Yên Bái nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy cơ sở và sinh hoạt chi bộ
Lễ bế giảng lớp bồi dưỡng lý luận chính trị cho đảng viên mới, khóa II, nhiệm kỳ 2015-2020 của Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh Yên Bái.

Yên Bái có 13 đảng bộ trực thuộc tỉnh ủy với 579 tổ chức cơ sở đảng, 3.270 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở và 50.596 đảng viên. Những năm trước đây, cấp ủy cơ sở, nhất là ở các xã đặc biệt khó khăn, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng còn yếu; việc vận dụng, cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng vào thực tiễn ở địa phương còn hạn chế. Việc xây dựng và thực hiện quy chế làm việc của cấp ủy chưa nghiêm túc, một số cấp ủy chưa xây dựng quy chế làm việc, những nơi đã xây dựng quy chế chất lượng còn thấp, chưa quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và mối quan hệ giữa bí thư cấp ủy với chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND, chủ tịch mặt trận Tổ quốc và trưởng các đoàn thể chính trị - xã hội. Các chi bộ trực thuộc đảng ủy còn nhiều lúng túng trong hoạt động và sinh hoạt định kỳ; sinh hoạt chi bộ không ít nơi còn đơn điệu, hình thức, nhiều chi ủy chuẩn bị nội dung sinh hoạt chưa tốt và không tổ chức sinh hoạt chuyên đề. Vì vậy, vai trò lãnh đạo của chi bộ ở các thôn, bản, tổ dân phố hiệu quả chưa cao; công tác bồi dưỡng, tạo nguồn kết nạp đảng viên ở địa bàn dân cư gặp nhiều khó khăn.

Chuyển biến về chất

Trước thực trạng trên, ngày 30-11-2012, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái ban hành Đề án 07 về “Nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy cơ sở và sinh hoạt chi bộ giai đoạn 2012-2015”. Đề án 07  tập trung trọng tâm là nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy cơ sở và sinh hoạt chi bộ, được triển khai thực hiện đồng bộ với các đề án khác của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nhằm thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TU của Tỉnh ủy về “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của đảng bộ giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020”; đẩy mạnh việc thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng. Các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy đã xây dựng kế hoạch triển khai đến cơ sở; chỉ đạo các tổ chức đảng quán triệt và tổ chức thực hiện.

Hằng năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thành lập các đoàn kiểm tra nhằm kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc tổ chức thực hiện Đề án ở cấp ủy huyện và cơ sở. Các cấp ủy đảng, tổ chức đảng duy trì thực hiện chế độ tự kiểm tra, theo dõi việc thực hiện các chỉ tiêu nêu trong mục tiêu của Đề án gắn với kế hoạch của Tinh ủy, huyện ủy; định kỳ hằng tháng, quý, 6 tháng và 1 năm báo cáo tình hình, kết quả thực hiện Đề án với ấp ủy, tổ chức đảng cấp trên theo quy định.

Sau 3 năm thực hiện, cán bộ, đảng viên đã nhận thức sâu sắc hơn vị trí nền tảng, vai trò hạt nhân lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng và của chi bộ; thấy rõ việc nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy cơ sở và sinh hoạt chi bộ là một trong những biện pháp quan trọng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Việc xây dựng, rà soát, bổ sung, hoàn thiện và thực hiện quy chế làm việc có tiến bộ rõ rệt, đến nay, 100% các đảng bộ, chi bộ cơ sở và chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở đã ban hành và thực hiện quy chế làm việc của cấp ủy. Quy chế làm việc được xây dựng theo hướng dẫn của cấp ủy cấp trên; quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của cấp ủy cơ sở, chi ủy chi bộ và từng cấp ủy viên để bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị.  

Việc duy trì nền nếp trong sinh hoạt chi bộ (định kỳ và chuyên đề) trong Đảng bộ tỉnh có chuyển biến tích cực, từng bước đi vào nền nếp. Cấp ủy huyện, thị, thành, đảng ủy trực thuộc tỉnh đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể phụ trách cơ sở đến dự, chỉ đạo, kiểm tra, theo dõi việc tổ chức sinh hoạt cấp ủy cơ sở và sinh hoạt chi bộ. Phương thức lãnh đạo, nội dung sinh hoạt của cấp ủy cơ sở và sinh hoạt chi bộ được đổi mới. Trách nhiệm của cán bộ, đảng viên đối với việc tổ chức và tham gia sinh hoạt cấp ủy và sinh hoạt chi bộ được nâng cao.

Chất lượng sinh hoạt cấp ủy cơ sở và sinh hoạt chi bộ (định kỳ, chuyên đề) và tỷ lệ đảng viên tham gia sinh hoạt chi bộ được nâng lên so với trước khi thực hiện Đề án 07. Số cấp ủy cơ sở sinh hoạt đều kỳ (đủ 12 kỳ) đạt 97,42%, tăng 10,41%; thiếu 1 kỳ chiếm 1,38% (giảm 2,58%); thiếu 2 kỳ chiếm 0,52% (giảm 1,46%); thiếu 3 kỳ chiếm 0,17% (giảm 3%); không còn cấp ủy sinh hoạt thiếu dưới 4 kỳ/năm (giảm 0,37%). Tỷ lệ cấp ủy viên tham gia sinh hoạt đạt bình quân 98,2%, tăng 8,2%. Số chi bộ họp định kỳ đủ 12 kỳ/năm đạt 88,37%, tăng 14,76%; số chi bộ họp thiếu từ 1 đến 2 kỳ/năm chiếm 9,87%, giảm 8,76%; chi bộ họp thiếu 3 đến 5 kỳ/năm chiếm 1,76%; không còn chi bộ họp dưới 7 kỳ/năm. Chi bộ sinh hoạt chuyên đề theo quy định ít nhất mỗi quý 1 lần, chiếm 87,42%, tăng 65,89% so với trước. Tỷ lệ đảng viên tham gia sinh hoạt đạt bình quân 95,7%, tăng 10,7%.

Công tác chuẩn bị cho các kỳ sinh hoạt được thực hiện tốt hơn. Nội dung, hình thức sinh hoạt nhìn chung đã bám sát chức năng, nhiệm vụ của chi bộ và chỉ đạo của cấp ủy cấp trên; sinh hoạt được đổi mới theo hướng thiết thực, cụ thể. Nhiều chi bộ đã tổ chức tốt sinh hoạt định kỳ, sinh hoạt chuyên đề; bàn và lựa chọn được những nhiệm vụ cụ thể, thiết thực mà cán bộ, đảng viên và quần chúng quan tâm để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và đạt hiệu quả. Trong sinh hoạt đã phát huy được dân chủ, trí tuệ của cán bộ, đảng viên, có nhiều ý kiến phát biểu, thảo luận hơn. Nhiều ý kiến sâu sắc đóng góp cho các nội dung sinh hoạt, tinh thần tự phê bình và phê bình từng bước nâng lên; tăng cường đoàn kết, thống nhất trong cấp ủy và chi bộ. Trước khi kết thúc buổi sinh hoạt, các nội dung họp được kết luận, nhiều nội dung quan trọng dược thống nhất thành nghị quyết, sau đó phân công cán bộ, đảng viên thực hiện.

Thực hiện Đề án 07, tỷ lệ cấp ủy viên cơ sở được bồi dưỡng về nghiệp vụ công tác tổ chức xây dựng đảng đạt 72,8%. Tỷ lệ bí thư chi bộ được tập huấn công tác xây dựng đảng đạt 79,46%, tỷ lệ phó bí thư chi bộ được tập huấn công tác xây dựng đảng đạt 60,7%.

Vẫn còn nhiều hạn chế

Qua 3 năm thực hiện, một số chỉ tiêu chưa hoàn thành so với mục tiêu của Đề án 07 như: Tỷ lệ cấp ủy cơ sở sinh hoạt định kỳ, tỷ lệ đảng viên có sổ ghi chép nội dung họp chi bộ, tỷ lệ đảng viên được thông tin thời sự kịp thời, được học tập nghiên cứu các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tỷ lệ cấp ủy viên cơ sở được bồi dưỡng về nghiệp vụ công tác tổ chức xây dựng đảng, tỷ lệ bí thư (hoặc phó bí thư) chi bộ được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ công tác xây dựng đảng đạt thấp hơn so với mục tiêu Đề án.

Công tác chỉ đạo kiểm tra của cấp ủy cấp trên trực tiếp đối với việc xây dựng, bổ sung, hoàn chỉnh quy chế làm việc của cơ sở, chi bộ còn hạn chế; một số cấp ủy cơ sở, chi bộ chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc.

Một số cấp ủy cơ sở chưa tổ chức sinh hoạt đủ kỳ (12 kỳ/năm). Nhiều chi bộ tổ chức sinh hoạt chuyên đề dưới 3 kỳ/năm; chưa lựa chọn được vấn đề mới, cụ thể, thiết thực, phù hợp với nhiệm vụ của chi bộ và trách nhiệm của đảng viên để tổ chức sinh hoạt chuyên đề nhằm tập trung sự lãnh đạo của chi bộ, nâng cao kiến thức, năng lực và phẩm chất cho đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Một số cấp ủy cơ sở, chi bộ, nội dung sinh hoạt còn nghèo nàn. Nhiều chi bộ ghi biên bản họp còn sơ sài, chưa phản ánh đầy đủ nội dung và thực chất sinh hoạt chi bộ. Nhiều đảng viên chưa có sổ ghi chép nội dung họp chi bộ…

Kinh nghiệm

Một là, nâng cao nhận thức đúng đắn về vị trí và tầm quan trọng của sinh hoạt cấp ủy cơ sở và sinh hoạt chi bộ cho cấp ủy các cấp và cán bộ, đảng viên. Các cấp ủy các cấp phải sâu sát với cơ sở, thường xuyên chăm lo xây dựng đội ngũ cấp ủy cơ sở và chi bộ vững mạnh. Thực hiện nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ; phát huy được trí tuệ của tập thể trong việc thảo luận thông qua các nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ ở cơ sở.

Hai là, xây dựng, bổ sung kịp thời và tổ chức thực hiện quy chế làm việc, coi trọng lãnh đạo bằng chương trình, kế hoạch gắn với kiểm tra, đôn đốc thường xuyên và đề cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy viên, nhất là người đứng đầu. Tổ chức tốt việc quần chúng tham gia xây dựng Đảng, góp ý kiến với cấp ủy cơ sở và chi bộ.

Ba là, chăm lo bồi dưỡng trình độ, năng lực và kỹ năng, nghiệp vụ cho chi ủy, bí thư chi bộ kịp thời. Rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên có phẩm chất chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức, lối sống và trách nhiệm với nhiệm vụ được giao.

Bốn là, các cơ quan tham mưu của cấp ủy, các tổ chức trong hệ thống chính trị, tăng cường phối hợp chặt chẽ và làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy trong việc xây dựng nghị quyết chuyên đề, hướng dẫn, biện pháp tổ chức thực hiện, kế hoạch thực hiện ở cơ sở; coi trọng rút kinh nghiệm, biểu dương những nơi thực hiện tốt, phê bình những nơi thực hiện chưa tốt.

Năm là, tăng cường kiểm tra, giám sát, đồng thời hướng dẫn các tổ chức cơ sở đảng thực hiện tốt việc xây dựng, cụ thể hóa nội dung và hình thức sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ cho phù hợp với từng loại hình và tình hình thực tế của địa phương cơ sở.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất