Từ số này, Tạp chí Xây dựng Đảng có sự đổi mới về cách trình bày cùng với việc ra mắt Hội đồng Biên tập gồm 11 thành viên, do đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương làm Chủ tịch. Trang 1 và trang 2, Tạp chí dành để đăng tải mục lục của số Tạp chí bằng tiếng Việt và dịch một số nội dung chính bằng tiếng Anh.
Trang 3, Tạp chí trích lời “Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về đánh giá cán bộ”, giúp bạn đọc nắm được những tư tưởng có ý nghĩa phương pháp luận của Bác về đánh giá, xem xét cán bộ: Đó là phải xem xét, đánh giá cán bộ một cách khách quan, toàn diện, phát triển, lịch sử - cụ thể, luôn đặt trong sự vận động, trong hoàn cảnh cụ thể. Bác dạy: “Chẳng những xem xét công tác của họ, mà còn phải xét cách sinh hoạt của họ. Chẳng những xem xét cách viết, cách nói của họ, mà còn phải xem xét việc làm của họ có đúng với lời nói, bài viết của họ hay không. Chẳng những xem xét họ đối với ta thế nào, mà còn phải xem xét họ đối với người khác thế nào. Ta nhận họ tốt, còn phải xét số đông nhiều đồng chí có nhận họ tốt hay không”... Những lời dạy của Bác vẫn còn nguyên giá trị để vận dụng vào công tác đánh giá cán bộ hiện nay.
Kỷ niệm 105 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5-6-1911 - 5-6-2016), chuyên mục Lý luận - Thực tiễn - Kinh nghiệm Tạp chí giới thiệu bài viết “Sự lựa chọn lịch sử” của tác giả Phạm Hoàng Sâm (Đại học Quốc gia Hà nội). Bài viết tập trung phân tích quá trình chuyển biến về tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa quốc tế vô sản theo lập trường của Chủ nghĩa Mác-Lênin. Bài viết đã chỉ ra những nội dung đánh dấu sự chuyển biến về chất của Nguyễn Ái Quốc khi đến với Chủ nghĩa Mác và từ đó từng bước hình thành nên toàn bộ hệ thống những luận điểm khoa học và cách mạng về con đường của cách mạng Việt Nam.
Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của đồng chí Hồ Tùng Mậu (15-6-1896 - 15-6-2016), PGS, TS. Phạm Xanh có bài viết “Hồ Tùng Mậu người tham gia thành lập Đảng ta”. Bài viết nhấn mạnh và tập trung khắc hoạ chân dung của Hồ Tùng Mậu - người sớm có lòng yêu nước và giác ngộ cách mạng, là học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh, luôn bền bỉ giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cộng sản; là trung tâm đoàn kết anh em tù chính trị, biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng, kiên trì đấu tranh chống lại những âm mưu xảo quyệt của kẻ thù. Công lao to lớn của Hồ Tùng Mậu, theo tác giả, là một trong những người tích cực tham gia chuẩn bị các điều kiện và tổ chức hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản để thành lập Đảng ta vào ngày 3-2-1930 tại Hương Cảng (Trung Quốc).
Bài viết “Học viện Hậu cần: Một chặng đường vẻ vang” của Trung tướng, PGS, TS. Đặng Nam Điền (Bí thư Đảng uỷ, Chính uỷ Học viện Hậu cần) đã nêu bật kết quả đạt được, những chuyển biến tích cực của Học viện Hậu cần trong 65 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành (15-6-1951 - 15-6-2016) và những nội dung, biện pháp cần tiến hành trong thời gian tới để tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học của Học viện.
Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Binh chủng Pháo binh (29-6-1946 - 29-6-2016), Tạp chí có bài “Xây dựng Binh chủng Pháo binh mạnh về chính trị, sẵn sàng chiến đấu cao” của Thiếu tướng Nguyễn Văn Ngụ (Bí thư Đảng uỷ, Chính uỷ Binh chủng Pháo binh). Tác giả đã tổng kết những kết quả đạt được, những bài học kinh nghiệm của Binh chủng Pháo binh trong suốt 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành. Từ đó, tác giả nêu những nội dung cơ bản nhằm giữ vững truyền thống và viết tiếp trang sử hào hùng trong giai đoạn phát triển mới của Binh chủng Pháo binh anh hùng.
Với bài viết “Nâng chất lượng đánh giá cán bộ, công chức”, TS. Thân Minh Quế (UVBTV, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Bắc Giang) đã nêu bật những điểm mới trong công tác đánh giá cán bộ, công chức qua thực tiễn ở tỉnh Bắc Giang. Tác giả đề xuất 5 nhóm giải pháp để đổi mới, nâng cao chất lượng đánh giá cán bộ trước yêu cầu phát triển mới của địa phương.
Cùng chủ đề này, bài viết “Quảng Bình: Đổi mới đánh giá cán bộ”, ThS. Trần Xuân Vinh (UVBTV, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Quảng Bình) đề cập đến những giải pháp, cách làm mới trong đánh giá cán bộ từ thực tiễn ở tỉnh Quảng Bình. Đó là, BTV Tỉnh uỷ đã ban hành và thực hiện tốt Quy định về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu và cấp phó người đứng đầu cơ quan, đơn vị thuộc diện BTV Tỉnh uỷ quản lý trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Bài viết “Đánh giá cán bộ - những gợi mở từ thực tiễn”, tác giả Lan Phương nêu một số biện pháp mà các cấp uỷ đảng nhiều địa phương đã nỗ lực thực hiện trong thời gian qua, như: làm kỹ các khâu, các bước, các đối tượng trong quá trình đánh giá cán bộ; đánh giá thông qua tiếp xúc, đối thoại với dân; qua gặp gỡ, trao đổi trước trong và sau khi luân chuyển cán bộ; tổ chức thi tuyển, kiểm tra cán bộ hằng năm… để đánh giá sát, đúng cán bộ.
Bài viết “Đồng Nai: Hiệu quả từ việc lấy ý kiến quần chúng”, tác giả Thành Sáng đã phản ánh về những kinh nghiệm, cách làm của Đồng Nai trong việc tăng cường vai trò giám sát của nhân dân đối với tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên; khắc phục bệnh thành tích trong đánh giá, phân loại TCCSĐ, đảng viên. Cách làm này được tổ chức chặt chẽ, khoa học, đi vào nền nếp và đạt hiệu quả cao.
Kỷ niệm 91 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2016), bài viết “Đào tạo phóng viên viết về xây dựng Đảng”, tác giả Trần Thu Thuỷ đã nêu và phân tích về những cái khó của người cầm bút viết về xây dựng Đảng, một lĩnh vực thường được coi là “khó, khô và khổ”. Bài viết cũng đi sâu tìm lời giải cho bài toán khó bằng những cách làm phù hợp: nâng cao trình độ chính trị, bồi dưỡng kỹ năng và đào tạo qua thực tiễn công tác… từ kinh nghiệm của các cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương.
Chuyên mục Nghị quyết và cuộc sống, bài viết “Đảng viên đi trước, công nhân vững bước làm giàu” của Nguyễn Văn Chiến viết về Chư Prông, một huyện biên giới phía Tây của tỉnh Gia Lai, giáp với nước bạn Căm-pu-chia, nơi có Công ty Cao su Chư Prông, nhờ việc những đảng viên tiên phong đi mở đất, giúp đồng bào thiểu số cùng tiến bước mà vùng đất này đã thay da, đổi thịt, Vùng đất chiến trường năm xưa nay đã trở nên một vùng giàu mạnh, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của cán bộ, công nhân viên Công ty Cao su Chư Prông.
Chuyên mục Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh giới thiệu bài viết “Xứng danh Năng lượng Mới” của Mai Anh viết về cơ quan ngôn luận của Hội Dầu khí Việt Nam. Tuy còn non trẻ nhưng báo Năng lượng Mới đã có vị trí vững vàng, uy tín trong làng báo chí nước nhà. Bài viết “Tĩnh Gia làm theo lời Bác” tác giả Nguyễn Thị Minh Châu (Trường Cao đẳng Thương mại - Du lịch Việt Nam) viết về một vùng quê đang chủ động phát huy nội lực, vượt khó, đạt được những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo đà để trở thành huyện công nghiệp hiện đại và đô thị trung tâm vùng nam Thanh, bắc Nghệ vào năm 2020.
Chuyên mục Nghiên cứu - Trao đổi có bài viết “Bàn thêm về đánh giá cán bộ”. TS. Nguyễn Thị Thanh Dung (Học viện CTQG Hồ Chí Minh) góp thêm ý kiến về những tiêu chí và cách đánh giá cán bộ ở nước ta hiện nay. Đó là, cần cụ thể hoá, lượng hoá tiêu chí đánh giá kết quả, hiệu quả hoàn thành chức năng, nhiệm vụ và sự đóng góp thực tế của cán bộ trong đơn vị; người đứng đầu cần có cách nhìn toàn diện, khách quan, công tâm; cần tạo môi trường dân chủ; xử lý nghiêm những hiện tượng tiêu cực trong đánh giá cán bộ; tiếp tục đổi mới phân cấp quản lý cán bộ và đánh giá cán bộ ở các cấp, các ngành; chống chủ nghĩa biệt phái, cục bộ, địa phương, hẹp hòi; có chính sách thưởng - phạt công minh; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; học tập và làm theo Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ, trong đó có đánh giá cán bộ.
Bài viết “Mở rộng dân chủ trong bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử” của TS. Lê Thị Thu Hằng (Phó Vụ trưởng Vụ IV, Ban Tổ chức Trung ương) đề cập đến những cải tiến quy trình thực hiện công tác bổ nhiệm cán bộ thời gian qua theo hướng ngày càng chặt chẽ, công khai, minh bạch và dân chủ hơn. Tuy nhiên, tác giả bài viết cũng nhấn mạnh, để bổ nhiệm cán bộ ngày càng mở rộng và phát huy dân chủ, thực hiện một cách công khai, minh bạch và xác định rõ hơn trách nhiệm của cấp uỷ đảng, tập thể và cá nhân cần có những biện pháp đồng bộ. Tác giả cũng nêu ra những kiến nghị thiết thực, cụ thể trong bài viết.
Bài viết “Về mô hình cơ quan tham mưu, giúp việc chung khối đoàn thể cấp huyện ở Quảng Ninh” tiếp nối một số bài có tính tổng kết về thực hiện Đề án “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế:” của tỉnh Quảng Ninh thời gian qua. Tác giả Lê Thuỷ thông tin tới bạn đọc về những cách làm mới, sáng tạo và quyết liệt và những khó khăn, vướng mắc, cũng như hướng tiếp tục thực hiện của Quảng Ninh trong công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị, nhằm không ngừng đổi mới, tinh gọn, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cấp uỷ đảng, chính quyền, mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội.
Bài viết “Phép thử cán bộ”, tác giả Vũ Ngọc Lân nêu ra một số cách để đánh giá cán bộ, trong đó, đưa ra và lý giải vì sao lấy nhân dân làm phép thử cán bộ là một cách tốt. Tác giả cũng nhấn mạnh một yếu tố quan trọng để phép thử cán bộ thành công là các cơ quan chức năng, trong đó có những người làm công tác tổ chức, cần tạo môi trường, điều kiện tốt nhất để cán bộ phát huy khả năng, sáng tạo, có quyền quyết định mọi vấn đề trong phạm vi quyền hạn, trách nhiệm của họ.
Chuyên mục Suy ngẫm về nghề tổ chức, bài viết “Bàn về chạy chức, chạy quyền” của tác giả Phạm Văn Định (nguyên Chuyên viên cao cấp Vụ 4, Ban Tổ chức Trung ương). Tác giả đề cập đến vấn đề: Chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, ai chạy, chạy ai? Để góp phần hạn chế, ngăn ngừa hiện tượng này cần có những giải pháp nào? Theo tác giả, đó là phải đề cao trách nhiệm của cấp uỷ các cấp trong công tác cán bộ; đặc biệt coi trọng khâu đánh giá cán bộ trước, trong và sau quy hoạch, luân chuyển cán bộ; phát huy dân chủ; rà soát, bổ sung quy chế, quy trình quy định sao cho thật công khai, minh bạch về tiêu chuẩn quy hoạch, luân chuyển; rà soát, chấn chỉnh ngay trong cơ quan tổ chức, cán bộ; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác cán bộ, xây dựng cơ chế để quần chúng nơi công tác, nơi cư trú phát hiện, nhận dạng cán bộ “chạy” và môi giới “chạy”; mở rộng thi tuyển cạnh tranh, tranh cử.
Chuyên mục Ý kiến đảng viên kỳ này có bài “Thông điệp và hành động” của Phạm Giang, bình luận về thông điệp của Chính phủ, phấn đấu xây dựng một Chính phủ trong sạch, liêm chính, chuyển từ mệnh lệnh hành chính sang kiến tạo và phục vụ. Thông điệp thể hiện tầm nhìn chiến lược, bước ngoặt cải cách, có tính đột phá, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và mong đợi bấy lâu của nhân dân. Muốn vậy, các thành viên Chính phủ phải nói đi đôi với làm, người đứng đầu các tỉnh, thành quyết liệt đổi mới cùng hành động.
Chuyên mục Đảng viên phấn đấu tốt, bài viết “Làm báo là không ngừng khám phá”, Bảo Yến giới thiệu chân dung đảng viên, nhà báo Trần Long, Phó Trưởng Phòng Thời sự, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Hà Tĩnh, “chuyên gia” phóng sự ngắn với những tác phẩm xuất sắc mang bản sắc riêng.
Chuyên mục Sinh hoạt đảng, có bài viết “Đảng viên trừ” của tác giả Minh Anh. Bài viết là sự chiêm nghiệm từ thực tiễn, hiện tượng “đảng viên trừ” là một hiện tượng xấu, đang xuất hiện ở nhiều tổ chức đảng. Hiện tượng này làm xói mòn niềm tin của nhân dân với Đảng. Muốn khắc phục phải sàng lọc kỹ từ khâu kết nạp đảng viên, cần nghiêm khắc xử lý đảng viên vi phạm; phải có cơ chế để nhân dân giám sát hoạt động hằng ngày của mỗi đảng viên.
Chuyên mục Thông tin công tác xây dựng đảng, Tạp chí đăng tải nội dung “Công bố và phát động Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng” của Bá Thắng.
Chuyên mục Quốc tế, tác giả Trần Thanh Cương (Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương) có bài viết: “Tuyển chọn, đào tạo và bồi dưỡng công chức ở Cộng hoà Liên bang Đức”. Bài viết giới thiệu với bạn đọc về kinh nghiệm của Cộng hoà Liên bang Đức về cách tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng công chức.
Chuyên mục Trả lời bạn đọc kỳ này giải đáp nhiều câu hỏi về: nghiệp vụ công tác đảng viên; xét công nhận người hoạt động cách mạng…
Đọc Tạp chí Xây dựng Đảng in số tháng 6-2016, bạn đọc sẽ được cung cấp nhiều thông tin khái quát, những nhiệm vụ cụ thể, những kinh nghiệm thực tiễn về công tác tổ chức xây dựng đảng dưới góc nhìn chuyên ngành…
Bạn đọc có thể đặt mua Tạp chí Xây dựng Đảng tại hệ thống bưu điện trên toàn quốc hoặc liên hệ trực tiếp với Tạp chí, qua số điện thoại: 080.45356.
Xây dựng Đảng