Tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ địa phương với công tác quân sự, quốc phòng
Công tác quân sự, quốc phòng (QSQP) địa phương là bộ phận quan trọng trong công tác QSQP quốc gia. Cấp ủy địa phương đóng vai trò hết sức quan trọng, là cơ quan lãnh đạo và trực tiếp tổ chức thực hiện đường lối chính trị, quân sự của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng-an ninh, thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên về công tác QSQP địa phương; trực tiếp giáo dục tư tưởng đối với lực lượng vũ trang (LLVT) địa phương, xây dựng ban chỉ huy quân sự địa phương vững mạnh về chính trị, hoàn thành tốt nhiệm vụ giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương, cơ sở.

Những năm qua, dưới sự lãnh đạo trực tiếp, tập trung, thống nhất của các cấp ủy địa phương, công tác QSQP địa phương đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần giữ vững độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; “Thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân được củng cố”(1). Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác QSQP địa phương và sự lãnh đạo của một số cấp ủy địa phương đối với công tác QSQP còn bộc lộ những hạn chế, năng lực lãnh đạo chưa cao, chưa bám sát nhiệm vụ QSQP địa phương, công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo và đấu tranh trên mặt trận chính trị tư tưởng chậm đổi mới, thiếu chủ động và sắc bén, còn mơ hồ, chủ quan, mất cảnh giác trước các âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XI về công tác QSQP, xây dựng và củng cố thế trận chiến tranh nhân dân, xây dựng nền quốc phòng toàn dân đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới, các đảng bộ, chi bộ cơ sở địa phương cần phải tiến hành đồng bộ các giải pháp nhằm kiện toàn đội ngũ cấp ủy, tập trung nâng cao khả năng lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng trong công tác QSQP địa phương. Trước hết cần tập trung thực hiện tốt một số biện pháp sau:

Một là, tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức, bồi dưỡng năng lực của cấp ủy, cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành địa phương đối với công tác QSQP địa phương.

Cần tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các thành viên trong cấp ủy, cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành đối với công tác QSQP địa phương. Theo đó, các thành viên trong cấp ủy, cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành địa phương phải là những người nắm vững và quán triệt sâu sắc các quan điểm, đường lối của Đảng về công tác QSQP, nắm vững các chỉ thị, nghị quyết, hướng dẫn của cấp trên; yêu cầu, nhiệm vụ và tình hình thực tế của địa phương. Thường xuyên nâng cao cảnh giác cách mạng, nhận rõ âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch, nâng cao ý thức trách nhiệm trong lãnh đạo và tổ chức thực hiện công tác QSQP địa phương.

Phải củng cố nhận thức về những quan điểm cơ bản của Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo vệ Tổ quốc XHCN; về hai nhiệm vụ chiến lược; các quan điểm tư tưởng quân sự của Đảng, kết hợp quốc phòng - an ninh (QPAN) với kinh tế, kinh tế với QPAN; xây dựng nền quốc phòng toàn dân bảo vệ Tổ quốc; các nội dung của Hiến pháp, pháp luật, quy định của Nhà nước, của từng địa phương liên quan đến QPAN; hệ thống các kiến thức, tri thức, kỹ năng quân sự cần thiết cho chỉ huy, chỉ đạo lực lượng vũ trang địa phương.

Công tác giáo dục phải thực tế và hiệu quả, sau các đợt tập huấn về lý luận và học chuyên đề, các thành viên trong cấp ủy và cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành phải được tham gia vào các đợt diễn tập nhiệm vụ QPAN hằng năm trên địa bàn, đảm nhiệm các chức danh và luyện tập các kỹ năng nắm bắt và xử lý tình huống trong nhiệm vụ QSQP địa phương.

Hai là, thường xuyên kiện toàn và nâng cao chất lượng đội ngũ cấp ủy đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ QSQP địa phương.

Cấp ủy địa phương là nhân tố trực tiếp quyết định chất lượng, hiệu quả công tác QSQP địa phương. Năng lực lãnh đạo của cấp ủy địa phương đối với công tác QSQP địa phương phải được thể hiện ở năng lực quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, nghị quyết của đảng ủy cấp trên về nhiệm vụ QSQP, nhiệm vụ chính trị của địa phương, nhất là nhiệm vụ QSQP; năng lực nắm vững tình hình mọi mặt liên quan đến QSQP trên cơ sở đó đề ra chủ trương, biện pháp lãnh đạo đúng, trúng về công tác QSQP địa phương. Đó còn là năng lực lãnh đạo phát huy sức mạnh tổng hợp của các ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội ở địa phương, của nhân dân địa phương trong thực hiện nhiệm vụ QSQP địa phương; thể hiện ở năng lực kiểm tra, sơ tổng kết việc thực hiện nhiệm vụ QSQP ở địa phương.

Để duy trì sự lãnh đạo của cấp ủy địa phương đối với công tác QSQP địa phương, phải thường xuyên bổ sung, kiện toàn đội ngũ cấp ủy, ban chấp hành đảng bộ địa phương, bảo đảm đủ số lượng, có chất lượng cao, cơ cấu hợp lý. Thường xuyên bồi dưỡng nâng cao trình độ mọi mặt cho các cấp ủy viên, nhất là đội ngũ bí thư, phó bí thư các cấp.

Ba là, xây dựng cơ quan quân sự địa phương vững mạnh, đủ sức làm tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương trong công tác QSQP địa phương.

Cơ quan quân sự địa phương là một bộ phận của LLVTND thuộc hệ thống tổ chức của Bộ Quốc phòng, là cơ quan quốc phòng trong tổ chức chính quyền địa phương; đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp về mọi mặt của cấp uỷ, sự điều hành của chính quyền địa phương và sự lãnh đạo, chỉ huy thống nhất của Đảng uỷ Quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng.

Để cơ quan quân sự thực sự là lực lượng nòng cốt trong vai trò làm tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương và tổ chức thực hiện tốt công tác QSQP địa phương phải xây dựng cơ quan quân sự và đội ngũ cán bộ quân sự địa phương vững mạnh về mọi mặt. Do vậy, phải thường xuyên kiện toàn cơ quan quân sự địa phương đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng theo yêu cầu biên chế. Đi đôi với kiện toàn về tổ chức phải coi trọng bồi dưỡng nâng cao kiến thức, năng lực toàn diện cho đội ngũ cán bộ quân sự địa phương. Xây dựng cơ quan quân sự và đội ngũ cán bộ quân sự địa phương có phương pháp tác phong, chế độ công tác phù hợp với vai trò, chức năng làm tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy cơ quan quân sự và các đơn vị bộ đội địa phương hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ. Xây dựng đảng uỷ quân sự địa phương vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức là hạt nhân lãnh đạo của đảng bộ quân sự địa phương.

Các cơ quan quân sự tỉnh (thành phố), ban chỉ huy quân sự quận (huyện) cần phát huy tốt vai trò tham mưu, đề xuất với cấp ủy, tổ chức đảng những địa phương về xây dựng chủ trương, nội dung, hình thức, biện pháp thực hiện nhiệm vụ QSQP địa phương. Bám sát tình hình, nhiệm vụ của địa phương, nhiệm vụ của cơ quan quân sự để xây dựng kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng kiến thức quân sự cho các tuyến cơ sở và các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và cấp ủy, chính quyền địa phương; đặc biệt là bồi dưỡng năng lực lãnh đạo và kiến thức quân sự cho tuyến xã, phường, thị trấn.

Bốn là, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, luật pháp tạo điều kiện thuận lợi cho cấp ủy các cấp làm tốt công tác QSQP địa phương.

Cơ chế, chính sách, luật pháp là một vấn đề rất quan trọng đối với lĩnh vực QSQP địa phương. Thời gian qua, về cơ bản các địa phương trong cả nước đã thực hiện tốt các quy định về cơ chế, chính sách và luật pháp trong triển khai công tác QSQP địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã nảy sinh một số vấn đề cần được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện.

Cần nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện và thực hiện tốt cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với công tác QSQP địa phương. Trong đó vai trò của cấp ủy địa phương cần được xác định rõ hơn nữa nhằm làm cơ sở cho công tác lãnh đạo, phân công, phân nhiệm khi có tình huống. Xác định rõ và cụ thể hóa chức trách của các đồng chí bí thư, phó bí thư đảng ủy trong hội đồng quân sự địa phương các cấp (xã, huyện, tỉnh và thành phố) nhằm bảo đảm sự phối hợp hiệu quả giữa công tác lãnh đạo của cấp ủy và điều hành của chính quyền, bảo đảm mọi quyết định của Đảng được tổ chức thực hiện một cách trực tiếp như đã quy định trong Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị.

“Bổ sung, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, các chính sách xã hội có quan hệ  đến nhiệm vụ quốc phòng - an ninh”(2). Những năm vừa qua nhiều cấp ủy địa phương đã tập trung lãnh đạo tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhưng phần công tác QSQP địa phương chưa thực sự được chú trọng. Một số dự án kinh tế đã bỏ qua hoặc chưa chú trọng tới nhiệm vụ bảo đảm QPAN. Để khắc phục tình trạng đã nêu, cần phải có quy định phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong công tác lãnh đạo và chỉ đạo tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tạo nên sự liên kết giữa phát triển kinh tế với nhiệm vụ củng cố QPAN. Trong mối quan hệ phối hợp này, cấp ủy cơ sở luôn đóng vai trò quyết định.

Trong thời gian tới, để chủ động đối phó với các tình huống có thể xảy ra, kiên quyết giữ vững độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội, đòi hỏi các cấp ủy địa phương phải tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo đối với công tác QSQP địa phương. Cấp ủy các cấp phải thực sự trở thành hạt nhân lãnh đạo tin cậy trong các tổ chức đảng, chính quyền các địa phương, lãnh đạo và vận hành hiệu quả hệ thống chính trị địa phương thực hiện tốt đường lối, quan điểm chính trị, quân sự của Đảng; nắm vững các nguyên tắc tiến hành chiến tranh nhân dân, xây dựng khu vực tác chiến phòng thủ địa phương vững mạnh; đồng thời, làm tốt công tác vận động quần chúng, biết huy động sức mạnh các tổ chức, các lực lượng và đông đảo quần chúng nhân dân trong thực hiện công tác QSQP địa phương.

--------------------

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, NXBCTQG, H.2006, tr.59.
(2) Sđd, tr.111.

 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất