Lực lượng vũ trang địa phương tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở
Dân quân tự vệ huyện Yên Khánh (Ninh Bình) tham gia kiểm tra bắn đạn thật.

Những năm qua, lực lượng vũ trang địa phương đã tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, đó là: Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; xây dựng địa phương, cơ sở vững mạnh, địa bàn an toàn. Xây dựng tiềm lực quốc phòng - an ninh, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân gắn với an ninh nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vững chắc, tích cực đấu tranh ngăn ngừa làm thất bại mọi âm mưu thủ đoạn diễn biến hòa bình bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch chống phá cách mạng nước ta trên từng địa bàn, nhất là ở cơ sở. Trực tiếp góp phần hướng dẫn xây dựng bồi dưỡng các tổ chức, thành viên cơ quan chuyên trách và đội ngũ cán bộ đơn vị lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh toàn diện thống nhất trong hệ thống chính trị cơ sở thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ và xây dựng mối quan hệ đoàn kết quân dân, củng cố thế trận quốc phòng an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng, củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở hiện nay một vài nơi chưa thực sự vững chắc, nhất là các địa bàn vùng dân tộc, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Ý thức quốc phòng, sự hiểu biết của nhân dân về âm mưu thủ đoạn của kẻ thù còn hạn chế. Những kiến thức quân sự về bảo vệ an ninh trật tự, sẵn sàng chiến đấu, phòng chống khắc phục hậu quả thiên tai, bảo vệ cơ sở… chưa được phổ cập trong nhân dân, nhất là các xã ở vùng sâu, vùng xa. Công tác tổ chức, xây dựng quản lý, sử dụng lực lượng dân quân tự vệ ở một số xã chưa được tốt, chất lượng chính trị chưa bảo đảm, khi có các tình huống, các “điểm nóng”, sự việc mất an ninh, trật tự ở địa phương hoạt động của dân quân tự vệ đạt hiệu quả chưa cao.

Trong thời gian tới, các lực lượng vũ trang địa phương cần thực hiện tốt các nội dung sau để xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh:

Một là, tập trung giáo dục làm cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức rõ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đổi mới phương thức hoạt động của hệ thống chính trị; xây dựng đội ngũ cán bộ; công tác dân vận, công tác dân tộc, tôn giáo; chính sách đại đoàn kết dân tộc ở cơ sở; về công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn và công tác quân sự, quốc phòng - an ninh. Quán triệt thực hiện tốt chỉ thị, nghị quyết và hướng dẫn của cấp uỷ, chính quyền địa phương, cơ quan chính trị các cấp về nhiệm vụ tham gia xây dựng hệ thống chính trị; vị trí, trách nhiệm của lực lượng vũ trang trong tham gia xây dựng hệ thống chính trị.

Hai là, tích cực bồi dưỡng nâng cao trình độ, nghiệp vụ kinh nghiệm cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ trong quá trình tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở. Tiếp tục thực hiện chủ trương tăng cường cán bộ, chiến sỹ tham gia xây dựng cơ sở và đảm nhiệm giữ một số chức danh trong cấp ủy, chính quyền và các chức danh trong các tổ chức chính trị xã hội ở địa phương. Bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sĩ nắm vững các thủ tục cải cách hành chính; các kiến thức cơ bản về lý luận chính trị, quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, pháp chế; những vấn đề liên quan trực tiếp tới tình hình kinh tế, văn hoá - xã hội, chính trị, ngôn ngữ, phong tục tập quán, tâm lý, thói quen, tín ngưỡng của nhân dân; năng lực tham mưu, tư vấn, phối hợp với các tổ chức trong hệ thống chính trị để giải quyết các vấn đề chính trị - xã hội mới nảy sinh.

Ba là, phát huy vai trò lãnh đạo của cấp uỷ, cán bộ chủ trì, cơ quan chuyên trách và đội ngũ cán bộ trong quá trình tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở. Cấp ủy các cấp ở cơ sở cần có sự phân công cụ thể cấp uỷ viên phụ trách công tác xây dựng hệ thống chính trị. Thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp, cơ chế phối hợp và tổ chức cho phù hợp với tính chất, đặc điểm của địa phương. Nghị quyết, chương trình hành động của cấp uỷ cấp trên về công tác xây dựng hệ thống chính trị cơ sở cần căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, đặc điểm hệ thống chính trị ở cơ sở trên địa bàn. Đảng uỷ quân sự các cấp cần có nghị quyết chuyên đề về công tác tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở và tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.

Bốn là, phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ đảng, chính quyền, ban ngành, đoàn thể chính trị - xã hội; tích cực tham gia các phong trào, các cuộc vận động cách mạng của địa phương. Phối hợp với địa phương, cơ sở trong việc nắm, quản lý tình hình và kịp thời đấu tranh vạch trần các luận điệu tuyên truyền phản động của các thế lực thù địch. Làm tốt công tác phối hợp, kết nghĩa giữa các đơn vị lực lượng vũ trang địa phương với các tổ chức ở địa phương, cơ sở như kết nghĩa giữa cấp ủy, chỉ huy đơn vị với cấp ủy, chính quyền địa phương; giữa các đơn vị quân đội với các tổ chức chính trị xã hội hội. Hướng các hoạt động kết nghĩa vào củng cố và tăng cường mối quan hệ giữa lực lượng vũ trang với hệ thống chính trị và nhân dân, đồng thời giữ vững sự ổn định chính trị trên địa bàn đóng quân.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất