Lâm Hà là huyện kinh tế mới, thành lập từ năm 1987, huyện có 16 đơn vị xã, thị trấn. Nhiều năm qua, hệ thống chính trị của huyện Lâm Hà đang từng bước kiện toàn, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng dần được nâng lên; công tác quản lý, điều hành của chính quyền cơ sở có đổi mới, đạt hiệu quả; công tác cán bộ, trong đó có công tác chính sách cán bộ được thực hiện tương đối chặt chẽ, dần đi vào nền nếp. Tuy nhiên, chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở của huyện còn bộc lộ một số hạn chế, yếu kém: Một số tổ chức cơ sở đảng chưa phát huy được vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu còn hạn chế, nhất là việc cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng vào điều kiện thực tế ở địa phương. Năng lực quản lý, điều hành của chính quyền một số xã còn hạn chế. Công tác cải cách hành chính thiếu đồng bộ. Đội ngũ cán bộ được hình thành từ nhiều nguồn, phần lớn chưa được đào tạo cơ bản về chuyên môn, lý luận chính trị.
Xuất phát từ thực tiễn của huyện, Ban Thường vụ Huyện ủy Lâm Hà xây dựng Đề án “Xây dựng bộ máy tổ chức và cán bộ hệ thống chính trị ở cơ sở từ năm 2008 đến năm 2015” và được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng có Kết luận số 316 KL/TU ngày 10-4-2009 (gọi tắt là Kết luận 316) đồng ý cho huyện triển khai đề án với 3 nội dung: Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở; tuyển dụng công chức dự nguồn cho cơ sở và chính sách cán bộ cơ sở. Thực hiện 3 nội dung trên đối với cán bộ cơ sở là bước đột phá, tạo đà cho huyện Lâm Hà đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở; nâng cao năng lực, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đảng viên; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.
Qua 5 năm thí điểm thực hiện chính sách đối với cán bộ cơ sở theo Kết luận 316 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng, huyện Lâm Hà đã tạo những chuyển biến tích cực trong đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở.
Lãnh đạo triển khai Kết luận 316
Nhận thức ý nghĩa và tính cấp thiết của việc triển khai Kết luận 316, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tổ chức hội nghị chủ chốt toàn huyện nhằm quán triệt chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thí điểm thực hiện chính sách đối với cán bộ cơ sở huyện Lâm Hà. Qua hội nghị hầu hết cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị nắm chắc mục đích, yêu cầu, nội dung Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Ủy Ban Nhân dân huyện đã xây dựng kế hoạch thực hiện Kết luận 316 và được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2191/QĐ-UBND ngày 01/9/2009.
Các phòng, ban Nội vụ, Tài chính - Kế hoạch, Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, UBND các xã, thị trấn được giao nhiệm vụ trực tiếp triển khai thực hiện; các ban xây dựng đảng của Huyện ủy, trong đó Ban Tổ chức chịu trách nhiệm chính trong việc phối hợp với các cơ quan chức năng theo dõi, tổng hợp tình hình báo cáo Ban Thường vụ Huyện ủy.
Việc tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận 316 giúp cho cán bộ, đảng viên toàn huyện nhận thức rõ nội dung, ý nghĩa, mục đích của việc thí điểm thực hiện chính sách đối với cán bộ cơ sở, thấy rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong tổ chức thực hiện.
Kết quả thực hiện Kết luận 316
Nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở, đảm bảo tiêu chuẩn, huyện Lâm Hà mở 3 lớp đào tạo tại chức bằng nguồn ngân sách nhà nước cho cán bộ cơ sở tại huyện, gồm lớp trung cấp lý luận chính trị với 90 học viên; 1 lớp trung cấp hành chính với 90 học viên; 1lớp trung cấp nông nghiệp với 100 học viên và đã hoàn thành chương trình đào tạo đúng kế hoạch.
Đối tượng chiêu sinh, chất lượng tuyển sinh cơ bản đáp ứng được yêu cầu, tiêu chuẩn, công tác quản lý lớp học, chấp hành nội quy, quy chế học tập được duy trì tương đối tốt. Học viên học tập với tinh thần nghiêm túc, kiến thức tiếp thu qua các lớp học bước đầu đã được học viên vận dụng vào thực tiễn công tác của mình.
Theo Kết luận 316 huyện Lâm Hà được phép tuyển dụng 10% trên tổng số cán bộ chuyên trách và cán bộ cơ sở hiện có để dự nguồn thay thế cho số cán bộ đến tuổi nghỉ hưu hoặc phải nghỉ do năng lực công tác hạn chế. Số cán bộ dự nguồn phải bảo đảm đạt tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Nội vụ, ưu tiên tuyển dụng cán bộ có trình độ đại học và cán bộ trẻ tuổi, cán bộ là người dân tộc thiểu số.
Việc tuyển dụng cán bộ dự nguồn đã được Huyện ủy Lâm Hà chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện đúng quy định, dựa trên biên chế được giao. Qua 3 đợt xét tuyển, đã tuyển dụng được 28 chỉ tiêu, trong đó, 23 người có trình độ đại học, 5 người có trình độ cao đẳng và trung cấp (3 là người dân tộc K’Ho). Đến nay có 27 công chức dự nguồn đủ điều kiện và đã được bổ nhiệm vào ngạch công chức, đặc biệt có 1 công chức dự nguồn được cấp ủy giới thiệu và HĐND xã tín nhiệm bầu vào làm Phó Chủ tịch UBND xã Mê Linh; 20 công chức dự nguồn được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Số cán bộ dự nguồn đã thể hiện tinh thần trách nhiệm trong công việc, bước đầu vận dụng tốt kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn được đào tạo vào thực hiện nhiệm vụ, hòa nhập với cơ sở, được cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn đánh giá tốt.
Lâm Hà thực hiện chính sách đối với số cán bộ đang giữ các chức danh bí thư đảng ủy, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND xã, thị trấn không đủ chuẩn, năng lực hạn chế nhưng chưa đủ tuổi nghỉ hưu, có nguyện vọng nghỉ công tác và đã giải quyết chế độ, chính sách cho 14 trường hợp nghỉ việc, trong đó: Trường hợp có 20 năm đóng BHXH, nhưng còn thiếu từ 2-3 năm mới đến tuổi nghỉ hưu, được hưởng nguyên lương và tham gia đóng BHXH đến tuổi nghỉ hưu gôm 4 đồng chí. Trường hợp chưa đủ 20 năm đóng BHXH (thiếu 2-3 năm đóng BHXH) và thiếu từ 2-3 năm mới đến tuổi nghỉ hưu, được hưởng nguyên lương và tham gia đóng BHXH đến tuổi nghỉ hưu 4 đồng chí. Trường hợp chưa đủ 20 năm đóng BHXH, có nguyện vọng nghỉ việc được hưởng chế độ theo quy định và hưởng trợ cấp 1 lần, mỗi năm công tác được trợ cấp ½ tháng lương 8 đồng chí.
Việc thực hiện chính sách đối với số cán bộ trên là điều kiện thuận lợi để các xã, thị trấn bố trí, sắp xếp cán bộ, từng bước chuẩn hóa, trẻ hóa đội ngũ cán bộ chủ chốt ở cơ sở. Cá nhân những đồng chí được giải quyết chế độ được quan tâm tốt hơn so với quy định chung của nhà nước nên cơ bản thống nhất, ủng hộ chủ trương chung của tỉnh và đã sớm ổn định cuộc sống, tiếp tục tham gia đóng góp kinh nghiệm công tác cho chi bộ thôn, tổ dân phố nơi cư trú.
Bài học kinh nghiệm
Từ thực tiễn 5 năm triển khai thí điểm thực hiện chính sách đối với cán bộ cơ sở tại huyện Lâm Hà, có thể rút ra một vài kinh nghiệm bước đầu:
Cần nắm rõ thực trạng, điều kiện cụ thể của từng địa phương để có chủ trương và giải pháp phù hợp trong thực hiện chính sách đối với cán bộ cơ sở, đây là chủ trương đúng đắn của Tỉnh ủy nhằm giải quyết kịp thời những khó khăn của hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ tại cơ sở.
Trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở phải thực hiện tốt việc rà soát, xác định chính xác đối tượng cần đào tạo. Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải dựa vào quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ và nhu cầu cần thiết của địa phương. Ưu tiên mở lớp tại các huyện vùng sâu, vùng xa, điều kiện đi lại khó khăn.
Đối tượng tuyển dụng công chức dự nguồn cho cơ sở phải đáp ứng yêu cầu về trình độ và độ tuổi. Sau khi được tuyển dụng, cần tổ chức các lớp bồi dưỡng giúp cho công chức dự nguồn có kiến thức nghề nghiệp, năng lực thực tiễn cần thiết, chú trọng đào tạo kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng giải quyết vấn đề.
Phải làm tốt công tác tư tưởng đối với cán bộ thuộc đối tượng thực hiện chính sách.Thực hiện kịp thời, đầy đủ mọi chế độ, chính sách có liên quan để đối tượng này an tâm tư tưởng, đồng tình với chủ trương trẻ hóa, chuẩn hóa cán bộ. Đồng thời cũng cần thường xuyên theo dõi, giúp đỡ, động viên kịp thời những khó khăn vướng mắc, để họ không cảm thấy hẫng hụt, tích cực tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương.
Hà Lâm