Pắc Pó (Cao Bằng) nơi in đậm dấu chân Người!
Hang Pắc Pó - nơi Bác Hồ và cách mạng Việt Nam trải qua thăng trầm của cách mạng

Pắc Bó có nghĩa là “đầu nguồn” theo tiếng bản địa của dân tộc Tày. Nơi đây từ xưa là vùng núi cao hiểm trở, nằm sát biên giới, đường đi lại khó khăn, có cột mốc số 108 và sau năm 1941 được coi là cội nguồn của cách mạng Việt Nam bởi địa danh này gắn với một giai đoạn lịch sử đặc biệt quan trọng trong cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cách mạng Việt Nam những năm 1941-1945 để trực tiếp chuẩn bị cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền toàn quốc.

Pắc Bó có phong cảnh hữu tình. Nơi đây mang đậm nét đặc trưng của các tỉnh miền núi phía Bắc với những ngọn đèo hiểm trở và những dãy núi cao sừng sững, xen lẫn những thửa ruộng bậc thang xanh mơn mởn, lớp lớp xen nhau của bà con dân tộc Tày, Nùng, Dao... Nơi đây, sau 30 năm đi tìm đường cứu nước, sáng ngày 28-1-1941, từ đất nước Trung Hoa, Người đi qua cột mốc biên giới số 108 trở về Tổ quốc để trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Tại đây, Người đã chọn hang Pắc Bó - một hang nằm giữa lưng núi, ngay sát đường biên giới Việt - Trung để ở sau những ngày đầu về nước. Hang Pắc Bó nằm trong Khu di tích Pắc Bó, trong một dãy núi lớn thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, cách thị xã Cao Bằng khoảng 55km. Đặc biệt hang Pắc Bó có một con suối để rồi những năm tháng làm việc ở đây được Người đặt tên là núi Các Mác, suối Lênin. Ngoài bờ suối, chiếc “bàn đá chông chênh dịch sử Đảng” của Bác nay vẫn còn đây, cách hang đá khoảng 10m, nằm trước suối Lênin... Cùng với thiên nhiên còn tấm phản gỗ đơn sơ, mộc mạc của bà con người dân tộc Tày, kê trong một hốc nhỏ, giữa những khối thạch nhũ, lạnh lẽo để Người dùng trong suốt những đêm giá lạnh mùa đông, sau Tết... Những cảnh vật tưởng như rất bình dị ấy lại gắn với cuộc đời hoạt động cách mạng của Người, để lại xúc cảm trong chính tấm lòng của Bác và các thế hệ mai sau khi đến thăm!

Sau khi về nước, ngay sau Tết Tân Tỵ 1941, Bác đã khai bút bằng bài thơ Tức cảnh: Non xa xa, nước xa xa / Nào phải thêng thang mới gọi là / Đây suối Lênin, kia núi Mác / Hai tay xây dựng một sơn hà… Bác đã nói về mình, về vận mệnh Tổ quốc, về ý chí cao cả nhất là độc lập và tự do của Tổ quốc, để rồi sau đó, từ Pắc Pó, Người đã sáng tác các bài vừa tuyên truyền cho cách mạng, vừa vận động quần chúng đứng lên, đó là các bài: Ca công nhân, Ca dân cày, Ca binh lính, Kêu gọi phụ nữ, Kêu gọi thiếu nhi...

Tại nơi đây, tháng 5-1941 thay mặt Quốc tế Cộng sản Bác đã chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ VIII, trên một lán có tên là Khuổi Nậm. Hội nghị đã đề ra chiến lược giải phóng dân tộc với những giải pháp, tập hợp lực lượng và cách vận động cụ thể như thành lập Mặt trận Việt Minh (thường gọi là Việt Nam độc lập đồng minh), xây dựng các căn cứ địa cách mạng, thành lập Đội Việt Nam  tuyên truyền giải phóng quân… Đây là những chủ trương có tầm chiến lược để từ đó Đảng ta vận động đi đến Tổng khởi nghĩa nắm chính quyền trong toàn quốc tháng 8-1945.

Ngày nay về thăm Di tích hang Pắc Bó sẽ cảm nhận được những gian lao của Bác cũng như những thăng trầm của cách mạng Việt Nam. Pắc Bó đã gắn bó với Người cùng cách mạng Việt Nam trải qua những tháng năm đầy thử thách đi tới thắng lợi.

Bác - Một con người vĩ đại nhưng rất đỗi bình dị. Tâm hồn, tình cảm với mảnh đất này được Người gửi gắm qua bài thơ làm vào tháng 2-1941 nay được cán bộ, nhân viên Ban Quản lý Di tích cho khắc vào phiến đá kim cương: Sáng ra bờ suối tối vào hang / Cháo bẹ rau măng, vẫn sẵn sàng / Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng / Cuộc đời cách mạng thật là sang. Bài thơ như nói lên tất cả những gì là giản dị, đời thường của một người cách mạng vĩ đại luôn hy sinh cho dân, cho nước.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất