Chống tham nhũng không thể làm nửa vời
Vấn nạn tham nhũng là kẻ thù, “giặc nội xâm” làm nghèo đất nước, làm giảm lòng tin của nhân dân vào Đảng, vào chế độ. Đảng và Nhà nước ta đã có những chủ trương, biện pháp kiên quyết, mạnh mẽ, thể hiện quyết tâm cao trong việc phòng, chống tham nhũng. Đã có những vụ tham nhũng, trong đó những người vi phạm là cán bộ lãnh đạo từ cấp trung ương đến tỉnh, thành, quận, huyện, xã, phường bị truy tố, xét xử, bị cách chức, vào tù... từ đó đã tạo được niềm tin trong đông đảo quần chúng nhân dân. Đây là một cuộc chiến không khoan nhượng để bảo vệ Đảng, chế độ, đất nước từ bên trong. Do đó, ngoài chủ trương, biện pháp mạnh phải có sự đồng tâm hiệp lực của toàn Đảng, toàn dân, trong đó có vai trò quan trọng của báo chí.

Nhân sự ở những cơ quan chống tham nhũng nhất thiết phải là những cán bộ, đảng viên trong sạch, không tham nhũng, không tiêu cực, có bản lĩnh vững vàng, dũng cảm, tận tuỵ làm việc đến nơi, đến chốn, không chạy theo hình thức, làm cho có. Đặc biệt phải dựa vào dân và cơ quan báo chí, coi đây là kênh thông tin quan trọng để phát hiện, tố giác tham nhũng, tiêu cực.

Tâm lý chung của đông đảo nhân dân là các vụ tham nhũng, một khi đã bị phanh phui là phải xử lý thích đáng, nghiêm minh, không nể nang, nương nhẹ, bất kỳ người đó là ai, giữ cương vị gì, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Không thể “nhẹ trên, nặng dưới” và càng không thể “tắm từ vai”. Thực tế trong xã hội không hiếm gặp những trường hợp “chạy”, phải lo lót phong bao để được việc. Nhiều vụ tham nhũng nhờ dân tố cáo, báo chí phát hiện mà được phanh phui, xử lý. Nhân dân mong đợi mỗi vụ việc tham nhũng một khi đã được đưa ra ánh sáng, dư luận quan tâm thì phải được xử lý đến nơi, đến chốn, không để “chìm xuồng”, không để các “quan tham” “hạ cánh an toàn”, và nhất là không thực hiện các biện pháp xử lý nội bộ, xử cho qua chuyện, "giơ cao đánh khẽ”… Sự bao che, dung túng bằng mọi hình thức, không những không thuyết phục được ai, mà còn tạo điều kiện cho những kẻ tham nhũng, những cán bộ, đảng viên thoái hoá, biến chất có cơ lẩn tránh, đối phó và “yên  tâm” tiếp tục tham nhũng, sai phạm.

Cuộc chiến đấu chống "giặc nội xâm" đang đòi hỏi phải có sự đồng lòng nhất trí cao, phải mạnh tay, đều tay ở mọi ngành, mọi cấp, nhất là cấp trung ương bởi “nước sạch từ nguồn”. Có như vậy "giặc nội xâm" mới không còn "đất sống", đất nước ta mới có cơ hội tiến nhanh, tiến vững chắc trên con đường xây dựng nhà nước "của dân, do dân và vì dân.

Phản hồi (1)

Lê Văn Minh 25/05/2011

Hay quá! "Cuộc chiến đấu chống "giặc nội xâm" đang đòi hỏi phải có sự đồng lòng nhất trí cao, phải mạnh tay, đều tay ở mọi ngành, mọi cấp, nhất là cấp trung ương bởi “nước sạch từ nguồn”. Có như vậy "giặc nội xâm" mới không còn "đất sống", đất nước ta mới có cơ hội tiến nhanh, tiến vững chắc trên con đường xây dựng nhà nước "của dân, do dân và vì dân". Tôi đặc biệt tâm đắc "Nước sạch từ nguồn".

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất