Tâm sự nghề báo
Có nhiều người, cả cuộc đời cống hiến cho nghề báo, như con tằm nhả tơ, cống hiến hết mình, sáng tạo ra những tác phẩm báo chí có chất lượng. Làm nghề nào cũng có nỗi niềm riêng, buồn-vui, sướng-khổ, cay-đắng, ngọt-bùi, được-mất, hay-dở... Cổ nhân có câu “sinh nghề tử nghiệp”. Những ai đã trót đa mang với nghề báo, dẫu biết rằng đang dấn thân vào gian truân, vất vả, nhọc nhằn nhiều hơn là sự thảnh thơi, ung dung, nhàn hạ nhưng mấy ai từ chối khi nghề đã chọn họ? 

Đằng sau những trang viết là không ít suy tư, trăn trở của người làm báo về cuộc sống thường ngày. Trong tâm hồn nhạy cảm của họ là một đời sống nội tâm vô cùng phong phú, sâu lắng và cả sự giằng co quyết liệt. Bởi thế, ở họ mới có sự đồng cảm, sẻ chia với thế giới xung quanh bằng việc thể hiện sự trung thực, khách quan trong mỗi bài viết. Đó là sự tinh tế, nhạy cảm, những đức tính cần cù, miệt mài luyện rèn của người làm báo. Nhiều khi họ tự “làm khổ” chính mình. Thấy được cái hay, cái đẹp, cái xấu, cái ác trong cuộc sống hằng ngày mà không cầm bút thì cảm tưởng như người mắc lỗi. Khám phá ra cái mới mà không khai thác thì tự dày vò lương tâm, thấy mình sao bất lực, kém cỏi đến vậy… Sự nhạy cảm của người cầm bút là lúc nào cũng muốn các bài viết của mình vượt lên, bứt phá từ những vấn đề tồn tại, nảy sinh, xuất hiện trong xã hội và cuộc sống hằng ngày. Nếu như mình không cho nó “cựa mình” trên trang giấy thì không thể nào tìm cái mới và không thể sáng tạo ra những cái hay trong tác phẩm.  

Thật hiếm thấy nghề nào nhiều trăn trở như nghề báo. Trăn trở trên từng trang viết, trăn trở với cuộc đời, trăn trở để tồn tại, tìm tòi, sáng tạo, phát huy với mục đích viết cho hay, cho đúng và hấp dẫn đối với độc giả. Điều đó đòi hỏi người làm báo phải có cái tâm và cái tầm. Nghề viết báo thường hay khen người khác. Tất nhiên người được khen thì rất vui rồi. Còn người đi khen, không biết có được lời nào chia sẻ, động viên? Nếu như chê ai thì cũng phải “dè chừng” vì người làm báo cũng có thể bị dậm dọa, đe nẹt bất kỳ lúc nào! Do vậy, ở một chừng mực nào đó, không thể không nói rằng, nghề báo đôi khi như “hồng nhan, bạc phận” là vậy. Nhất là trên mặt trận phòng chống tiêu cực, tệ nạn xã hội, ma túy, tham nhũng, buôn lậu, lâm tặc… 

Tuy vậy, vượt qua mọi nỗi truân chuyên trong nghề, người làm báo vẫn đam mê  với nghề như đắm chìm vào tình yêu đầu đời để rồi tiếp tục công việc của mình. Niềm tin, bản lĩnh như đã trở thành chân lý trong họ nên hầu hết những người làm báo đều tự hào với cái nghề đã được xã hội đào tạo ra và tôn vinh. Dù có khó khăn, nghiệt ngã đến mấy, nhưng với lòng yêu mến cuộc đời, yêu mến mọi người, họ đã và sẽ tiếp tục vượt qua mọi thử thách để tiếp tục cống hiến, sáng tạo ra những tác phẩm báo chí chân chính, có chất lượng.  

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất