Ngày 15-6-2000 Bộ Chính trị khóa VIII đã ban hành Quy định số 76-QĐ/TW “Về việc đảng viên đang công tác ở các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp thường xuyên giữ mối liên hệ với chi ủy, đảng ủy cơ sở và gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú”. Đây là một chủ trương quan trọng, giúp các cấp uỷ đảng làm tốt công tác quản lý đảng viên, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với dân, được cán bộ, đảng viên đồng tình, ủng hộ.
Trong thực tế việc thực hiện Quy định 76 có ý nghĩa chính trị quan trọng, góp phần giáo dục, nâng cao chất lượng và quản lý tốt đội ngũ đảng viên đang công tác, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đổi mới của Đảng. Tuy nhiên, trong quá trình sinh hoạt vẫn còn những hạn chế, hình thức.
Hiện nay đảng viên tham gia sinh 76 là rất ít, có nơi mỗi đợt sinh hoạt chỉ có khoảng 1/3 đảng viên tham gia, con số này tăng lên chút ít khi sinh hoạt vào cuối năm, trong đó, đảng viên có chức vụ rất ít tham gia sinh hoạt, thậm chí có đảng viên không thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của đảng viên nơi cư trú. Nhiều đảng viên đến kỳ sinh hoạt cuối năm mới tham dự, mang tính đối phó, mục đích là có được bạn nhận xét tốt của cấp ủy nơi cư trú làm "bảo bối" trình cấp ủy nơi công tác.
Nội dung sinh hoạt nặng về hình thức. Hầu hết các cuộc họp thường diễn ra ngắn gọn trong vòng một tiếng đồng hồ, nội dung sinh hoạt thường do cấp ủy nơi đảng viên cư trú báo cáo về tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh của địa phương. Có nơi cấp ủy tranh thủ "kêu gọi" đóng góp kinh phí để xây dựng khu sinh hoạt văn hóa của địa phương. Vì nội dung sinh hoạt nghèo nàn nên nhiều cuộc họp thường diễn ra “một chiều”, đảng viên đương chức ít phát biểu, có chăng thì khen là chủ yếu, nêu những ý kiến chung chung.
Một trong những nguyên nhân chủ yếu đảng viên đương chức ít tham gia sinh hoạt 76 là do quyền lợi, nghĩa vụ gắn với cấp ủy, chính quyền nơi đảng viên đang công tác. Hiện nay quy trình đề bạt, bổ nhiệm cán bộ giữ chức vụ, hay thực hiện chế độ chính sách, các quyền lợi về chính trị khác… thường chỉ lấy ý kiến nhận xét, đánh giá của các tổ chức đoàn thể chính trị nơi đảng viên đó công tác, mà chưa chú trọng đến ý kiến đánh giá nhận xét của cấp ủy, chính quyền nơi đảng viên đó cư trú. Cho nên, cán bộ, đảng viên đương chức thiên về phấn đấu, giữ gìn, tạo mối quan hệ tốt với cấp ủy, chính quyền nơi mình công tác mà ít quan hệ mật thiết với với cộng đồng nơi cư trú.
Để nâng cao chất lượng sinh hoạt 76, theo chúng tôi, cấp ủy các cấp cần thực hiện những biện pháp sau:
Thứ nhất, đổi mới nội dung, phương pháp sinh hoạt, đối với cấp uỷ nơi đảng viên cư trú, ngoài việc tạo điều kiện cho đảng viên đương chức có mối liên hệ thường xuyên với cấp uỷ, cần quan tâm cải tiến nội dung, bố trí thời gian, địa điểm sinh hoạt thích hợp, cần theo dõi số đảng viên vắng mặt các buổi sinh hoạt trong năm để nhắc nhở hoặc thông báo cho cấp uỷ nơi công tác biết.
Thứ hai, việc đánh giá nhận xét của cấp ủy nơi cư trú cần khách quan, trung thực, tránh cả nể, quen biết, cấp ủy nơi cư trú nên nhận xét thẳng thắn không nên né tránh, nể nang cho dù đảng viên được nhận xét là các đồng chí lãnh đạo của cấp trên; tránh việc nhận xét tốt, chung chung, theo mẫu ghi sẵn và việc nhận xét đảng viên sinh hoạt 76 đương chức vào dịp cuối năm, phải có sự phối hợp với ban công tác mặt trận, với tổ dân phố; thậm chí đảng viên ít tham gia sinh hoạt, hoặc không thực hiện nghĩa vụ với địa phương, thì cấp ủy nơi cư trú cần phải nhận xét cụ thể để cấp ủy nơi đảng viên đó đang công tác có cơ sở đánh giá, kịp thời phê bình, uốn nắn.
Thứ ba, coi trọng việc xây dựng quy chế phối hợp quản lý đảng viên giữa cấp uỷ nơi công tác và cấp uỷ nơi cư trú. Trước khi tiến hành tự phê bình và phê bình hằng năm, cấp uỷ nơi đảng viên công tác cần gửi văn bản trực tiếp lấy ý kiến nhận xét của cấp uỷ nơi cư trú, không nên để đảng viên tự liên hệ lấy nhận xét. Đặc biệt, những trường hợp quan trọng như kết nạp vào Đảng, đề bạt, bổ nhiệm vào chức danh lãnh đạo, quản lý hoặc chuẩn bị nhân sự cấp uỷ nên làm việc trực tiếp với tập thể cấp uỷ nơi cư trú.
Thứ tư, đổi mới hình thức đánh giá, nhận xét đảng viên đương chức, ngoài việc cấp ủy nơi cư trú định kỳ cuối năm nhận xét đảng viên sinh hoạt 76, nên chăng, cấp ủy nơi cư trú cũng cần kịp thời báo cáo đến cấp ủy, chính quyền nơi đảng viên đang công tác về những đảng viên chưa chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, không tham gia sinh hoạt 76…Mục đích của "sinh hoạt 76" là "thường xuyên giữ mối liên hệ", từ đó tạo điều kiện cho đảng viên gần gũi hơn với nhân dân, khắc phục được những biểu hiện quan liêu, xa dân, thiếu trách nhiệm với những công việc của dân nơi cư trú.
Để nâng cao hiệu quả thực hiện quy định này, cấp ủy các cấp cần tổ chức nghiên cứu, rút kinh nghiệm thực tiễn để có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo phát huy những kết quả đạt được, uốn nắn kịp thời những hạn chế, lệch lạc phát sinh trong nhận thức của đảng viên đang công tác ở các cơ quan, cũng như cấp ủy địa phương nơi đảng viên cư trú. Đây cũng là nội dung thiết thực trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) về "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay".
Lê Năng Đông
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam