Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng hiện nay

Thực tiễn hơn 85 năm qua đã khẳng định ý nghĩa to lớn của việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các TCCSĐ, góp phần quan trọng xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam vững mạnh, thực sự là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam. Nhiều TCCSĐ đã giữ vững và phát huy được vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở; thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị, công tác chuyên môn của địa phương, cơ quan, đơn vị. Việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đã đem lại kết quả tích cực, dân chủ trong Đảng và trong xã hội được mở rộng hơn. Nhiều cấp ủy viên và cán bộ, đảng viên đã được rèn luyện, thử thách, trưởng thành qua thực tiễn công tác…

Bên cạnh kết quả đạt được, không ít TCCSĐ chưa nhận thức và thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ; một số nơi chưa đủ sức giải quyết những vấn đề phức tạp; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng còn thấp, thậm chí có nơi mất sức chiến đấu; chất lượng sinh hoạt đảng, nhất là sinh hoạt chi bộ hiệu quả  thấp; công tác cán bộ, đảng viên còn bị buông lỏng; trình độ, năng lực của đội ngũ đảng viên còn nhiều hạn chế; một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân; mô hình TCCSĐ còn những vấn đề chưa hợp lý, chưa thống nhất…

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) nhận định: “Công tác xây dựng đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém, khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ”.

Những hạn chế, khuyết điểm trên có nhiều nguyên nhân, trong đó là sự phát triển nhanh của nền kinh tế, nảy sinh những vấn đề mới, tác động tiêu cực đến công tác xây dựng đảng; nhiều TCCSĐ chưa nhận thức đầy đủ, đúng đắn chức năng, nhiệm vụ và yêu cầu xây dựng, củng cố TCCSĐ trong tình hình mới; một số quy định về chức năng, nhiệm vụ, chế độ, chính sách cho cơ sở chậm được ban hành, điều chỉnh; sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của cấp ủy cấp trên đối với cơ sở chưa thường xuyên. Song, nguyên nhân quan trọng nhất là do năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ chưa cao; chưa nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò của TCCSĐ; chưa có giải pháp hiệu quả nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng.

Hiện nay, đất nước ta đang trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, xây dựng, phát triển với quy mô ngày càng lớn. Bên cạnh đó, tình hình thế giới, khu vực diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Kẻ thù tăng cường chống phá cách mạng Việt Nam bằng chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ mà trọng điểm là đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị.

Từ những vấn đề trên đòi hỏi các tổ chức cơ sở đảng cần phải xây dựng thật sự trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, trọng tâm là nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ, cần thực hiện các giải pháp sau:

Nâng cao năng lực ra nghị quyết: Trước tiên cần thường xuyên tổ chức cho các cấp uỷ viên, trước hết là bí thư, phó bí thư cấp ủy của TCCSĐ học tập, nghiên cứu, nhận thức đúng đắn, đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng, các nghị quyết của đảng uỷ cấp trên, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; nguyên tắc, thủ tục sinh hoạt đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ; tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; tự phê bình và phê bình. Các cấp uỷ, TCCSĐ cần đánh giá đúng tình hình thuận lợi, khó khăn ảnh hưởng đến tư tưởng cán bộ, đảng viên, quần chúng và chất lượng công tác lãnh đạo. Trên cơ sở đó, cụ thể hoá các quan điểm, chủ trương lãnh đạo của đảng ủy cấp trên thành các chủ trương, nội dung, biện pháp lãnh đạo thực hiện phù hợp với đặc điểm và nhiệm vụ của từng tổ chức cơ sở đảng.

Đề cao vai trò trách nhiệm, tích cực chủ động của từng cấp uỷ viên, trước hết là bí thư, phó bí thư cấp ủy về việc tham mưu đề xuất nội dung, biện pháp lãnh đạo cơ quan, đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị và các nhiệm vụ khác được giao.

Đổi mới cách ra nghị quyết theo hướng ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm, dễ triển khai thành chương trình hành động cụ thể. Khắc phục hiện tượng “khê đọng”, hoặc “bội thực” nghị quyết; hay không quán triệt, vận dụng sáng tạo, hoặc “mô phỏng” nghị quyết của cấp ủy cấp trên.

Nâng cao năng lực tổ chức thực hiện nghị quyết, để nâng cao năng lực tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng, TCCSĐ cần phân công rõ trách nhiệm của từng cấp uỷ viên, đảng viên, nhất là trách nhiệm của bí thư và phó bí thư cấp ủy. Coi trọng việc thống nhất hình thức, phương pháp giải quyết các mối quan hệ công tác, nhất là mối quan hệ giữa bí thư cấp ủy với người đứng đầu cơ quan, đơn vị; giữa bí thư cấp ủy với đảng ủy bảo đảm đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Tránh biểu hiện quan liêu, mệnh lệnh, lạm quyền, hay không giải quyết tốt các mối quan hệ.

Thường xuyên sâu sát, nắm bắt tình hình tư tưởng của đảng viên, quần chúng để phản ánh kịp thời cho cấp ủy, tổ chức đảng giải quyết, tránh để bất ngờ về tư tưởng.Nắm bắt thông tin kịp thời, phân tích, đánh giá, dự báo chính xác diễn biến của tình hình để kịp thời bổ sung, điều chỉnh nội dung, biện pháp lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng phù hợp. Trong quá trình tổ chức thực hiện nghị quyết cần coi trọng công tác kiểm tra, giám sát đảng viên, tổ chức đảng để kịp thời phát huy những ưu điểm, hạn chế, khắc phục ngay những hạn chế, khuyết điểm. Nâng cao năng lực đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết:

Thông qua sơ kết, tổng kết, các cấp ủy, tổ chức đảng mới có thể đánh giá đúng kết quả thực hiện nghị quyết để có chủ trương, biện pháp lãnh đạo đúng trong thời gian tới. Việc sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm thực hiện nghị quyết cần thực hiện nghiêm túc, đề cao tính chiến đấu, tự phê bình và phê bình. Thông qua sơ kết, tổng kết phải chỉ ra được ưu điểm, kết quả đạt được để phát huy, đồng thời phải thấy được hạn chế, khuyết điểm, nhất là những hạn chế, khuyết điểm tồn đọng kéo dài để có biện pháp khắc phục. Có như vậy nghị quyết của cấp ủy, tổ chức đảng mới đi vào cuộc sống.

Chấp hành nghiêm nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng: Chỉ trên cơ sở chấp hành nghiêm nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ; tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; tự phê bình và phê bình thì nội bộ cấp ủy, tổ chức đảng mới có thể đoàn kết, thống nhất trong quá trình lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ.

Các cấp ủy, tổ chức đảng cần xây dựng, cụ thể hóa nguyên tắc tập trung dân chủ; tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; tự phê bình và phê bình thành quy chế lãnh đạo, quy chế làm việc phù hợp với tình hình thực tiễn để thực hiện hiệu quả, nhất là trên lĩnh vực kinh tế, tài chính, xây dựng cơ bản và công tác cán bộ. Bên cạnh đó là tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trí tuệ, phẩm chất đạo đức cách mạng, có ý thức tổ chức kỷ luật, thực sự tiền phong gương mẫu, đủ năng lực hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Hoàn thiện mô hình tổ chức của các loại hình TCCSĐ theo hướng gắn TCCSĐ với lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội; chăm lo kết nạp đảng viên, nhất là ở những địa bàn, đơn vị chưa có tổ chức đảng, chưa có đảng viên.

Nâng cao chất lượng, đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của các loại hình TCCSĐ theo hướng vừa mở rộng dân chủ, vừa tăng cường kỷ cương, kỷ luật; khắc phục tính hình thức, đơn điệu trong sinh hoạt, bảo đảm tính lãnh đạo, tính giáo dục, tính chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Đồng thời tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, quản lý đảng viên; dựa vào dân để xây dựng Ðảng.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất