Cán bộ cấp xã, phường, thị trấn là người đại diện cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân. Hằng ngày cán bộ cấp xã tiếp xúc với nhân dân, thường xuyên tuyên truyền, vận động, tổ chức quần chúng nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, xây dựng, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội, xây dựng đời sống vật chất, tinh thần ở cộng đồng dân cư. Để thực hiện được trọng trách do nhân dân giao, đòi hỏi người cán bộ phải có năng lực, có phẩm chất, đạo đức, uy tín và được Đảng và Nhà nước đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sắp xếp công việc hợp lý.
Trong thực tế, người cán bộ nói chung, cán bộ cấp xã nói riêng trong suốt quá trình công tác có thể không giữ nguyên một chức vụ, một vị trí, một địa điểm công tác mà có thể phải luân chuyển, điều động, được đề bạt, bố trí, sắp xếp công tác mới. Việc điều động, luân chuyển, đề bạt, bố trí, sắp xếp công tác của cán bộ từ cấp huyện trở lên hay một số cán bộ cấp huyện xuống cấp xã đã được thực hiện thường xuyên.
Tuy nhiên, vấn đề luân chuyển cán bộ trong nội bộ xã, phường, thị trấn lại chưa được giải quyết thấu đáo. Vấn đề này đang là khó khăn của cấp uỷ đảng, chính quyền cơ sở. Cán bộ lãnh đạo cấp xã dù muốn luân chuyển, bố trí, sắp xếp lại cán bộ giúp việc cấp mình nhưng cũng không thực hiện được. Việc bố trí, sắp xếp lại là để cán bộ nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác, thay thế những cán bộ không đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao nhưng ở cấp xã cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ, cán bộ lãnh đạo, quản lý chỉ có số lượng rất ít, mỗi tổ chức, ban ngành, đoàn thể, chức danh công tác chỉ có 1 đến 2 người (trừ ngành y tế, giáo dục), cán bộ chuyên trách chỉ có 1 cán bộ, còn lại là cán bộ bán chuyên trách. Hơn nữa, việc bố trí, sắp xếp cán bộ cấp xã phần thì phụ thuộc vào việc dân bầu, dân cử, phụ thuộc nhiều vào sự bố trí, sắp xếp, quản lý của cấp huyện, hay nói một cách khác, lãnh đạo đảng uỷ, chính quyền cấp xã chỉ có quyền rất hạn chế trong việc luân chuyển cán bộ cấp xã. Có trường hợp cấp huyện đã thực hiện điều động cán bộ làm công tác quản lý đất đai, tài chính từ xã này sang xã khác, hoặc đưa nhiều cán bộ chuyên môn về cấp xã mà không có sự thoả thuận, đồng tình của lãnh đạo cấp xã, do đó có cán bộ quen việc, công tác tốt phải điều đi, cán bộ khác về lại phải có thời gian dài mới làm quen việc, dẫn đến hiệu quả công tác thấp.
Thiết nghĩ, để thuận tiện cho công tác lãnh đạo, điều hành, quản lý nhà nước ở cơ sở nên giao quyền chủ động bố trí, sắp xếp, luân chuyển cán bộ cấp xã cho cấp uỷ, chính quyền cùng cấp. Đồng thời, cũng tạo điều kiện để mỗi cán bộ ở cơ sở được học tập, nâng cao trình độ nghiệp vụ cũng như trình độ lý luận chính trị. Việc luân chuyển, bố trí, sắp xếp công tác sẽ thuận lợi hơn nếu nhiều cán bộ có từ 1 đến 2 bằng tốt nghiệp chuyên môn nghiệp vụ từ bậc trung cấp trở lên. Cấp huyện cũng cấn thiết trao đổi, thống nhất với cấp xã khi điều động̉ cán bộ chuyên môn, lãnh đạo cấp xã, tránh tình trạng áp đặt cấp dưới. Đồng thời cần thường xuyên đánh giá kết quả công tác của những cán bộ do huyện điều động, luân chuyển. Có như vậy mới bám sát được sự phát triển của cán bộ được luân chuyển, điều động và có những điều chỉnh kịp thời.