Buổi sáng, Đỗ Thị Thu Hiền phải dậy sớm và đi tàu từ tỉnh Kagoshima đến Fukuoka mất bốn giờ. Ở đó, Thu Hiền đang theo một lớp cảm tình đảng, học ngay trên đất Nhật.
Thu Hiền là bác sĩ da liễu của Bệnh viện Da liễu Trung ương (Hà Nội), nhận được học bổng của Chính phủ Nhật Bản và theo học từ năm 2009. Trước khi đi, Thu Hiền đang chuẩn bị học lớp cảm tinh đảng ở Hà Nội, do đi du học nên ngưng chuyện đó lại.
Sang Nhật, cô bác sĩ phát hiện lớp cảm tình đảng của chi bộ đảng vùng Kyushu-Okinawa (Fukuoka) nên hăng hái... nhảy tàu theo học.
Ở Nhật, có nhiều du học sinh VN cũng phấn đấu vào Đảng, tự rèn luyện và theo học lớp cảm tình đảng như Thu Hiền.
Như hoa hướng dương hướng về mặt trời
Anh Hoàng Văn Nam, hiện đang học tiến sĩ khoa nông nghiệp Đại học Kyushu, tỉnh Fukuoka, may mắn hơn Thu Hiền vì được sống trong môi trường có nhiều người Việt Nam được kết nối chặt chẽ, nhất là sau khi Lãnh sự quán Việt Nam được mở tại đây vào đầu năm ngoái.
Trước khi sang Nhật, anh Nam không nghĩ sẽ có cơ hội học về Đảng trên đất nước mặt trời mọc.
Anh nói được tham gia lớp học là một cơ hội lớn trong cuộc đời, giúp anh trưởng thành hơn. Nhờ có chi bộ đảng mở các lớp tìm hiểu về Đảng và các buổi sinh hoạt của đảng viên nên việc hướng dẫn, bồi dưỡng các bạn có nguyện vọng vào Đảng diễn ra khá thuận lợi.
Hay như bác sĩ trẻ Trần Thị Ngọc Hà (Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh) bước chân đến Nhật ở tuổi 25. Ban đầu mọi thứ làm cô bác sĩ rất trẻ đang theo làm luận án tiến sĩ nghiên cứu y học rất ngỡ ngàng. Nhưng bây giờ chị đã quen. Một ngày bình thường, buổi sáng Ngọc Hà đến lớp học tiếng Nhật, buổi chiều về khoa đọc tài liệu chuẩn bị đề cương nghiên cứu, buổi tối làm việc ở phòng thí nghiệm. Bận rộn như vậy nhưng chị không bỏ buổi học cảm tình đảng nào.
Ngọc Hà cho biết tỉnh Nagasaki có rất ít sinh viên Việt Nam, vì thế không có nhiều cơ hội để tham gia các tổ chức, sinh hoạt đảng. Việc mà bạn có thể làm là luôn tự rèn luyện đạo đức, hoàn thiện bản thân và nhiệt tình tham gia các hoạt động trao đổi văn hóa để giới thiệu Việt Nam đến các bạn quốc tế.
Đỗ Diệu Hương, hiện đang học thạc sĩ ngành quản trị kinh doanh tại Đại học châu Á - Thái Bình Dương, tỉnh Oita, được vào Đảng ở tuổi 20.
“Bố mẹ tôi đều là đảng viên, tôi cũng muốn đi theo con đường đó” - Diệu Hương cho biết.
Ở Nhật, Diệu Hương được giới thiệu lớp cảm tình đảng. Khóa học không dài nhưng quá trình thẩm tra hồ sơ diễn ra khá lâu. Diệu Hương viết lý lịch, gửi qua bưu điện rồi nhận lại, chỉnh sửa nhiều lần cho đến khi đạt yêu cầu. Các anh chị trong chi bộ cũng về Việt Nam để thẩm tra lý lịch từng người có nguyện vọng vào Đảng, nên phải mất nửa năm từ ngày kết thúc khóa học Hương mới được kết nạp.
Diệu Hương thổ lộ: Ban đầu học để “hoàn thành nhiệm vụ” với gia đình, nhưng khi đứng trong hàng ngũ của Đảng, “tôi ý thức mình là đảng viên nên cảm thấy cần sống có trách nhiệm và gương mẫu hơn”.
Diệu Hương nhận xét: “Ở Việt Nam, các chi bộ đảng có thể họp thường xuyên để quản lý và rèn luyện tư cách người đảng viên tốt hơn. Ở nước ngoài không có điều kiện như vậy nên việc rèn luyện bản thân là quan trọng nhất”.
Sống xa Tổ quốc, ngoài việc học tập, lao động và kỷ luật tốt cần phải tích cực tham gia giao lưu với cộng đồng quốc tế. Diệu Hương luôn ý thức được mình chính là tấm gương phản ánh thế hệ trẻ Việt Nam với bạn bè thế giới, vì vậy cần phải sống trách nhiệm và gương mẫu.
Suy nghĩ về giới trẻ và mong ước cho tương lai
Ngọc Hà hiện đang... hồi hộp chờ được xét để kết nạp đảng trên đất Nhật. Hà cho biết đó sẽ là niềm vinh dự cho mình và gia đình. Kế hoạch trước mắt của Ngọc Hà là cố gắng hoàn thành luận án tiến sĩ để đem những kiến thức học được đóng góp cho sự phát triển khoa học trong nước.
Cũng như Ngọc Hà, anh Hoàng Văn Nam bày tỏ sẽ rất hãnh diện khi được đứng vào hàng ngũ của Đảng, nhất là vào một hoàn cảnh đặc biệt là đang học tập ở nước ngoài như vậy.
Anh nói về giới trẻ ở quê nhà: “Tôi thấy giới trẻ hiện nay rất nhạy bén với thời cuộc, với sự thay đổi của khoa học-công nghệ, luôn tìm kiếm các cơ hội để học tập và khẳng định mình. Sẽ là một tương lai không xa khi những người trẻ thế hệ hiện nay trở về xây dựng quê hương bằng những kiến thức và kỹ năng mà họ tích lũy được”.
Chỉ còn vài tháng nữa Nam sẽ tốt nghiệp tiến sĩ và trở về Việt Nam tiếp tục công việc giảng dạy tại Trường Đại học Nông lâm - Đại học Huế, cái nôi đào tạo kỹ sư nông nghiệp cho miền Trung. Tuy giảng dạy không thể tạo ra sản phẩm trực tiếp và khó đong đếm được nhưng Nam tin giáo dục là sự đầu tư lâu dài và hữu hiệu cho sự phát triển tương lai.
Anh tâm sự: “Kinh tế Việt Nam đang trên đà phát triển. Với đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước, tôi rất kỳ vọng vào một Việt Nam ngang tầm với Nhật Bản trong tương lai không xa!”.
Anh Đinh Thanh Sang, Bí thư chi bộ lưu học sinh ở Nhật cho biết: “Ở xa Tổ quốc nhưng các sinh viên Việt Nam đang học tập và nghiên cứu tại nhật Bản nói chung và vùng Kyushu-Okinwa nói riêng không ngừng học tập, rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức cách mạng”.
* Chi bộ lưu học sinh vùng Kyushu - Okinawa được thành lập dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy tại Nhật Bản (Đại sứ quán Việt Nam) năm 2003 với số đảng viên ban đầu là 10 người, hiện chi bộ có 30 đảng viên, trong đó 5 đảng viên dự bị.
(Nguồn: TTO)
TTO