Nâng cao chất lượng đại biểu HĐND cấp xã trong điều kiện không tổ chức HĐND

Thực hiện Nghị quyết 725/NQ-UBTVQH 11, Lào Cai là 1 trong 10 tỉnh, thành phố của cả nước thí điểm không tổ chức HĐND cấp huyện, phường. Vấn đề nâng cao chất lượng đại biểu HĐND nói chung, đặc biệt là nhiệm vụ của các đại biểu HĐND xã, thị trấn (gọi tắt là cấp xã) được tỉnh Lào Cai đặt lên hàng đầu. Xác định được điều này, ngay từ đầu nhiệm kỳ (2011-2016) Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND tỉnh đã quan tâm lãnh đạo và đề ra những giải pháp đồng bộ, cụ thể để nâng cao chất lượng đại biểu HĐND cấp xã, trong đó coi trọng bồi dưỡng, tập huấn cho đại biểu và đại biểu tự nâng cao trách nhiệm, năng lực bản thân trong quá trình thực hiện quyền, nhiệm vụ và trách nhiệm của người đại biểu dân cử, đây có thể coi là giải pháp cơ bản nhất trong nhóm các giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động HĐND cấp xã.


Theo quy định, quyền lực của HĐND thể hiện ở chức năng quyết định và giám sát, quyền hạn của HĐND được thể hiện trên 7 nhóm lĩnh vực với hơn 35 nhiệm vụ, trong đó nhiệm vụ và quyền hạn của đại biểu HĐND được quy định rõ tại các điều từ Điều 38 đến Điều 42 của Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003. Qua thực tế cho thấy, chất lượng và hiệu quả hoạt động của HĐND được quyết định bởi nhiều yếu tố, nhưng cơ bản, đầu tiên là chất lượng đại biểu HĐND. Việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương cũng chính là cơ sở để phát huy dân chủ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm nguyên tắc quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.


Bên cạnh yếu tố phẩm chất đạo đức, chính trị, đại biểu HĐND phải có trình độ, năng lực, có tinh thần trách nhiệm cao trước cộng đồng và cử tri; theo đó đại biểu phải được bồi dưỡng kỹ năng hoạt động và được tạo điều kiện để làm tròn trách nhiệm của mình theo luật định.


Từ những kết quả đạt được và kinh nghiệm rút ra ở nhiệm kỳ trước, nhiệm kỳ 2011-2016, Lào Cai hiện có 8 huyện và 12 phường được Trung ương chỉ đạo thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND. Theo đó, ngay sau kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh khóa XIV kết thúc, tháng 11-2011, tất cả 54/54 đại biểu HĐND tỉnh đã được Bộ Nội vụ tổ chức bồi dưỡng, tập huấn, đến quý I/2012 Thường trực HĐND, UBND tỉnh giao cho Sở Nội vụ phối hợp với Trường Chính trị tỉnh biên soạn tài liệu và tổ chức mở lớp bồi dưỡng cho 30 đại biểu HĐND TP. Lào Cai và trên 30 báo cáo viên, giảng viên Trung tâm bồi dưỡng chính trị (BDCT) huyện, thành phố.


Quán triệt các văn bản chỉ đạo của Thường trực HĐND, UBND tỉnh, Sở Nội vụ, dưới sự chỉ đạo của UBND các huyện, thành phố, tính đến nay 9/9 trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, thành phố đã hoàn thành việc mở lớp tập huấn, bồi dưỡng cho 3.777 đại biểu HĐND thuộc 152 xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh.


Về nội dung bồi dưỡng, các đại biểu được quán triệt tiếp thu đầy đủ 5 chuyên đề: Phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam và tỉnh Lào Cai trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế; Vị trí vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và phương hướng hoạt động của HĐND và đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã; Kỹ năng tiếp xúc cử tri và tiếp công dân của đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã; Kỹ năng thuyết trình, chất vấn và thảo luận của đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã; Kỹ năng thẩm tra và giám sát ngân sách của HĐND cấp huyện, cấp xã.


Qua kiểm tra việc tổ chức mở lớp bồi dưỡng hầu hết các huyện, thành phố đã  thực hiện đúng kế hoạch. Nhiều huyện có cách làm sáng tạo trong việc chiêu sinh mở lớp có sự thống nhất giữa ban giám đốc trung tâm BDCT và thường trực HĐND xã, thị trấn như huyện Bảo Thắng và Bảo Yên, mỗi xã chia đại biểu ra thành 3 đợt (không mời cùng một lúc), cách này đã tạo thuận lợi cho cán bộ địa phương giải quyết công việc tại xã (bởi vì đại biểu HĐND cấp xã phần lớn là cán bộ UBND, ủy viên BCH Đảng bộ, lãnh đạo mặt trận, đoàn thể, bí thư chi bộ, trưởng thôn, bản). Huyện Văn Bàn và Mường Khương chia và sắp xếp theo từng cụm để thuận lợi cho việc đi lại, sinh hoạt cho đại biểu. Các điểm tổ chức lớp học đều đảm bảo cơ sở vật chất đủ điều kiện để mở lớp. Việc soạn giáo trình, lên lớp của các giảng viên có sự đổi mới về phương pháp, trong quá trình bồi dưỡng đã lồng ghép chuyên đề xây dựng nông thôn mới vào chương trình tập huấn. Tài liệu được biên tập ngắn gọn và phát đầy đủ cho các đại biểu nghiên cứu.


Tuy nhiên trong quá trình thực hiện vẫn còn có những vấn đề cần khắc phục: Một số lớp, học viên còn đến muộn, ý thức học tập chưa cao; cơ sở vật chất một số huyện chưa đáp ứng yêu cầu ăn, ở cho các đại biểu ở các xã xa về tập huấn; một số lớp học còn quá đông trên 100 đại biểu nên việc tiếp thu chưa thật sự hiệu quả; một số giảng viên chưa đổi mới phương pháp giảng dạy, còn nặng về đọc và ghi chép; việc biên tập tài liệu bồi dưỡng ở chuyên đề 2 còn có một số nhầm lẫn với chức năng, nhiệm vụ của HĐND cấp huyện.


Để công tác bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp xã trong thời gian tới đạt hiệu quả hơn, các địa phương cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, các trung tâm BDCT huyện, thành phố tiếp tục củng cố về cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng và đổi mới phương pháp đào tạo, bồi dưỡng để đảm bảo thực hiện tốt nội dung, kế hoạch bồi dưỡng đã đề ra trong năm.


Hai là, thường trực HĐND xã, thị trấn cần bám sát hướng dẫn của HĐND tỉnh, HĐND thành phố và UBND huyện để thực hiện theo đúng luật định.


Ba là, các đại biểu HĐND xã, thị trấn ngoài việc được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng hoạt động HĐND tại các trung tâm BDCT huyện, thành phố, cần tự nghiên cứu, học tập để nâng cao trình độ, nhất là các đại biểu mới tham gia lần đầu; kịp thời cập nhật thông tin đầy đủ về các chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước, tình hình kinh tế - xã hội của địa phương; tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động, tăng cường nắm bắt dư luận xã hội, về tâm tư nguyện vọng và những vấn đề cử tri quan tâm ở cơ sở, gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, góp phần xây dựng chính quyền cơ sở ngày càng trong sạch vững mạnh, thực sự là chính quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất