Hiển minh ý thức độc lập dân tộc

Hôm nay, mùng Mười tháng Ba, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Đất Phong Châu mở hội, trang nghiêm và ấm áp. Trang nghiêm thực hiện nghi thức tưởng nhớ Tổ tiên, người dân đất Việt cùng hướng về Đất Tổ, tri ân công đức các vua Hùng. Tưng bừng, hơn tám chục triệu người Việt tất thảy chung cội nguồn, chung ước mơ con Rồng cháu Tiên xây dựng khối kết đoàn không thể chia lìa. Người gần về đất Phong Châu. Người xa ngưỡng vọng.

Ngàn năm truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ và trăm người con nở ra từ bọc trăm trứng, người theo cha Rồng về biển, kẻ theo mẹ Tiên lên non mở cõi. Người con cả ở lại Phong Châu, được tôn làm vua nước Văn Lang, lấy hiệu là Hùng Vương, đặt định lạc hầu, lạc tướng. Các vua Hùng truyền nối mười tám đời góp công lớn dựng nước. Cháu con nối bước tiền nhân mở mang cơ đồ nước Việt như bây giờ.

Bao năm nay Đền Hùng là đền thờ Tổ nước Việt chứ không riêng gia đình, dòng họ, vùng đất. Người Việt hành hương về Đất Tổ thăm nơi phát tích của cả dân tộc cũng là trở về nguồn cội. Và, nói như cố GS Trần Quốc Vượng thì từ trong tiềm thức sâu xa, Tổ Hùng từ xa xưa, đặc biệt là từ thời đại Hồ Chí Minh đã hiển minh trên bình diện ý thức dân tộc, như là một biểu hiện của ý thức quốc gia, ý thức độc lập dân tộc.

Tổ Hùng, "từ một nguyên mẫu, một cổ bản hay cổ tượng của huyền thoại, huyền sử Việt Nam, đã trở thành, chính thức trở thành một biểu tượng của thống nhất Việt Nam, của toàn thể Việt Nam". Cũng bởi thế mà người Việt trong những ngày này, dù trong nước hay Việt kiều xa quê hành hương về đất Tổ không chỉ là thỏa khát vọng tâm linh, mà còn là nhận diện nguồn cội, tri ân công lao mở nước của tiền nhân, thể hiện tư tưởng đại đoàn kết triệu triệu người chung dòng máu Lạc Hồng.

Cũng bởi bao năm nay người Việt rõ ràng triết lý tín ngưỡng Đền Hùng, coi sự trở về đất Tổ là thể hiện tư tưởng "uống nước nhớ nguồn", nên tín ngưỡng thờ Hùng Vương tự nó hoàn thiện theo thời gian, đạt tới một trong số tiêu chí quan trọng nhất của một di sản phi vật thể xứng đáng được tôn vinh trên bình diện thế giới - sự trường tồn của di sản và sự tham gia sáng tạo, chủ động của cộng đồng trong quá trình hình thành, tồn tại di sản. Năm nay Phú Thọ mở hội Đền Hùng, giản dị mà ấm cúng, hướng tới mục tiêu đề nghị UNESCO vinh danh "Tín ngưỡng thờ Hùng Vương". Danh hiệu thế giới chắc chắn là niềm vinh dự, là mong ước chính đáng, là tác nhân quan trọng thúc đẩy quá trình gìn giữ di sản, bồi đắp truyền thống đất Tổ. Nhưng phía sau danh hiệu có những mục tiêu quan trọng hơn. Hát Xoan cần được bảo vệ khẩn cấp. Những cụm di tích trong Khu di tích lịch sử Đền Hùng, Làng Cả… cần được quy hoạch trong tổng thể, phục vụ bảo tồn và góp phần phát triển chung… Đó còn là giữ gìn và phát huy sức mạnh cộng đồng, là nâng tầm giá trị văn hóa, đạo đức và phát huy truyền thống dựng nước và giữ nước, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân để thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Các vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước".
Giỗ Tổ Hùng Vương là dịp để người Việt nghĩ về mục tiêu ấy và gắng chung sức thực hiện.

Nguồn: HaNoimoi

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất