Đăk Nông gắn xây dựng Đảng với đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở
Đoàn công tác của Tạp chí Xây dựng Đảng chụp ảnh lưu niệm với cán bộ Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đăk Nông. Ảnh: Ngọc Tú
Đăk Nông là một tỉnh miền núi, được tách ra từ tỉnh Đăk Lăk từ tháng 11 năm 2003, có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế - chính trị, quốc phòng - an ninh của khu vực Tây Nguyên. Diện tích tự nhiên là 651.438ha, có 130km đường biên giới với Căm-pu-chia, dân số trên 50 vạn người, với 40 dân tộc cùng sinh sống. Dân tộc thiểu số chiếm 30,3% dân số của tỉnh (trong đó dân tộc tại chỗ là 20,4%, còn lại là các dân tộc từ mọi miền đất nước đến sinh sống); có 8 huyện, thị xã, với 71 xã, phường, thị trấn.

Khi mới thành lập tỉnh, tỷ lệ thôn, buôn, tổ dân phố có chi bộ là 73,49%, có tổ đảng là 0,18%, số thôn, buôn, bon, bản chưa có đảng viên chiếm 9,5% (chủ yếu là vùng theo đạo thiên chúa, tin lành và vùng đồng bào dân tộc thiểu số). Qua phân loại tổ chức cơ sở đảng năm 2003 chỉ có 44,23% đạt trong sạch, vững mạnh; chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở đạt trong sạch, vững mạnh là 56,45%. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể nhân dân qua phân loại năm 2003 có 53,89% đạt vững mạnh.
 
Ngày 13-5-2004, Tỉnh ủy Đăk Nông ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị gắn với xây dựng thôn, buôn, bon, tổ dân phố vững mạnh toàn diện. Mục tiêu là xây dựng, kiện toàn hệ thống chính trị tại cơ sở vững mạnh toàn diện, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, xây dựng, củng cố các chi bộ thôn, buôn, bon, bản, tổ dân phố vững mạnh, thực sự là hạt nhân chính trị ở cơ sở, lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Đồng thời, nâng cao hiệu lực quản lý, điều hành của UBND, khả năng giám sát của HĐND theo đúng nhiệm vụ, thẩm quyền được phân cấp. Kiện toàn, đổi mới phương thức hoạt động của mặt trận và các tổ chức đoàn thể, gắn bó mật thiết với nhân dân, xây dựng và giữ vững khối đại đoàn kết dân tộc ở từng thôn, buôn, bon, bản, tổ dân phố dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy từ xã đến thôn, buôn, bon, bản, tổ dân phố…
Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở; đổi mới và nâng cao hiệu lực quản lý, điều hành của chính quyền cơ sở; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân; xây dựng đội ngũ cán bộ và chính sách cho đội ngũ cán bộ cơ sở; tăng cường cán bộ cho cơ sở; đổi mới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên đối với cơ sở. Đặc biệt, Đăk Nông có chủ trương các cơ quan, ban, ngành của tỉnh, huyện kết nghĩa, giúp đỡ các thôn, buôn.

Việc củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng, xây dựng chi bộ ở thôn, buôn, bon, tổ dân phố được các cấp ủy chú trọng. Chất lượng của các tổ chức đảng và cấp ủy các cấp được nâng lên, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo. Công tác đánh giá, phân loại chất lượng tổ chức cơ sở đảng ngày càng bảo đảm sát thực chất, chú trọng chất lượng, có 68,87% tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch vững mạnh. Đến nay 100% thôn, buôn, bon, tổ dân phố đã có chi bộ. Đăk Nông là tỉnh đầu tiên ở Tây Nguyên các thôn, buôn, bon, tổ dân phố đều có chi bộ độc lập. Công tác phát triển đảng viên được các cấp ủy đặc biệt quan tâm, trong 5 năm 2005-2010 đã kết nạp được 6.685 đảng viên.

Đảng bộ tỉnh Đăk Nông đề ra mục tiêu trong các năm 2010-2015 có trên 80% số tổ chức cơ sở đảng kết nạp được đảng viên; 100% chi bộ trực thuộc đảng ủy xã, phường, thị trấn kết nạp được đảng viên; 100% thôn, buôn, bon có chi bộ và gồm các đảng viên tại chỗ. Hằng năm có trên 75% số tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch, vững mạnh.

Tin rằng với việc tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị gắn với xây dựng thôn, buôn, bon, tổ dân phố vững mạnh toàn diện Đăk Nông sẽ thực hiện được mục tiêu nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cở sở đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc; giữ vững ổn định chính trị xã hội. Tập trung phát triển nguồn nhân lực, xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội và đô thị, thu hút đầu tư, tạo bước phát triển đột phá về kinh tế trong công nghiệp khai khoáng và năng lượng, công nghiệp chế biến và nông nghiệp kỹ thuật cao; dịch vụ và du lịch; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Phấn đấu đến năm 2015 Đăk Nông thoát nghèo và năm 2020 đạt mức bình quân chung của cả nước, tạo tiền đề cơ bản để phát triển toàn diện và bền vững theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất