Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã ở Đắk Lắk
Ban Chấp hành Đảng bộ xã Ea Kpam, huyện Cư M’Gar, nhiệm kỳ 2015-2020, nơi có tỷ lệ cán bộ, công chức đạt chuẩn cao.

Những năm qua, Tỉnh ủy Đắk Lắk đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả chủ trương xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, gồm: Nghị quyết 08-NQ/TU ngày 17-9-1999 của Tỉnh ủy về xây dựng Đảng gắn với củng cố hệ thống chính trị xã, phường, thị trấn vững mạnh toàn diện; Nghị quyết số 04 -NQ/TU ngày 10-7-2002 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về tăng cường cán bộ cho xã, phường, thị trấn; Kế hoạch số 11-KH/TU ngày 13-7-2006 về xây dựng hệ thống chính trị xã, phường, thị trấn năm 2006 và định hướng đến năm 2010; Kế hoạch số 21-KH/TU ngày 2-7-2007 về việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức, viên chức của tỉnh và cán bộ xã, phường, thị trấn giai đoạn 2007-2010… HĐND tỉnh ban hành nghị quyết quy định chức danh, số lượng, hệ số phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, buôn, tổ dân phố và sinh hoạt phí đối với một số chức danh cán bộ cơ sở; quy định hệ số phụ cấp đặc thù vùng Tây Nguyên cho cán bộ cơ sở; quy định cụ thể mức hỗ trợ một lần cán bộ luân chuyển từ huyện xuống xã…

Các cấp ủy đã triển khai thực hiện cụ thể nghị quyết Tỉnh ủy và HĐND tỉnh, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã của tỉnh không ngừng được củng cố, từng bước nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, số cán bộ trẻ tăng lên, số cán bộ hưu trí đảm nhiệm các chức danh lãnh đạo quản lý cấp xã giảm. Tổng số cán bộ, công chức cấp xã của tỉnh hiện có 4.267 người (2.193 cán bộ và 2.074 công chức); trong đó nữ chiếm 25,54%, dân tộc thiểu số chiếm 20,46%. Về trình độ học vấn: tiểu học 0,49%, trung học cơ sở 11,32%, trung học phổ thông 88,19%, về trình độ chuyên môn: đại học 18,05%, cao đẳng 8,04%, trung cấp 49,36%, sơ cấp 7,29%; về lý luận chính trị: cử nhân, cao cấp 3,52%, trung cấp 46,82%, sơ cấp 19,71%.

Qua khảo sát chất lượng ủy viên cấp cơ sở trong nhiệm kỳ 2015-2020, số lượng cấp uỷ viên xã, phường, thị trấn là 2.686 người (giảm 109 người so với nhiệm kỳ trước). Về trình độ học vấn: tiểu học 0,95%, trung học cơ sở 14,23%, trung học phổ thông 84,82% (nhiệm kỳ trước tỷ lệ tương ứng là 1,18%; 17,89% và 80,93%), về trình độ chuyên môn: đại học, cao đẳng 26,12%, trung cấp 30,18% (nhiệm kỳ trước tỷ lệ tương ứng là 22,43% và 26,55%); về lý luận chính trị: Cử nhân, cao cấp 7,20%, trung cấp 51,28%, sơ cấp 18,23% (nhiệm kỳ trước tỷ lệ tương ứng là 6,01%; 49,48% và 20,43%).

Đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã trong những năm qua đã được các cấp ủy đảng quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, từng bước nâng dần về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị và quản lý nhà nước; năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành chuyển biến tốt; có phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm cao trong công tác; có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần đoàn kết, luôn có ý thức phấn đấu trong công tác, học tập, rèn luyện và trưởng thành, tin tưởng vào chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng; am hiểu phong tục tập quán, tâm lý đồng bào, vận động đồng bào thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, chính trị ở địa phương.

Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã ở Đắk Lắk cũng bộc lộ những hạn chế: trình độ, năng lực nhìn chung còn thấp; 3,14% cán bộ, công chức cấp xã chưa được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn và 29,95% chưa được đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị. Một số cán bộ chủ chốt khả năng cụ thể hóa và tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết cấp ủy còn yếu, việc phát hiện, giải quyết những vấn đề phức tạp xảy ra ở cơ sở, nhất là những điểm nóng về an ninh chính trị và an ninh nông thôn có lúc còn lúng túng, bị động…

Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, thời gian tới các cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị xác định thực hiện tốt những nhiệm vụ chủ yếu sau:

Một là, nâng cao nhận thức cho cấp ủy đảng, chính quyền và các đoàn thể về vị trí, vai trò và đặc điểm của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Xây dựng và hoàn thiện quy chế làm việc, xác định rõ mối quan hệ giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp trong triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở.

Hai là, chú trọng công tác đào, bồi dưỡng trang bị những kiến thức căn bản về chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, nhất là những kiến thức về quản lý nhà nước, quản lý đất đai, vấn đề dân tộc, tôn giáo… cho đội ngũ cán bộ cơ sở. Việc đào tạo phải đa dạng hóa về phương thức và loại hình, phù hợp với trình độ và khả năng tiếp thu kiến thức của cán bộ; gắn với đào tạo lý luận với thực hành, giúp cho cán bộ, công chức nâng cao năng lực thực tiễn. Bản thân cán bộ, công chức cấp xã phải tự rèn luyện nâng cao trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao

Ba là, tiến hành đồng bộ việc khảo sát, đánh giá, bố trí và sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, nhất là cán bộ chủ chốt. Xây dựng tiêu chuẩn chức danh đối với đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh..

Bốn là, sớm ban hành chính sách thu hút nguồn cán bộ, công chức có chất lượng là sinh viên tốt nghiệp các trường đại học công lập, hệ chính quy, loại khá giỏi và học viên tốt nghiệp cao học về làm việc tại địa phương. Có chính sách phù hợp để khuyến khích học viên về cơ sở công tác, nâng cao năng lực thực tiễn, xem đây là nguồn cán bộ, công chức dự nguồn quy hoạch, bổ sung cho đội ngũ cán bộ, công chức các cấp trong tỉnh.

Năm là, đầu tư cơ sở vật chất, bảo đảm kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị ở xã, phường, thị trấn. Giải quyết hợp lý chính sách đối với cán bộ có nhiều năm công tác ở vùng sâu, vùng xa, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, duy trì chế độ chăm sóc sức khoẻ cán bộ hằng năm. Có chính sách hỗ trợ để cán bộ, công chức cơ sở phát triển kinh tế gia đình, giúp họ an tâm công tác. Kiểm tra đôn đốc, kịp thời khen thưởng những cá nhân, đơn vị có thành tích xuất sắc, tổng kết thực tiễn, nhân rộng các điển hình tiên tiến.


Sáu là, ban thường vụ huyện, thị, thành ủy cần chỉ đạo các ban đảng, cơ quan chuyên môn sâu sát, nắm vững thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, có kế hoạch, biện pháp cụ thể giúp địa phương tháo gỡ khó khăn. Quan tâm bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ bí thư chi bộ; trưởng các thôn, buôn, tổ dân phố làm nòng cốt cho đội ngũ cán bộ cơ sở.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất