Đổi mới phương thức lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng xã, phường, thị trấn

Hội nghị Trung ương 5, khoá X khẳng định: Phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị là cách thức, phương pháp Đảng tác động lên hoạt động của hệ thống đó nhằm đạt mục tiêu đề ra. Trong điều kiện ở nước ta một đảng duy nhất cầm quyền là Đảng Cộng sản Việt Nam, phương thức lãnh đạo của Đảng tác động trực tiếp đến hoạt động của tất cả các tổ chức trong hệ thống chính trị. Phương thức lãnh đạo tốt, sẽ tạo động lực cho các tổ chức trong hệ thống chính trị phát huy vai trò, vị trí của mình. Ngược lại, nếu phương thức lãnh đạo của Đảng không tốt, sẽ kìm hãm sự phát huy năng lực của các tổ chức trong hệ thống chính trị. Do vậy, vấn đề đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng có vai trò quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng, đó cũng chính là điều kiện để TCCSĐ thực hiện tốt chức năng là hạt nhân lãnh đạo chính trị của Đảng ở cơ sở.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến công tác đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Trong giai đoạn hiện nay, để tiếp tục nâng cao vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu, TCCSĐ ở xã, phường, thị trấn cần thấm nhuần sâu sắc tư tưởng của Người và thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 5, khoá X về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị để thực hiện tốt những vấn đề cơ bản sau đây:

Một là: Quan tâm lãnh đạo, đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tư tưởng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương.

Hiện nay, nhiều TCCSĐ ở địa phương chưa thật sự chú trọng đúng mức đến công tác tư tưởng. Yêu cầu của thực tiễn trong giai đoạn cách mạng mới đòi hỏi các TCCSĐ xã, phường, thị trấn cần chăm lo lãnh đạo, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để nâng cao chất lượng công tác tư tưởng đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Theo đó, TCCSĐ cần chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo phát huy hiệu quả thiết thực đối với những hình thức, biện pháp, phương tiện hoạt động công tác tuyên truyền truyền thống, đi sâu khai thác những nội dung, hình thức mới không để bị lạc hậu về thông tin, lấy tuyên truyền, thuyết phục, giác ngộ, nâng cao nhận thức tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân làm chính. Chỉ đạo công tác tuyên truyền hoạt động một cách đa dạng, phong phú và hấp dẫn. Coi trọng bản sắc văn hoá dân tộc, đặc biệt là những vấn đề về văn hoá làng, xã, cốt cách của con người Việt Nam phải được giữ vững và phát huy trong điều kiện lịch sử mới. Phát huy tính chủ động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong công tác tư tưởng. Nhạy cảm sớm phát hiện xu thế vận động của tư tưởng trong mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ để có nội dung, biện pháp thiết thực đi trước, đón đầu trong công tác tuyên truyền vận động nhân dân, ngăn chặn có hiệu quả những tiêu cực và tệ nạn xã hội trên địa bàn. Đẩy mạnh phong trào xây dựng làng văn hoá, xã văn hoá trong đời sống tinh thần của nhân dân. Làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân thật sự thống nhất về tư tưởng nhận thức để có cơ sở thống nhất về ý chí và hành động. Đó cũng là nền tảng của sức mạnh thống nhất giữa ý Đảng với lòng dân.

Hai là: Xây dựng và thực hiện nghiêm túc chế độ làm việc theo chương trình, kế hoạch, quy chế, bám sát chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan trong hệ thống chính trị của địa phương.

Đổi mới tác phong làm việc theo chương trình, kế hoạch, quy chế, bám sát chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức thể hiện tính khoa học trong phong cách lãnh đạo và tổ chức thực hiện của TCCSĐ và các cơ quan chức năng ở địa phương. Các TCCSĐ cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung hoàn thiện và thực hiện nghiêm quy chế làm việc của mình, đồng thời lãnh đạo các cơ quan chính quyền, đoàn thể xây dựng quy chế, phối hợp tốt trong triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng và chính sách của Nhà nước. Duy trì thường xuyên chế độ thông tin, báo cáo; ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng hệ thống thông tin phục vụ sự lãnh đạo của Đảng và tổ chức thực hiện của chính quyền cùng các ban, ngành của địa phương. Chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo kiên quyết thực hiện cải cách hành chính để giảm bớt những phiền hà, tốn kém cho nhân dân.

Ba là: Đổi mới cách ra nghị quyết và việc tổ chức quán triệt, thực hiện nghị quyết.

Thực trạng hiện nay nhiều TCCSĐ xã, phường, thị trấn trong cả nước đã và đang lúng túng trong thực hiện quy trình ra nghị quyết và nội dung lãnh đạo của nghị quyết. Thông thường nội dung nghị quyết của cấp cơ sở ở địa phương còn dài, dàn trải và lấn sân nhưng lại thiếu trọng tâm, trọng điểm. Đối với chi bộ phần lớn chưa xác định rõ trọng tâm, vì vậy thường sa vào cái cụ thể, vụn vặt, trong khi đó lại buông lỏng những vấn đề cốt lõi nhất theo chức năng lãnh đạo của tổ chức đảng. Do vậy TCCSĐ ở xã, phường, thị trấn cần nắm vững tư tưởng Hồ Chí Minh về cách lãnh đạo. Người viết: “Lãnh đạo đúng nghĩa là:

1. Phải quyết định mọi vấn đề một cách cho đúng. Mà muốn thế thì nhất định phải so sánh kinh nghiệm của dân chúng. Vì dân chúng chính là những người chịu đựng cái kết quả của sự lãnh đạo của ta.
2. Phải tổ chức thi hành cho đúng. Mà muốn vậy, không có dân chúng giúp sức thì không xong...”(1).

Theo đó, TCCSĐ ở cơ sở cần đổi mới cách ra nghị quyết. Không nhất thiết tháng nào cũng phải ra nghị quyết mà tùy vào từng thời điểm, giai đoạn để vận dụng cho thích hợp. Khi cấp trên có nghị quyết lãnh đạo sát thực với tình hình của địa phương thì chi bộ, đảng ủy cơ sở không nhất thiết phải ra nghị quyết nữa mà xây dựng chương trình hành động cho sát với thực tiễn của địa phương mình, bộ phận mình. Nội dung nghị quyết phải sát với điều kiện cụ thể của địa phương trong từng giai đoạn, đặc biệt là những vấn đề mà thực tiễn bức xúc của nhân dân đã và đang đặt ra cần phải được giải quyết. Quá trình chuẩn bị nghị quyết phải bám sát thực tiễn của từng bộ phận, nắm vững tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của nhân dân thông qua nắm tình hình từ các tổ chức đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị. Quán triệt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Giữ chặt mối liên hệ với dân chúng và luôn lắng tai nghe ý kiến của dân chúng, đó là nền tảng lực lượng của Đảng và nhờ đó mà Đảng thắng lợi. Vì vậy, cách xa dân chúng, không liên hệ chặt chẽ với dân chúng, cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại”(2).

Trong hội nghị ra nghị quyết phải thật sự phát huy dân chủ, tập trung được trí tuệ của đội ngũ đảng viên để bàn bạc, thảo luận và quyết định chính xác những nội dung cần tập trung lãnh đạo. Khi có nghị quyết rồi phải tổ chức phân công từng thành viên phụ trách cụ thể trên từng mặt công tác để phát huy tính năng động, sáng tạo và tinh thần quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên trên từng cương vị công tác của mình, tránh tư tưởng dựa dẫm, ỷ lại vào tập thể. Đi đôi với phân công trách nhiệm đến mỗi cá nhân là phải tích cực tuyên truyền vận động nhân dân, chú ý lắng nghe ý kiến đóng góp của nhân dân. Trong tổ chức thực hiện nghị quyết, TCCSĐ phải thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Phải tổ chức sự kiểm soát, mà muốn kiểm soát đúng thì cũng phải có quần chúng giúp mới được”(3). Do vậy, công tác kiểm tra, giám sát phải được thực hiện một cách thường xuyên, liên tục, có hiệu quả thiết thực, đồng thời bám sát diễn biến thực tiễn để kịp thời điều chỉnh, cho ý kiến chỉ đạo khi có vấn đề mới phát sinh hoặc khi xuất hiện những bất hợp lý trong tổ chức thực hiện. Khi kiểm tra, giám sát phải dựa vào nhân dân, thông qua ý kiến đóng góp của nhân dân giúp lãnh đạo thấy rõ thực chất tình hình thực tiễn hơn và kết quả kiểm tra, giám sát cũng sẽ khả quan hơn.

Cùng với quy trình ra nghị quyết, tổ chức thực hiện nghị quyết và kiểm tra, giám sát thực hiện nghi quyết, đối với những việc mới, việc khó, nếu thấy cần thiết các TCCSĐ còn phải làm thử, làm điểm để nhân rộng ra toàn thể. Theo lời dạy của Người: “Bất kỳ việc gì, nếu không có chính sách chung, kêu gọi chung, không thể động viên khắp quần chúng. Song, nếu người lãnh đạo chỉ làm chung, làm khắp cả một lúc, mà không trực tiếp nhằm một nơi nào đó, thực hành cho kỳ được, rồi lấy kinh nghiệm nơi đó mà chỉ đạo những nơi khác, thì không thể biết chính sách của mình đúng hay sai. Cũng không thể làm cho nội dung của chính sách đó đầy đủ, thiết thực”(4).

Bốn là: Thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, thực hành và mở rộng dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Đảng cũng như toàn xã hội.

Tập trung dân chủ là nguyên tắc sống còn của Đảng ta, vì vậy, bất luận trong tình huống, điều kiện, hoàn cảnh nào các tổ chức trong Đảng trên mọi lĩnh vực hoạt động phải giữ vững nguyên tắc này. Xa rời hoặc buông lỏng nguyên tắc tập trung dân chủ thực chất là đã xóa Đảng về bản chất.

Thực tiễn trong giai đoạn hiện nay nhiều TCCSĐ ở xã, phường, thị trấn đã và đang vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ ở nhiều mức độ và hình thức khác nhau. Có nơi thì dân chủ hình thức, có nơi thì dân chủ quá tả cho rằng hội nghị là có quyền quyết định hết thảy mọi việc, kể cả những việc trái với chức năng của Đảng và nghị quyết của tổ chức đảng cấp trên, khi có đa số thành viên trong hội nghị tán thành. Do vậy, các TCCSĐ cần phải thực hiện đúng đắn nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức, sinh hoạt và lãnh đạo. Có như vậy mới phát huy được đầy đủ trí tuệ và năng lực của đội ngũ đảng viên, trở thành sức mạnh cộng thể của tổ chức đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: Phải dân chủ bàn bạc, vì một người hay một nhóm người dù tài giỏi đến mấy cũng chỉ biết được một mặt hoặc một số mặt, thông qua dân chủ tập thể bàn bạc thì thấy hết được những thuận lợi, khó khăn, lường hết được sự việc, sẽ hạn chế được những sai lầm, vấp váp. Vì vậy, các TCCSĐ phải thực hành nguyên tắc tập trung dân chủ một cách nghiêm minh trong suốt cả các quá trình tổ chức, sinh hoạt và lãnh đạo của Đảng. Đi đôi với dân chủ trong Đảng, các TCCSĐ ở xã, phường, thị trấn cũng phải mở rộng dân chủ đối với các tổ chức trong hệ thống chính trị và toàn xã hội. Theo Người: “Sự lãnh đạo trong mọi công tác thiết thực của Đảng, ắt phải từ trong quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng. Nghĩa là gom góp mọi ý kiến rời rạc, lẻ tẻ của quần chúng, rồi phân tích nó, nghiên cứu nó, sắp đặt nó thành những ý kiến có hệ thống. Rồi đem nó tuyên truyền, giải thích cho quần chúng, và làm cho nó thành ý kiến của quần chúng, và làm cho quần chúng giữ vững và thực hành ý kiến đó. Đồng thời nhân lúc quần chúng thực hành, ta xem xét lại, coi ý kiến đó đúng hay không. Rồi lại tập trung ý kiến của quần chúng, phát triển những ưu điểm, sửa chữa những khuyết điểm, tuyên truyền, giải thích, làm cho quần chúng giữ vững và thực hành. Cứ như thế mãi thì lần sau chắc đúng mức hơn, hoạt bát hơn, đầy đủ hơn lần trước. Đó là cách lãnh đạo cực kỳ tốt”(5).

Năm là: Thật sự gần gũi nhân dân, nói đi đôi với làm và làm có hiệu quả.

Thực tiễn hiện nay có một bộ phận cán bộ, đảng viên ở xã, phường, thị trấn cư trú với dân nhưng lại xa dân và không hiểu dân, nói không đi đôi với làm, thậm chí nói một đằng làm một nẻo. Những biểu hiện đó đã gây phản cảm cho nhân dân và tạo ra sự bất bình trong xã hội. Do vậy, gần gũi nhân dân, gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với đảng viên và nhân dân phải được coi là một tiêu chí để đánh giá phẩm chất của cán bộ, đảng viên hiện nay. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Việc gì cũng phải bàn bạc với nhân dân, giải thích cho nhân dân, thế là phụ trách trước nhân dân”(6).

Sâu sát, gần gũi nhân dân không những cán bộ, đảng viên nắm vững được tâm tư tình cảm, nguyện vọng của nhân dân mà còn học tập được ở nhân dân nhiều kinh nghiệm hay, cách làm tốt đưa lại hiệu quả thiết thực trong thực hiện chức trách của mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Bất kỳ người lãnh đạo nào, nếu không học tập nổi những việc thiết thực, những người thiết thực và những bộ phận thiết thực của cấp dưới, để rút kinh nghiệm, thì nhất định không biết chỉ đạo chung cho tất cả các bộ phận”(7).

Với tư cách là hạt nhân lãnh đạo của Đảng ở cơ sở, TCCSĐ ở xã, phường, thị trấn cần thực hiện tốt những nội dung, biện pháp trên đây nhằm tạo ra sự đổi mới phong cách lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị ở cơ sở và góp phần thiết thực vào Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Đồng thời thông qua đó mà phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và phong trào đại đoàn kết toàn dân, là cơ sở, điều kiện bảo đảm cho sự thành công của công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

----------

(1) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, H.2002, tập 5, tr.285.

(2) Sách đã dẫn (Sđd), tập 5, tr.286.

(3) Sđd, tập 5, tr.285, 286.

(4) Sđd, tập 5, tr.288.

(5) Sđd, tập 5, tr.290, 291.

(6) Sđd, tập 5, tr.294.

(7) Sđd, tập 5, tr.289.

Phản hồi (1)

Trần Việt Thao 05/01/2012

Kính gửi: BTCTWĐ & tác giả bài viết ! Trước hết cảm ơn tác giả đã có bài viết đúng hướng và sâu sắc, đáng để các cơ sở nghiên cứu vận dụng. Nhân bài viết, tôi có thêm một vài góp ý, đề xuất, như sau: Phương thức có thể hiểu là hệ thống các cách thức theo một định hướng, một mục tiêu nào đó để thực hiện, giải quyết một công tác đạt hiệu quả cao. Vì vậy, muốn đổi mới phương thức, trước hết phải tìm hiểu, nghiên cứu để nhận thức đúng đắn phương hướng, mục tiêu, mục đích rồi sau đó mới nghiên cứu tìm ra hệ thống các cách thức, giải pháp để thực hiện đạt hiệu quả cao mục đích, mục tiêu theo đúng phương hướng đã xác định. Từ đó ta suy ra, để đổi mới phương thức lãnh đạo của các cơ sở đảng thì trước hết phải xác định rõ được phương huớng, mục tiêu, mục đích, nhiệm vụ mà đại hội Đảng các cấp đã xác định cho các cơ sở đảng. Sau đó, cần dân chủ phát huy vai trò, trí lực của cán bộ, đảng viên để cùng tìm tòi, nghiên cứu tìm ra một hệ thống các cách thức, giải pháp để có thể thực hiện được phương hướng, nhiệm vụ đó đạt hiệu quả cao. Xuất phát từ nhận thức trên, tôi kiến nghị các cấp ủy đảng quan tâm xem xét, nghiên cứu đề xuất trên để có thể xây dựng một quy trình hướng dẫn các cơ sở đổi mới phương thức lãnh đạo nhằm mục tiêu thực hiện thắng lợi NQ ĐH đảng các cấp và trước hết cần quan tâm khảo sát nắm vững thực tiễn tình hình tư tưởng cán bộ, đảng viên trong tình hình hiện nay; chất lượng từng cơ sở đảng để có phương thức phù hợp, hiệu quả...

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất