Thực hiện Nghị quyết Đại hội IX, Đại hội X của Đảng, các chỉ thị, nghị quyết, quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và hướng dẫn của các ban đảng Trung ương, những năm qua, các cấp ủy đảng từ tỉnh, thành ủy đến cơ sở đã quan tâm chỉ đạo công tác phát triển đảng viên. Từ năm 2001 đến nay, cả nước kết nạp được 1.173.229 đảng viên, bình quân mỗi năm kết nạp 167.604 người vào Đảng. Trong đó, tỷ lệ đảng viên là nữ, đoàn viên TNCS Hồ Chí Minh, người dân tộc thiểu số… tăng cao. Tuy nhiên, tỷ lệ công nhân, lao động trong các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế được đứng vào hàng ngũ của Đảng thấp…
Thực hiện Chỉ thị số 07- CT/TW ngày 23-11-1996 của Bộ Chính trị (khoá VIII) về "Tăng cường công tác xây dựng đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần tư nhân (gọi tắt là doanh nghiệp tư nhân) và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài" và các Quy định số 100- QĐ/TW về “chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong các doanh nghiệp tư nhân”, Quy định số 141-QĐ/TW ngày 16-5-2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”, từ năm 2005 đến hết năm 2008 số lượng TCCSĐ và đảng viên trong các doanh nghiệp tư nhân (DNTN) tăng mạnh. Nếu năm 2005, có 421 TCCSĐ/102.327 DNTN và 5.308 đảng viên/1.870.500 lao động thì năm 2006, 2007, 2008 con số tương ứng là: 598/115.782 và 8.997/2.108.600; 926/149.300 và 11.883/2.475.100; 1.165/167.500 và 17.760/2.876.000.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đáng mừng về công tác phát triển đảng viên trong các DNTN, vẫn còn tồn tại một số hạn chế: Công tác phát triển đảng viên chưa chú ý đến chất lượng; cơ cấu đội ngũ đảng viên kết nạp chưa đáp ứng được yêu cầu; nhiều DNTN chưa có tổ chức đảng, đảng viên nên việc phát triển đảng viên còn lúng túng; công tác tạo nguồn, phát hiện, bồi dưỡng phát triển đảng viên chưa được quan tâm đúng mức... Nguyên nhân của hạn chế trên là do: Thứ nhất, sự chỉ đạo, hướng dẫn về công tác phát triển đảng viên trong các DNTN chưa theo kịp sự phát triển của các doanh nghiệp. Công tác tuyên truyền về Đảng để người lao động có ý thức tự giác phấn đấu trở thành đảng viên trong DNTN chưa được quan tâm đúng mức. Phần lớn người lao động học vấn thấp, thiếu hiểu biết, ít thông tin về Đảng. Cấp ủy cơ sở còn lúng túng và vận dụng thiếu thống nhất trong giải quyết các vướng mắc như tiêu chuẩn, thủ tục kết nạp đảng viên là chủ DNTN, vấn đề lịch sử chính trị… Thứ hai, một số cấp ủy đảng chưa nhận thức đầy đủ mục đích, yêu cầu, nội dung và tầm quan trọng của công tác phát triển đảng viên trong các DNTN. Do vậy, thiếu đi sâu chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện các nguyên tắc, thủ tục, quy trình kết nạp đảng viên. Chưa gắn công tác phát triển đảng viên với công tác giáo dục, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên và việc xây dựng, củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ trong các DNTN. Một số cấp ủy không chú ý kiểm tra, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm những việc làm được, chưa được và có giải pháp kịp thời. Thứ ba, bộ máy quản lý, theo dõi về phát triển đảng viên trong các DNTN chưa được tổ chức thành hệ thống chặt chẽ. Nhiều nơi chưa có cán bộ chuyên trách theo dõi, quản lý, nắm bắt tình hình về công tác xây dựng đảng trong lĩnh vực này nên việc nắm bắt thông tin còn chậm, chưa thường xuyên. Thứ tư, ở nhiều doanh nghiệp người lao động tự ti, coi mình chỉ là người làm thuê nên chỉ tập trung vào nhiệm vụ sản xuất-kinh doanh, không có động cơ phấn đấu vào Đảng. Có nhiều đảng viên là người lao động không muốn chuyển sinh hoạt về tổ chức đảng ở doanh nghiệp. Như vậy, không phát huy được vai trò tiền phong gương mẫu và trách nhiệm của đảng viên trong việc phát hiện, bồi dưỡng kết nạp quần chúng vào Đảng. Thứ năm, môi trường, điều kiện sản xuất-kinh doanh không thuận lợi cho công tác phát triển đảng viên trong các DNTN. Các tổ chức đảng trong DNTN phần lớn là chi bộ, số lượng đảng viên ít, làm theo ca nên việc sinh hoạt đảng không đều; việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đảng viên, quần chúng chưa kịp thời...
Để khắc phục tồn tại, đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên trong các DNTN cần có biện pháp hữu hiệu:
Một là, nâng cao chất lượng phát triển đảng viên trong các DNTN. Khi lựa chọn, giới thiệu, xét kết nạp những quần chúng ưu tú trong các DNTN vào Đảng, ngoài tiêu chuẩn chung cần xem xét thêm các yếu tố liên quan đến sản xuất-kinh doanh như đi đầu trong việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới, ra sức làm giàu chính đáng và lôi cuốn, vận động bà con cùng làm giàu, không cam chịu đói nghèo.
Hai là, căn cứ vào quy mô của DNTN, các tỉnh uỷ và tương đương giao trách nhiệm cho cấp uỷ trực thuộc thực hiện công tác xây dựng đảng, phát triển đảng viên phù hợp với quy mô của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp có quy mô nhỏ, giao cho cấp uỷ cơ sở xã và tương đương thực hiện; doanh nghiệp có dưới 3 đảng viên chính thức thì bố trí cho đảng viên sinh hoạt ở chi bộ phù hợp, chi bộ đó thực hiện công tác phát triển đảng viên tại doanh nghiệp, khi có đủ đảng viên theo quy định thì thành lập chi bộ riêng. Doanh nghiệp có quy mô vừa giao cho cấp uỷ cơ sở xã và tương đương thực hiện; một số doanh nghiệp có vốn lớn, sử dụng nhiều lao động, có đóng góp nhiều vào ngân sách địa phương thì có thể do huyện uỷ và tương đương thực hiện nhiệm vụ phát triển đảng viên. Doanh nghiệp có quy mô lớn, giao cho đảng uỷ khối doanh nghiệp tỉnh, thành phố thực hiện; nơi chưa có đảng ủy khối doanh nghiệp thì giao cho huyện uỷ và tương đương chỉ đạo thực hiện công tác phát triển đảng viên. Doanh nghiệp trong các khu công nghiệp tập trung, giao cho cấp uỷ cơ sở khu công nghiệp thực hiện nhiệm vụ này.
Ba là, đẩy mạnh thành lập tổ chức đảng và tiếp nhận đảng viên đang sinh hoạt tại các đảng bộ khác về sinh hoạt tại các đảng bộ DNTN. Các tổ chức đảng tiến hành rà soát, điều tra, phát hiện cán bộ, người lao động hiện đang làm việc trong các DNTN là đảng viên thì đề nghị làm thủ tục chuyển sinh hoạt về doanh nghiệp. DNTN chưa có đảng viên, cấp ủy cấp trên cử đảng viên ở tổ chức đảng khác làm công tác phát triển đảng viên tại những doanh nghiệp này. DNTN đã có đảng viên, nhưng số lượng chưa đủ thành lập chi bộ, cấp ủy cấp trên có thể cử đảng viên ở đảng bộ khác về sinh hoạt cho đủ số lượng để thành lập chi bộ. Từ đó phát hiện, giúp đỡ quần chúng vào Đảng.
Bốn là, gắn công tác phát triển đảng viên với yêu cầu xây dựng, củng cố TCCSĐ, đoàn thể, đội ngũ đảng viên và xây dựng giai cấp công nhân trong các DNTN. Giải pháp này đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, hiệu quả giữa tổ chức đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị- xã hội từ Trung ương đến cơ sở, trong đó các cấp uỷ đảng đóng vai trò lãnh đạo, chỉ đạo việc phối hợp. Coi trọng việc sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, kịp thời bổ sung nội dung và biện pháp phối hợp thực hiện công tác phát triển đảng viên, xây dựng tổ chức đảng, đoàn thể, giai cấp công nhân trong các DNTN. Đối với những doanh nghiệp chưa có tổ chức đảng, có ít đảng viên, cấp ủy cấp trên cần phân công cấp ủy viên và lãnh đạo các ban, ngành có liên quan trực tiếp phụ trách công tác phát triển đảng viên, thành lập tổ chức đảng ở các doanh nghiệp này. Tập trung chỉ đạo xây dựng, nâng cao chất lượng hoạt động của các đoàn thể quần chúng, nhất là tổ chức công đoàn và đoàn TNCS Hồ Chí Minh để tạo nguồn kết nạp đảng viên tại chỗ.
Năm là, đẩy mạnh tuyên truyền, giác ngộ, qua đó xem xét kết nạp một số chủ DNTN đủ điều kiện vào Đảng. Các cấp ủy đảng vận động, thuyết phục để chủ doanh nghiệp hiểu rằng, việc thành lập tổ chức đảng trong doanh nghiệp cũng là nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động sản xuất-kinh doanh, bảo đảm quyền và nghĩa vụ của cán bộ, đảng viên, người lao động, trong đó có chủ doanh nghiệp.
Lê Văn Hội
Vụ Đảng viên - Ban TCTƯ