Trong thời kỳ đồi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế, Thành ủy Hà Nội xác định đầu tư, phát triển nguồn nhân lực là yêu cầu cấp bách, trong đó, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ở nước ngoài là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ trình độ, phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu, sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của Thủ đô Hà Nội.
Nhờ thực hiện tốt các khâu chọn lựa đối tượng, phối hợp, quản lý, bố trí sử dụng và thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với cán bộ đi đào tạo ở nước ngoài, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở nước ngoài của Hà Nội đã đạt được những kết quả nhất định. Từ năm 2010-2012, thành phố đã tổ chức được 65 lớp bồi dưỡng ngắn hạn (về công tác xây dựng đảng, quản lý hành chính, quản lý đô thị, quản lý kinh tế, quản lý văn hoá - du lịch, quản lý giáo dục - đào tạo, quản lý giao thông, quản lý môi trường, xây dựng nông thôn mới) cho 1.195 cán bộ tại nhiều nước trên thế giới. Cử 37 cán bộ trẻ, sinh viên thủ khoa xuất sắc của các trường đại học, cao đẳng đi đào tạo thạc sỹ và tiến sỹ ở Xinh-ga-po, Trung Quốc, Ôt-xtrây-li-a, Đức, Nga, Ca-na-đa, Pháp, Phần Lan, Bỉ... Hợp tác với Trường Đại học Dân tộc Quảng Tây-Trung Quốc (qua Văn phòng Đề án 165 của Ban Tổ chức Trung ương) mở 33 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng cho 824 cán bộ lãnh đạo, quản lý công tác tại các quận, huyện, thị uỷ, đảng uỷ trực thuộc Thành uỷ, Văn phòng và các ban đảng Thành uỷ, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố.
Tuy nhiên, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở nước ngoài bộc lộ một số khuyết điểm, bất cập như: Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài được giao chung với Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở trong nước và thường chậm (giao vào tháng 1 năm kế hoạch) nên rất khó khăn trong triển khai thực hiện. Việc thẩm định nội dung chương trình và quản lý cán bộ trong thời gian học tập ở nước ngoài cũng gặp nhiều khó khăn. Chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan tổ chức đào tạo của bộ, ban, ngành Trung ương với địa phương có cán bộ được cử đi đào tạo trong việc quản lý học viên, thực hiện chế độ thông tin, báo cáo. Còn thiếu văn bản chỉ đạo về cơ chế, chính sách, quản lý đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở nước ngoài nên việc thực hiện còn lúng túng, bị động, chưa có sự thống nhất.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở nước ngoài của thành phố trong thời gian tới đòi hỏi phải tiếp tục đổi mới theo hướng hiện đại, thiết thực, hiệu quả. Nhiệm vụ đặt ra là: Tăng cường việc cử cán bộ, đặc biệt là công chức, viên chức, sinh viên tốt nghiệp đại học loại giỏi, thủ khoa xuất sắc đi đào tạo sau đại học ở nước ngoài nhằm xây dựng được một đội ngũ cán bộ khoa học, chuyên gia đầu ngành trên các lĩnh vực, đặc biệt là những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, ngành công nghệ cao, giáo dục, y tế, quản lý xã hội. Quan tâm đúng mức tới việc cử cán bộ lãnh đạo quản lý, chuyên gia đầu ngành đi bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ ở nước ngoài, ưu tiên lựa chọn các nội dung bồi dưỡng liên quan tới công tác quản lý kinh tế, quản lý đô thị, quản lý môi trường, quản lý văn hoá - xã hội... Tiếp tục tổ chức đưa cán bộ đi bồi dưỡng ở nước ngoài, chú trọng tới những cán bộ trẻ có triển vọng. Trước mắt, tập trung vào các nội dung bồi dưỡng kiến thức, kinh nghiệm về xây dựng nông thôn mới, quản lý môi trường, quản lý văn hoá - xã hội.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ đặt ra, cần tiến hành đồng bộ các giải pháp sau: Lập Ban Chỉ đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài của thành phố để thống nhất chỉ đạo thực hiện; Các cấp uỷ đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc, đoàn thể thành phố cần xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài, quan tâm tới những lĩnh vực thành phố đang cần các cán bộ, chuyên gia giỏi, đặc biệt chú trọng bồi dưỡng kỹ năng công tác, năng lực lãnh đạo, quản lý, và các lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn sâu. Thành ủy chỉ đạo các cơ quan tham mưu nghiên cứu, xây dựng quy trình tổ chức mở lớp đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài và quy trình cử cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài. Chỉ đạo các cấp uỷ và chính quyền cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng đúng đối tượng, quan tâm tới đối tượng cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ trẻ, cán bộ nữ; quản lý, giám sát và bảo đảm chế độ, chính sách theo các quy định hiện hành. Thực hiện đa dạng hoá phương thức, hình thức đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài. Chủ động phối hợp với đối tác nước ngoài trong việc quản lý học viên, thẩm định nội dung, chương trình bồi dưỡng trước khi mở lớp. Kịp thời sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài hằng năm, theo nhiệm kỳ.
Phạm Hồng Vĩnh
Phòng Tổng hợp, Văn phòng Ban TCTƯ