Đổi mới cách làm, cách trình bày báo cáo
Hội nghị giao ban trực tuyến của Chính phủ với các tỉnh, thành về CCHC sáng 5-4-2011

Với mức độ tổ chức các cuộc họp dày như hiện nay: giao ban định kỳ tại các phòng, ban, cơ quan, đơn vị của Đảng, Nhà nước; sơ kết, tổng kết 6 tháng, cả năm, các chương trình, hoạt động... và những buổi họp bất thường, ngoài dự kiến… kéo theo số lượng báo cáo ngày càng nhiều, người ta dễ lầm tưởng báo cáo “lên ngôi” so với các loại văn bản hành chính khác. Kỳ thực, chất lượng báo cáo tại một số cuộc họp ngày càng hạn chế. Một phần vì thông tin đã không còn độ “nóng hổi”, cập nhật; một phần vì người thực hiện báo cáo vẫn theo lối mòn “đọc một mạch từ đầu đến cuối”, còn người nghe xem như chỉ  “nhìn lại người đọc có đúng từng câu, từng chữ hay không, và … dò chính tả”!

Tình trạng trên khiến mọi người tham gia dự họp theo kiểu miễn cưỡng, bởi những thông tin trong báo cáo người nghe đã được tiếp cận. Với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, báo chí và điện thoại di động như ngày nay, việc nắm bắt thông tin của cán bộ không còn là khó khăn. Đó là chưa kể đến việc báo cáo của các cơ quan tham mưu cho cấp ủy và cho UBND lại cung cấp những thông tin lệch nhau. Điều này được lý giải do cơ quan tham mưu được cung cấp nguồn thông tin khác nhau, từ các phòng, ban chuyên môn trực tiếp xử lý công việc hoặc gián tiếp qua kênh thông tin từ cơ sở. Ví như, trong cùng một thời điểm, văn phòng cấp ủy nhận thông tin về diện tích, năng suất lúa, nông sản phẩm và số liệu từ cơ quan thống kê, nhưng văn phòng UBND lại được cung cấp số liệu từ phòng kinh tế; khi số liệu sai lệch, không ai lý giải được tại sao. Tình trạng này cũng diễn ra ở một số báo cáo định kỳ của một số cơ quan tham mưu khác như Mặt trận, đoàn thể - những cơ quan tiếp nhận thông tin từ cơ sở!
Chọn lọc, đổi mới văn bản báo cáo và phong cách báo cáo tại một cuộc họp là điều không dễ. Bởi hiện nay, nhiều báo cáo được chuẩn bị theo công thức có sẵn, chỉ thay đổi số liệu giữa tháng trước và tháng sau, còn lý giải hay lập luận thì không được quan tâm. Đọc một số báo cáo, người ta dễ nhận thấy sự sáo mòn, rập khuôn, đôi khi đến độ máy móc. Phần đánh giá, phân tích tháng trước và tháng sau, quý trước và quý sau, giữa năm và năm, thậm chí giữa nhiều địa phương có đặc điểm kinh tế và xã hội tương đối giống nhau đều giống nhau đến lạ! Bên cạnh đó là những “tăng cường”, “nâng cao”, “đẩy mạnh”, “kiên quyết”,… làm cho báo cáo càng mang tính hình thức, hô hào.

Thiết nghĩ, hiện nay, các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị cần xây dựng đội ngũ cán bộ tham mưu tổng hợp, viết báo cáo và trực tiếp báo cáo thật chất lượng. Cán bộ được phân công trực tiếp báo cáo phải đào sâu, tìm tòi, nghiên cứu, xây dựng báo cáo một cách khoa học, cập nhật thông tin mới và báo cáo trước tập thể không theo lối mòn “đọc và đọc”.

Báo cáo phải được xây dựng theo kiểu tổng hợp, đánh giá, phân tích thực chất những kết quả đạt được, tồn tại hạn chế từ chủ trương tháng trước, quý trước, năm trước mà lãnh đạo và tập thể đã thống nhất đưa ra. Nguyên nhân ưu điểm, hạn chế phải được giải trình rõ ràng, tập trung, tránh tình trạng đổ lỗi cho những nguyên nhân không ảnh hưởng tới ai. Báo cáo nên trình bày ngắn gọn. Thông tin từ các cơ quan chuyên môn phục vụ giải trình, đánh giá, nhận xét kết quả phải chính xác... Có như vậy báo cáo mới thực sự có chất lượng, góp phần để lãnh đạo nắm bắt và định ra những quyết sách phù hợp cho thời gian đến, đảm bảo.những chủ trương, chính sách được thực thi nghiêm túc, hiệu quả.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất