Quảng Bình rút kinh nghiệm chỉ đạo và tổ chức đại hội điểm đảng bộ cấp cơ sở
Đồng chí Hoàng Đăng Quang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Bình phát biểu kết luận tại Hội nghị rút kinh nghiệm đại hội điểm cấp cơ sở, nhiệm kỳ 2015-2020.

Kết quả

Đến ngày hết tháng 3-2015, đã có 21/25 đảng bộ cơ sở tổ chức đại hội điểm và thí điểm trực tiếp bầu ban thường vụ, bí thư, phó bí thư cấp ủy (2 cơ sở của Đảng bộ huyện Quảng Trạch và 2 cơ sở của Đảng bộ Bộ đội Biên phòng đại hội vào đầu tháng 4-2015). Trong số đảng bộ, chi bộ đã đại hội, có 14 cơ sở đại hội toàn thể đảng viên, 7 đảng bộ đại hội đại biểu; số đảng viên, đại biểu tham dự đại hội đạt trung bình 98% .

Công tác chuẩn bị tổ chức đại hội đã tạo được không khí phấn khởi, tin tưởng trong đảng bộ và các tầng lớp nhân dân địa phương. Trong đại hội, việc thảo luận báo cáo chính trị khá sôi nổi, phong phú. Thời gian dành cho thảo luận tương đối hợp lý và được bố trí linh hoạt, xen kẽ với công tác bầu cử; bình quân mỗi đại hội có 6 ý kiến tham luận, nhiều đảng bộ có trên 10 ý kiến như: Đảng bộ xã Đại Trạch, Đảng bộ phường Bắc Nghĩa, Đảng bộ Công an huyện Bố Trạch.

Về công tác nhân sự, nhìn chung, đã phát huy dân chủ trong thảo luận đề án nhân sự cấp ủy, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư. Kết quả bầu cử cấp ủy, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư đủ số lượng, cơ bản đúng cơ cấu, dự kiến, không có trường hợp phải bầu lần thứ hai. Bí thư cấp uỷ có số phiếu bầu đạt từ 95% trở lên, nhiều bí thư đảng uỷ có số phiếu bầu đạt 100%, các phó bí thư đều có số phiếu bầu đạt từ 90% trở lên. Tỷ lệ cấp ủy được đổi mới bình quân đạt 20%, riêng xã Trung Hóa, phường Quảng Thọ, xã Đại Trạch, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi đổi mới trên 1/3 cấp ủy. Số cấp ủy viên khóa cũ giới thiệu tái cử nhưng không trúng cử 6 đồng chí. Tỷ lệ cấp ủy trẻ dưới 35 tuổi bình quân đạt 13,4%; từ 36 - 40 tuổi đạt 18%; từ 41 - 50 tuổi đạt 41,2%, trên 50 tuổi chiếm 27,4%. Tỷ lệ cấp ủy viên là nữ bình quân đạt 14 % (Đảng bộ xã Đại Trạch đạt 33,3%, Đảng bộ phường Quảng Thọ đạt 20%).

Trình độ cấp ủy khóa mới tăng đáng kể, cụ thể: Trình độ chuyên môn: Đại học, cao đẳng 152/231 đồng chí, chiếm 65,8%; thạc sỹ: 20/231, chiếm 8,7%; tiến sỹ 01/231 đồng chí. Trình độ lý luận chính trị: Cử nhân, cao cấp 32/231 đồng chí, chiếm 14%; trung cấp 139/231 đồng chí, chiếm 60,2%; sơ cấp 11/231 đồng chí, chiếm 4,8%. Như vậy, chất lượng cấp uỷ được nâng lên, nhất là chất lượng ban thường vụ cấp ủy, các chức danh bí thư, phó bí thư cấp ủy. Tỷ lệ cán bộ trẻ và tỷ lệ đổi mới cấp uỷ một số đơn vị đạt yêu cầu đề ra.

Và hạn chế

Một số đơn vị còn nhầm lẫn khi lập danh sách nhân sự như: danh sách ứng cử, đề cử thì ghi danh sách bầu cử, khi chốt danh sách bầu cử thì ghi danh sách ứng cử, đề cử... Báo cáo chính trị của một số đại hội còn dàn trải, nặng về liệt kê số liệu, chưa tổng kết được thực tiễn; xác định phương hướng, mục tiêu, giải pháp chưa cụ thể, chưa có tính đột phá, chưa thể hiện rõ các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm. Các chỉ tiêu đưa ra chưa căn cứ trên cứ liệu khảo sát khoa học, quyết tâm chính trị và tính chiến đấu chưa cao. Báo cáo kiểm điểm của ban chấp hành một số nơi còn dài và trùng lặp với nội dung của báo cáo chính trị; chưa đánh giá đúng mức những ưu điểm, thẳng thắn chỉ ra những khuyết điểm về sự lãnh đạo, chỉ đạo của tập thể cấp ủy và từng cấp ủy viên trên các lĩnh vực hoạt động của đảng bộ và các nhiệm vụ được phân công phụ trách; chưa xác định rõ trách nhiệm của tập thể và mỗi cấp ủy viên về những hạn chế, khuyết điểm, trên cơ sở đó để phân tích, làm rõ các nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan của những khuyết điểm, yếu kém để đề ra kế hoạch, giải pháp cụ thể để sửa chữa, khắc phục. Có nơi không đề ra phương hướng khắc phục, sửa chữa khuyết điểm, hạn chế. Thảo luận tại đại hội vẫn còn tình trạng đọc tham luận được phân công chuẩn bị trước.

Ý kiến thảo luận tại đại hội còn ít, có nơi chỉ được 3-4 ý kiến. Tham luận ở nhiều nơi còn mang tính minh họa, phản ánh thành tích của chi bộ, nêu tình hình, sự việc cụ thể, những tiêu cực của địa phương, nhưng chưa có những kiến nghị thiết thực với cấp trên, chưa đi sâu rút ra nguyên nhân tồn tại khuyết điểm, đề xuất những giải pháp cụ thể, thiết thực. Thảo luận, tham gia ý kiến vào các dự thảo văn kiện đảng bộ cấp trên chất lượng chưa thật tốt.  

Công tác nhân sự cấp ủy, một số nơi chuẩn bị chưa kỹ, chưa đánh giá đúng tình hình, chưa làm tốt công tác tư tưởng nên có trường hợp được cấp ủy triệu tập đại hội dự kiến tham gia ban thường vụ nhưng không trúng cử ban chấp hành. Nhiều nơi không bảo đảm đổi mới 1/3 cấp ủy (chỉ có 4/21 cơ sở đạt tỷ lệ đổi mới từ 1/3 trở lên, gồm: Trung Hóa, Quảng Thọ, Đại Trạch và Đảng bộ Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy nông) và một số nơi không đảm bảo tỷ lệ cấp ủy viên là nữ và cấp ủy viên trẻ (Các đơn vị thuộc Đảng bộ Khối Doanh nghiệp, Đảng bộ Công an, Đảng bộ Quân sự không có cán bộ nữ tham gia cấp ủy; các cơ sở thuộc Đảng bộ Khối doanh nghiệp, Đảng bộ Khối các Cơ quan tỉnh không có cấp ủy viên trẻ, dưới 35 tuổi; chỉ có 5/21 đơn vị có cán bộ nữ tham gia ban thường vụ, gồm các đơn vị: Đồng Lê, Công an Thị xã Ba Đồn, Đại Trạch, Bắc Nghĩa, Lộc Thủy). Có nơi không thực hiện đúng theo Hướng dẫn số 12-HD/BTCTU của Ban Tổ chức Tỉnh ủy về hướng phân công trong ban thường vụ cấp ủy của các đảng ủy xã, phường, thị trấn (xã Lộc Thủy, Lệ Thủy cơ cấu phó chủ tịch UBND tham gia ban thường vụ mà không cơ cấu phó chủ tịch HĐND theo hướng dẫn).

Điều hành công tác bầu cử có nơi còn lúng túng, sau khi đoàn chủ tịch báo cáo đề án nhân sự, thì tiến hành biểu quyết đề án mà không biểu quyết riêng về số lượng. Đa số các đơn vị tiến hành đại hội cho rằng, theo quy chế bầu cử trong Đảng thì danh sách ứng cử viên do cấp uỷ cấp triệu tập đại hội chuẩn bị là danh sách đề cử chính thức với đại hội, vì vậy, có nơi lấy biểu quyết của đại hội không ứng cử và đề cử thêm. Các đơn vị đã đại hội chỉ bầu ban chấp hành và bầu ban thường vụ có số dư, còn bầu phó bí thư không có số dư (khối xã, phường, thị trấn có 2 phó bí thư cũng bầu không có số dư). Một số đơn vị vẫn còn biểu hiện cục bộ, dòng tộc trong bầu cử cấp ủy....
 
Ban kiểm phiếu ở một số đại hội chưa nắm chắc nguyên tắc, thủ tục quy định và chưa thành thạo về nghiệp vụ nên trong hướng dẫn cách thức và điều hành bỏ phiếu chưa tốt, thời gian kiểm phiếu kéo dài. Có nơi chưa công bố tổng số phiếu phát ra, thu vào đã mang đi kiểm phiếu. Có nơi chưa kịp thông báo một số vấn đề trong bầu cử thì đại biểu đã bỏ phiếu. Trong bầu cử đại biểu dự đại hội đảng bộ cấp trên, có nơi biểu quyết số lượng đại biểu chính thức (số lượng đại biểu chính thức do cấp trên phân bổ, chỉ thông báo, không biểu quyết), không thực hiện việc biểu quyết số lượng đại biểu dự khuyết.

Về thời gian đại hội và tổ chức điều hành đại hội, nhiều nơi đã thực hiện cả nội dung chính của đại hội trong phiên trù bị, như báo cáo thẩm tra tư cách đại biểu, báo cáo tổng hợp ý kiến tham gia dự thảo văn kiện cấp trên, đề án nhân sự cấp ủy cấp trên... Một số đảng bộ xã, phường có số lượng đảng viên hoặc đại biểu dự đại hội đông, nhưng đại hội chỉ tiến hành chưa đến 1,5 ngày nên thời gian dành cho thảo luận tại đại hội còn ít. Một số cơ quan, đơn vị sự nghiệp thì tổ chức trong thời gian một buổi nên các nội dung thực hiện kéo dài cả buổi nghỉ trưa. Một số đại hội không biểu quyết thông qua những chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu và các giải pháp lớn khi còn có ý kiến khác nhau mà chỉ biểu quyết thông qua toàn văn nghị quyết đại hội.  

Nguyên nhân

Đại  hội điểm và thí điểm chủ trương đại hội đảng bộ cơ sở trực tiếp bầu ban thường vụ, bí thư, phó bí thư cấp ủy ở Quảng Bình vẫn còn những hạn chế nêu trên là do một số cấp uỷ chưa tổ chức nghiên cứu, quán triệt một cách sâu sắc chỉ thị, quy định, các hướng dẫn của Trung ương và của cấp ủy cấp trên, nên tiếp thu và nắm bắt những điểm mới chưa kịp thời, nhận thức có mặt còn thiếu nhất quán. Chưa tích cực đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, gây lúng túng trong chuẩn bị phương án nhân sự trước đại hội. Tình trạng cục bộ, tư tưởng dòng họ vẫn còn nặng nề ở một số địa phương. Việc thay đổi quy định về tuổi tái cử và giảm số lượng cấp ủy viên cơ sở cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ đổi mới cấp ủy chưa đạt theo yêu cầu. Đoàn chủ tịch điều hành đại hội ở một số nơi còn hạn chế, lúng túng, chưa đủ khả năng giải quyết những vấn đề đặt ra trong đại hội, nhất là những nơi nội bộ thiếu thống nhất.

Kinh nghiệm

1. Khi triển khai ra diện rộng, cấp ủy cấp trên trực tiếp của cơ sở cần tăng cường chỉ đạo, kiểm tra; phân công các đồng chí thường vụ, cấp ủy viên phụ trách chỉ đạo, theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra và giúp đỡ đối với từng cơ sở trong quá trình chuẩn bị và tổ chức đại hội, nhất là những đơn vị yếu kém, có nhiều khó khăn trong công tác cán bộ. Cần làm tốt việc tập huấn, hướng dẫn chi tiết các điểm mới trong Quy chế bầu cử trong Đảng ban hành kèm theo Quyết định 244-QĐ/TW của Ban chấp hành Trung ương. Đây là vấn đề quan trọng không chỉ đối với các đồng chí tham gia đoàn chủ tịch, ban kiểm phiếu mà cả đối với từng đại biểu, đảng viên tham dự đại hội.

2. Báo cáo chính trị phải chuẩn bị chu đáo, nội dung thể hiện tính tổng kết thực tiễn, không nên sa vào sự vụ; tập trung làm cho rõ những nội dung căn bản, trọng tâm, những kết quả, tồn tại, hạn chế chủ yếu trong việc thực hiện nghị quyết đại hội nhiệm kỳ qua. Xây dựng phương hướng, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ mới phải bám sát định hướng của cấp trên, phù hợp với đặc điểm, tình hình của cơ quan, đơn vị; xác định rõ các chỉ tiêu cơ bản, nhiệm vụ, giải pháp có tính đột phá.

3. Quá trình chuẩn bị và tổ chức đại hội, cấp ủy cần quan tâm chỉ đạo, coi trọng toàn diện các nội dung của đại hội, tránh tình trạng quá tập trung vào công tác bầu cử cấp ủy. Coi trọng việc thảo luận trong đại hội góp ý vào báo cáo của cấp mình và tham gia đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện của cấp ủy cấp trên. Có sự kết hợp linh hoạt giữa phân công chuẩn bị trước với đăng ký phát biểu của đảng viên tại đại hội để tạo không khí thảo luận sôi nổi, liên tục và có được nhiều ý kiến tham gia. Nên chỉ đạo chuẩn bị nội dung tham luận để đảm bảo chất lượng, khắc phục tình trạng thảo luận một chiều hoặc kể thành tích của địa phương, đơn vị mình.

4. Trong công tác nhân sự cấp ủy, cần đảm bảo đúng nguyên tắc, quy trình. Lưu ý những điểm mới về công tác nhân sự, thực hiện tốt các quy định về tuổi tái cử, số lượng cấp ủy các cấp, thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch HĐND, đổi mới 1/3 cấp ủy, bảo đảm tỉ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số, định hướng về cơ cấu ban thường vụ cấp ủy…

5. Đoàn chủ tịch phải là những đồng chí có năng lực, kinh nghiệm, nắm vững các nguyên tắc, thủ tục, quy trình đại hội, nhất là Quy chế bầu cử trong Đảng; phải chuẩn bị chương trình đại hội thật chi tiết, văn bản hóa tất cả các nội dung phục vụ công tác điều hành hoạt động của đại hội, phân công cụ thể nhiệm vụ của từng thành viên trong đoàn chủ tịch. Phải bám sát văn bản và điều hành Đại hội đảm bảo đúng nguyên tắc, quy định đồng thời phải linh hoạt xử lý khi có tình huống phát sinh ngoài dự kiến.

6. Công tác tuyên truyền cần được thực hiện tốt, tạo không khí tin tưởng, phấn khởi trong cán bộ, đảng viên, người lao động trong cơ quan, đơn vị, góp phần vào sự thành công chung của đại hội.

7. Cùng với lãnh đạo công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, các cấp ủy đồng thời lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, bảo đảm sự ổn định chính trị và hoàn thành các nhiệm vụ được giao; không vì tập trung công tác tổ chức đại hội đảng mà ảnh hưởng đến việc thực hiện các công việc khác.


Nguyễn Viết Xuân
Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Bình

Phản hồi (1)

tràn sinh 27/04/2015

Bài viết khá sâu, đánh giá rõ những hạn chế tôi cho là đang phổ biến ở các đảng bộ cơ sở mà ban tổ chức từ Trung ương đến huyện cần nghiên cứu.

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất