Thanh Văn- Xã “7 có, 3 không”
Trao sổ và lương hưu cho bà con dịp khai trương Quỹ Bảo hiểm và phúc lợi xã ở xã Thanh Văn.

Đảng bộ xã Thanh Văn, Thanh Oai, Hà Nội, nhiều năm liền là đảng bộ trong sạch vững mạnh, một Đảng bộ mà từ bí thư đến các đảng viên luôn tâm niệm và thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ: "Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại cho dân, ta phải hết sức tránh”.

Dịp này về thăm Thanh Văn, chúng tôi thấy ở đây, nhà cao tầng mọc san sát, chợ họp đông vui, nhiều sản vật. Chúng tôi thăm đồng bằng xe ô tô chạy dọc, ngang trên những đường đổ bê tông dày 20 cm, rộng trên 4 mét chia các cánh đồng đã được dồn điền đổi thửa thành những khu ruộng lớn. Hai bên đường có cột và dây điện hạ thế phục vụ sản xuất và sinh hoạt tại các trang trại và các hộ dân. Đồng chí Hài, Phó Bí thư trực Đảng ủy giới thiệu: Xã đã có trên 25km đường như thế này. Phần lớn kênh mương được kiên cố hóa. Cơ cấu kinh tế được chuyển dịch từ thuần nông năng suất thấp sang đa canh, áp dụng nhiều biện pháp khoa học kỹ thuật đạt năng suất cao… Một số diện tích chuyển thành vườn cây ăn quả có giá trị kinh tế hoặc để trồng rau sạch, cung cấp cho Hà Nội. Buôn bán, dịch vụ, ngành nghề phát triển. Chúng tôi có giống gạo Bồ Nâu trước kia để tiến vua, nay có thương hiệu trên thị trường. Hơn 50 trang trại được xây dựng trước cả khi có nghị quyết của tỉnh, kinh tế phát triển khá… Đã có hơn 600 nhà của dân xây kiên cố. Riêng 2 năm gần đây có thêm 400 nhà cao tầng. Số hộ nghèo còn lại rất ít, thường là do gặp hoàn cảnh éo le.

Khi về đến trụ sở, được nghe báo cáo của đồng chí Bí thư Đảng ủy, chúng tôi được biết: Cùng với đời sống vật chất thuộc loại xã giầu, người dân đã có “của ăn, của để”, nhiều nhà đã có xe ô tô, Thanh Văn còn là một xã có đời sống văn hóa - tinh thần rất khá. Xã có 4 thôn, thôn nào cũng có nhà văn hóa, sân vận động khang trang, có các đội bóng, đội văn nghệ với nhiều lứa tuổi, thường xuyên tổ chức thi đấu, biểu diễn. Số các cháu trong độ tuổi đều được đến trường. Số học sinh đỗ vào các trường đại học năm sau cao hơn năm trước, năm học này có 30 em. Có gia đình đã có con là tiến sĩ. Xã có nhiều biện pháp khuyến học, khuyến tài. Em nào thi đỗ vào đại học không những được xã thưởng 500.000đ mà còn được ưu tiên bồi dưỡng kết nạp vào Đảng. Trong vòng hai chục năm, Đảng bộ Thanh Văn đã kết nạp hơn 400 đảng viên, đại đa số là những người trẻ, có kiến thức, có chí khí vươn lên. Do môi trường sống thoải mái, một số trí thức đã tìm về làm việc, cống hiến ở Thanh Văn. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được coi trọng. Xã có trạm y tế, có bác sĩ, y sĩ…  Các cơ sở thờ tự được tu bổ khang trang. Khu tưởng niệm Bác Hồ được xây dựng ở vị trí đẹp nhất…

Gần đây Thanh Văn đã lập Quỹ Bảo hiểm và Phúc lợi nông dân. Quỹ do nông dân toàn xã tự nguyện đóng góp, từ các khoản tiết kiệm trong xây dựng các công trình không phải đi thuê ngoài mà do người trong xã tự làm, từ sự ủng hộ của các tập thể và cá nhân hảo tâm… Nông dân từ 60 tuổi trở lên được lĩnh mỗi tháng 200.000đ, năm 2012 tăng lên 300.000đ. Quỹ đã thu hút 1.500 hội viên, có số vốn trên 40 tỉ đồng, bên cạnh trả lương hưu nông dân, Quỹ còn trợ giúp hoạt động của mặt trận, các đoàn thể và chi dùng vào các hoạt động chung… Trật tự - trị an của Thanh Văn rất khá, hầu như không có tệ nạn xã hội, không mất đoàn kết thôn xóm. Từ mấy năm nay không có khiếu kiện.

Đằng sau những thành quả trên là một quá trình phấn đấu bền bỉ, liên tục của Đảng bộ và nhân dân Thanh Văn suốt 27 năm từ ngày Đổi mới, mà cái gốc là khối đoàn kết nhân dân xung quanh hạt nhân lãnh đạo là Đảng bộ Thanh Văn. Đảng bộ Thanh Văn trước đây có hơn 80 đảng viên nhưng mất đoàn kết rất nặng. Tỉnh ủy Hà Sơn Bình lúc đó đã phải cử 1 ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy về củng cố hơn 1 năm trời. Từ củng cố tổ chức đảng mà củng cố chính quyền, mặt trận và các đoàn thể nhân dân. Thanh Văn đã xây dựng lại hệ thống chính trị vững mạnh, hoạt động đều tay, một bộ máy lãnh đạo có cách làm việc dân chủ, bản thân từng người gương mẫu, tiêu biểu là người đứng đầu - đồng chí Bí thư Quang Văn Thỉnh có tâm, có tầm, liêm khiết. Vấn đề dân chủ ở Thanh Văn được coi trọng từ những năm đầu đổi mới, nhất là từ sau khi có Chỉ thị 30 của Bộ Chính trị (khóa VIII). Quy chế Dân chủ cơ sở được xây dựng và thực hiện nghiêm chỉnh. Đảng ủy, chính quyền có chủ trương gì mới đều được đưa ra dân bàn kỹ rồi mới ra nghị quyết thi hành. Nghị quyết luôn ngắn, rõ. Khi thực hiện thấy không phù hợp là thay ngay. Dân Thanh Văn thường nói: “Đảng nói, Dân nghe theo”, “Dân góp ý, Đảng tiếp thu, sửa chữa”. Mặt trận và các đoàn thể nhân dân sáng tạo nhiều hình thức hoạt đông phong phú, mang lại lợi ích thiết thực cho dân nên tập hợp được đông đảo nhân dân. Thanh niên là đối tượng khó tập hợp nhất, nhưng đồng chí Bí thư Đoàn xã nói với chúng tôi: “Nếu trên Trung ương các bác có vấn đề gì, chỉ cần điện cho chúng cháu, chúng cháu sẽ huy động ngay 700 - 800 thanh niên đi xe máy lên hỗ trợ các bác”. Ngày hội Đại Đoàn Kết toàn dân tộc năm 2012 và ngày ra quân Mừng Năm mới 2013, hàng ngàn người dân Thanh Văn đã tham gia; đoàn diễu hành có tới 800 xe gắn máy, chứng tỏ lời đồng chí Bí thư Đoàn xã nói là sự thật!

Một nét khá độc đáo của Thanh Văn là Đảng ủy đã lường trước sự phân hóa giầu nghèo nên sớm có chủ trương được Dân đồng tình: dành 6% quỹ đất, trong đó để 1% làm đường, 5% chia cho mỗi khẩu không có đất 50m vuông làm vốn tự xóa nghèo, cùng với các biện pháp xóa đói giảm nghèo khác. Như vậy, có thể nói rằng công bằng xã hội được Đảng bộ Thanh Văn giải quyết từ gốc.

Những việc làm cụ thể và thành tích của Thanh Văn còn nhiều, nhưng để dễ nhớ, có người đã khái quát Thanh Văn là xã “7 có”, “3 không”.

“7 có” là: Có khối đoàn kết nhân dân vững chắc với hạt nhân là Đảng bộ xã; có đời sống vật chất khá giả, một bộ phận giầu có, ngày càng ít hộ nghèo; có đời sống văn hóa - tinh thần phát triển; có sinh hoạt dân chủ, công khai; có sự phân phối công bằng, không để tích tụ mâu thuẫn giầu nghèo; có Quỹ Bảo hiểm và Phúc lợi nông dân bền vững; có hệ thống chính trị vững mạnh.

“3 không” là: Không mất đoàn kết; không tệ nạn xã hội; không mất trật tự - trị an.

Như vậy, Thanh Văn đã đi trước thực hiện Dân giầu, Xã mạnh, Dân chủ, Công bằng, Văn minh, một mô hình phát triển bền vững ở nông thôn.

Tuy nhiên, con đường phía trước của Thanh Văn cũng còn nhiều gian nan, thách thức như giải quyết vấn đề phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, vấn đề môi trường… Đại hội lần thứ 22 của Đảng bộ Thanh Văn đã tự phê bình những mặt còn chưa được, đề ra những phương hướng và biện pháp giải quyết sát hợp. Hy vọng Thanh Văn sẽ vững bước trên đường sáng tạo và phát triển

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất