Lạng Sơn củng cố hoạt động của đảng bộ cơ sở và chi bộ ở nông thôn

Lạng Sơn là tỉnh miền núi biên giới, phía Bắc của Tổ quốc, Đảng bộ tỉnh có 15 đảng bộ trực thuộc, 769 tổ chức cơ sở đảng (trong đó, có 207 đảng bộ xã, 5 đảng bộ phường và 14 đảng bộ thị trấn), với 3.780 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở và 53.538 đảng viên.


Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XV, công tác củng cố, đổi mới hoạt động của đảng bộ cơ sở và chi bộ ở nông thôn đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy quan tâm chỉ đạo. Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã tham mưu cho Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 24- NQ/TU, ngày 16-8-2011 về tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên, giai đoạn 2011-2015; Nghị quyết số 37-NQ/TU, ngày 13-02-2012 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn đến năm 2015 và những năm tiếp theo; Chỉ thị số 29-CT/TU, ngày 20-5-2008 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của chi bộ thôn, khối, khu phố trực thuộc đảng uỷ xã, phường, thị trấn”...


Các cấp ủy đảng đã triển khai đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, quán triệt các chủ trương, nghị quyết của đảng, chính sách pháp luật của nhà nước và của Đảng bộ tỉnh; đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy, thực hiện tốt công tác tạo nguồn và phát triển đảng viên, củng cố cơ sở đảng yếu kém, khắc phục tình trạng thôn chưa có đảng viên, thôn sinh hoạt chi bộ ghép. Năm 2010 toàn Đảng bộ tỉnh còn 90 thôn chưa có chi bộ, đến năm 2013 do quan tâm công tác phát triển đảng viên, đã thành lập được 42 chi bộ, giảm số thôn chưa có chi bộ xuống còn 48 thôn.


Công tác đánh giá chất lượng TCCSĐ và đảng viên được các cấp ủy, tổ chức đảng quan tâm chỉ đạo, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn của địa phương và kết quả thực hiện Nghị quyết TW4 khóa XI về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Nhiều cấp ủy đã chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện và thẩm định chặt chẽ kết quả đánh giá của cơ sở đảng.

Đảng bộ các xã đã xây dựng và ban hành quy chế làm việc của cấp ủy, quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ của cấp ủy, nhiệm vụ cụ thể của bí thư cấp ủy, phó bí thư thường trực cấp uỷ và phó bí thư phụ trách công tác chính quyền, tạo điều kiện thuận lợi để đảng bộ, chính quyền và các đoàn thể chính trị, xã hội phối hợp hoạt động đồng bộ, phân định rõ quyền hạn và trách nhiệm của từng tổ chức, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, giải quyết kịp thời nhiệm vụ thường xuyên và những phát sinh ở cơ sở.

Việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ được quan tâm thường xuyên, nội dung sinh hoạt chi bộ cụ thể, thiết thực, giải quyết kịp thời vấn đề bức xúc ở địa phương. Vai trò trách nhiệm của cấp ủy, bí thư, phó bí thư chi bộ trong việc chuẩn bị nội dung và duy trì sinh hoạt được nâng cao, ý thức trách nhiệm của đảng viên trong sinh hoạt chi bộ và thảo luận, quyết định các nhiệm vụ chính trị của địa phương được xem xét thảo luận thấu đáo, quyết định thực hiện phù hợp với điều kiện, hoàn cánh thực tế địa phương; công tác phân công nhiệm vụ cho cán bộ, đảng viên phù hợp với sở trường, năng lực thực tế đã phát huy được vai trò tiên phong, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên; cơ bản sinh hoạt chi bộ nông thôn đảm bảo được tính lãnh đạo, tính giáo dục và tính chiến đấu.


Công tác tạo nguồn, phát triển đảng thường xuyên được các cấp uỷ đảng quan tâm, đặc biệt đối với những địa bàn còn ít đảng viên; kết quả từ năm 2010 đến nay, hằng năm đảng bộ tỉnh đều kết nạp được trên 2.000 đảng viên. Chất lượng đảng viên mới kết nạp đảm bảo theo tiêu chuẩn quy định. Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TU, ngày 23-7-2004 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về lãnh đạo phát triển đảng, xoá thôn, trường “trắng” đảng viên, giảm thôn, trường ghép chi bộ; cơ bản các thôn đều có đảng viên,  hiện còn 35 chi bộ ghép 1 thôn, 5 chi bộ ghép 2 thôn và 1 chi bộ ghép 3 thôn.

Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn được các cấp thường xuyên quan tâm chỉ đạo, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt và cấp uỷ viên, từ năm 2010 đến năm 2013 đã tổ chức mở được 34 lớp đào tạo về chuyên môn, lý luận chính trị - hành chính cho đội ngũ cán bộ cấp xã, với 2.409 học viên, trong đó có 16 lớp trung cấp, sơ cấp chuyên môn với 962 học viên và 18 lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính, với 1.447 học viên. Đến hết năm 2013 cơ bản đội ngũ cán bộ cơ sở đã đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị.

Với các giải pháp đồng bộ, cụ thể, công tác xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng tổ chức đảng ở cơ sở ở Lạng Sơn đã đạt được kết quả quan trọng. Hoạt động của các cấp ủy xã đã có nhiều chuyển biến tích cực, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, duy trì chế độ sinh hoạt theo quy định của Điều lệ Đảng, chất lượng sinh hoạt chi bộ được nâng lên. Hầu hết các tổ chức cơ sở đảng đã khẳng định được vai trò hạt nhân chính trị, bám sát các nghị quyết, chỉ thị, sự chỉ đạo của cấp uỷ cấp trên và tình hình thực tế của địa phương để đề ra biện pháp lãnh đạo, tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và công tác xây dựng đảng, hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất