Tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển của Đảng, là công cụ sắc bén để giáo dục rèn luyện cán bộ, đảng viên và củng cố khối đoàn kết thống nhất trong Đảng. Vì vậy, tự phê bình và phê bình luôn là việc làm không thể thiếu trong sinh hoạt và hoạt động của Đảng ta.
Thực chất của tự phê bình và phê bình là góp ý với đồng chí, đồng đội, đồng nghiệp và tự kiểm lại bản thân xem cái làm được và chưa làm được, làm hay hoặc còn thiếu sót, sai lầm và tìm cách phát huy cái tốt, sửa chữa cái chưa tốt, chưa hay.
Nội dung, phương pháp, thái độ tự phê bình và phê bình vẫn luôn là vấn đề mang tính thời sự trong sinh hoạt đảng cũng như trong cuộc sống. Có thể nói, tự phê bình và phê bình là cách giúp ta thấy mỗi người đều có ưu điểm cho ta học hỏi và thấy được khuyết điểm để sửa chữa.
Tự phê bình là phân tích hành vi của chính mình, phát hiện ra những khiếm khuyết còn mắc phải. Đây được xem là hành động dũng cảm, tự mình làm chánh án tòa án lương tâm của chính mình. Cái khó nhất của tự phê bình là phải tự đặt mình vào địa vị của người khác để phê bình. Người ta ai cũng muốn được khen, không ai muốn bị chỉ trích, muốn nói tốt về mình hơn là nói về những điều chưa tốt. Đây là một khó khăn, một trở lực, nó đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải thành khẩn, học hỏi, rèn luyện đạo đức cách mạng. Nếu cán bộ, đảng viên không tự phê bình, tự chỉ trích thì không bao giờ tiến bộ.
Tự phê bình và phê bình phải đi đôi với nhau, đã là con người thì ai cũng có những khuyết điểm và ưu điểm. Vì vậy, phê bình phải cùng lúc đạt được hai mục đích là phải cổ vũ, phát huy ưu điểm và đồng thời phải khắc phục được những khuyết điểm, sai lầm. Chỉ nói cái xấu, mạt sát nhau là sai lệch, nhưng cổ vũ ưu điểm, không đúng mức sẽ trở thành tâng bốc, nịnh hót nhau. Điều này đòi hỏi người phê bình phải suy nghĩ thật kỹ về điều mình sắp nói, không thêm bớt ưu, khuyết điểm, càng khách quan bao nhiêu càng mang lại hiệu quả bấy nhiêu. Bác Hồ đã dặn: Phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ. Vì vậy, phê bình mình cũng như phê bình người phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm. Đồng thời, chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc. Phê bình việc làm chứ không phê bình người. Những người bị phê bình thì phải vui lòng nhận xét để sửa đổi, không nên vì bị phê bình mà nản chí, hoặc oán ghét.
Thực tế việc thực hiện tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt của các chi bộ ở quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh thời gian vừa qua cho thấy:
Ở các chi bộ khu phố, chi bộ trường học, chi bộ doanh nghiệp đảng viên thực hiện nhiệm vụ ở từng bộ phận khác nhau, không có điều kiện tiếp cận với các bộ phận khác, ít tham dự các cuộc họp chung nên trong sinh hoạt tự phê bình và phê bình chủ yếu đi vào những nội dung chung chung, thường chú ý đến chuyên môn đơn thuần của từng người, chưa quan tâm nhiều đến việc thực hiện nhiệm vụ của chi bộ.
Đối với chi bộ cơ quan, do một số chi bộ có cán bộ lãnh đạo sinh hoạt nên đa số đảng viên ngại phát biểu chính kiến của mình, có tâm lý sợ lãnh đạo đánh giá tư tưởng, đánh giá những yếu kém của đơn vị, sợ "bên ngoài" biết được khuyết điểm của mình. Mặt khác, cấp ủy cũng như lãnh đạo đơn vị trong điều hành sinh hoạt cũng chưa mạnh dạn làm rõ những hạn chế thiếu sót của từng đồng chí, nếu có nêu cũng chỉ chung chung, không chỉ rõ những yếu kém, khuyết điểm của từng đảng viên trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, từ đó công tác tự phê bình và phê bình còn hạn chế.
Nhìn chung, trong sinh hoạt thời gian dành cho đọc tài liệu chiếm khá nhiều, thời gian dành cho đảng viên phát biểu ít và không có thời gian thực hiện phê bình và tự phê bình của từng đảng viên. Trong khi đó nhiều cấp ủy chưa quan tâm sinh hoạt chuyên đề hoặc hướng nội dung sinh hoạt vào những vấn đề nổi bật; thê nữa việc phân công đảng viên còn chung chung và công tác kiểm tra đảng viên thực hiện nhiệm vụ của chi bộ còn hạn chế.
Để khắc phục tình trạng trên, nhằm làm cho tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt chi bộ có chất lượng, Quận ủy Bình Thạnh đã tập trung chỉ đạo các chi bộ thực hiện một số vấn đề sau:
Thứ nhất, đưa chế độ tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt chi bộ thành nền nếp thường xuyên, theo định kỳ, không làm qua loa, chiếu lệ, hình thức.
Việc chấp hành chế độ tự phê bình và phê bình thường xuyên trong sinh hoạt đảng nhằm giúp cho cấp ủy và chi bộ sớm phát hiện những ưu điểm và khuyết điểm của cán bộ, đảng viên để kịp thời phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm; rèn luyện tinh thần dân chủ, tính tự giác, ý thức trách nhiệm trước lời nói và việc làm của đảng viên.
Thứ hai, phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ chủ chốt trong tự phê bình và phê bình.
Cán bộ, đảng viên giữ cương vị càng cao càng phải nghiêm khắc tự phê bình; cấp trên phải gương mẫu tự phê bình trước cấp dưới, cấp dưới phải mạnh dạn phê bình cấp trên, tổ chức đảng và đảng viên phải lắng nghe ý kiến phê bình của quần chúng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ, uy tín của người lãnh đạo là ở chỗ mạnh dạn thực hiện tự phê bình và phê bình, biết học hỏi quần chúng, sửa chữa khuyết điểm, để đưa công việc ngày càng tiến bộ chứ không phải ở chỗ giấu giếm khuyết điểm và e ngại quần chúng phê bình. Định kỳ chi bộ cần tổ chức cho đảng viên góp ý kiến phê bình các cán bộ chủ chốt, những ý kiến đúng phải tiếp thu và kiên quyết sữa chữa khuyết điểm, những ý kiến không đúng phải giải thích cho các đảng viên trong chi bộ hiểu.
Thứ ba, thường xuyên đổi mới nội dung sinh hoạt chi bộ.
Bí thư hoặc cấp ủy chủ trì hội nghị cần điều hành sinh hoạt đúng trọng tâm, không chỉ biết lắng nghe mà còn biết khơi gợi vấn đề, phát hiện và kết luận vấn đề một cách chính xác, khắc phục tình trạng kết luận chung chung, chỉ nhằm dung hòa các ý kiến. Việc này đòi hỏi cấp ủy phải chuẩn bị nội dung sinh hoạt thật kỹ, nên có tài liệu gửi trước cho các đồng chí trong chi bộ và ra họp chỉ nêu những nội dung cần trao đổi góp ý, các tài liệu thông tin trong chi bộ cần tổng hợp những nét cơ bản nhất (có thể phân công đảng viên tổng hợp báo cáo cho chi bộ). Các cuộc họp chi bộ thường kéo dài trong 1giờ đến 1giờ 30 phút, thời gian giới thiệu các tài liệu tối đa chỉ nên 15 đến 20 phút, còn lại dành thời gian cho đảng viên phát biểu, thực hiện tự phê bình và phê bình. Mỗi cán bộ, đảng viên cần chủ động nghiên cứu tài liệu để nâng cao nhận thức cũng như am hiểu về hoạt động của các đơn vị nói riêng và của quận nói chung, có thể trao đổi học tập kinh nghiệm lẫn nhau để có thể hỗ trợ nhau hoàn thành nhiệm vụ; khắc phục tự ti, mặc cảm trong khi tham gia phát biểu.
Thứ tư, có thái độ tiếp thu phê bình đúng đắn.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, do những tác động chủ quan hoặc khách quan có thể làm mỗi người chưa hoàn thành tốt trách nhiệm được giao, thậm chí mắc sai lầm, khuyết điểm, nhưng khi phê bình, góp ý cần phải xem xét sự việc cẩn trọng, bình tĩnh. Có những người rất sợ bị phê bình, họ “ tự cho mình cái gì cũng giỏi, việc gì cũng biết. Làm biếng học hỏi, làm biếng suy nghĩ ”. Nếu có nghe cũng chỉ qua loa, để ngoài tai hoặc tiêu cực hơn là có thái độ hẹp hòi, thù hằn đối với người phê bình mình. Đây là khó khăn đối với người muốn tích cực góp ý phê bình cho đồng nghiệp, đồng chí. Điều này nói thì dễ nhưng làm rất khó. Khó vì mỗi con người đều có cái tôi, lòng tự ái, không dễ thừa nhận cái sai, cái dốt, cái kém của mình, chỉ sợ mất thể diện, mất uy tín… Ở đây cần phải khắc phục cái tôi để tự chiến thắng bản thân. Cần nhận thức phê bình là một cử chỉ văn hóa, vì lợi ích chung, sự nghiệp chung. Thành thật với mình, thành thật với người, đó chính là nhân cách, là trách nhiệm của con người nói chung và mỗi cán bộ, đảng viên nói riêng.
Tự phê bình, phê bình là quy luật phát triển và là một trong những nguyên tắc hoạt động của Đảng. Nêu cao tính tự phê bình và phê bình, trước hết cần tăng cường tính nguyên tắc, tính giáo dục, tính chiến đấu trong sinh hoạt đảng, tạo được không khí cởi mở, chân thành để mọi cán bộ, đảng viên bày tỏ chính kiến, tâm tư, nguyện vọng của mình; khuyến khích đảng viên nói thẳng, nói thật, thực hiện tốt phương châm “biết không thể để trong lòng, nói từ đáy lòng, phải nói thật”; khắc phục tình trạng nể nang, ngại va chạm và khắc phục tình trạng “dễ người, dễ ta” không có chính kiến đang còn khá phổ biến trong sinh hoạt. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Ngày nào cũng phải ăn cho khỏi đói, rửa mặt cho khỏi bẩn, thì ngày nào cũng phải tự phê bình cho khỏi sai lầm. Nghĩa là tự phê bình phải thường xuyên, chứ không chờ khai hội mới tự phê bình, không phải khi làm khi không …”. Nếu thực hiện tốt công tác tự phê bình và phê bình sẽ góp phần xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh.
Nguyễn Quốc Hùng
Bí thư Quận ủy Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh