Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII xác định: “Đổi mới phương pháp, phong cách, lề lối làm việc của các cơ quan lãnh đạo của Đảng từ Trung ương tới cơ sở, xây dựng phong cách làm việc khoa học, tập thể, dân chủ, gần dân, trọng dân, vì dân, bám sát thực tiễn, nói đi đôi với làm”. Với tinh thần đó, ngay năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, các cấp ủy trong tỉnh đã tập trung thực hiện nhiệm vụ đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, đặc biệt là trong công tác tổ chức cán bộ.

Kỳ 1: Đột phá trong thực thi công vụ

Cuối tháng 8 vừa qua, 402 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đã ký cam kết thực hiện Quyết định 306 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Quy định trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu trong việc thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao”. Đây là cơ sở pháp lý để người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu hành động theo chức trách, nhiệm vụ được giao.

                      
 Lãnh đạo Hội đồng Nhân dân tỉnh ký cam kết thực hiện Quyết định 306 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

·        Quyết tâm chính trị cao nhất

Sau hội nghị quán triệt và ký cam kết ở cấp tỉnh, đến nay 14/14 huyện, thành phố và các sở, ban, ngành đã cụ thể hóa Quy định 306 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho phù hợp với tình hình thực tiễn và tổ chức cho cán bộ thuộc cấp mình quản lý ký cam kết. Bí thư Huyện ủy Trà Bồng Hồ Ngọc Thịnh cho biết: Trên cơ sở Quy định 306, Ban Thường vụ Huyện ủy đã cụ thể hóa thành Quyết định 342 và tổ chức cho 198 cán bộ ký cam kết. Hiện nay, đảng bộ các xã, thị trấn cũng đang tiến hành tổ chức quán triệt và ký cam kết. Ban Thường vụ Huyện ủy yêu cầu cán bộ xây dựng kế hoạch thực hiện phải sát đúng với chức trách nhiệm vụ được giao.

Đến thời điểm này, Ban Thường vụ Huyện ủy Trà Bồng đã tổ chức quán triệt Quyết định 324 đến tất cả cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, kể cả cán bộ không chuyên trách ở cấp xã, tạo được sự đồng thuận cao trong toàn hệ thống chính trị. Mục tiêu huyện hướng đến là, thông qua Quyết định này sẽ xây dựng, củng cố lại đội ngũ cán bộ các cấp, có tinh thần trách nhiệm, phát huy được tính sáng tạo của mình... Cùng với huyện Trà Bồng, nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh cũng đã cơ bản cụ thể hóa Quyết định 306 của Ban Thương vụ Tỉnh ủy và hoàn thành việc ký cam kết. Việc làm này nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, điều hành thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; tạo sự thống nhất về ý chí và hành động trong mỗi cơ quan, đơn vị; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu; từng bước rà soát, điều chỉnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ trong giai đoạn mới.

Điều đáng ghi nhận là, các đơn vị, địa phương đều gắn việc thực hiện Quyết định 306 với yêu cầu, mục tiêu đã được đề ra theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIX của Đảng bộ tỉnh với 3 nhiệm vụ đột phá (về phát triển công nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng và nâng cao nguồn nhân lực) và 3 nhiệm vụ trọng tâm (phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển dịch vụ, du lịch và kinh tế biển, đảo và cải cách hành chính); cũng như thực hiện mục tiêu Nghị quyết đại hội của chi, đảng bộ cùng cấp. Nhiều địa phương, đơn vị xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu trong việc chỉ đạo CCTTHC; phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản; công tác đền bù, giải phóng mặt bằng; thực hiện mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới; công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ... Trong kế hoạch đăng ký đã nêu rõ những nội dung cần đổi mới nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý trong lĩnh vực được phân công theo từng mốc thời gian cụ thể.   Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Võ Đình Trà, nói: Bình Sơn đang hướng đến trở thành huyện phát triển toàn diện, năng động của tỉnh. Để hiện thực hóa mục tiêu này phụ thuộc rất lớn vào cán bộ. Vì thế, Đảng bộ rất chú trọng đến việc phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cấp, từng ngành và mỗi cán bộ; đồng thời tổ chức giao ban hàng quý để đánh giá kết quả, kiểm điểm trách nhiệm, bởi khi đã rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm thì hiệu quả có thể đo đếm được, tránh được tình trạng đùn đẩy trách nhiệm. Huyện quyết tâm cụ thể hóa Quy định 306 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và triển khai thực hiện có hiệu quả. Qua đó tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức lối sống lành mạnh, tạo sự chuyển biến tích cực và sức bật mới trong công tác cán bộ, góp phần đổi mới đồng bộ, toàn diện trên tất cả các phương diện.

·        Cải thiện môi trường đầu tư

Quyết định 306 là sự thể chế hóa về công tác cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.  Đây còn là sự ràng buộc trách nhiệm chính trị và pháp lý đối với cán bộ trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ, nhất là trong lĩnh vực thu hút đầu tư, CCTTHC, phòng chống tham nhũng, lãng phí... Quy định 306 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy được kỳ vọng sẽ tạo ra bước đột phá mới trong thực thi công vụ; khắc phục tình trạng cán bộ làm việc kém hiệu quả, trì trệ, cản trở sự phát triển chung của tỉnh. Thông qua thực hiện Quyết định này sẽ đánh giá cán bộ thực chất hơn, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, tạo ra được hành lang để xử lý những cán bộ không chấp hành phân công, đùn đẩy trách nhiệm. Việc đánh giá được thực hiện theo hướng: Cấp trên đánh giá cấp dưới, người đứng đầu đánh giá những người thuộc quyền quản lý, cấp trên trực tiếp đánh giá người đứng đầu cấp dưới. Bí thư cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị  chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức theo thẩm quyền; kiên quyết xử lý nghiêm đối với những cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ, hạn chế về năng lực, có tỷ lệ phiếu tín nhiệm thấp. Nói cách khác, cán bộ nào có biểu hiện trì trệ, bảo thủ, thiếu tinh thần trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh, cản trở sự phát triển thì sẽ bị xử lý, đưa ra khỏi bộ máy để làm trong sạch bộ máy nhà nước, tạo môi trường trong sạch cho sự phát triển mới.

“Quảng Ngãi đang cần chìa khóa để mở cửa đón các nhà đầu tư, nhằm thực hiện mục tiêu sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Chìa khóa đó không ở đâu xa mà ngay chính cán bộ chúng ta. Mong muốn lớn nhất của tập thể Ban Thường vụ khi ban hành Quy định 306 là sẽ hình thành nên nhiều chìa khóa, tạo tâm lý, sức bật mới và phát huy khả năng sáng tạo trong thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao. Từ đó tạo ra môi trường thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư và nguồn lực cho phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh”. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, LÊ VIẾT CHỮ nói.

                                                      
                                                  Kỳ 2: Lượng đi đôi với chất

 

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX xác định: “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực...” là một trong ba nhiệm vụ đột phá. Do đó, thời gian qua, Tỉnh ủy đã chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp về công tác cán bộ, nhất là công tác quy hoạch, đào tạo, luân chuyển... với quyết tâm đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

                             
 
                 Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ đối thoại với các hộ dân xã Phổ Phong (huyện Đức Phổ)
để giải quyết những vướng mắc trong QL 24.

Coi trọng công tác quy hoạch    

Vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành kế hoạch rà soát, bổ sung quy hoạch cấp ủy, cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh, nhiệm kỳ 2015 - 2020; xây dựng quy hoạch cấp ủy, cán bộ lãnh đạo, quản lý nhiệm kỳ 2020- 2025 và những năm tiếp theo. Theo đó, nhấn mạnh đến tiêu chí  trình độ chuyên môn. Trên cơ sở đó, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã ban hành Hướng dẫn 04, ngày 31-5-2016 quy định rõ: “Cán bộ sinh năm 1965 trở về sau, khi đưa vào quy hoạch cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, các chức danh lãnh đạo, quản lý phải có trình độ đại học hệ chính quy hoặc trên đại học. Trường hợp đặc biệt, nếu tốt nghiệp đại học không chính quy thì phải có năng lực thực tiễn vượt trội, có uy tín, phẩm chất đạo đức, được đơn vị tín nhiệm”. Điều đó cho thấy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đặt chất lượng cán bộ lên hàng đầu, kiên quyết không đề bạt, bổ nhiệm lại cán bộ, công chức, viên chức không bảo đảm điều kiện theo quy định. Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Chín, cho biết: Trong hai nhiệm kỳ qua (XVII và XVIII), Tỉnh ủy đều xác định phát triển nguồn nhân lực là nhiệm vụ đột phá. Từ  “phát triển” ở đây có hàm ý là nói đến “số lượng”. Tuy nhiên, đến Đại hội XIX, nhiệm kỳ 2015-2020 thì công tác cán bộ được đưa lên một tầm cao mới: “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực” là nhiệm vụ đột phá. Chất lượng ở đây là phải nói đến trình độ, năng lực chuyên môn. Để có chất lượng thì ngay từ khâu tuyển dụng, quy hoạch phải chặt chẽ. Hướng dẫn 04 cũng nói rõ yêu cầu của công tác quy hoạch cán bộ là nhằm phát hiện sớm nguồn cán bộ, nhất là cán bộ trẻ có đức, có tài, có triển vọng về khả năng lãnh đạo, quản lý; đưa vào quy hoạch để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng tạo nguồn các chức danh lãnh đạo, quản lý, đáp ứng nhiệm vụ chính trị trước mắt và lâu dài của địa phương, cơ quan, đơn vị. Chính vì vậy, tiêu chí để đưa vào quy hoạch bắt buộc phải là đại học hệ chính quy, cùng với đó là quy định về độ tuổi (nam là từ năm 1966, nữ từ năm 1971 trở lại). Nếu đơn vị, địa phương nào làm không đúng với quy định thì Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ không xem xét phê duyệt. Nhiều cơ quan, đơn vị cũng kiên quyết không đưa thạc sĩ được đào tạo “ngoài luồng” vào công tác quy hoạch. Công tác quy hoạch cũng thực hiện công khai, dân chủ, đúng quy định, tạo niềm tin, động lực mới trong đội ngũ cán bộ.

Đào tạo và thu hút nhân tài

Công tác đào tạo cán bộ trong những năm gần đây luôn được Ban Thường vụ Tỉnh ủy chú trọng. Đặc biệt, sau kiểm điểm phê bình và tự phê bình theo tinh thần Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI), một trong những khuyết điểm được Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ ra là sự hụt hẫng trong đội ngũ cán bộ. Từ năm 2011 - 2015, toàn tỉnh đã có gần 6.500 lượt cán bộ được cử đi đào tạo chuyên môn (23 tiến sĩ; 340 thạc sĩ) và đào tạo lý luận chính trị; trên 15.000 lượt cán bộ được đi học các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Đặc biệt là, đào tạo được 2  lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ, lãnh đạo quản lý cho trên 100 cán bộ là Tỉnh ủy viên, các đồng chí dự nguồn Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020. Đây là lớp học đầu tiên, được Ban Thường vụ Tỉnh ủy đặt hàng và nội dung tập trung những vấn đề mà thực tiễn xã hội đã và đang diễn ra. Giai đoạn 2016-2020, dự kiến sẽ có gần 1.500 cán bộ làm công tác đảng, đoàn thể, khối chính quyền được đào tạo đại học chuyên môn (chủ yếu là cán bộ cấp xã); đào tạo thạc sĩ 608 cán bộ và tiến sĩ 41 người (có 8 thạc sĩ và 4 tiến sĩ được đào tạo tại nước ngoài); 100% cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong tỉnh được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức.

Trong nhiệm kỳ này, tỉnh ưu tiên đào tạo chuyên sâu các ngành nghề tỉnh thật sự có nhu cầu, đối tượng đào tạo là cán bộ trẻ, được đào tạo chính quy, thực hiện tốt nhiệm vụ, có phẩm chất đạo đức để trở thành cán bộ khoa học, kỹ thuật, chuyên gia đầu ngành.Tnh sẽ tuyển chọn 50 học sinh giỏi, xuất sắc, có thành tích tại các kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia và sinh viên giỏi, xuất sắc ở các trường đại học có uy tín để cử đi đào tạo đại học, sau đại học trong và ngoài nước, tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cho những năm đến. Tỉnh cũng kiên quyết không sử dụng ngân sách cho việc đào tạo để chuẩn hóa bằng cấp, đào tạo sau đại học đối với cán bộ, công chức, viên chức, tốt nghiệp đại học hệ tại chức, từ xa, hệ vừa học vừa làm. Đây được coi là bước đổi mới quan trọng trong công tác đào tạo cán bộ của tỉnh.

Theo Đề án tuyển chọn học sinh, sinh viên tỉnh cử đi đào tạo trong và ngoài nước giai đoạn 2016-2020 vừa được HĐND tỉnh thông qua, Quảng Ngãi sẽ bố trí 195 tỷ đồng  (từ ngân sách) chọn cử 250 người đi đào tạo đại học, sau đại học trong và ngoài nước. Và từ năm 2020 đến những năm tiếp theo sẽ tiếp tục ưu tiên khoảng 330 tỷ đồng để cử 400 người đi đào tạo đại học, sau đại học trong và ngoài nước. Người được cử đi đào tạo phải phục vụ công tác tại tỉnh Quảng Ngãi ít nhất 10 năm.

Phải rèn luyện từ thực tiễn

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Quang cho rằng: Luân chuyển cán bộ là tạo điều kiện để rèn luyện, bồi dưỡng, thử thách cán bộ, nhất là cán bộ trẻ, có triển vọng, giúp cán bộ trưởng thành nhanh, toàn diện và vững vàng hơn, đáp ứng yêu cầu công tác cán bộ trước mắt và lâu dài. Đồng thời, tăng cường cho các ngành, lĩnh vực, địa bàn trọng yếu, khó khăn nhưng thiếu cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành: “Quy chế luân chuyển, điều động cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ trẻ”. Theo đó, yêu cầu “Cán bộ luân chuyển sau 1 năm phải nắm bắt được tình hình và phát hiện được những vấn đề mới, những vấn đề khó khăn, yếu kém, mâu thuẫn... ở đơn vị mới, đề xuất các giải pháp hữu hiệu để tổ chức thực hiện. Sau 2 năm có kết quả, sau 3 năm phải tạo ra sự chuyển biến rõ nét, được địa phương, đơn vị và cơ quan quyết định luân chuyển ghi nhận”. Việc luân chuyển đối với cán bộ đương nhiệm, trong quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý và cán bộ trẻ phải đảm bảo thời gian công tác ít nhất là 3 năm (trường hợp đặc biệt thì cấp có thầm quyền quyết định luân chuyển quyết định thời gian luân chuyển ít hoặc nhiều hơn). Việc luân chuyển cán bộ trẻ cũng được quy định tuổi phải dưới 35 (kể cả cán bộ là người dân tộc thiểu số) hiện giữ chức vụ trưởng, phó phòng và tương đương có trình độ chuyên môn đại học chính quy trở lên, có năng lực và chiều hướng phát triển tốt.

Với những cách làm mới trong công tác cán bộ, Đảng bộ Quảng Ngãi đã và đang quyết tâm khắc phục hạn chế, khuyết điểm về công tác cán bộ, hướng đến xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

 

Kỳ 3: Lắng nghe để chỉnh đốn Đảng

  “Đổi mới phong cách, tác phong làm việc, gần dân, sát dân, lắng nghe, đối thoại với nhân dân” là một trong những yêu cầu quan trọng của Bộ Chính trị trong Chỉ thị 05 về  đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Với những cách làm sáng tạo đã được thực hiện, duy trì trong nhiều năm qua thông qua việc tiếp xúc, đối thoại giữa bí thư cấp ủy với nhân dân trong toàn tỉnh, được xem là nền tảng để Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi đưa Chỉ thị 05 đi vào cuộc sống.

                          
 
Đồng chí Nguyễn Viết Vi (đứng giữa) - Bí thư Huyện ủy Lý Sơn là cán bộ trẻ dưới 35 tuổi đầu tiên của tỉnh thực hiện Quy chế luân chuyển, điều động cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ trẻ của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

"Diễn đàn dân chủ" của nhân dân

Năm 2012, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quyết định số 2539 về việc ban hành Quy chế tiếp xúc, đối thoại (TXĐT) trực tiếp giữa bí thư cấp ủy các cấp với nhân dân. Đây được xem là cách làm sáng tạo trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh đặt kỳ vọng. Sau 4 năm thực hiện, sự kỳ vọng đã thành hiện thực, bởi nhiều vấn đề tưởng chừng không xử lý được đã được chỉ đạo giải quyết, bảo vệ được quyền lợi chính đáng của tổ chức, cá nhân. Chỉ vào giấy chứng nhận QSDĐ, ông Võ Văn Thuần ở thôn Hòa Mỹ, xã Hành Phước (Nghĩa Hành) kể: Gia đình tôi thuộc diện cấp đất, tái định cư và tôi đã làm nhà ở ổn định từ năm 2000. Thế nhưng, nhiều năm sau đó vẫn không được cấp giấy chứng nhận QSDĐ, mặc dù tôi và nhiều hộ dân đã nhiều lần kiến nghị. Đến khi đồng chí Bí thư Huyện uỷ về đối thoại thì sự việc này mới “lộ” ra. Sau đó khoảng 3 tháng các hộ dân ở đây đều có sổ đỏ. Nếu không có cuộc gặp gỡ này, chắc còn lâu mới đòi hỏi được quyền lợi.

Không chỉ giải quyết kịp thời những quyền lợi chính đáng của nhân dân, mà từ các cuộc đối thoại, nhiều sai phạm ở cơ sở cũng được phát hiện nhờ “tai mắt của dân”. Bốn trường hợp hưởng trợ cấp hằng tháng đối với người bị bắt tù đày không đúng đối tượng ở xã Phổ An (Đức Phổ) là một minh chứng. Sau TXĐT, Bí thư Huyện ủy Huỳnh Quý đã chỉ đạo kiểm tra và yêu cầu dừng chi trả cho 4 đối tượng này. Hay như 4 hộ dân sống ở khu vực hạ lưu, thượng lưu các cầu Sông Rơ, Bầu Nước (dưới tuyến đường tránh QL 1 qua thị trấn Đức Phổ) thuộc xã Phổ Minh (Đức Phổ), bị đe dọa tính mạng mỗi mùa mưa bão đến, nhưng giờ đã có nhà cửa khang trang, an toàn.

Trên 7.000 vụ việc (chiếm hơn 80%)  liên quan  đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư; công tác quản lý đất đai; thực hiện chế độ chính sách… từ kiến nghị của nhân dân trong toàn tỉnh được giải quyết thành công đã và đang cho thấy quyết tâm của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương từ tỉnh đến cơ sở trong học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Không chỉ “lắng nghe dân” để giải quyết những bức xúc, nổi cộm ở cơ sở, việc TXĐT với nhân dân còn thể hiện việc “trọng dân, học dân”. Nhiều buổi TXĐT, người đứng đầu cấp ủy phải trực tiếp công khai xin lỗi dân vì cán bộ, chính quyền cấp dưới thiếu tinh thần trách nhiệm, gây bất bình trong dư luận như: Vụ chính quyền để doanh nghiệp xâm hại mồ mả ở xã Nghĩa Hà (TP.Quảng Ngãi); sai phạm trong đền bù, giải phóng mặt bằng của một số cán bộ xã Phổ Phong (Đức Phổ); vụ khai thác cát ở Cửa Đại (xã Nghĩa An)... Bí thư Thành ủy Quảng Ngãi Nguyễn Tăng Bính cho rằng, nếu cán bộ cấp dưới làm sai thì trước mắt người đứng đầu cấp trên phải nhận trách nhiệm, nếu ảnh hưởng đến dân thì xin lỗi dân ngay, không trốn tránh gì cả. Để tạo được sự đồng thuận trong cán bộ, nhân dân, trước hết người đứng đầu cấp ủy phải thể hiện được vai trò nêu gương, nói phải đi đôi với làm. "Tôi khẳng định rằng, những buổi đối thoại như thời gian qua là hết sức cần thiết, đó không chỉ đơn thuần là đưa Đảng đến gần với dân hơn, mà đây còn là sự đổi mới trong phương thức lãnh đạo của Đảng; sự sáng tạo của Đảng bộ tỉnh trong xây dựng chỉnh đốn Đảng. Qua đó đã củng cố được niềm tin của dân với Đảng", đồng chí Nguyễn Tăng Bính nói.

Thắt chặt mối quan hệ giữa Đảng với dân

Có thể khẳng định rằng, việc TXĐT trực tiếp giữa bí thư cấp ủy với nhân dân nay trở thành công việc thường xuyên của cấp ủy, xây dựng niềm tin và trách nhiệm giữa dân và cán bộ, tất cả vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Viết Chữ đã khẳng định: TXĐT trực tiếp với nhân dân là để người đứng đầu cấp ủy thực sự đến với dân gần hơn, nghe dân nói mà không bị “khúc xạ”, không bị “nhiễu” bởi nguồn thông tin khác.

Trong thực tiễn, nhiều việc dân đặt ra rất chính đáng, rất đúng pháp luật, nhưng do bệnh quan liêu của một số bộ phận cán bộ nên giải quyết không đến nơi đến chốn, không kịp thời mà người đứng đầu cấp ủy khó quán xuyến hết được. Do đó, TXĐT còn là một kênh thu nhận thông tin về cán bộ cấp dưới, về những tồn tại ở cơ sở... để lãnh đạo, điều hành toàn diện hơn. Nếu kiến nghị của dân chưa đúng thì kiên trì giải thích, kiên trì vận động người dân.

Cũng theo đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, đa phần người dân đều tốt, nên một khi cán bộ nói đúng pháp luật, giải quyết có tình, có lý thì người dân ủng hộ. Cái mà người dân đang bức xúc hiện nay là, một bộ phận cán bộ thiếu tinh thần trách nhiệm trước những bức xúc của dân. Vì vậy, trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục duy trì công tác TXĐT, coi đây là việc làm thường xuyên, không đợi khi có điểm nóng mới đối thoại. Đấy cũng là học tập phong cách gần dân, sát dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 Thanh Thuận


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất