Tinh thần trách nhiệm

Đã là cán bộ, đảng viên ai cũng phải có trách nhiệm trước Đảng, trước dân về những công việc được giao phó. Tinh thần trách nhiệm là một tiêu chuẩn thuộc về phẩm chất của người cán bộ, xuất phát từ khối óc và trái tim của người cán bộ. Biểu hiện của tinh thần trách nhiệm là suốt đời hy sinh, phấn đấu cho lý tưởng của Đảng, cho cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc của nhân dân; hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.

Đất nước ta đang trong thời kỳ đổi mới, thực tiễn cách mạng đặt ra rất nhiều vấn đề mới mẻ, mỗi cán bộ lãnh đạo quản lý (LĐQL) dù hoạt động ở ngành nào, địa phương nào, cấp nào, trên cương vị nào đều phải là một chiến sĩ xung kích trong công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước. Trong thời gian qua, bên cạnh số đông cán bộ LĐQL nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, gương mẫu, tích cực, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần vào sự phát triển của các ngành, các địa phương, được Đảng tin tưởng, nhân dân yêu mến, thì vẫn còn không ít cán bộ LĐQL thiếu tinh thần trách nhiệm...

Biểu hiện của người thiếu tinh thần trách nhiệm là không ý thức đầy đủ về công tác của mình, thiếu chủ động, sáng tạo, đại khái, làm việc hời hợt... Một số người do thiếu tinh thần trách nhiệm mà sinh ra sợ trách nhiệm, luôn tìm cách trốn tránh trách nhiệm hoặc đổ trách nhiệm cho người khác. Người sợ trách nhiệm thường “chỉ làm những việc mà người ta bảo mình làm”, làm việc cầm chừng, cốt không để phạm phải khuyết điểm gì. Vì luôn luôn lo sợ phải chịu trách nhiệm về những việc sẽ xảy ra cho nên không muốn cải tiến công tác, không dám mạnh dạn thay đổi những cái chưa hợp lý, chỉ làm theo nếp cũ dần dần dẫn tới bảo thủ, trì trệ. Họ thường không dám nghĩ, dám nói, dám làm, thiếu bản lĩnh, không quyết đoán; thường vin vào các lý do như chưa có chỉ thị, hướng dẫn cụ thể của trên hay là chưa có ý kiến của tập thể do vậy mà không mạnh dạn giải quyết những công việc thuộc thẩm quyền của mình. Họ không lo với nỗi lo chung của toàn Đảng, toàn dân, không tìm tòi và kiến nghị cách giải quyết kịp thời, chỉ biết mỗi việc của mình. Họ thường ngại “va chạm”, không thẳng thắn phê bình khuyết điểm, sợ mất lòng những người có khuyết điểm. Họ thường nói một đằng làm một nẻo, nói không đi đôi với làm; đặt lợi ích cá nhân, lợi ích cục bộ lên trên lợi ích toàn thể; vì lợi ích trước mắt mà quên đi lợi ích lâu dài. Họ thờ ơ, tắc trách trước việc làm sai trái của cấp dưới, “sống chết mặc bay”. Họ không lắng nghe ý kiến của nhân dân, không chăm lo cho đời sống của nhân dân mà ngược lại, gây phiền hà, khó khăn cho nhân dân và doanh nghiệp. Họ không chịu học tập, tu dưỡng nâng cao trình độ, phẩm chất đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ cách mạng... Đặc biệt là trong việc tổ chức thực hiện đường lối, nghị quyết của Đảng, không phân công, phân cấp rõ ràng; không chủ động, sáng tạo, bê nguyên si nghị quyết của cấp trên vào thực hiện ở cấp mình; thiếu kiểm tra, đôn đốc cấp dưới, có khi còn làm trái, làm qua loa, hình thức khiến cho nghị quyết của Đảng không đi vào cuộc sống.

Thái độ thiếu tinh thần trách nhiệm của không ít cán bộ LĐQL hiện nay đang là trở ngại trên con đường phát triển của mỗi ngành, mỗi địa phương, làm lãng phí các nguồn lực, làm cho công việc trì trệ, mất đi cơ hội phát triển; khiến cho những nhân tố mới không phát huy được, những khuyết điểm không được khắc phục kịp thời, làm mất lòng tin ở cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nếu không khắc phục tình trạng này thì sự nghiệp cách mạng không thể tiến lên nhanh chóng và vững chắc được.

Hiện nay trách nhiệm của người cán bộ LĐQL ở các cấp, các ngành là phải tổ chức thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội XI của Đảng và nghị quyết của cấp mình, tìm ra những biện pháp góp phần phát triển của ngành, của địa phương mình; tháo gỡ những khó khăn của doanh nghiệp, thu hút vốn đầu tư, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công của các dự án, các công trình trọng điểm. Giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo và những bức xúc của nhân dân; tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đẩy nhanh tốc độ cải cách hành chính, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội; chăm lo xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh... Người cán bộ LĐQL có trách nhiệm cần tích cực đi sâu, đi sát, lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, lắng nghe phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng để tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc nảy sinh, giải quyết triệt để những hạn chế, tồn tại của ngành, của địa phương mình. Đồng thời phải tích cực kiểm tra, đôn đốc cán bộ cấp dưới thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.

Có thể nói, nâng cao tinh thần trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ LĐQL là việc hết sức cần thiết để bảo đảm việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của các cấp, các ngành hiện nay. Để nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ LĐQL, trước hết phải giáo dục đội ngũ cán bộ LĐQL nâng cao hơn nữa nhiệt tình cách mạng, tính tiền phong, gương mẫu, chống tư tưởng an phận, chống chủ nghĩa cá nhân, toàn tâm toàn ý vì sự nghiệp cách mạng, vì lợi ích của nhân dân. Mỗi cán bộ LĐQL cần cố gắng nhiều hơn nữa, làm nhiều việc tốt hơn nữa xứng đáng với cương vị, chức trách mà Đảng và nhân dân giao phó. Bên cạnh đó cần thực hiện chế độ trách nhiệm cá nhân rõ ràng, ngay cả trong các quyết định của tập thể cũng cần xác định trách nhiệm của các cá nhân. Trong công tác cán bộ cần nhìn nhận, đánh giá đúng việc làm của người có trách nhiệm và người vô trách nhiệm để đánh giá, quy hoạch, đề bạt, sử dụng cán bộ đúng đắn.

Phản hồi (1)

Nguyễn Đức Bình 07/09/2011

Tôi rất tâm đắc với bài viết này. Tôi đồng tình với những ý kiến của tác giả. Hiện nay rất nhiều cán bộ, đảng viên chúng ta còn chưa phát huy hết tinh thấn trách nhiệm, chưa làm tròn vai trò người chiến sĩ tiền phong, là người lãnh đạo và là người đày tớ tận tuỵ của nhân dân, làm ảnh hưởng tới uy tín của Đảng. Tôi hy vọng sau khi đọc bài viết này mỗi cán bộ đảng viên chúng ta sẽ hoàn thành tốt hơn chức trách, nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất