Chọn trúng vấn đề xã hội quan tâm và chọn cách thể hiện phù hợp
Tạp chí Xây dựng Đảng phối hợp với BTC Tỉnh uỷ Hải Dương tổ chức Hội thảo khoa học - thực tiễn về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức
Trong hệ thống báo chí cách mạng, bất kỳ một tờ báo, tạp chí nào và ngay một bài viết, một tin đăng trong đó đều phải chú ý đến tính định hướng và tính hấp dẫn. Tính định hướng nhằm bảo đảm cho tạp chí giữ vững tôn chỉ, mục đích; nhưng nếu thiếu tính hấp dẫn thì tạp chí sẽ không có bạn đọc. Một tạp chí, hay một bài báo gặp đâu viết đấy, chạy theo thị hiếu tầm thường không chỉ bị cơ quan chủ quản “tuýt còi”, mà bạn đọc chân chính cũng không chấp nhận. Ngược lại, chỉ lo để có những bài viết theo kiểu “báo cáo hóa”, “hướng dẫn hóa” các hoạt động chuyên môn của ngành một cách xơ cứng, cốt không sai quan điểm là được, thì dù bài viết ấy có đúng định hướng đến mấy cũng không có giá trị vì bạn đọc sẽ tẩy chay. Vậy làm thế nào để một bài báo vừa đúng định hướng lại vừa hấp dẫn? Quả là một câu hỏi không dễ. Là bạn đọc của Tạp chí Xây dựng Đảng và có một số năm làm báo, tôi xin nêu mấy suy nghĩ mong được cùng các đồng chí trao đổi. Trước hết nói về tính định hướng, theo tôi cần được thể hiện ở hai góc độ: Một là, phải luôn luôn đứng trên quan điểm của Đảng để nhìn nhận, phản ánh và giải quyết vấn đề mà tạp chí đề cập. Dù đó là bài viết của một cá nhân, nhưng khi tạp chí đăng, có nghĩa là tạp chí đồng tình ủng hộ quan điểm của người viết (trừ những bài đăng trong chuyên mục trao đổi ý kiến mà một số báo thường làm, đưa những ý kiến trái chiều để rộng đường dư luận). Hai là, trước một vấn đề, vụ việc cụ thể đang có ý kiến khác nhau thì tạp chí cần nêu chính kiến của mình, cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, khách quan với lý lẽ xác đáng để giúp bạn đọc hiểu rõ bản chất của sự việc, từ đó góp phần định hướng tư tưởng và ổn định dư luận xã hội. Đây mới là vấn đề khó, cần sự nhanh nhạy và có trình độ chuyên môn cao, có bản lĩnh chính trị vững vàng của người viết cũng như người duyệt bài để đăng. Thí dụ, trong vụ PMU 18, trong dư luận xã hội nổi lên nhiều luồng ý kiến liên quan đến vai trò của tổ chức cơ sở đảng trong phát hiện đấu tranh chống tiêu cực và một số vấn đề khác. Lúc ấy, báo, tạp chí nào có bài viết giải quyết được những vấn đề đó sẽ góp phần rất lớn trong việc định hướng tư tưởng và dư luận xã hội. Về tính hấp dẫn và mối quan hệ với tính định hướng trong việc đưa quan điểm, chủ trương của Đảng vào cuộc sống.Nói đến tính hấp dẫn, không ít ý kiến cho rằng đó là cách thức thể hiện. Tôi nghĩ không hoàn toàn như vậy, mà đó là kết quả của sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa nội dung tư tưởng và hình thức thể hiện. Bài báo hấp dẫn là bài báo viết về những vấn đề mà bạn đọc và xã hội đang quan tâm, được thể hiện sinh động bằng ngôn ngữ trong sáng, dễ hiểu, ngắn gọn. Nhưng thực tế, có khi một bài báo người này cho là hay, là hấp dẫn, song bạn đọc khác lại chê. Đó là lẽ đương nhiên, bởi sự hấp dẫn phụ thuộc nhiều vào nhận thức chủ quan của mỗi người, như trình độ học vấn, quan niệm sống, thị hiếu, v.v. Thế nên mới có câu: Cái đẹp không phải trên đôi má hồng người con gái, mà nằm trong đôi mắt kẻ si tình (E.Kant- nhà triết học cổ điển Đức, thế kỷ XVIII). Một cô gái tuổi teen suốt ngày đắm đuối với những vần thơ mơ mộng “Mau lên chứ vội vàng lên với chứ/ Em em ơi tình non sắp già rồi” thì thật khó để thấy được cái hay, cái hấp dẫn của một bài báo viết về kinh nghiệm nâng cao vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng đối với hệ thống chính trị - dù bài báo đó được không ít người làm công tác đảng nghiền ngẫm đọc đi, đọc lại nhiều lần và ca ngợi. Một người chuyên viết những phóng sự xã hội, về thế thái nhân tình, thường ít khi đi viết về công tác xây dựng đảng, bởi những vấn đề đó khó lôi cuốn họ. Do vậy, tôi nghĩ hôm nay chúng ta bàn về tính định hướng và tính hấp dẫn cũng chỉ nên khoanh lại đối với bạn đọc là cán bộ, đảng viên, nhất là những người làm công tác đảng - đối tượng mà tạp chí phục vụ, chứ không phải bạn đọc nói chung.Với báo chí, tính hấp dẫn là sự thể hiện tình cảm của người đọc với bài viết. Đó là kết quả của cách chọn vấn đề và thể hiện vấn đề của người viết. Sự hấp dẫn ấy trước hết phải là vấn đề được bạn đọc quan tâm. Cái cũ mèm, chuyện cũ rích ai cũng biết cả rồi thì có viết kiểu gì, văn phong có hay đến mấy cũng không thể hấp dẫn được, “biết rồi khổ lắm nói mãi”. Như vậy, tính hấp dẫn là yêu cầu cao hơn, bao hàm cả nội dung được thể hiện và cách thể hiện, dù rằng tính định hướng luôn luôn là yêu cầu đặt lên hàng đầu của mỗi tạp chí trong hệ thống báo chí của Đảng.Tính định hướng và tính hấp dẫn có quan hệ rất khăng khít không thể thiếu đối với báo chí hiện nay. Song làm thế nào để bài viết đạt cả hai yêu cầu ấy. Không ít ý kiến cho rằng đây là hai phạm trù đố kỵ nhau. Có đồng nghiệp nói với tôi: “Viết về xây dựng Đảng, trước hết là đúng định hướng đã, còn hấp dẫn tính sau. Nói về sinh hoạt chi bộ, về chức năng, nhiệm vụ của các loại hình tổ chức cơ sở đảng, hay làm sao được”. Thực tế là nhiều người làm báo ngại viết về xây dựng Đảng, vì “khó, khô, khổ”. Làm thế nào để chuyển tải cái khó, cái khô ấy đến bạn đọc một cách hấp dẫn luôn là câu hỏi với mỗi nhà báo chuyên viết về vấn đề này. Tôi thử nêu một số biện pháp để cùng trao đổi: Một là, chọn trúng vấn đề xã hội đang quan tâm (đúng định hướng mà không trúng vấn đề thì bài báo cũng ít giá trị thực tiễn). Hai là, chọn cách thể hiện phù hợp, trước hết là phù hợp về thể loại.Về cách chọn vấn đề, tôi nghĩ cần dựa vào chủ trương lớn, chính sách mới ban hành; đồng thời tích cực khai thác các nguồn thông tin để phát hiện những nơi có mô hình mới, vấn đề mới nảy sinh, thông tin trên mạng, từ đồng nghiệp và hệ thống cộng tác viên. Đối với công tác tổ chức xây dựng đảng hiện nay, chúng ta đang thực hiện một số chủ trương được toàn Đảng, toàn dân quan tâm: Chủ trương thí điểm đại hội đảng bộ cấp cơ sở trực tiếp bầu ban thường vụ, bí thư, phó bí thư; chủ trương bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã, nơi không tổ chức hội đồng nhân dân; công tác quy hoạch, đào tạo, nhất là về đánh giá, bổ nhiệm cán bộ; về tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đảng viên; về Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”... Chọn trúng vấn đề, nói một cách nôm na là gãi đúng chỗ ngứa, biết bạn đọc đang cần gì.Về cách thể hiện: Bài viết có hấp dẫn hay không, theo tôi phụ thuộc rất nhiều vào cách đi tìm hiểu thực tế, lấy tài liệu. Những người viết phóng sự hay như Huỳnh Dũng Nhân, Xuân Ba trước đây là chúa hay la cà các quán xá nên mới biết nhiều chuyện đời thường, biết tìm, phát hiện cái mới trong cuộc sống diễn ra đều đều hằng ngày. Còn đi lấy báo cáo về xào xáo, chế biến thì tài lắm bài báo đó cũng chỉ dùng tạm, chứ không thể hay được. Song đi nhiều mà không biết cách khai thác thì cũng khó có bài báo hay. Thí dụ, tìm hiểu về sinh hoạt chi bộ, mà cứ hỏi đồng chí bí thư làm thế nào để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ thì rất dễ được họ trình bày về quy trình các bước tiến hành, nào là đồng chí bí thư dự thảo nội dung, thông báo cho đảng viên biết trước, chọn những vấn đề trọng tâm để thảo luận và cách điều hành buổi họp. Viết theo cái mạch đó chỉ viết được một lần và không thể hay, vì đó là quy trình các bước tiến hành ở chi bộ nào cũng vậy, chung chung, không có con người, sự việc cụ thể. Trước đây, tôi có đôi lần đi viết về đề tài này. Trước hết, tôi phải xem ở đâu có vấn đề gì cần quan tâm, (tôi làm thế nào thì nói lại như vậy, không dám nghĩ đây là cách hay. Mỗi người có nghiệp vụ riêng). Khi đến địa phương tìm hiểu về vấn đề đó, nghe ý kiến của cấp ủy, của người dân, nghe được nhiều kênh thông tin càng tốt. Sau đó mới trò chuyện với cấp ủy ở đây xem chi bộ đã họp bàn cách giải quyết vấn đề đó ra sao. Tôi đi từ chuyện của thực tế cuộc sống, để qua đó làm cho người đọc thấy được vấn đề về xây dựng Đảng, chứ không diễn giải theo kiểu giáo trình.Về cách chọn thể loại và viết: Cái gì vừa xảy ra, đang diễn ra thì cần đưa tin ngay hoặc là ghi nhanh để cung cấp cho bạn đọc sự kiện thời sự đó. Những chủ trương mới đã làm thí điểm đang cần tổng kết để có thể nhân ra diện rộng thì nên viết theo hình thức điều tra, khẳng định mặt được, hay nội dung cần bàn, cần lãnh đạo và điều chỉnh. Có ý kiến cho rằng, khi viết phóng sự điều tra mới cần nhiều đến văn phong câu chữ sao cho “thật là văn”, thật mượt mà, còn viết tin thì cứ theo công thức mà làm. Không phải như vậy. Một cái tin vài trăm chữ cũng rất cần văn phong trong sáng, ngắn gọn, bố cục chặt chẽ và rõ ràng. Văn tin nên dùng câu ngắn, hạn chế dùng các mệnh đề phụ, câu dài lê thê (đọc mệt lắm!); chú ý đi sâu vào vấn đề cốt lõi, nội dung trọng tâm, tránh kể lể dàn trải dài dòng, liệt kê cho đủ, làm cho đọc tin xong mà người đọc không nhớ được cái gì.Bàn về văn phong quả là khó, “văn mình, vợ người” mà. Người thì viết chặt chẽ hợp với thể loại chính luận, nhưng dễ bị cho là khô; người viết mượt mà thì dễ sa đà chuyện con cà, con kê. Song chịu khó đọc nhiều, có ý thức rèn câu chữ, học tập những nhà báo có tên tuổi, mỗi người sẽ có lối viết của riêng mình. Đọc những bài viết của Bác Hồ chúng ta thật sự thán phục cách dùng câu chữ của Người, mộc mạc, trong sáng, dễ hiểu. Nói về vai trò của cán bộ, Người viết: “Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng bị tê liệt... nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được”(1). Trong cuốn “Sửa đổi lối làm việc”, bàn về đạo đức cách mạng, Người viết: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”(2). Về công tác cán bộ, Người khuyên: “Cất nhắc cán bộ, không nên làm như “giã gạo”. Nghĩa là trước khi cất nhắc không xem xét kỹ. Khi cất nhắc rồi không giúp đỡ họ. Khi họ sai lầm thì đẩy xuống, chờ lúc họ làm khá, lại cất nhắc lên. Một cán bộ bị nhắc lên thả xuống ba lần như thế là hỏng cả đời”(3). Hay Bác phê phán kiểu không biết tùy tài mà dùng người: “Thợ rèn thì bảo đi đóng tủ, thợ mộc thì bảo đi rèn dao”(4). Toàn là những vấn đề khô, khó, nhưng Người đã khéo dùng ngôn ngữ giàu hình ảnh để diễn đạt làm cho câu văn mềm mại và dễ nhớ. Thế là hẫp dẫn bạn đọc. Vậy tôi xin trích đại ý một câu mà nhà báo Hoàng Tùng đã viết: Cách mạng Tháng Mười Nga như tiếng sấm báo hiệu mùa xuân mới. Nhưng người làm cách mạng phải biết tạo thời cơ, nắm bắt và tận dụng thời cơ, chớ ngồi bên cửa sổ để mà chờ xuân sang.Cuối cùng, tôi xin trao đổi một chút về cách đặt tít bởi nó chi phối nhiều đến tính hấp dẫn. Cái tít được xem như cánh cửa để mở lối vào nội dung của bài viết, mời chào bạn đọc. Bài viết có nội dung mới, hay mà cái tít rườm rà dài dòng rất dễ bị bạn đọc bỏ qua. Hiện nay, người viết thường kéo thẳng tưng nội dung lên làm tít, tạo ấn tượng mạnh. Nên chọn tít ngắn gọn, ngôn ngữ cô đọng, khái quát, tối kỵ dùng tít dài, có các từ lặp lại. Tôi rất thích cái tít “Hà Nội mùa nước nổi” của nhà báo Phạm Duy Hưng đăng trên báo Lao Động. Mùa nước nổi làm cho ta liên tưởng đến miền Tây - Nam bộ và đã được lấy đặt tên cho một bộ phim. Nhưng ở đây nhà báo đã khéo đưa hình ảnh đó vào bài viết về Thủ đô. Chỉ cái tít thôi đã gợi cho chúng ta hình ảnh của thủ đô sau những trận mưa rào kéo dài. Ô tô, xe máy trôi nổi trên các phố. Hay cái tít “Hội kiến người nghèo” của nhà báo Thế Nghĩa đăng trên báo Nhân Dân. Lâu nay, người ta chỉ tổ chức các hội nghị điển hình tiên tiến, gương nông dân sản xuất giỏi. Nhưng huyện Quảng Xương, Thanh Hóa đã tổ chức một hội nghị toàn những người nghèo để nghe ý kiến của họ. Như thế là cái tít hay được lấy từ một ý tưởng, cách làm hay.Tóm lại, có một bài báo vừa có tính định hướng và hấp dẫn là sự phấn đấu không mệt mỏi của người cầm bút.
------
1. Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, H.2002, tập 5, trang 54.
2. Sách đã dẫn (Sđd), tập 5, trang 252- 253.
3. Sđd, tập 5, trang 280, 281, 282.
4. Sđd, tập 5, trang 274.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất