Đảng ta luôn quan tâm, đề ra chủ trương, giải pháp nhằm thực hiện tốt công tác quản lý, nâng cao chất lượng đảng viên; nhất là từ khi nước ta tiến hành công cuộc đổi mới, đẩy mạnh quan hệ hợp tác và giao lưu quốc tế, Đảng đã có nhiều văn bản chỉ đạo về quản lý đảng viên, trong đó có quản lý đảng viên ở ngoài nước (Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VII năm 1992; Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII năm 1996; Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng tiếp tục nhấn mạnh: “... Đổi mới, tăng cường công tác quản lý, phát triển đảng viên, bảo đảm chất lượng đảng viên theo yêu cầu của Điều lệ Đảng...”.
Từ chủ trương “Chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế” do Đại hội X của Đảng đề ra, hiện nay chúng ta đang thực hiện chủ trương “Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI. Hội nhập quốc tế sẽ là điều kiện thuận lợi để chúng ta phát triển toàn diện các mặt kinh tế, văn hoá, xã hội của đất nước. Tuy nhiên, quá trình hội nhập quốc tế cũng đặt ra nhiều thách thức mới. Trong đó, công tác quản lý đảng viên làm việc, học tập ở nước ngoài có những thuận lợi, nhưng cũng có nhiều khó khăn, phức tạp.
Để thực hiện tốt công tác quản lý đảng viên ở ngoài nước, các cấp ủy đảng cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ như sau:
Một là, công tác xây dựng đảng, công tác quản lý đảng viên ở ngoài nước là một bộ phận hữu cơ, gắn bó với công tác xây dựng đảng, quản lý đảng viên trong toàn Đảng. Việc tăng cường, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đảng ở ngoài nước không chỉ là trách nhiệm của Đảng uỷ Ngoài nước và các cấp uỷ, tổ chức đảng ở ngoài nước mà là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, của Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và các cấp uỷ địa phương.
Hai là, công tác đảng ở ngoài nước có những đặc điểm riêng, đòi hỏi phương thức lãnh đạo, quản lý, cách làm sáng tạo, phù hợp; phát huy vai trò tự giác của bản thân đảng viên trong việc tự quản lý, giáo dục. Quản lý đảng viên, tổ chức sinh hoạt đảng sao cho “mềm dẻo” nhưng không buông lỏng, hình thức, nhằm đạt được mục tiêu nâng cao chất lượng đảng viên, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng.
Công tác quản lý đảng viên ở ngoài nước thực hiện theo quy định chung, nhưng từng nội dung cần cụ thể hoá, nhấn mạnh yêu cầu, phương pháp cho phù hợp điều kiện mỗi nước. Mục đích của quản lý đảng viên là nhằm quản lý tốt những vấn đề cơ bản về tư cách, tiêu chuẩn, chất lượng đảng viên, vừa phát huy vai trò, trách nhiệm của đảng viên mọi lúc, mọi nơi, vừa phát huy tính chủ động, sáng tạo, có những đóng góp tích cực cho Đảng, cho nhân dân.
Ba là, để quản lý tốt đảng viên ở ngoài nước, cần xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức cơ sở đảng ở ngoài nước vững mạnh, phù hợp điều kiện tình hình cụ thể.
Các cấp uỷ, tổ chức đảng ở ngoài nước cần quán triệt, thực hiện nghiêm túc các quy định của Trung ương về chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ ở trong, ngoài cơ quan đại diện của Việt Nam ở ngoài nước; nghiên cứu, quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết Trung ương, nhất là các nghị quyết về xây dựng Đảng. Thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ công tác đảng cho các đồng chí cấp uỷ viên kiêm nhiệm ở ngoài nước.
Bốn là, công tác quản lý đảng viên ở ngoài nước gắn bó hữu cơ với công tác vận động quần chúng ở ngoài nước; cần phát huy vai trò của tổ chức đảng, đảng viên trong việc tập hợp, vận động quần chúng hướng về Tổ quốc, chống lại sự lôi kéo của các thế lực tù địch; xây dựng mối quan hệ mật thiết giữa tổ chức đảng, đảng viên với quần chúng. Vận động quần chúng thực hiện đúng chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, đồng thời dựa vào quần chúng để xây dựng tổ chức đảng vững mạnh, để làm tốt hơn công tác quản lý đảng viên, bảo vệ chính trị nội bộ, phát huy sức mạnh cộng đồng người Việt Nam ở ngoài nước đóng góp cho đất nước.
Nội dung quản lý đảng viên ở ngoài nước cần chú ý những vấn đề chủ yếu sau:
Quản lý về phẩm chất chính trị, tư tưởng của đảng viên: Phải thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đảng viên ở ngoài nước bằng những hình thức thiết thực, tăng cường cung cấp thông tin chính thống cho đảng viên ở ngoài nước qua các phương tiện truyền thông của Đảng, Nhà nước, làm cho cán bộ, đảng viên phát huy tinh thần yêu nước, có lập trường, quan điểm, bản lĩnh chính trị vững vàng. Chủ động, tích cực phòng ngừa, đấu tranh với các biểu hiện phai nhạt lý tưởng, chống chủ nghĩa cá nhân, suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống.
Quản lý hoạt động của đảng viên, đây là nội dung khó khăn và phức tạp, nhất là đảng viên hoạt động ở những nơi xa tổ chức đảng, phân tán, những nơi ít đảng viên…Quản lý đảng viên bằng giao và kiểm tra thực hiện nhiệm vụ. Thông qua giao nhiệm vụ cho đảng viên để tổ chức đảng nắm bắt được năng lực công tác, quản lý các mối quan hệ xã hội; phẩm chất, đạo đức, lối sống, giúp cho cấp uỷ, chi bộ đánh giá sát đảng viên, ngăn chặn những tiêu cực.
Quản lý thông qua sinh hoạt chi bộ, phát huy ý thức trách nhiệm của từng đảng viên. Chi bộ trực tiếp quản lý đảng viên về 5 nội dung: lịch sử, tư tưởng, công tác, quan hệ xã hội, sinh hoạt đảng. Đảng viên, nhất là đảng viên ở ngoài nước phải tự giác rèn luyện, nêu cao tinh thần cảnh giác, có ý thức trách nhiệm để tự quản lý, có sức “đề kháng” trước các âm mưu, thủ đoạn của thế lực thù địch.
Phạm Hồng Vĩnh
Phòng Tổng hợp, Văn phòng Ban TCTƯ