Tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) là hạt nhân chính trị ở cơ sở, có trách nhiệm lãnh đạo và kiểm tra các mặt công tác ở cơ sở. TCCSĐ muốn làm tốt công tác lãnh đạo cần xác định nhiệm vụ cụ thể trên cơ sở đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của cấp trên, đồng thời vận dụng sáng tạo vào tình hình, đặc điểm của địa phương, đề ra mục tiêu, giải pháp thực hiện. Một trong những nhiệm vụ của TCCSĐ là lãnh đạo xây dựng, kiện toàn chi bộ, tổ đảng thực sự trong sạch, vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ chủ chốt trong hệ thống chính trị ở cơ sở thực sự có năng lực.
Những năm qua, Huyện ủy Hoài Nhơn, Bình Định luôn quan tâm công tác xây dựng, củng cố, kiện toàn TCCSĐ. Nhiều đảng bộ xã, thị trấn đã lãnh đạo nhân dân thực hiện có kết quả các mục tiêu kinh tế - xã hội, nhất là về nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, công tác khôi phục chăn nuôi sau dịch bệnh, chăm lo đời sống nhân dân, giữ gìn trật tự an ninh, thực hiện các chính sách xã hội… Cùng với đó, Huyện ủy cũng tập trung củng cố các tổ chức đảng yếu kém, chú trọng công tác phát triển đảng viên; tạo sự gắn bó giữa tổ chức cơ sở đảng với các tổ chức quần chúng ở cơ sở, giúp Đảng gần dân hơn.
Tuy nhiên, vẫn còn một số cấp ủy và tổ chức đảng chưa chú trọng đúng mức đến công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số chi, đảng bộ còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp đổi mới. Một số TCCSĐ chưa nắm vững chức năng, mối quan hệ với các tổ chức khác trong hệ thống chính trị ở cơ sở. Việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng tuy có tiến bộ nhưng ở một số nơi vẫn còn biểu hiện quan liêu, dân chủ hình thức. Một số cấp ủy và tổ chức đảng vẫn còn mất đoàn kết. Hệ thống tổ chức bộ máy cơ quan đảng, chính quyền, đoàn thể ở một số đảng bộ xã, thị trấn hoạt động còn lúng túng; chồng chéo chức năng, nhiệm vụ. Đội ngũ đảng viên của một số đảng bộ tuy đông nhưng nhìn chung chưa mạnh, chất lượng chưa đều. Sự lãnh đạo của một số TCCSĐ và cấp ủy trong đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực hiệu quả thấp.
Để khắc phục những hạn chế trên, Huyện ủy Hoài Nhơn xác định thời gian tới thực hiện đồng bộ các giải pháp:
Tập trung lãnh đạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở, trước hết là cán bộ chủ chốt, xem đây là khâu then chốt quyết định thành công sự nghiệp đổi mới, một khâu có tính chất quyết định nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của TCCSĐ. Cán bộ chủ chốt ở cơ sở là lực lượng lãnh đạo, “chỉ huy tác chiến” hằng ngày, có trách nhiệm vận dụng và tổ chức thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ở cơ sở, là hạt nhân quy tụ và giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong chi bộ, đảng bộ. Trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ cần chú ý đánh giá, bố trí, sử dụng đúng cán bộ. Cần tiêu chuẩn hóa từng chức danh để có quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cơ sở. Đồng thời, cần chú trọng giáo dục, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, phong cách công tác cho đội ngũ cán bộ này. Tiếp tục nghiên cứu bổ sung, cải tiến chế độ, chính sách đối với cán bộ cơ sở.
Giữ vững nề nếp và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Sinh hoạt chi bộ là một trong những yêu cầu khách quan để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các TCCSĐ. Giữ vững nền nếp, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ sẽ tập hợp được trí tuệ của cán bộ, đảng viên, tìm ra giải pháp tốt nhất trong công tác lãnh đạo nhiệm vụ chuyên môn và các mặt công tác khác của chi bộ. Việc sinh hoạt chi bộ thường kỳ là dịp thuận lợi để cho mọi đảng viên tự kiểm điểm về mình, về tổ chức một cách thường xuyên, nhằm củng cố tư tưởng, điều chỉnh hành vi. Mỗi loại hình chi bộ có nội dung và hình thức sinh hoạt cụ thể, phù hợp với yêu cầu, tính chất và điều kiện công tác ở đơn vị, không máy móc, rập khuôn. Sinh hoạt chi bộ phải đi vào nền nếp thường xuyên (mỗi tháng một lần), phải có nội dung cụ thể và thông báo cho từng đảng viên biết để có sự chuẩn bị ý kiến, nhằm phát huy trí tuệ của cá nhân và tập thể trong việc thảo luận, quán triệt và vận dụng đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bàn biện pháp thực hiện nhiệm vụ chính trị, phân công đảng viên, đánh giá kết quả công tác của chi bộ và của từng đảng viên. Thực hiện nghiêm túc chế độ tự phê bình và phê bình, bảo đảm tính lãnh đạo, tính giáo dục và tính chiến đấu, rèn luyện, kiểm tra và quản lý tốt đảng viên.
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên, trước hết là cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng. Tăng cường hướng dẫn cho cơ sở, luân chuyển cán bộ về cơ sở. Chỉ luân chuyển những cán bộ có năng lực, phẩm chất, có bản lĩnh, có kinh nghiệm chỉ đạo phong trào, vận động quần chúng. Cấp trên tiến hành khảo sát kỹ từng loại TCCSĐ, đánh giá đúng thực trạng và nguyên nhân để có biện pháp đổi mới, chỉnh đốn, khen thưởng, kỷ luật phù hợp.
Anh Tuấn
Phó chánh Văn phòng Huyện ủy Hoài Nhơn, Bình Định