Có một “hiện tượng mới” đối với người làm công tác giảng dạy của Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên: Lần đầu tiên, người học “đặt hàng” người dạy những vấn đề họ đang cần. Cán bộ đang cần học đi đôi với hành. Họ mong muốn được trang bị kinh nghiệm, kỹ năng, phương pháp xử lý tình huống để giải quyết công việc “muôn hình vạn trạng” ở cơ sở.
Thực tế như “cây đời” xanh tươi
Người đưa ra “hiện tượng mới” này là Huyện ủy Đồng Hỷ. Đây là địa phương đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên gửi công văn đề nghị Trường Chính trị tỉnh mở lớp bồi dưỡng một số chuyên đề cho các chức danh đương chức và trong quy hoạch: bí thư, phó bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch UBND xã, thị trấn của huyện. Trả lời câu hỏi “vì sao” của tôi, đồng chí Phạm Văn Sỹ, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy cho biết: Đây là việc huyện thấy cần phải làm để nâng cao chất lượng cán bộ cho Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX (nhiệm kỳ 2015-2020).
Đảng bộ huyện Đồng Hỷ có 54 chi, đảng bộ trực thuộc với tổng số 5.655 đảng viên (đảng viên, trong đó có 18 đảng bộ xã, thị trấn). Tháng 9-2014, Ban Thường vụ Huyện ủy đã làm việc với 18 đảng ủy xã, thị trấn để đánh giá kết quả thực hiện Đề án của BCH Đảng bộ huyện và Đề án của BCH Đảng bộ tỉnh về công tác cán bộ giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020. Nhìn chung, sau 4 năm thực hiện, các mặt của công tác cán bộ đã có sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức và thực hiện. Bằng chứng là hằng năm có trên 80% TCCSĐ đạt trong sạch,vững mạnh, trên 80% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chất lượng cán bộ và năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn được nâng lên. 104 người thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý (bí thư, phó bí thư thường trực đảng ủy, chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, UBND xã, thị trấn) có trình độ chuyên môn cũng như trình độ chính trị cao hơn so với nghị quyết đề ra.
Vậy nhưng, Ban Thường vụ Huyện ủy cũng nhận thấy đội ngũ này còn bộc lộ nhiều hạn chế. Phần lớn họ đã có tuổi, không được đào tạo chính quy nên năng lực lãnh đạo, điều hành chậm đổi mới, một số người chưa đủ sức giải quyết những vấn đề mới, phức tạp, nảy sinh ở cơ sở, nhất là vấn đề tôn giáo, dân tộc, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân…; vai trò của cấp ủy ở một số xã, thị trấn còn yếu, do người đứng đầu cấp ủy còn lúng túng trong việc xác định phương thức lãnh đạo với chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, còn tình trạng cấp ủy "lấn át" chính quyền hoặc ngược lại; việc điều hành, quản lý của chính quyền chưa cao, đôi khi chưa bám sát các quy định của pháp luật và vận dụng linh hoạt vào điều kiện thực tiễn ở địa phương, chưa xác định tốt mối quan hệ giữa lãnh đạo cấp xã với các cơ quan chuyên môn cấp huyện nên đôi khi còn thụ động…
Từ thực tế những gì đang diễn ra ở địa phương, Huyện ủy đề xuất với Trường Chính trị tỉnh mở lớp đào tạo, bồi dưỡng các nội dung: phương pháp lãnh đạo của Đảng đối với chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; kỹ năng lãnh đạo, quản lý của bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND cấp xã; phương pháp xây dựng kế hoạch và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; kỹ năng xử lý xung đột, điểm nóng, giải quyết mâu thuẫn nội bộ; kỹ năng phân công và phối hợp điều hành… Về kết cấu chương trình, Huyện ủy nêu rõ: Thời gian học 4 ngày/lần để cán bộ có thể vừa đi học vừa giải quyết công việc; tăng phần thảo luận, giải quyết tình huống thực tế, nhẹ bớt phần lý luận.
Bục giảng "đặt" ở cơ sở
Tiếp nhận đề nghị của Huyện ủy Đồng Hỷ, đồng chí Đoàn Khắc Hòa, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh đã yêu cầu lãnh đạo các khoa, phòng, cán bộ, giảng viên của trường nghiên cứu kỹ những nội dung Huyện ủy Đồng Hỷ nêu và soạn giáo án đáp ứng nhu cầu người học. Đồng chí Hòa cho biết: Từ nhiều năm nay, nhà trường đã yêu cầu giáo viên về các địa phương nắm bắt nhu cầu người học, nghiên cứu đối tượng để có giáo án và cách truyền đạt kiến thức phù hợp. Từ đó, nhà trường đã tăng cường thời gian cho học viên thảo luận ở lớp, ở tổ, trao đổi các tình huống giải quyết vướng mắc thực tế. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên chúng tôi nhận được “đơn đặt hàng” ở cơ sở. Tôi cho rằng những cái vướng của cán bộ cấp xã của huyện Đồng Hỷ cũng là tình hình chung của các huyện, thị khác. Vì vậy tôi yêu cầu cán bộ của trường soạn giáo án để lên lớp lâu dài và không chỉ đối với huyện Đồng Hỷ.
Là người thực hiện chuyên đề “Phương pháp lập kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cấp xã”, đồng chí Nguyễn Minh Chuyên, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị nói: Nhiệm vụ cốt yếu của chủ tịch UBND xã là lập và tổ chức thực hiện kế hoạch (KH). Nói nôm na là “Viết ra cái phải làm, làm theo cái đã viết, viết lại cái đã làm”. Lâu nay nhiều người vẫn lập KH theo cách từ trên xuống, nghĩa là dựa vào nguồn ngân sách có sẵn và nhằm giải quyết các khó khăn trước mắt, người lập KH đưa ra quyết định phải làm gì trong thời gian tới. Đây là cách lập KH quan liêu, cũ kỹ. Phương pháp lập KH mới là từ dưới lên, có sự tham gia của nhân dân và các bên liên quan. Trên cơ sở tham khảo một số tài liệu, tôi sẽ cụ thể 4 bước lập KH, 4 bước chỉ đạo thực hiện kế hoạch. Tôi sẽ cho học viên thực hành chỉ đạo và xây dựng một bản KH phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của cấp xã nơi học viên đó công tác theo đúng quy trình hướng dẫn.
Nếu như chủ tịch UBND xã phải lập và thực hiện KH thì bí thư đảng ủy lại có nhiệm vụ xây dựng và tổ chức thực hiện nghị quyết của đảng ủy cơ sở. Phó Hiệu trưởng Đào Ngọc Anh là người được giao thực hiện chuyên đề này. Đồng chí Anh tâm tư: Nghị quyết lãnh đạo là văn kiện chính trị trọng yếu của các cấp bộ đảng từ cơ sở đến Trung ương. Để xây dựng nghị quyết, cấp ủy, trực tiếp là bí thư cần tổ chức lấy ý kiến tham gia của đảng viên, các tổ chức quần chúng hoặc trong cấp ủy để dự thảo nghị quyết sát với tình hình. Thế nhưng lâu nay không ít bí thư đảng ủy giao cho một cá nhân trong đảng bộ xây dựng nghị quyết, bí thư chỉ xem qua rồi cho phát hành. Bởi thế, nhiều nghị quyết “tham khảo” quá sâu nghị quyết của đảng bộ cấp trên, không sát tình hình cấp mình, chưa phân công cán bộ trực tiếp hướng dẫn nhân dân, cùng làm với nhân dân. Tôi rất đồng tình với ý kiến của lãnh đạo Huyện ủy là dành nhiều thời gian nêu tình huống và giải quyết tình huống. Với kinh nghiệm giảng dạy và nắm bắt tình hình ở các địa phương, tôi nghĩ là mình sẽ có nhiều điều để trao đổi với học viên.
Tương tự, các cô giáo Đàm Thị Hạnh, Trưởng khoa Dân vận và Nguyễn Hồng Mây, Trưởng khoa Nhà nước và pháp luật cũng đề xuất kết cấu bài giảng một số kỹ năng xử lý điểm nóng, xung đột, giải quyết mâu thuẫn nội bộ, giải quyết khiếu nại của công dân.
Việc làm của Huyện ủy Đồng Hỷ cho thấy đội ngũ cán bộ đang cần học đi đôi với hành. Họ mong muốn được trang bị kinh nghiệm, kỹ năng, phương pháp xử lý tình huống để giải quyết công việc “muôn hình vạn trạng” ở cơ sở. Để đáp ứng yêu cầu này, các cán bộ giảng viên Trường Chính trị tỉnh càng cần tích lũy thực tế đa chiều, chọn lọc kiến thức đưa vào bài giảng.
Khi còn sống, Bác Hồ đã dạy: “Lý luận mà không áp dụng vào công việc thực tế là lý luận suông. Dù xem được hàng ngàn, hàng vạn quyển lý luận, nếu không biết đem ra thực hành, thì khác nào một cái hòm đựng sách”. Đại hội đảng bộ các cấp đang diễn ra, chuẩn bị đội ngũ cán bộ cho nhiệm kỳ 2015-2020 là những người “miệng nói tay làm” đang được Huyện ủy Đồng Hỷ quan tâm thực hiện.
Minh Hằng