Đăk Lăk tăng cường sự lãnh đạo của Đảng ở thôn, buôn, tổ dân phố
Ban chỉ đạo chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh Đăk Lăk tặng Bằng khen cho tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng nông thôn mới năm 2011-2012.
Đắk Lắk thuộc địa bàn Tây Nguyên, có vị trí chiến lược quan trọng cả về kinh tế - chính trị, quốc phòng - an ninh. Dân số tỉnh là gần 1,8 triệu người, với 44 dân tộc anh em cùng sinh sống (trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 29,5%). Toàn tỉnh có 184 xã, phường, thị trấn, với 2.445 thôn, buôn, tổ dân phố (TDP) (thôn 1.526, buôn 608); tổng số đảng viên là 52.791 đồng chí; có 956 tổ chức cơ sở đảng và có 4.416 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở.

Nhận thức rõ vị trí, vai trò của thôn, buôn, tổ dân phố trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tỉnh Đắk Lắk đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với thôn, buôn, TDP như: Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 3-3-2003 Tỉnh ủy “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng ở thôn, buôn, tổ dân phố”, nghị quyết 08-NQ/TU của Tỉnh ủy về xây dựng Đảng gắn với củng cố hệ thống chính trị xã, phường, thị trấn vững mạnh toàn diện; Nghị quyết 04-NQ/TU về tăng cường cán bộ cho xã, phường, thị trấn; Kế hoạch số 12-KH/TU, ngày 21-7-2006 về phát triển đảng ở thôn, buôn, tổ dân phố; Kế hoạch số 32-KH/TU, ngày 22-11-2007 về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ trong các loại hình TCCS Đảng; Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số đến 2010... Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo Ban cán sự đảng UBND tỉnh, chỉ đạo UBND tỉnh xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thị xã, thành phố bám sát mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, đồng thời lồng ghép triển khai có hiệu quả các quyết định, chương trình của Chính phủ như 132, 134, 135, 167, 168… từng bước phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công tác xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần nhân dân trong tỉnh.

Nhờ triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chương trình, kế hoạch của Tỉnh ủy đã giúp cho bộ mặt nông thôn của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với thôn, buôn, TDP ngày càng phát huy hiệu quả, số lượng quần chúng ưu tú ở thôn, buôn, TDP được kết nạp vào Đảng hằng năm tăng. Tỷ lệ thôn, buôn, TDP không có tổ chức đảng, không có đảng viên giảm qua các năm: Năm 2011 số thôn, buôn, TDP không có tổ chức đảng là 7,6% (năm 2004 là 28,13%, năm 2008 là 12,6%). Số thôn, buôn, TDP không có đảng viên năm 2011 là 0,82% (năm 2004 là 6,44%, năm 2008 là 1,1%). Bên cạnh đó, chất lượng hoạt động của các chi bộ thôn, buôn, tổ dân phố từng bước được nâng lên. Năm 2004 chi bộ trong sạch, vững mạnh đạt 55,93%, chi bộ yếu chiếm 2,29%; năm 2008 chi bộ trong sạch, vững mạnh đạt 67,53%, chi bộ yếu chiếm 1,20% và năm 2011 chi bộ trong sạch, vững mạnh đạt 74,5%, chi bộ yếu chiếm 0,1%. Đội ngũ đảng viên ở thôn, buôn, TDP từng bước được nâng lên cả về chất lượng và hiệu quả, xứng đáng là hạt nhân lãnh đạo ở cơ sở. Theo đánh giá phân loại chất lượng đảng viên năm 2004 đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ là  65,67%, đảng viên, vi phạm tư cách chiếm 1,26%; năm 2008 số đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ là 77,13%, đảng viên vi phạm tư cách chiếm 0,94% và năm 2011 số đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ là 90,77%, đảng viên vi phạm tư cách chiếm 0,64%. Tỷ lệ đảng viên bị xử lý kỷ luật năm 2004 là 0,92%, năm 2008 là 0,78% và năm 2011 chỉ có 0,31%. Nhiều thôn, buôn trước đây còn khó khăn nay đã tạo được nguồn phát triển đảng, xây dựng được lực lượng cán bộ cốt cán trong các tổ chức, đoàn thể.

Vai trò lãnh đạo của Đảng đối với thôn, buôn, TDP được phát huy, các cấp ủy chi bộ cơ bản nắm bắt được tình hình tư tưởng của đảng viên và nhân dân; tôn trọng và phát huy quyền dân chủ của nhân dân, tạo điều kiện cho đảng viên, nhân dân tham gia xây dựng đường lối, chính sách của Đảng, nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng, quy chế dân chủ cơ sở được thực hiện tốt. Mặt trận và đoàn thể các cấp đã chú trọng việc xây dựng, không ngừng đổi mới phương thức hoạt động và đã thu hút, tập hợp nhiều quần chúng tham gia vào tổ chức đoàn, hội của mình. Cấp ủy các cấp thường xuyên quan tâm chỉ đạo, gắn công tác phát triển đảng viên với xây dựng đội ngũ cán bộ ở thôn, buôn, TDP. Chính sách trợ cấp cho cán bộ thôn, buôn, TDP từng bước được cải thiện. Đội ngũ cán bộ thôn, buôn, TDP có bước trưởng thành và đã có những đóng góp nhất định trong tiến trình đổi mới của đất nước. Hệ thống chính trị ở cơ sở dần được tốt hơn, đáp ứng được với các yêu cầu, nhiệm vụ chính trị ở địa phương.

Tuy nhiên, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng ở thôn, buôn, TDP còn những mặt hạn chế: Một số cấp uỷ, chi bộ chưa thật sự nắm chắc được diễn biến tư tưởng của đảng viên và nhân dân, nhất là các vấn đề liên quan đến an ninh chính trị trong những buôn đồng bào dân tộc thiểu có thủ đoạn của các thế lực thù địch. Sự phối hợp giữa các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể các cấp chưa được đồng bộ. Việc quản lý đảng viên, phân công nhiệm vụ cho đảng viên có nơi thực hiện chưa tốt. Một số đảng viên chưa được phân công nhiệm vụ cụ thể, nên vai trò lãnh đạo, tính tiền phong gương mẫu chưa được thể hiện rõ nét. Chất lượng hoạt động của một số tổ chức Mặt trận, đoàn thể hiệu quả không cao, dân chủ cơ sở còn mang tính hình thức. Đội ngũ cán bộ ở thôn, buôn, TDP ít được đào tạo, bồi dưỡng nên năng lực công tác còn hạn chế, một số kém nhiệt tình làm cho hiệu quả công tác thấp. Một số thôn, buôn chưa có tổ chức đảng nên phải sinh hoạt ghép, số đảng viên tại chổ ít, chất lượng và thời gian sinh hoạt không đều. Số đảng viên được phát triển ở thôn, buôn, TDP còn thấp, nhất là vùng đồng bào có đạo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Tỷ lệ đảng viên dân tộc thiểu số còn ở mức thấp so với tỷ trọng cơ cấu dân số. Vẫn còn 186/2445 thôn, buôn, TDP không có tổ chức đảng và 20/2445 thôn, buôn, TDP không có đảng viên.

Để nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng đối với thôn, buôn, TDP; các cấp ủy đảng trong tỉnh cần triển khai, thực hiện tốt những nhiệm vụ sau:

1- Các cấp ủy đảng cần nhận thức rõ vai trò, vị trí của thôn, buôn, TDP là nơi trực tiếp thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của các cấp ủy đảng, nơi phát huy các hình thức tự quản của cộng đồng dân cư trong xóa đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa, phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự xã hội. Tiếp tục đổi mới phương thức tuyên truyền, quán triệt chỉ thị nghị quyết của Đảng và nhà nước để tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về các quan điểm, mục tiêu, chủ trương của Đảng về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân… Tuyên truyền nâng cao ý thức cách mạng, cảnh giác với âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch và vận động nhân dân tố giác tội phạm; xây dựng thế trận lòng dân vững chắc; xây dựng nông thôn giàu mạnh.

2- Tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên. Tiến hành đồng bộ các biện pháp xây dựng đội ngũ đảng viên, vừa nâng cao chất lượng số đảng viên hiện có vừa đẩy mạnh việc bồi dưỡng, tạo nguồn để phát triển đảng viên, đặc biệt là ở những thôn, buôn chưa có hoặc ít đảng viên; đồng thời kiên quyết đưa những người không đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng. Giới thiệu những đảng viên có đủ phẩm chất, năng lực để tham gia ban tự quản, ban công tác mặt trận và ban chấp hành chi hội các đoàn thể chính trị - xã hội nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với những tổ chức này.

3- Thường xuyên kiện toàn, sắp xếp các TCCSĐ, các chi bộ trực thuộc  phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ, hạn chế sinh hoạt ghép; đồng thời có những biện pháp cụ thể để chỉ đạo các tổ chức đảng yếu kém khắc phục khuyết điểm, xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh; sinh hoạt và hoạt động có nền nếp, chất lượng cao gắn với tổ chức các phong trào thi đua, đẩy mạnh các hoạt động xã hội của quần chúng.

4- Các tổ chức đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức thực hiện tốt quy ước, hương ước đã được phê duyệt gắn với thực hiện tốt cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, làm tốt công tác tự phê bình và phê bình, tạo điều kiện cho cán bộ, đảng viên, nhân dân đóng góp xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Đẩy mạnh phát huy nội lực để phát triển kinh tế-xã hội, chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội từ cơ sở.

5- Các cấp ủy đảng cần làm tốt công tác xây dựng và tạo nguồn cán bộ thôn, buôn, TDP. Tổ chức tốt việc tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng hoạt động, nghiên cứu đề ra những chính sách trợ cấp phù hợp cho đội ngũ cán bộ thôn, buôn, TDP. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hướng dẫn, đôn đốc cán bộ thôn, buôn, TDP xây dựng chương trình, kế hoạch hành động phát huy tốt nội lực nhằm phát triển thôn, buôn, TDP vững mạnh toàn diện. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kết nghĩa của các cơ quan, đơn vị đối với các buôn đồng bào DTTS, nhất là trong phát triển kinh tế buôn và vận động quần chúng. Lãnh đạo thực hiện có hiệu quả Chương trình phát triển giáo dục và đào tạo 2011-2015 nhằm không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, nâng cao dân trí và phát triển nguồn nhân lực làm cơ sở cho quy hoạch cán bộ từ xa.

6- Tiếp tục chỉ đạo đảng ủy các xã, phường rà soát, đánh giá việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, những vấn đề còn tồn tại, yếu kém để đề ra các giải pháp khắc phục, trong đó tập trung làm tốt công tác xóa nghèo, trước mắt quan tâm giúp các hộ nghèo là người đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo một cách bền vững. Tập trung quan tâm đầu tư, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế-xã hội, thực hiện đồng bộ các chính sách, giải pháp hỗ trợ hộ nghèo ở thôn, buôn đặc biệt khó khăn, tạo cơ hội để vùng này phát triển kinh tế sớm thoát nghèo. Tăng cường công tác đảm bảo trật tự an toàn xã hội, làm tốt công tác quản lý địa bàn, phát hiện và xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh ở cơ sở; xây dựng lực lượng cán bộ chủ chốt tại chỗ vững mạnh.

Vấn đề quan trọng hiện nay là cần phải tập trung nâng cao chất lượng mọi mặt đời sống của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa; bởi đây không chỉ đơn thuần là vấn đề kinh tế - xã hội cấp bách, mà còn là vấn đề chính trị, an ninh quốc gia. Triển khai và thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân; góp phần đưa tỉnh ta ngày càng phát triển vững mạnh.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất