẽ bất ngờ đã làm anh chuyển hướng sự nghiệp của mình. Đầu năm 2007, nhân chuyến về thăm nhà, gặp lúc ông bà nội đau yếu, cha mẹ quá vất vả với công việc sản xuất của gia đình làm Phúc băn khoăn. Anh suy nghĩ, đấu tranh, chọn lựa giữa trách nhiệm của một người con trai đối với gia đình và công việc xa nhà. Cuối cùng, anh quyết định trở về và quyết tâm làm giàu ngay trên chính quê hương thứ hai của mình.
Thành đạt trên nhiều lĩnh vực
Từ bỏ công việc ở cơ quan Nhà nước để trở về làm nông dân đối với một chàng trí thức trẻ Nguyễn Hồng Phúc quả không dễ dàng. Trong những năm tháng lập nghiệp, gia đình anh đã khai khẩn và dành dụm mua được trên 3 ha đất sản xuất, so với nhiều gia đình trong vùng thì đây là một tài sản lớn. Nếu giỏi gieo trồng, mở rộng sản xuất, kinh doanh có thể trên nên khá giả, giàu có. Nhờ vốn kiến thức tiếp thu được trong trường đại học và sự năng động, dám nghĩ, dám làm, Hồng Phúc bàn với gia đình và quyết định chuyển hướng làm ăn mới-lập trang trại. Trang trại của anh kết hợp giữa sản xuất, trồng trọt và chăn nuôi theo mô hình kinh tế V-A-C. Thế mạnh của Đạ Tồn là cây mía đường và dưa hấu có đầu ra rất ổn định, Hồng Phúc đã trồng mỗi mùa từ 5 sào đến 1ha mía, được Công ty Mía đường La Ngà đầu tư phân bón và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Ngoài ra, anh còn trồng rau màu để có cái ăn trước mắt vừa làm thức ăn cho gia súc, gia cầm, trồng cây ăn trái, nuôi heo, gà, vịt, ngan, ngỗng, đào ao thả cá. Đàn gà nhà Phúc hơn 200 con với đủ loại gà ta, gà sao. Vào những vụ thu hoạch cao điểm, anh phải thuê đến 20-30 nông dân, chủ yếu là thanh niên trong thôn giúp việc và trả công hàng ngày. Trung bình mỗi năm, trừ chi phí đầu tư và trả công lao động, gia đình Phúc tích lũy trên dưới 150 triệu đồng, trở thành hộ nông dân sản xuất giỏi và giàu có trong vùng.
Không dừng lại ở đó, chủ trang trại tiếp tục mở rộng mô hình kinh tế. Năm 2009, Hồng Phúc về Đồng Nai tham quan học tập mô hình nuôi ếch. Trở về, anh xây 7 ao nuôi ếch cạnh ao cá trong vườn. Lứa ếch nuôi thử nghiệm đầu tiên 2.000 con giống mới thả hơn tháng tuổi cho thu hoạch. Việc nuôi ếch chi phí thấp nhưng cho thu nhập rất cao. Một con giống mua 1.000 đồng, trong 2 tháng nuôi mỗi con ăn khoảng 2.000 đồng tiền thức ăn; giá bán trên thị trường 40.000 đồng/kg (trung bình 4 con ếch nặng 1 kg). Ếch ít bệnh, dễ nuôi, giá thức ăn thấp nhưng giá bán cao và hiện chưa phổ biến ở Lâm Đồng nên thu nhiều lợi nhuận.
Không chỉ quyết tâm làm giàu, với nhiệt huyết của tuổi trẻ, Nguyễn Hồng Phúc còn tích cực tham gia các hoạt động của địa phương. Năm 2007, anh được lãnh đạo xã bố trí làm cán bộ văn hóa xã. Chính tại đây, Hồng Phúc đã đến với tổ chức Đoàn thanh niên xã Đạ Tồn. Năm 2009, anh được kết nạp vào Đảng, cùng năm đó Hồng Phúc được tuổi trẻ trong xã tín nhiệm bầu làm Bí thư Đoàn xã Đạ Tồn. Tháng 9-2010, chủ trang trại, Bí thư Đoàn thanh niên Nguyễn Hồng phúc được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch UBND xã Đạ Tồn.
10 năm khởi nghiệp trên quê hương mới, Nguyễn Hồng Phúc đã vươn lên thành tỷ phú trên vùng đất nghèo Đạ Huoai, tính sơ bộ, gia sản của gia đình chàng trai 33 tuổi này trên dưới chục tỷ đồng. Anh còn là người thành đạt trên nhiều lĩnh vực công tác, đã và đang tiếp tục cống hiến cho địa phương, anh thật sự trở thành tấm gương sáng trong phong trào khởi nghiệp và lập nghiệp của tuổi trẻ Việt Nam.
Nguyễn Thanh Hồng
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng