Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Đảng, tại Quần đảo Trường Sa đã diễn ra nhiều lễ kết nạp đảng viên. Trên quần đảo “đầu sóng ngọn gió” này, câu chuyện về quá trình phấn đấu, tu dưỡng của các đảng viên thật hấp dẫn.
Thiêng liêng lời thề trước biển
Sau một hải trình dài, chúng tôi có mặt tại đảo Nam Yết đúng vào lúc Chi bộ Cụm 2, Đảng bộ đảo Nam Yết tổ chức lễ kết nạp đảng cho đoàn viên, Thiếu úy Mai Quang Vinh, Phân đội trưởng Phân đội 3. Trung tá Đàm Quốc Đạt, Bí thư Đảng ủy đảo Nam Yết mời chúng tôi cùng dự và cho biết: “Những buổi kết nạp Đảng trên đảo là rất hiếm. Trường hợp của Mai Quang Vinh là đảng viên có quyết định kết nạp nhân dịp 3-2 năm nay, trùng với dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Đảng nên càng đặc biệt có ý nghĩa”.
Trò chuyện với chúng tôi, Mai Quang Vinh không giấu được sự tự hào: “Theo quy định, thời gian công tác của cán bộ, chiến sĩ có kỳ hạn nhất định, nên nhiều đồng chí phấn đấu rất tốt thường cũng chỉ được công nhận là cảm tình đảng thì đã đến hạn chuyển vào đất liền. Lần trước, tôi xung phong ra Trường Sa công tác, dù có nhiều cố gắng nhưng cũng chưa thỏa ước nguyện vào Đảng. Vào bờ, tôi vẫn kiên trì phấn đấu, được công nhận là cảm tình đảng trước khi được điều động ra làm nhiệm vụ tại đảo Nam Yết. Thoạt đầu, tôi cũng hơi băn khoăn nhưng khi vừa bước chân lên đảo, đồng chí bí thư chi bộ gặp, động viên và cho biết: Chi bộ công nhận quá trình phấn đấu liên tục của tôi và đã đưa vào nguồn phát triển đảng”.
Trong năm 2009, Vinh tiếp tục thể hiện tốt vai trò là “ngọn cờ đầu” trong phong trào thi đua của đảo. Với cương vị là Phân đội trưởng Phân đội 3, Vinh chỉ huy phân đội đi đầu trong chủ trương đồng hóa và tăng cường huấn luyện đêm của Đảng ủy, chỉ huy đảo. Với chiến sĩ mới lần đầu ra đảo như Ngụy Thục Luận, Nguyễn Văn Khoản… Vinh tổ chức kèm thêm trong giờ nghỉ, ngày nghỉ. Mỗi dịp bão lớn tràn vào, Vinh tranh thủ quan sát, nghiên cứu kĩ các tình huống, góp phần cùng cấp trên xây dựng phương án huấn luyện và bảo vệ đảo. Nhờ vậy, trong đợt diễn tập và kiểm tra bắn đạn thật cuối năm 2009, phân đội của Vinh được xếp loại giỏi; bản thân anh kiểm tra các bài bắn cá nhân đều đạt giỏi.
Sau lễ kết nạp, thấy Vinh cùng một số đảng viên trong chi bộ cầm thẻ hương cùng đĩa hoa quả (quà từ đất liền mới chuyển ra) đi về phía mép biển. Vinh đi đâu vậy? - Tôi hỏi. “Em ra thắp hương và báo tin vui cho đồng đội, liệt sĩ Hoàng Đặng Hùng, người đã dũng cảm hi sinh ở tuổi 20 khi làm nhiệm vụ cứu hộ trong cơn bão tháng 7-2004”. Mộ của Hùng bây giờ nằm ngay bên mép nước, vị trí mà các đồng đội của anh vẫn thường đứng gác. Bên tiếng sóng biển rì rào, tiếng Vinh dõng dạc, xúc động: “Hùng ơi, Vinh được đứng trong hàng ngũ vinh quang của người cộng sản rồi. Vinh đã thề dưới Đảng kỳ, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, còn người, còn đảo, để xứng đáng là đồng đội của Hùng và làm tiếp nhiệm vụ Hùng để lại”.
Con được kết nạp Đảng rồi, bố mẹ ơi!
“Mẹ ơi, mẹ khỏe chưa, bố có đứng ở bên cạnh mẹ không, con đã được kết nạp Đảng rồi, bố mẹ ạ!”. Vừa kết thúc buổi lễ kết nạp đảng viên, Chuẩn úy Lê Khắc Hồng chạy ào ra ngoài, dùng điện thoại di động báo tin cho bố mẹ biết.
Bố mẹ Hồng là ngư dân nghèo ở huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Hồng là con trai thứ hai, trụ cột lao động của gia đình nhưng bố mẹ vẫn khuyên anh viết đơn tình nguyện nhập ngũ. “Nhà ta từ đời ông bà, bố mẹ đều phấn đấu vào Đảng, nhưng chưa ai được kết nạp. Con vào bộ đội, lại được ra Trường Sa công tác, đó là cơ hội lớn để thực hiện ước mơ mà bố mẹ hằng mong. Con cố gắng nhiều lên nhé, phải cố gấp năm, gấp mười so với ở nhà, con ạ!”. Bố đã viết thư dặn Hồng như thế khi biết tin anh được điều ra Trường Sa công tác. Hồng đã không phụ lòng mong mỏi của bố mẹ. Đã từng công tác ở nhiều đảo trên quần đảo Trường Sa, ở đâu anh cũng là lá cờ đầu trong phong trào thi đua xây dựng đơn vị. Năm 2007, 2008, Hồng được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua” cấp cơ sở. Năm 2009, Hồng tiếp tục là “lá cờ đầu” của tập thể đảo Đá Nam.
“Bí quyết nào giúp Hồng có được thành tích thi đua ấn tượng như thế ?”. “Gia đình và đơn vị là hai nguồn động lực thôi thúc em phấn đấu anh ạ!”. Người đảng viên tuổi 25 Lê Khắc Hồng trả lời đơn giản như vậy. Anh khá bẽn lẽn khi trò chuyện cùng chúng tôi. Phải thông qua Đại úy Phí Ngọc Quang, người đã giới thiệu Hồng vào Đảng, chúng tôi mới hiểu rõ hơn nghị lực phấn đấu đáng khâm phục ở anh. Nhà Hồng nghèo, các em đang tuổi đi học, nên tiền lương chuẩn úy được bao nhiêu, anh đều gửi hết về gia đình. Làm nhiệm vụ trên đảo chìm, Hồng tranh thủ nhặt từng mảnh gỗ, miếng bìa, sợi dây chun… chế tạo thành mô hình, đồ dùng huấn luyện rất sát thực. Hệ thống báo động toàn đảo do Hồng cùng đồng đội làm từ những vỏ lon nước ngọt và vỏ đạn 12,7mm được cấp trên công nhận là một sáng kiến độc đáo, hiệu quả cao…
Sâu nặng một lời thề
Bất kì đảng viên nào cũng rưng rưng xúc động trong lễ kết nạp đảng của mình, nhất là khi tự mình bật lên câu nói: “Tôi xin thề dưới Đảng kỳ, Quốc kỳ và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Thế nhưng, những lời thề mà chúng tôi nghe được trong các buổi kết nạp đảng ở Trường Sa còn có vẻ thiêng liêng hơn, xúc động hơn.
Đảng viên trẻ Nguyễn Văn Cổn (đảo Sơn Ca) tâm sự rằng, khi đọc lời thề trong lễ kết nạp đảng, tự nhiên nước mắt anh cứ chảy. Anh nhớ cậu con trai ở nhà. Con trai anh đã hơn một tuổi nhưng chưa một lần gặp mặt cha, vì Cổn ra đảo làm nhiệm vụ khi vợ có bầu được ít tháng. “Thương con, trước mỗi nhiệm vụ khó, tôi thường tự nhủ: Bố sẽ cố gắng để con có thể tự hào về bố”.
Trường Sa – quần đảo nơi đầu sóng ngọn gió đã trở thành địa chỉ tin cậy để tôi luyện cho đất nước thế hệ đảng viên tương lai như Nguyễn Trung Sơn và các đồng đội của anh.
(Nguồn: HỒNG HẢI, Báo Quân đội Nhân dân)