Lạng Giang - Hiệu quả từ thực hiện Đề án của Tỉnh ủy Bắc Giang

        
                    Đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Lạng Giang (Bắc Giang) trao đổi với
Đoàn công tác Tạp chí Xây dựng Đảng


Rà soát, sắp xếp, củng cố, phát triển tổ chức đảng ở các loại hình cơ sở

Ban Thường vụ Huyện ủy đã kiểm điểm, đánh giá tình hình sau khi giải thể chi bộ cơ quan xã và ban hành Đề án về thành lập lại chi bộ cơ quan xã, thị trấn; quý III/2014 thành lập điểm 6 chi bộ cơ quan xã để rút kinh nghiệm và thống nhất sau đại hội đảng bộ các xã, thị trấn nhiệm kỳ 2015-2020, tiếp tục chỉ đạo việc thành lập chi bộ cơ quan xã đảm bảo theo đúng hướng dẫn. Tập trung cao chỉ đạo việc tách chi bộ thôn sinh hoạt ghép, đến nay toàn huyện chỉ còn 1 chi bộ sinh hoạt ghép 2 thôn. Kịp thời chỉ đạo thành lập mới 3 chi bộ thôn (do có việc chia tách thôn); thành lập điểm chi bộ quân sự xã theo đúng Hướng dẫn số 35-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương và thường xuyên theo dõi, chỉ đạo duy trì hoạt động hiệu quả. Tổ chức chuyển giao 03 chi, đảng bộ cơ sở về Đảng ủy Khối cơ quan và Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh theo đúng quy định. Thành lập 2 đảng bộ cơ sở (Đảng bộ cơ quan Đảng, đoàn thể huyện và Đảng bộ cơ quan chính quyền huyện) bảo đảm đúng hướng dẫn.

Huyện ủy quan tâm củng cố, kiện toàn, phát triển tổ chức đảng trong doanh nghiệp. Thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước và duy trì hoạt động có hiệu quả. Củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của chi bộ, các tổ chức đoàn thể trong doanh nghiệp tư nhân; rà soát tình hình doanh nghiệp để thành lập các tổ chức đảng, đoàn thể khi đủ điều kiện. Đến nay đã thành lập được 2 chi bộ doanh nghiệp tư nhân, đạt 100% mục tiêu; chỉ đạo thành lập 11 tổ chức công đoàn, đạt trên 300% mục tiêu; 02 tổ chức hội phụ nữ; 3 tổ chức đoàn thanh niên, đạt 150% mục tiêu. TCCSĐ (23 đảng bộ xã, thị trấn, 5 đảng bộ cơ quan, 22 chi bộ cơ sở), tăng 2 đảng bộ, giảm 18 chi bộ cơ sở; 412 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở, tăng 08 chi bộ so với trước khi thực hiện Đề án.

Nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, chi bộ

Các cấp ủy từ huyện đến cơ sở thường xuyên quan tâm chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc chế độ, nguyên tắc sinh hoạt đảng, nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, chi bộ, thực hiện sinh hoạt chi bộ chuyên đề theo quy định. Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo, hướng dẫn nội dung sinh hoạt đảng nhật điểm và sinh hoạt chuyên đề điểm để rút kinh nghiệm. Cử cán bộ, chuyên viên các ban xây dựng Đảng, đoàn thể huyện dự sinh hoạt đảng với các chi bộ trực thuộc đảng bộ xã, thị trấn. Theo dõi sát việc dự sinh hoạt đảng với cấp ủy, chi bộ của các đồng chí Huyện ủy viên theo Quy chế; kịp thời thông báo kết quả dự sinh hoạt của các đồng chí Huyện ủy viên, định hướng nhiệm vụ trọng tâm, định hướng chủ đề và nội dung sinh hoạt, giúp các đồng chí sâu sát hơn trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ ở đơn vị được phân công phụ trách. Đảng ủy các xã, thị trấn đã tăng cường đôn đốc đảng ủy viên thực hiện việc dự sinh hoạt đảng với chi bộ, gắn trách nhiệm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ với kết quả thực hiện nhiệm vụ. Cơ quan chuyên môn tăng cường thực hiện kiểm tra, giám sát đột xuất việc thực hiện chế độ, nguyên tắc và nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng, kịp thời chấn chỉnh sai sót trong thực hiện quy trình, nội dung sinh hoạt chi bộ. Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng xử lý tình huống trong công tác xây dựng đảng cho các đồng chí bí thư, phó bí thư, chi ủy viên chi bộ... Do đó, sinh hoạt cấp ủy, chi bộ đảm bảo nguyên tắc đảng, tỷ lệ đảng viên đang sinh hoạt tham dự đạt trên 90%; chất lượng sinh hoạt đảng có chuyển biến khá, tinh thần trách nhiệm của cấp ủy viên, đảng viên tham gia đóng góp xây dựng nghị quyết được nâng lên; việc ban hành nghị quyết lãnh đạo sát thực tế, có trọng tâm, trọng điểm; một số đơn vị chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc, như: Đảng bộ xã Nghĩa Hưng, Tân Thịnh, Quang Thịnh...

Công tác phát triển đảng viên; việc quản lý, phân công công tác cho đảng viên

Hằng năm, Ban Thường vụ Huyện ủy kịp thời giao chỉ tiêu phát triển đảng cho các cơ sở đảng với cơ cấu, số lượng hợp lý, bám sát mục tiêu Đề án. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn thường xuyên theo dõi, đôn đốc, làm việc trực tiếp với thường trực cấp ủy cơ sở về công tác phát triển đảng. Ban hành và duy trì thực hiện nghiêm túc Quy chế phối hợp thực hiện nhiệm vụ phát triển đảng. Các cấp ủy cơ sở thường xuyên thực hiện công tác tạo nguồn, bồi dưỡng, kết nạp đảng viên, đã chú trọng khu vực nông thôn, chi bộ có số lượng đảng viên ít, chi bộ sinh hoạt ghép, trưởng, phó thôn, công nhân trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, chủ doanh nghiệp tư nhân, người công giáo. Một số cấp ủy cơ sở có cách làm hiệu quả như: bí thư, phó bí thư thường trực đảng ủy trực tiếp làm việc với chi bộ nhiều năm chưa phát triển được đảng viên, chi bộ chưa kết nạp được đảng viên là trưởng, phó thôn và chỉ đạo tập trung thực hiện... Kết quả, đã kết nạp 895 đảng viên, vượt 11,8% mục tiêu; bảo đảm cơ cấu, chất lượng, trong đó: 354 đảng viên trong khu vực nông thôn, chiếm 42,5% (tăng 2,2% so với trước khi thực hiện Đề án); 60 đảng viên là trưởng, phó thôn, nâng số đảng viên là trưởng thôn lên 187 đồng chí, đạt 65,8% (tăng 12,8% so với trước khi thực hiện Đề án), đạt 87,7% mục tiêu. Một số đơn vị thực hiện tốt công tác phát triển đảng viên như: Đảng bộ xã Nghĩa Hưng, Hương Sơn, Phi Mô, Tân Hưng, Quang Thịnh, Hương Lạc; các xã có tỷ lệ trưởng thôn là đảng viên cao, như: Nghĩa Hưng (8/8), Quang Thịnh (11/13), Mỹ Thái (7/8), Nghĩa Hòa (7/10), Tân Thịnh (9/12).

Việc rà soát, phân công nhiệm vụ cho đảng viên hàng năm bảođảm nghiêm túc, đúng hướng dẫn, 100% đảng viên đang sinh hoạt đảng được phân công, giao nhiệm vụ cụ thể; việc kiểm điểm, đánh giá, phân loại đã bám sát kết quả thực hiện nhiệm vụ. Các cấp ủy cơ sở đã chú trọng quản lý đảng viên cả về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tác phong công tác và việc chấp hành nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng; quan tâm quản lý chặt chẽ đối với đảng viên làm việc lưu động ngoài địa phương nơi cư trú (hiện nay có 196 đồng chí); đồng thời thực hiện nghiêm túc các quy định về quản lý đảng viên đi công tác, học tập và tham quan, du lịch ở nước ngoài.

Xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ

Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo làm tốt công tác xây dựng kế hoạch, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức và cấp ủy viên, bí thư cấp ủy cơ sở. Thường xuyên chỉ đạo đổi mới nội dung, hình thức đào tạo, bồi dưỡng; chú trọng đào tạo cả về chuyên môn, lý luận chính trị, tăng cường bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ. Đã phối hợp mở 2 lớp đại học tại chức cho 104 đồng chí là cán bộ chủ chốt và cán bộ dự nguồn các chức danh chủ chốt xã, thị trấn; mở 3 lớp sơ cấp lý luận chính trị (LLCT) cho 178 đồng chí, 04 lớp trung cấp LLCT cho 407 đồng chí; cử 33 cán bộ xã, thị trấn học trung cấp chuyên môn và trung cấp LLCT. Tổ chức bồi dưỡng cho 120 cán bộ cấp xã tại các phòng, ban, cơ quan huyện; bồi dưỡng kiến thức về xây dựng đảng, quản lý nhà nước cho 100% bí thư, phó bí thư, chi ủy viên chi bộ. Đến nay, đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở đạt chuẩn về chuyên môn là 97,8% (tăng 15,3%), trong đó trình độ cao đẳng, đại học chiếm 50,8% (tăng 28,5%). 100% cán bộ chủ chốt cơ sở đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, trong đó trình độ đại học chiếm 50,7% (mục tiêu là 50,0%); 100% có trình độ trung cấp LLCT và cơ bản đã sử dụng thành thạo máy vi tính.

Việc nhận xét, đánh giá cán bộ đã gắn với kết quả, mức độ hoàn thành chức trách nhiệm vụ, hiệu quả công việc của cá nhân và tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Công tác quy hoạch, rà soát, bổ sung quy hoạch bám sát nhận xét đánh giá cán bộ, đáp ứng tiêu chuẩn cán bộ theo quy định, đảm bảo cơ cấu 3 độ tuổi, cán bộ nữ, tuổi trẻ có triển vọng phát triển. Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt quy trình công tác nhân sự phục vụ đại hội Đảng cấp cơ sở và phê duyệt phương án nhân sự đại hội; nhân sự tham gia cấp ủy cơ sở nhiệm kỳ 2015-2020 đảm bảo đổi mới 1/3 so với đầu nhiệm kỳ, tỷ lệ cán bộ nữ (21,3%), tuổi trẻ (21,7%), chuẩn về trình độ chuyên môn, LLCT theo quy định.

Ban Thường vụ Huyện ủy xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định; đã luân chuyển 5 cán bộ huyện về cơ sở. Chỉ đạo chuyển đổi vị trí công tác 16 công chức cấp xã ở các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh sai phạm. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát cán bộ, xử lý kỷ luật và cho thôi công tác 2 cán bộ chủ chốt xã. Củng cố, sắp xếp lại chức danh cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở 8 xã: Mỹ Hà, Xuân Hương, Mỹ Thái, Tiên Lục, Tân Dĩnh, Tân Hưng, Đại Lâm, Dương Đức.

Kịp thời chỉ đạo, thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức cơ sở, đảm bảo đúng quy định. Chỉ đạo UBND huyện đề nghị xếp chuyển lương theo Nghị định số 92/2010/NĐ-CP cho 100% cán bộ, công chức đủ điều kiện; đề nghị xét duyệt cộng nối thời gian công tác trong quân đội cho 243 đồng chí. Giải quyết cho 47 cán bộ, công chức xã, thị trấn nghỉ công tác hưởng chế độ, chính sách; đồng thời thường xuyên chỉ đạo và thực hiện tốt các chế độ, chính sách khác đối với thân nhân và gia đình cán bộ theo quy định.

Sau hơn 4 năm thực hiện Đề án, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ có chuyển biến tiến bộ. Tổ chức đảng kịp thời được củng cố, kiện toàn; sinh hoạt chi bộ đảm bảo nguyên tắc, từng bước nâng cao chất lượng; công tác phát triển đảng viên, quản lý và phân công công tác cho đảng viên thường xuyên được quan tâm thực hiện; đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt có chuyển biến tích cực về chất lượng, phát huy vai trò trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ. Những kết quả thực hiện Đề án đạt được tiếp tục khẳng định và nâng cao vai trò lãnh đạo toàn diện của cấp ủy, tổ chức đảng ở cơ sở, nổi bật là kết quả lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Đề án, vẫn còn những hạn chế, tồn tại: ột Một số TCCSĐ duy trì thực hiện quy chế làm việc chưa nghiêm,; còn nể nang, né tránh, chưa tự giác trong tự phê bình và phê bình; chưa có các biện pháp quyết liệt khắc phục những hạn chế, yếu kém nên nhiều năm không đạt TSVM, như: Đào Mỹ, Tân Thanh, thị trấn Kép, Mỹ Thái. Một số cấp ủy, chi bộ chưa quan tâm đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng, đảng viên thực hiện chế độ sinh hoạt đảng chưa nghiêm túc, sinh hoạt đảng theo chuyên đề hiệu quả chưa cao, như: Đào Mỹ, Mỹ Thái, Phi Mô. Công tác phát triển đảng viên khu vực nông thôn còn hạn chế; chưa hoàn thành mục tiêu nâng tỷ lệ đảng viên trong đội ngũ trưởng thôn, như: Tân Thanh (5/12), Xương Lâm (9/20), Hương Sơn (10/24); việc quản lý, rèn luyện đảng viên chưa tốt, như: Hương Lạc, Tân Thanh. Một số đảng ủy xã, thị trấn chưa quan tâm đúng mức công tác quy hoạch cán bộ nữ, trẻ vào các chức danh chủ chốt để đào tạo, bồi dưỡng; cán bộ chủ chốt chưa nêu cao ý thức học tập nâng cao trình độ, như: Đào Mỹ, Quang Thịnh, Tân Thanh. Phong cách, lề lối làm việc của một số cán bộ, công chức cơ sở chậm đổi mới; năng lực, trình độ, tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân còn hạn chế; còn cán bộ lãnh đạo chủ chốt thiếu tự giác tu dưỡng về đạo đức, lối sống, vi phạm kỷ luật đảng, như: Đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Dương Đức, Phi Mô, Xuân Hương, Mỹ Thái, Tiên Lục, Nghĩa Hưng.

Để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến của các TCCSĐ, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án 02 của Tỉnh ủy, trong thời gian tới, Huyện ủy Lạng Giang xác định thực tốt các giải pháp:

Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hoàn thành toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Đề án; chỉ đạo, thực hiện khắc phục triệt để khuyết điểm, hạn chế trong thời gian qua.

Chỉ đạo thực hiện các giải pháp khắc phục hạn chế, khuyết điểm sau kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI). Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; quan tâm giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt. Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với thực hiện quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.

Củng cố, kiện toàn tổ chức đảng ở các loại hình cơ sở. Thực hiện nghiêm túc việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung và duy trì thực hiện quy chế làm việc của cấp ủy, tổ chức đảng. Có các biện pháp cụ thể chỉ đạo đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp uỷ, chi bộ, sinh hoạt đảng chuyên đề theo hướng sát thực, hiệu quả; duy trì nghiêm túc việc dự sinh hoạt đảng của cấp ủy viên, cán bộ, chuyên viên các ban xây dựng đảng, đoàn thể huyện với chi bộ trực thuộc đảng ủy xã, thị trấn.

Quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt công tác phát triển đảng viên, tiếp tục tập trung cao phát triển đảng viên khu vực nông thôn và doanh nghiệp, trong đội ngũ trưởng, phó thôn, khu phố, chi bộ sinh hoạt ghép, chi bộ có ít đảng viên, nhiều năm chưa phát triển được đảng viên; quan tâm phát triển đảng là chủ doanh nghiệp tư nhân có đủ điều kiện theo quy định.

Tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở; mở các lớp đào tạo chuyên môn, lý luận chính trị, bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác xây dựng đảng; chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc và nâng cao trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Triển khai thực hiện các kế hoạch về xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và tạo nguồn bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND xã, thị trấn đến năm 2015 và những năm tiếp theo. Thực hiện hiệu quả kế hoạch luân chuyển cán bộ lãnh đạo quản lý, chuyển đổi vị trí công chức cấp xã ở các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh sai phạm. Kịp thời thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ.

Thường xuyên lãnh đạo, tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra, giám sát. Chú trọng kiểm tra các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực. Lãnh đạo thực hiện toàn diện các nhiệm vụ chính trị ở cơ sở; trong đó xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm lãnh đạo, chỉ đạo. Thường xuyên sâu sát, tăng cường đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của cơ sở.

 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất