Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ nói chung, sinh hoạt chuyên đề nói riêng là một trong những giải pháp quan trọng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng. Từ những kết quả đạt được trong việc tổ chức thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt chuyên đề, Chi bộ Chính trị - Hậu cần thuộc Đảng bộ Công an TP. Quy Nhơn đã rút ra một số kinh nghiệm.
Thời gian qua, bên cạnh việc sinh hoạt chi bộ thường kỳ được các chi bộ trong toàn Đảng bộ Công an TP. Quy Nhơn tổ chức thực hiện tốt, vẫn còn không ít chi bộ chưa thực sự quan tâm và nhận thức đúng về vị trí, vai trò, ý nghĩa của sinh hoạt chuyên đề dẫn đến việc sinh hoạt mang tính hình thức, chưa thực sự hiệu quả. Đây là một trong những nguyên nhân làm giảm sút vai trò lãnh đạo, tính giáo dục, tính chiến đấu của chi bộ. Thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 30-3-2007 của Ban Bí thư về “Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”, Hướng dẫn số 09-HD/BTCTW ngày 2-3-2012 về nội dung sinh hoạt chi bộ (nay là Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW ngày 6-7-2018), ngoài các buổi sinh hoạt chi bộ định kỳ, Đảng bộ Công an TP. Quy Nhơn chỉ đạo các chi bộ lựa chọn một số vấn đề mới, phù hợp với nhiệm vụ của chi bộ để tổ chức sinh hoạt theo chuyên đề. Sau hơn 10 năm thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, chất lượng sinh hoạt chuyên đề của Chi bộ Chính trị - Hậu cần đã có chuyển biến tích cực, không ngừng đổi mới nội dung, hình thức, chất lượng được nâng lên, góp phần nâng cao kiến thức, năng lực và rèn luyện phẩm chất đạo đức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, qua đó nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Chi bộ. Từ những kết quả đạt được, Chi bộ Chính trị - Hậu đã rút ra một số kinh nghiệm như sau:
Trước hết, nhận thức đúng quyết định hành động đúng. Cấp ủy các cấp cần thường xuyên giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của mỗi đảng viên về vị trí, vai trò, tác dụng của sinh hoạt chi bộ, nhất là sinh hoạt chuyên đề. Muốn vậy, cấp ủy viên phải là người được đảng viên và quần chúng suy tôn, có am hiểu sâu về công tác tổ chức xây dựng đảng. Việc nhận thức đúng đắn vị trí, vai trò, tác dụng của sinh hoạt đảng, sinh hoạt chuyên đề là cơ sở quan trọng thúc đẩy hành động đúng đắn, là tiền đề giúp đảng viên phát huy tính tích cực, nêu cao tinh thần tự giác, ý thức trách nhiệm của bản thân trong việc tham gia đầy đủ, đúng giờ, mạnh dạn đóng góp ý kiến, hiến kế, phê bình và tự phê bình trong sinh hoạt chi bộ.
Thứ hai, phân công cụ thể, chuẩn bị chu đáo, kĩ lưỡng. Trên cơ sở kế hoạch sinh hoạt chuyên đề hằng năm đã xây dựng, chi ủy mà trực tiếp là đồng chí bí thư chi bộ cần nắm chắc năng lực, sở trường của từng đảng viên để phân công, giao nhiệm vụ chuẩn bị nội dung sinh hoạt chuyên đề cho phù hợp. Việc trình bày đề dẫn trong mỗi buổi sinh hoạt chuyên đề sẽ giúp đảng viên nâng cao bản lĩnh chính trị, kĩ năng thuyết trình và kiến thức chuyên sâu về xây dựng Đảng. Vì vậy, chi ủy chi bộ phải bảo đảm mỗi đảng viên đều được lần lượt phân công nhiệm vụ chuẩn bị và trình bày đề dẫn nội dung trong sinh hoạt chuyên đề với tinh thần trách nhiệm cao.
Dự thảo chuyên đề cần được chuẩn bị chu đáo, kĩ lưỡng và tập trung chủ yếu vào các nhóm vấn đề như: Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống của địa phương, đơn vị cho cán bộ, đảng viên, các vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của chi bộ... Tuy nhiên, tùy vào tình hình cụ thể của từng chi bộ, ban chi ủy gợi ý đảng viên được phân công lựa chọn những vấn đề thiết thực, mang tính thời sự để thảo luận tại buổi sinh hoạt chuyên đề.
Thứ ba, đa dạng hóa hình thức sinh hoạt chuyên đề. Việc phổ biến, quán triệt chỉ bằng lời nói trong suốt một buổi sinh hoạt là một trong những nguyên nhân gây nên sự khô khan, đơn điệu cho đảng viên khi dự sinh hoạt chi bộ. Trong thời đại công nghiệp 4.0 hiện nay, các chi bộ cần áp dụng công nghệ để phục vụ, hỗ trợ đắc lực cho việc truyền đạt của người thuyết trình như: Hệ thống máy chiếu, các phần mềm trình chiếu, các vi-đê-ô clip,... làm tăng sự sinh động, hấp dẫn cho bản dự thảo, thu hút sự tập trung cao độ của đảng viên.
Thứ tư, phát huy tính dân chủ trong sinh hoạt chuyên đề. Để khắc phục tình trạng đảng viên “ngại nói, sợ nói, không muốn nói” và phát huy tinh thần “thật sự dân chủ trong cơ quan”mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy, đồng chí chủ trì buổi sinh hoạt và đảng viên trình bày đề dẫn chuyên đề cần có kĩ năng gợi mở vấn đề, biết tôn trọng, lắng nghe, khuyến khích đảng viên phát biểu nhằm tạo bầu không khí thực sự dân chủ, cởi mở, công tâm, khách quan để mỗi đảng viên mạnh dạn nêu nhận thức của bản thân. Từ đó, liên hệ với chi bộ, đơn vị công tác, địa phương sinh sống và trao đổi, đóng góp ý kiến để hoàn thiện chuyên đề.
Thứ năm, tăng cường sự giám sát, đánh giá giữa các chi bộ. Cấp ủy các cấp cần định kỳ hoặc đột xuất cử các đồng chí trong ban thường vụ đảng ủy hoặc cấp ủy viên tham dự, nhận xét và đánh giá chất lượng buổi sinh hoạt chuyên đề của các chi bộ. Việc tăng cường kiểm tra, giám sát chéo sinh hoạt chuyên đề giữa các chi bộ vừa góp phần chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, đưa việc sinh hoạt chuyên đề đi vào nền nếp, thực hiện đúng quy định của Điều lệ Đảng, vừa là cơ hội để các chi bộ học hỏi lẫn nhau những cách làm hay, cách tổ chức tốt. Hơn nữa, kết quả nhận xét, đánh giá chất lượng buổi sinh hoạt chuyên đề sẽ là một kênh quan trọng nhằm đảm bảo tính khách quan, công bằng trong việc đánh giá, phân loại thi đua của các tổ chức đảng hằng năm.
Thứ sáu, kịp thời biểu dương và thẳng thắn phê bình. Sau mỗi buổi sinh hoạt chuyên đề, đồng chí chủ trì cuộc họp cần nhận xét, đánh giá chi tiết, cụ thể những ưu, khuyết điểm của đảng viên được phân công chuẩn bị dự thảo chuyên đề. Với những mặt tích cực mà đảng viên làm được, chi bộ cần có các hình thức biểu dương, khen thưởng trước chi bộ. Đây là một cách nêu gương vừa thể hiện sự ghi nhận, động viên của chi bộ, vừa tạo động lực cho các đảng viên khác nỗ lực thi đua, sáng tạo, tâm huyết với những nhiệm vụ mà ban chi ủy giao cho. Bên cạnh đó, đồng chí chủ trì cần thẳng thắn, nghiêm túc nhắc nhở, phê bình trên tinh thần xây dựng, giúp nhau cùng tiến bộ trước chi bộ đối với những đảng viên chưa thật sự nỗ lực, cố gắng, dự thảo đề dẫn chuyên đề sơ sài, đơn điệu, chỉ mang tính đối phó.
Hoàng Thái Sơn
Học viện Chính trị Công an nhân dân