Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2015-2020
Ban Chấp hành Đảng bộ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh, nhiệm kỳ 2015-2020.

Đảng bộ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh là đảng bộ cấp trên cơ sở trực thuộc Thành ủy TP. Hồ Chí Minh. Đảng bộ có 42 tổ chức cơ sở đảng (2 đảng bộ cơ sở và 40 chi bộ) với 868 đảng viên. Những năm qua, Đảng bộ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh đã lãnh đạo đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ và tham mưu giúp UBND thành phố quản lý nhà nước về lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh khóa IX, nhiệm kỳ 2010-2015, cụ thể:

Về giải quyết việc làm, chế độ chính sách cho người lao động: Tốc độ tăng trưởng bình quân của lực lượng lao động khoảng 3,5%/năm, bình quân mỗi năm tạo ra 123.280 chỗ làm việc mới, tỷ lệ thất nghiệp năm 2015 còn 4,5%, đưa được 34.286 lao động có tay nghề đi làm việc ở nước ngoài. Lao động qua đào tạo nghề đạt 72,39%, vượt 2,39% so với chỉ tiêu đề ra.

Chính sách đối với người có công: Thành phố hiện quản lý 260.060 hồ sơ người có công với cách mạng; về cơ bản đã giải quyết xong chính sách tồn đọng sau chiến tranh về công tác xác nhận thương binh, liệt sỹ. Trong nhiệm kỳ đã quy tập thêm 307 hài cốt liệt sỹ; huy động quỹ đền ơn đáp nghĩa được 52,318 tỷ đồng, xây mới 418 nhà tình nghĩa, 541 nhà tình thương, sữa chữa chống dột 976 nhà diện chính sách, 2.154 sổ tiết kiệm.

Chương trình giảm nghèo tăng hộ khá về trước thời hạn so với kế hoạch là 1 năm, hiện thành phố có 19.482 hộ nghèo, chiếm 0,99%, hộ cận nghèo 51.687 chiếm 2,63% (chuẩn hộ nghèo thành phố là dưới 16 triệu đồng/người/năm, cận nghèo là từ 16 đến 21 triệu đồng/người/năm).

Công tác bảo trợ xã hội: Sở tham mưu UBND thành phố về các chính sách xã hội kịp thời, tính bền vững cao, chất lượng tốt và thật sự đi vào cuộc sống đối với cả 2 loại đối tượng (ở cộng đồng và ở các trung tâm bảo trợ xã hội); chủ động nghiên cứu đề xuất UBND thành phố ban hành các chế độ chính sách đối với công chức, viên chức và người lao động tại các cơ sở bảo trợ xã hội. Công tác quản lý các cơ sở bảo trợ xã hội đi vào nền nếp, chuyên môn hóa cao, phát huy được ưu điểm và lợi thế của từng đơn vị. Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động bảo trợ xã hội trên địa bàn.

Công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em, số lượng trẻ em được hưởng các dịch vụ về y tế, giáo dục, vui chơi giải trí miễn phí ngày càng nhiều. Xây dựng hệ thống kết nối đồng bộ từ thành phố đến quận huyện và phường xã, thị trấn; xây dựng và nhận rộng các mô hình trợ giúp trẻ có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng.

Công tác về phòng chống tệ nạn xã hội, xây dựng đề án quản lý cắt cơn, giải độc tư vấn tâm lý cho người nghiện không nơi cư trú ổn định tại các cơ sở xã hội; tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng và quản lý người tái hòa nhập cộng đồng đạt hiệu quả; các giải pháp giúp đỡ người bán dâm được đẩy mạnh, do đó tình hình mại dâm trên địa bàn đã được hạn chế góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.

Công tác thanh tra lao động và an toàn lao động, đã thực hiện 70 cuộc thanh tra, kiểm tra hành chính, 8.726 cuộc thanh tra về lao động, xử phạt 4.748 trường hợp vi phạm pháp luật về lao động nộp ngân sách Nhà nước trên 28 tỷ đồng. Kiểm định 31.511 thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, huấn luyện an toàn lao động cho 334.011 lượt người.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn những hạn chế nhất định đó là: Tình hình tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp, khó lường, khó khăn nhất vẫn là công tác cai nghiện ma túy; giải quyết tình trạng người xin ăn trên đường phố chưa triệt để; công tác về dự báo nhu cầu về lao động, đào tạo nghề chưa đáp ứng được yêu cầu về chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố; hoạt động dịch vụ việc làm còn thiếu tính chuyên nghiệp; kết quả giải quyết tình trạng ngừng việc tập thể, quan hệ lao động chưa đạt yêu cầu đề ra.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh khóa X, nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ Sở Lao động Thương binh và Xã hội đã lãnh đạo xây dựng và thực hiện chương trình hành động, cụ thể:

Một là, đến năm 2020 tỷ lệ lao động đang làm việc qua đào tạo nghề đạt 85% tổng số lao động đang làm việc. Đổi mới toàn diện hệ thống giáo dục nghề nghiệp để tăng cường hiệu quả đào tạo, triển khai đề án quy hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025 đáp ứng nhu cầu lao động khu vực đông nam bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía nam và thị trường ASEAN. Chú trọng cả 3 cấp độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề và sơ cấp nghề (cơ bản vẫn là các ngành cơ khí, hóa chất, điện tử, công nghệ thông tin, chế biến tinh thực phẩm, du lịch, thương mại, tài chính, ngân hàng); đẩy mạnh hợp tác, liên kết đào tạo nghề trong nước với các cơ sở đào tạo nghể ở nước ngoài; xây dựng các trường nghề trọng điểm theo tiêu chuẩn của khu vực ASEAN.

Hai là, tạo việc làm mới cho 625.000 lao động, kéo giảm tỷ lệ thất nghiệp đô thị dưới 4,5%. Nâng cao chất lượng dự báo, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về thông tin thị trường lao động phục vụ cho công tác hướng nghiệp, đào tạo nghề theo nhu cầu của xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố; làm tốt công tác quản lý và sử dụng lao động là người nước ngoài, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu lao động; cải cách thủ tục hành chính về lĩnh vực lao động nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của thành phố.

Ba là, giảm tỷ lệ hộ nghèo bền vững bình quân 1%/năm. Đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo, không để tái nghèo; tạo điều kiện hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. thực hiện chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường từ hộ nghèo thu nhập sang nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020; tập trung mọi nguồn lực thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững theo hướng chuyển dần hình thức hỗ trợ trực tiếp sang hỗ trợ gián tiếp.

Bốn là, tham gia thực hiện chương trình đột phá của Thành ủy về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo nâng cao chất lượng về công tác đào tạo nghề theo hướng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng sự nghiệp CNH - HĐH của thành phố; tập trung các ngành có hàm lượng công nghệ kỹ thuật cao, gắn chặt giữa đào tạo và sử dụng lao động, đào tạo “có địa chỉ”; dự báo tốt nhu cầu nguồn nhân lực; đặc biệt là thực hiện nghị quyết số 20-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng giai cấp công nhân thời kỳ đổi mới. Bên cạnh đó tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đạt chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức cách mạng và đạo đức nghề nghiệp (phấn đấu 95% giáo viên đạt chuẩn).

Năm là, tham gia chương trình đột phá của Thành ủy về cải cách hành chính. Tiếp tục xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008; đầu tư khai thác có hiệu quả các trang thiết bị phục vụ cho cải cách hành chính như nâng cấp website của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội để cập nhật kịp thời các văn bản luật phục vụ hoạt động của Ngành Lao động Thương binh và Xã hội giúp người dân dễ dàng tra cứu và tìm hiểu, giảm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.

ThS. Phạm Đình Lương
Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xã hội
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh

------------

Tài liệu tham khảo:

1- Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh khóa X, nhiệm kỳ 2015-2020.

2- Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội khóa VII, nhiệm kỳ 2015-2020.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất