Mường Nhé "xóa" bản chưa có tổ chức đảng và đảng viên

 

Huyện Mường Nhé được thành lập theo Nghị định số 08/2002/NĐ/CP ngày 14-1-2002 của Chính phủ, nằm ở phía tây-tây bắc của tỉnh Điện Biên, diện tích tự nhiên 249.950,43 ha, có đường biên giới dài 203,5 km (trong đó, giáp Trung Quốc 38,5 km, giáp Lào 165 km). Huyện có 16 xã, 149 bản, 9.591hộ với 52.864 người, thuộc 11 dân tộc anh em, trong đó dân tộc Mông chiếm 68,72%, Thái 9,82%, Hà Nhì 8,58%, còn lại là các dân tộc khác. Sau 7 năm tái lập huyện, Mường Nhé đã đạt được một số kết quả trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng-an ninh, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng bộ huyện và các tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ). Riêng công tác tổ chức xây dựng đảng, Đảng bộ huyện có những nỗ lực "xóa" bản trắng tổ chức đảng và đảng viên.
Là một trong 62 huyện nghèo nhất cả nước được thực hiện theo Đề án 30A của Chính phủ, điều kiện phát triển kinh tế-xã hội còn rất nhiều khó khăn, đặc biệt là các xã, các bản vùng cao, vùng sâu; biên giới, địa hình hiểm trở, giao thông còn nhiều trở ngại, nhiều hộ nghèo, trình độ dân trí thấp, dân cư phân tán, thường diễn ra hiện tượng di dịch cư tự do. Nhiều bản không có đảng viên, không có tổ chức đảng nên nhiều chi bộ bản sinh hoạt ghép.
Đồng chí Pờ Diệp Sàng, Bí thư huyện ủy Mường Nhé cho biết, Đảng bộ huyện hiện có 42 chi, đảng bộ trực thuộc với 1.031 đảng viên, 62/149 bản chưa có đảng viên. Xác định vai trò của tổ chức đảng ở thôn, bản có vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh, nhất là ở các xã vùng sâu biên giới. Thực tiễn cho thấy, nơi nào chưa có đảng viên, chưa có chi bộ, nơi đó đời sống của đồng bào các dân tộc chậm được cải thiện, khó khăn, đói nghèo tiếp tục kéo dài... Vì vậy, Tỉnh ủy Điện Biên đã tập trung chỉ đạo phấn đấu "xóa" bản trắng đảng viên và chi bộ. Đảng bộ huyện đã ra nghị quyết chuyên đề về công tác phát triển đảng viên ở các bản chưa có đảng viên. Huyện ủy Mường Nhé triển khai mạnh các giải pháp nhằm phát triển đảng viên và xây dựng chi bộ độc lập ở các bản, nhất là các xã biên giới, vùng sâu, vùng xa của huyện. Việc "xóa" bản trắng đảng viên đã khó, việc "xoá" bản chưa có tổ chức đảng còn khó hơn nhiều. Huyện uỷ thành lập các tổ công tác tiến hành khảo sát tình hình ở thôn, bản, nhất là ở những thôn bản, trường học chưa có đảng viên và tổ chức đảng; xác định rõ nguyên nhân của những yếu kém trong công tác phát triển đảng viên. Huyện ủy chỉ đạo rà soát các văn bản hướng dẫn về điều kiện cụ thể kết nạp đảng viên thuộc vùng cao, vùng sâu, vùng xa; tổ chức hội nghị với thành phần là thường trực cấp uỷ, trưởng các ban đảng cấp huyện, các phòng giáo dục-đào tạo, y tế, công an, ban chỉ huy quân sự huyện, bộ đội biên phòng để trao đổi, xây dựng kế hoạch và giải pháp thực hiện.

Huyện ủy chỉ đạo các đảng ủy xã chuyển đảng viên đương chức về sinh hoạt tại bản và giáo viên là đảng viên tại các điểm trường, các đội công tác về cơ sở để làm nòng cốt phát triển đảng viên, xây dựng chi bộ. Chỉ đạo trung tâm bồi dưỡng chính trị mở các lớp bồi dưỡng tại huyện hoặc trung tâm cụm xã. Nội dung bài giảng được biên soạn phù hợp với cảm tình đảng là người dân tộc thiểu số. Nhờ có chủ trương đúng, chỉ đạo chặt chẽ, giải pháp đồng bộ, việc mạnh dạn đưa đảng viên về cơ sở đã đẩy mạnh chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở, đồng thời thúc đẩy tạo nguồn phát triển đảng viên. Kết quả là, từ năm 2005 đến 10-2009, bình quân mỗi năm Đảng bộ huyện kết nạp từ 70 đến 100 đảng viên. Với kết quả này, Đảng bộ đã "xóa" được nhiều bản trước đây còn trắng đảng viên. Từ năm 2005 đến 2009, huyện đã “xóa” được 37 bản, 11 điểm trường, 7 trạm y tế chưa có tổ chức đảng và đảng viên. 
Huyện ủy đặt mục tiêu đến cuối năm 2010 là các bản đều có đảng viên và giảm thêm các bản chưa có chi bộ. Mỗi chi bộ bản kết nạp 1-2 đảng viên.   

Kinh nghiệm từ Mường Nhé là: Muốn làm tốt công tác "xóa" bản trắng đảng viên và tổ chức đảng thì các cấp ủy  phải có nghị quyết chuyên đề; lấy địa bàn thôn, bản chưa có đảng viên, chưa có chi bộ làm đối tượng trung tâm; đồng thời phải có kế hoạch thực hiện với quy trình, bước đi cụ thể, chặt chẽ. Trong quá trình thực hiện, cần tạo được sự chuyển biến nhận thức sâu sắc trong cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên về công tác phát triển đảng viên; nhất là quan tâm xây dựng hệ thống chính trị ở thôn, bản; coi việc phát triển đảng ở thôn bản, trường học, trạm y tế chưa có đảng viên là một nhiệm vụ trọng tâm để tập trung chỉ đạo thống nhất, đồng bộ và thường xuyên. Các cấp uỷ phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, sơ kết rút kinh nghiệm, nhân rộng các mô hình làm tốt, biểu dương tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác phát triển đảng viên, coi đó là một trong những tiêu chuẩn đánh giá, phân tích chất lượng TCCSĐ, đảng viên...   

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất