Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết trên địa bàn tỉnh, nhận thức của các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý nghĩa của đổi mới, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở từng bước được nâng lên. Hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở ngày càng hiệu quả, cấp ủy cấp xã phát huy được vai trò là hạt nhân chính trị, lãnh đạo toàn diện mọi mặt ở cơ sở.
Đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ)
Nhằm phát huy vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở, nâng cao năng lực lãnh đạo của TCCSĐ, Tỉnh ủy đã tăng thêm một phó bí thư phụ trách xây dựng TCCSĐ ở một số huyện, thị; đồng thời chỉ đạo các huyện, thành, thị ủy quan tâm chỉ đạo xây dựng củng cố TCCSĐ, đảm bảo các đảng ủy xã, phường, thị trấn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ lãnh đạo toàn diện mọi mặt kinh tế - xã hội và công tác xây dựng đảng.
Sau mỗi kỳ đại hội, căn cứ vào hướng dẫn của cấp trên, cấp ủy cấp xã đã xây dựng quy chế làm việc, trong đó quy định rõ trách nhiệm và quyền hạn, mối quan hệ công tác giữa bí thư cấp uỷ, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND, chủ tịch ủy ban mặt trận Tổ quốc và người đứng đầu các đoàn thể, bảo đảm sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền và các đoàn thể theo quyền hạn, trách nhiệm của mỗi tổ chức. Đồng thời, ở một số đơn vị thực hiện chủ trương bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; tạo sự đồng bộ, thống nhất, kịp thời trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành các mặt công tác của địa phương.
Trên cơ sở các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước và các văn bản của cấp trên, căn cứ tình hình thực tế của địa phương, đảng ủy các xã, thị, trấn đã lựa chọn những nhiệm vụ trọng tâm, những vấn đề nổi cộm, có tính cấp thiết để ra nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết dứt điểm, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Trong đó, chú trọng ban hành các nghị quyết chuyên đề về phát triển giao thông nông thôn, xây dựng nông thôn mới, xây dựng các thiết chế văn hóa... Công tác kết nạp đảng viên đạt được những kết quả quan trọng. Từ năm 2002 đến nay, toàn Đảng bộ tỉnh kết nạp được hơn 20.360 đảng viên, trong đó số lượng đảng viên kết nạp ở các xã, phường, thị trấn chiếm phần lớn.
Nâng cao hiệu lực quản lý, điều hành của chính quyền cơ sở
Chính quyền cơ sở trong tỉnh đã triển khai thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) và quy định của Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003. Theo đó, chính quyền cơ sở đã tổ chức thực hiện tốt các chức năng quản lý, điều hành trên mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng; cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên và nghị quyết của cấp ủy cấp mình thành các đề án, chương trình, kế hoạch để tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao.
Tổ chức và hoạt động của chính quyền cơ sở ngày càng tinh gọn, hiệu quả. Thực hiện chủ trương của Trung ương, Vĩnh Phúc là 1 trong 10 tỉnh, thành thí điểm không tổ chức HĐND huyện, phường. Hiện nay, tỉnh có 7 huyện và 13 phường không tổ chức HĐND. Sau một thời gian thực hiện, bộ máy chính quyền cơ sở ở các địa phương này hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, bước đầu giảm được thời gian, thủ tục giải quyết công việc. Cùng với đó, hoạt động của HĐND và UBND các xã, phường, thị trấn đã có những chuyển biến tích cực. Hầu hết các xã, thị trấn đều tiến hành họp HĐND 2 kỳ/năm. Các kỳ họp đã tập trung thảo luận và quyết định các vấn đề quan trọng về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng giao thông nông thôn, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Hoạt động của chính quyền cơ sở đã phát huy hiệu lực, hiệu quả điều hành theo pháp luật, năng động hơn trong việc cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào điều kiện cụ thể của địa phương.
Công tác tiếp dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân được thực hiện nghiêm túc, phân công cán bộ tiếp dân và thực hiện lịch tiếp dân của chủ tịch UBND cấp xã theo quy định. Giải quyết kịp thời, dứt điểm các đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân ngay từ cơ sở, hạn chế mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân và những điểm nóng ở cơ sở, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Đổi mới công tác mặt trận và các đoàn thể
Thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận cơ sở thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá”, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở cơ sở đã có nhiều đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động, mạng lưới làm công tác dân vận, Ban Công tác Mặt trận và các đoàn thể mở rộng đến các thôn, xóm. Thực hiện tốt các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, vận động ủng hộ “Quỹ vì người nghèo”, xây nhà đại đoàn kết, đóng góp vào thành tích xóa xong nhà tạm, nhà dột nát của tỉnh, tạo sự gắn kết giữa Đảng, chính quyền với nhân dân. Đồng thời, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở cơ sở đã đa dạng hóa các hình thức tập hợp thành viên, hội viên, đoàn viên; vận động thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền.
Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở từng bước chuẩn hóa, nâng cao chất lượng, trình độ
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) và các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, của tỉnh về công tác cán bộ nói chung, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã nói riêng, tỉnh Vĩnh Phúc đã quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã ngày càng chuẩn hóa, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Tính đến tháng 6-2012, toàn tỉnh có 2.544 cán bộ, công chức cấp xã; trong đó có 1.406 cán bộ chuyên trách, 1.138 công chức chuyên môn.
Tỉnh có chính sách hỗ trợ toàn bộ kinh phí, tài liệu để đào tạo cho những cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã tốt nghiệp trung học phổ thông nhưng chưa đạt chuẩn về trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Nhờ vậy 100% cán bộ, công chức cấp xã đạt chuẩn về trình độ văn hóa, 95,7% đạt chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ theo Quyết định số 04/QĐ-BNV của Bộ Nội vụ, trong đó trình độ chuyên môn cao đẳng, đại học đạt 28,16% (tăng 17,66% so với năm 2007); trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên đạt 58,4% (tăng 6,1% so với năm 2007).
Cùng với đào tạo, bồi dưỡng, công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ, công chức cấp xã được chú trọng. Toàn tỉnh có gần 1.950 lượt cán bộ được quy hoạch 6 chức danh cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn giai đoạn 2005-2010; hơn 2.620 lượt cán bộ được quy hoạch ban chấp hành, 913 lượt cán bộ được quy hoạch ban thường vụ và 2.477 lượt cán bộ quy hoạch 6 chức danh cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn giai đoạn 2010-2015. Đã luân chuyển được 50 lượt cán bộ cấp cơ sở, trong đó, luân chuyển từ cấp huyện về cấp xã: 16 đồng chí, luân chuyển từ cấp xã lên cấp huyện: 33 đồng chí; luân chuyển từ xã này sang xã khác: 1 đồng chí.
Tuy nhiên, việc xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vẫn còn một số hạn chế nhất định: Việc đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở đảng còn hạn chế, chưa đủ sức giải quyết những vấn đề phức tạp nảy sinh ở cơ sở. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân ở một số địa phương hoạt động còn hình thức, hành chính hóa. Một số nơi chưa thực hiện tốt việc điều chỉnh, bổ sung quy chế làm việc. Việc bố trí cán bộ đã qua đào tạo chuyên môn nghiệp vụ chưa phù hợp, nhiều nơi chưa mạnh dạn sử dụng cán bộ trẻ, thay thế những cán bộ có năng lực hạn chế, tín nhiệm thấp.
Nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn, trong thời gian tới tỉnh Vĩnh Phúc xác định thực hiện tốt một số nội dung:
Một là, tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) “Về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn”; Nghị quyết Trung ương 6 (khóa X) “Về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên”.
Hai là, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân. Tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng ở xã, phường, thị trấn. Xây dựng quy định phân công cấp ủy định kỳ về dự sinh hoạt đảng với chi bộ cơ sở xã, phường, thị trấn. Ban hành hướng dẫn cán bộ, công chức cấp xã ngoài việc dự sinh hoạt đảng tại chi bộ cơ quan phải về sinh hoạt đảng ở chi bộ nơi cư trú.
Ba là, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, nhất là đối với cấp cơ sở. Chỉ đạo thực hiện tốt chủ trương thí điểm không tổ chức HĐND huyện, phường; chủ trương đồng chí bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cùng cấp ở các địa phương không tổ chức HĐND và ở cấp xã.
Bốn là, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đủ số lượng, đảm bảo chất lượng; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức theo hướng chuyên sâu để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở, kể cả cán bộ không chuyên trách, trước mắt chỉ đạo sớm chuẩn hóa 100% số cán bộ, công chức cấp cơ sở trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức cơ sở, giúp đội ngũ này ổn định cuộc sống, yên tâm công tác, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Năm là, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong việc vận động, tập hợp các tầng lớp nhân nhằm xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân. Pháy huy vai trò của mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân trong việc tham gia xây dựng Đảng, chính quyền. Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp giữa chính quyền với mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện các phong trào thi đua yêu nước của địa phương.
Hoàng Hà
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Phúc