Phát triển tổ chức đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước ở Bắc Giang
Hội nghị triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm của Ban Chỉ đạo phát triển tổ chức đảng, đoàn thể trong DN ngoài khu vực nhà nước tỉnh Bắc Giang, tháng 3-2016.

Năm 2012, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng, phát triển tổ chức đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn tỉnh do đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy làm Trưởng Ban. Ban Chỉ đạo đã tiến hành khảo sát tình hình hoạt động của tổ chức đảng, đoàn thể, đảng viên, đoàn viên, hội viên trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn. Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh tổ chức hội thảo với chủ đề: “Giải pháp phát triển tổ chức đảng, đảng viên trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước”; nghiên cứu đề tài khoa học cấp tỉnh “Thực trạng, nguyên nhân và đề xuất các giải pháp phát triển tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở tỉnh Bắc Giang hiện nay”. Ban hành Đề án thành lập tổ chức đảng và kết nạp đảng viên trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, Đề án thành lập đảng bộ cơ sở các khu công nghiệp tỉnh. Phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh trong phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở.

Tỉnh Đoàn ban hành Đề án củng cố, phát triển tổ chức đoàn, hội liên hiệp thanh niên, tăng cường tập hợp thanh niên trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2013-2017; thành lập được 21 câu lạc bộ nhà trọ thanh niên khu công nghiệp. Huyện uỷ Tân Yên thành lập Đảng bộ Khối doanh nghiệp huyện. Các cấp ủy tổ chức gặp mặt, tiếp xúc với lãnh đạo doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có triển vọng thành lập tổ chức đảng, đoàn thể; qua đó nắm bắt tình hình, tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; tuyên truyền, vận động, thuyết phục chủ doanh nghiệp và công nhân, người lao động về ý nghĩa của việc thành lập tổ chức đảng, đoàn thể đối với việc nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; chăm lo, bảo vệ quyền lợi và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động; đồng thời để tạo sự đồng thuận, ủng hộ việc thành lập tổ chức đảng trong doanh nghiệp; chuyển sinh hoạt đảng cho đảng viên đang sinh hoạt ở nơi cư trú đến sinh hoạt ở các doanh nghiệp.

Đối với các doanh nghiệp có tổ chức đảng, đoàn thể, các cấp ủy chỉ đạo củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác đảng, đoàn thể theo hướng bố trí đảng viên là thành viên hội đồng quản trị, giám đốc, người quản lý doanh nghiệp đảm nhận chức danh bí thư cấp ủy và phân công cấp ủy viên, đảng viên theo dõi, phụ trách hoạt động của các đoàn thể, qua đó từng bước nâng cao chất lượng hoạt động và tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng.

Tổ chức tốt các lớp bồi dưỡng nhận thức về đảng cho công nhân, người lao động có trình độ chuyên môn, tay nghề, người giữ vị trí quan trọng trong doanh nghiệp và có lý tưởng phấn đấu vào Đảng, có triển vọng để đảm nhận các vị trí lãnh đạo, quản lý của doanh nghiệp vào các ngày thứ 7, chủ nhật để tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân, người lao động tham gia lớp học. Trong 3 năm, toàn tỉnh kết nạp được 198 đảng viên, thành lập được 31 tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, trong đó đã kết nạp được 15 chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng, nâng tổng số tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn tỉnh lên 90 tổ chức cơ sở đảng, với 1.756 đảng viên. Thành lập được 82 tổ chức công đoàn, 37 chi đoàn, hội liên hiệp thanh niên.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc phát triển tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước ở Bắc Giang còn một số hạn chế, khó khăn: Công tác tuyên truyền, vận động chủ doanh nghiệp, người lao động trong việc thành lập tổ chức đảng, đoàn thể ở một số nơi còn khó khăn. Nhiều công nhân là đảng viên nhưng còn tâm lý e ngại, chưa thực hiện tốt vai trò tuyên truyền, vận động thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; có lao động xác định làm việc không quan tâm đến các hoạt động chính trị, xã hội. Hoạt động của một số tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, nhất là ở nơi mới thành lập còn lúng túng, mang tính hình thức, chưa đổi mới nội dung sinh hoạt, chưa thể hiện rõ vai trò hạt nhân chính trị và củng cố niềm tin trong doanh nghiệp. Năng lực, trình độ của một số cán bộ làm công tác đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.  

Nguyên nhân do một số chủ doanh nghiệp chưa hiểu rõ về vị trí, vai trò của tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp, cho rằng việc thành lập tổ chức đảng, đoàn thể sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; vẫn còn tâm lý băn khoăn, chưa thực sự ủng hộ, tạo điều kiện cho việc thành lập tổ chức đảng, đoàn thể. Đa số doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn tỉnh là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hiệu quả sản xuất kinh doanh chưa cao và thiếu tính bền vững nên chưa thiết tha đến việc thành lập tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp.

Để tiếp tục phát triển tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, thời gian tới cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, cấp ủy cấp trên và tổ chức đảng trong doanh nghiệp cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục để chủ doanh nghiệp nhận thức rõ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và sự cần thiết của việc thành lập tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp.

Hai là, nâng cao chất lượng hoạt động, tích cực bồi dưỡng quần chúng để tạo nguồn phát triển đảng viên ở các doanh nghiệp đã có tổ chức đảng. Chuyển sinh hoạt đảng cho đảng viên là công nhân, người lao động đang sinh hoạt ở nơi cư trú về doanh nghiệp để thành lập tổ chức đảng ở những nơi đủ điều kiện. Đối với doanh nghiệp chưa có đảng viên, cấp ủy cấp trên nơi doanh nghiệp có trụ sở chính cần phân công cấp ủy viên phối hợp với lãnh đạo doanh nghiệp để tuyên truyền, vận động, bồi dưỡng tạo nguồn phát triển đảng viên.

Ba là, tích cực chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng, bổ sung quy chế làm việc của cấp ủy, quy chế phối hợp hoạt động giữa cấp ủy, ban giám đốc, hội đồng quản trị, các tổ chức đoàn thể trong doanh nghiệp; tạo sự đồng bộ, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ của doanh nghiệp. Tiếp tục phát huy vai trò của tổ chức đảng, chú trọng chăm lo cho cán bộ làm công tác đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp.

Bốn là, tăng cường thông tin, đối thoại, tiếp xúc với các doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn để tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức đảng, đoàn thể hoạt động. Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp theo quy định.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất