Bài 1: Bộ máy cồng kềnh
Với gần 18 nghìn cán bộ, công chức cấp xã và những người làm việc không chuyên trách, chưa kể đội ngũ cán bộ các tổ chức hội đặc thù, bộ máy tổ chức của hệ thống chính trị ở các xã, phường, thị trấn hiện rất cồng kềnh.
Quá đông
Hệ thống chính trị cấp xã hiện nay gồm: tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể nhân dân. Trong đó, riêng với đoàn thể, ngoài các tổ chức chính trị xã hội (Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu Chiến binh, Đoàn Thanh niên) còn có 5 tổ chức hội đặc thù gồm: Hội Người cao tuổi, Hội Cựu thanh niên xung phong, Hội Nạn nhân chất độc da cam, Hội Chữ thập đỏ và Hội Khuyến học. Ở một số địa phương còn có thêm các tổ chức hội tự nguyện khác như: Hội Cựu quân nhân, Hội Sinh vật cảnh, Hội Đông y, Hội Luật gia, Hội Người mù, Hội Cựu chiến sĩ Trường Sơn đường mòn Hồ Chí Minh....Nhiều tổ chức hội trong số này đều là thành viên của MTTQ. Vì thế đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị ở cấp xã có xu hướng ngày càng tăng.
Theo thống kê của Sở Nội vụ tại thời điểm 1-9-2015, toàn tỉnh có 5.068 cán bộ, công chức cấp xã và 12.815 người hoạt động không chuyên trách (sau đây gọi là cán bộ không chuyên trách) ở xã và thôn, khu dân cư. Trong đó có 1.787 người làm việc kiêm nhiệm. Đến nay, tuy có sự biến động nhân sự do thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015, song con số này thay đổi không đáng kể. Tính trung bình mỗi xã, phường, thị trấn có hơn 70 người được gọi là cán bộ cơ sở. Đó là chưa kể đội ngũ chi hội trưởng, chi hội phó các tổ chức đoàn thể.
Chúng tôi đã thử tìm hiểu thực tế tại một số địa phương. Đảng bộ xã Quang Phục (Tứ Kỳ) có 313 đảng viên, 14 chi bộ. Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ có 13 đồng chí. HĐND xã có 26 đại biểu. Ban Thường trực MTTQ xã gồm 4 thành viên. Xã có 8 ban công tác mặt trận thôn, mỗi ban có từ 9-15 thành viên. 4 tổ chức chính trị xã hội, mỗi tổ chức có BCH gồm 11-13 ủy viên, mỗi BCH chi hội của các thôn có từ 3-7 ủy viên. Ngoài ra còn 5 tổ chức hội đặc thù hoạt động theo quy định. Tổng số cán bộ, công chức cấp xã và cán bộ không chuyên trách của toàn xã là 87 người. Mỗi tổ chức hội, đoàn thể ở Quang Phục đều có các chi hội theo thôn, nên về lý thuyết, toàn xã có 144 chi hội trưởng, chi hội phó các hội, đoàn thể (xã có 8 thôn với 9 tổ chức hội, đoàn thể). Nếu gọi chung các chức danh này là cán bộ, thì con số cán bộ của toàn xã lên tới trên 200 người. Tương tự, xã Cẩm Văn (Cẩm Giàng) có 67 cán bộ, công chức xã và cán bộ không chuyên trách. Xã có 5 thôn, cộng với đội ngũ chi hội trưởng, chi hội phó các tổ chức hội đoàn thể, số cán bộ của xã cũng lên tới hàng trăm.
Chồng chéo, lãng phí
Khi tìm hiểu về hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cấp xã, chúng tôi nhận thấy nhiều nội dung hoạt động chồng chéo nhau. Chẳng hạn, theo quy định, nhiệm vụ chung của các tổ chức chính trị - xã hội là vận động hội viên chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, cùng chung sức xây dựng nông thôn mới hay xây dựng đô thị văn minh...Mỗi tổ chức có đối tượng vận động riêng, nhưng thực tế có người cùng lúc là hội viên của nhiều đoàn thể, nên không tránh khỏi việc cùng một đối tượng có tới 3-4 tổ chức hội, đoàn thể cùng đến tuyên truyền, vận động. Việc vận động, quyên góp ủng hộ người nghèo và các hoạt động nhân đạo từ thiện cũng là một dẫn chứng. Hiện nay, ngoài MTTQ vận động gây quỹ Vì người nghèo, các tổ chức đoàn thể khác cũng có các nguồn quỹ tương tự như Quỹ nhân đạo từ thiện của Hội Chữ thập đỏ, Quỹ hỗ trợ nông dân của Hội Nông dân...Hầu như tất cả các tổ chức chính trị - xã hội đều có hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ hội viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, nên nếu không khéo, việc nhiều tổ chức cùng vận động gây quỹ sẽ khiến người dân băn khoăn vì nhiều quỹ có tính chất tương tự nhau.
Việc ra đời các tổ dân vận thôn, khu dân cư theo Hướng dẫn số 80 của Ban Dân vận Trung ương năm 2012 cũng dẫn đến hoạt động chồng chéo và hình thức. Thực tế, thành viên của Ban công tác mặt trận thôn và thành viên của các tổ dân vận giống nhau tới 70- 80%. Cả hai tổ chức này đều có cùng nhiệm vụ là tuyên truyền, vận động nhân dân. Nhiều cán bộ xã, thôn khi được hỏi đều cho rằng tổ chức bộ máy và hoạt động của tổ dân vận thôn, khu dân cư hiện nay có nhiều điểm trùng với tổ chức, hoạt động của Ban Công tác mặt trận thôn, thậm chí cả với tổ hòa giải nên việc ra đời tổ dân vận chỉ là hình thức. Bà Chử Thị Sen, Trưởng Khu 11 phường Phạm Ngũ Lão cho biết: “Không có tổ dân vận thì chúng tôi vẫn cứ làm nhiệm vụ tuyên truyền, vận động quần chúng dân như bình thường, công việc cũng vẫn hiệu quả”.
Sự cồng kềnh, lãng phí trong tổ chức bộ máy hệ thống chính trị cơ sở còn xuất phát từ việc bố trí chưa hợp lý các chức danh, số lượng người hoạt động không chuyên trách theo tình hình cụ thể của từng địa phương. Một đồng chí Bí thư Đảng ủy xã (đề nghị không nêu tên) cho biết, ở địa phương vị trí công chức văn phòng - thống kê chỉ cần 1 người, có thể làm nhiệm vụ của cả Văn phòng UBND và Văn phòng Đảng ủy nhưng thực tế có tới 2 người, rất lãng phí nhân lực. Tương tự như vậy, ở một số xã có 2 Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã, thường có 1 đồng chí Phó Chủ tịch rất ít việc làm nếu không kiêm nhiệm. Tình trạng có nơi 8 giờ sáng cán bộ, công chức xã vẫn chưa đến làm việc, 4 giờ chiều đã nghỉ hoặc tranh thủ uống nước chè, xem báo mạng trong giờ làm việc cho thấy bộ máy cồng kềnh đang gây lãng phí lớn cho xã hội.
Nguyên Anh - Thanh Mai
Bài 2: "Bí" nhân lực cán bộ cơ sở
Trong khi còn có cả tình trạng "người muốn thì không làm được, người không muốn thì phải làm" nên có nhiều địa phương rất "bí" về nguồn nhân lực cán bộ cấp cơ sở.
Thiếu nguồn để chọn lựa
Thực tế hiện nay ở nhiều địa phương, phổ biến là ở cấp thôn, khu dân cư, việc tìm kiếm, lựa chọn người tình nguyện tham gia đảm nhiệm các chức danh không chuyên trách ở cấp cơ sở là rất hiếm. Phổ biến là ở nhiều nơi, nhiều nhiệm kỳ chỉ có 1 người ứng cử để bầu các chức danh trưởng thôn, bí thư chi bộ thôn, khu dân cư. Vì vậy, dù người được bầu có đảm nhiệm tốt hay không tốt các chức danh trên, người dân cũng không có sự lựa chọn nào khác vì chỉ có 1 ứng viên duy nhất. Có người đã đảm nhiệm chức trưởng thôn suốt hơn 30 năm liền. Có người đã ngoài 70 tuổi và nhiều năm liên tục đảm nhiệm vị trí trưởng thôn như ông Nguyễn Văn Hy (sinh năm 1943) ở Tiên Động (Tứ Kỳ). Mặc dù đã nhiều lần từ chối, không muốn làm vì lý do tuổi cao, sức yếu, nhưng do không có người sẵn sàng thay thế nên ông Hy vẫn phải làm vì được bà con tiếp tục tín nhiệm. Hoặc trường hợp của ông Vũ Ngọc Ninh, trưởng xóm Đoàn Kết, thôn Hoàng Xá, xã Quyết Thắng (Thanh Hà) đã xin nghỉ một nhiệm kỳ vì lý do có việc gia đình. Tuy nhiên, do người thay thế ông trong nhiệm kỳ đó không đạt được yêu cầu nên bà con trong xóm nên lại tiếp tục đề cử ông đảm nhiệm chức vụ trưởng xóm. Nhiệm kỳ nào cũng chỉ có một mình ông trong danh sách ứng cử chức trưởng xóm.
Việc tìm kiếm, vận động người đảm nhiệm các chức danh cán bộ chuyên trách càng khó khăn đối với các thôn, khu dân cư có tính chất đặc thù như nơi có đông nhân dân đi làm xa, đông lao động làm việc trong các khu, cụm công nghiệp; khu đô thị mới... Bí thư Đảng ủy phường Thanh Bình (TP Hải Dương) Hoàng Anh Phong nêu khó khăn lớn nhất của các khu dân cư mới là việc tìm kiếm người để đảm nhiệm các chức danh cán bộ không chuyên trách. Ví dụ, sau khi tách khu dân cư 11 và 12 (vì mở rộng khu đô thị mới) việc tìm kiếm nguồn cán bộ cơ sở rất khó khăn vì hầu hết dân cư là người ở nơi khác đến, thiếu sự liên kết, gắn bó; thiếu hiểu biết về nhau; nhiều người cao tuổi, cán bộ hưu trí ngại không tham gia hoạt động xã hội...Vì vậy, chỉ cần có người đồng ý nhận nhiệm vụ đã là cơ may.Việc tìm kiếm người để đảm nhiệm các chức danh như khu đội trưởng, tổ trưởng tổ bảo vệ dân phố càng khó vì vướng các tiêu chuẩn như: dưới 40 tuổi, nhiệt tình, có kinh nghiệm...trong khi mức phụ cấp thì rất thấp.
Cá biệt, có nơi sẵn nguồn nhân lực cho các chức danh cán bộ cơ sở thì lại xảy ra tình trạng ""người muốn thì không làm được, người không muốn thì phải làm" nên việc bầu chọn các chức danh cán bộ không chuyên trách ở thôn, khu dân cư trở nên phức tạp. Tại một huyện có 1 thôn có 3 chi bộ nhưng chưa kiện toàn được chức danh trưởng thôn vì chi bộ nào cũng muốn người của chi bộ mình trúng cử. Khi tiến hành bầu thì không có cá nhân nào đạt số phiếu quá 50%. Cũng có nơi còn nặng nề về tư tưởng dòng họ, cát cứ làng, thôn nên khi có nhiều cá nhân của các dòng họ khác nhau ứng cử, việc bầu chọn cũng trở nên phức tạp vì có dấu hiệu vận động, tranh giành số phiếu. Từ đó, việc chọn lựa được những cán bộ có chất lượng cũng bị ảnh hưởng.
Thiếu nguồn kế cận
Nếu việc đào tạo, quy hoạch cán bộ, công chức cấp xã, phường, thị trấn cơ bản đã được quan tâm, thì đến nay, việc quy hoạch đội ngũ cán bộ không chuyên trách ở cấp cơ sở hầu như chưa đạt yêu cầu. Căn cứ theo kết quả khảo sát thực tế, dự thảo đề cương Đề án "Sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở xã, phường, thị trấn" do Ban Tổ chức Tỉnh ủy chủ trì cũng đã nhận định: " Đội ngũ cán bộ không chuyên trách có nhiều đồng chí tuổi cao, chưa qua đào tạo bồi dưỡng về nghiệp vụ; việc xây dựng nguồn kế cận gặp nhiều khó khăn, do đảng viên ở khu vực nông thôn, khu dân cư chủ yếu là người cao tuổi, cán bộ hưu trí, không nhiệt tình tham gia hoạt động ở địa phương...".
Theo số liệu tổng hợp của Sở Nội vụ ngày 1-9-2015, toàn tỉnh có 1.507 người là bí thư chi bộ thôn, khu dân cư, trong đó có 1.033 từ 50 tuổi trở lên, 150 người có thâm niêm giữ chức vụ 10 năm trở lên. Tương tự, trong số 1.417 người là trưởng thôn, khu dân cư có 727 người từ 50 tuổi trở lên, 141 người giữ chức vụ trên 10 năm. Toàn tỉnh có 195 bí thư chi bộ, trưởng thôn, khu dân cư là bệnh binh. Ngoài ra là cán bộ từ các nguồn khác như: nhân dân, cán bộ hưu trí...Như vậy, chỉ ở 2 chức danh này, tỷ lệ cán bộ có độ tuổi cao chiếm tới trên 50%; nhiều người đã đảm nhiệm các chức danh này quá lâu. Điều này cho thấy, nguồn nhân lực cho các chức danh cán bộ cấp cơ sở không chỉ khan hiếm mà còn thiếu tính kế cận.
Lý giải cho hiện trạng này, ông Vũ Văn Hòa, Phó Ban Tổ chức Huyện ủy Tứ Kỳ nêu một số lý do, trong đó có tình trạng chính là số lao động tại nông thôn không còn nhiều, chủ yếu đi làm ăn xa, làm việc trong các doanh nghiệp, khu, cụm công nghiệp. Nhiều đảng viên, quần chúng khi được vận động tham gia công tác địa phương đều nêu lý do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, phải tập trung lao động để lo cho cuộc sống. Một phép tính rất đơn giản mà nhiều người thường đưa ra là, nếu so sánh ngày công đi làm thợ xây 250.000 đồng/ ngày thì chỉ một tuần đã cao hơn mức phụ cấp cả tháng nếu ở nhà làm cán bộ cơ sở. Do đó, việc tham gia công tác ở địa phương hầu như không tạo được bất cứ "sức hút" nào với lớp trẻ.
Như vậy, ngoài việc không thể chủ động được chất lượng của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở, các địa phương trong tỉnh hầu hết đều không chủ động được việc tạo nguồn cán bộ kế cận cho các năm tiếp theo.
Linh An - Trung Thu
Bài 3: Nên bố trí cán bộ kiêm nhiệm nhiều chức danh
Bố trí cán bộ kiêm nhiệm nhiều chức danh để tinh gọn đội ngũ và tăng phụ cấp cho cán bộ cơ sở là một trong những giải pháp cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Chi nhiều, hiệu quả ít
Như các bài viết trước đã đề cập, đội ngũ cán bộ đông kéo theo nguồn ngân sách chi cho con người cũng chiếm tỷ lệ tương đối lớn. Theo Sở Tài chính, tính riêng năm 2015, tổng chi lương, phụ cấp, các khoản đóng góp, bảo hiểm y tế cho đội ngũ cán bộ công chức cấp xã, cán bộ không chuyên trách cấp xã, thôn và phụ cấp chi cho chủ tịch các hội đặc thù cấp xã là 492,7 tỷ đồng, chiếm gần 50% tổng dự toán chi ngân sách cấp xã, bằng 56,8% dự toán chi thường xuyên của ngân sách xã năm 2015, cao hơn mức dự toán chi đầu tư phát triển của tỉnh hơn 100 tỷ đồng. Trong đó, tổng chi cho đội ngũ cán bộ không chuyên trách là 141 tỷ đồng. So với 12.815 người được hưởng thì con số này lại không thấm vào đâu, vì tính trung bình mỗi người chưa được 1 triệu đồng/tháng. Rõ ràng đây không phải mức thu nhập hấp dẫn đối với cán bộ. Để có thể trang trải cho cuộc sống gia đình, họ buộc phải làm thêm nhiều công việc khác. Khi ấy thời gian cũng như chất lượng làm việc công sẽ bị ảnh hưởng. Thực tế, vì lý do phụ cấp thấp, ở nhiều nơi đã xuất hiện biểu hiện đùn đẩy trách nhiệm trong công việc theo kiểu “anh nhận phụ cấp cao hơn thì anh phải làm nhiều hơn” hoặc “anh có phụ cấp nên đó là việc của anh”...Hiện nay ở cơ sở có khá nhiều tổ chức hội, đoàn thể, trong đó nhiều tổ chức không được sử dụng ngân sách nhà nước để hoạt động hoặc ngân sách được cấp rất ít. Vì thế khi địa phương phát sinh vấn đề cần giải quyết, thì có tổ chức đoàn thể chưa thể hiện rõ vai trò của mình.
“Nâng mức phụ cấp cho cán bộ cơ sở” là đề nghị được nhắc đến khá nhiều trong các hội nghị tiếp xúc cử tri với đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND tỉnh. Trong khi “chiếc bánh ngân sách” có hạn, thì để tăng phụ cấp, theo chúng tôi chỉ còn cách là giảm số người được hưởng.
Tăng cán bộ kiêm nhiệm
Bố trí 1 cán bộ kiêm nhiệm 2 – 3 chức danh là cách nhiều địa phương trong tỉnh đang áp dụng để giải bài toán “bí nguồn nhân lực” và tăng thu nhập cho cán bộ. Ở khu dân cư 11 phường Phạm Ngũ Lão (TP Hải Dương), bà Chử Thị Sen, trưởng khu, cũng là đại biểu HĐND phường, kiêm nhiệm vụ của cộng tác viên dân số, nhân viên y tế khu và Chi hội trưởng Chi hội Chữ thập đỏ. Bà Sen cho biết, công việc của trưởng khu thường xuyên phải tiếp xúc với dân nên có thể kết hợp để làm nhiệm vụ tuyên truyền dân số, theo dõi, gửi thông báo tiêm chủng đến các gia đình có trẻ dưới 6 tuổi cũng như vận động hoạt động nhân đạo từ thiện. Với tất cả các chức danh hiện có, phụ cấp bà Sen nhận được mỗi tháng gần 2 triệu đồng. Ông Vũ Ngọc Ninh, trưởng xóm Đoàn Kết, thôn Hoàng Xá, xã Quyết Thắng (Thanh Hà) cũng đang kiêm nhiệm công việc kiểm soát HTX dịch vụ nông nghiệp và là Chi hội phó Chi hội Nông dân xóm, đại biểu HĐND xã, với tổng phụ cấp được hưởng mỗi tháng hơn 3 triệu đồng. Đa số cán bộ kiêm nhiệm nhiều chức danh vẫn hoàn thành tốt công việc được giao. Các chức danh được bố trí kiêm nhiệm hiện nay phổ biến là: Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch HĐND và Trưởng Ban Tuyên giáo; Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra, Trưởng Khối Dân vận và phụ trách công tác tổ chức; Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ kiêm Trưởng Ban Thanh tra nhân dân;...
Theo ông Lương Anh Tế, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, một số chức danh ở cơ sở không nhiều việc nên việc bố trí cán bộ kiêm nhiệm là phù hợp. Ông Tế cũng cho rằng, nên bố trí 1 cán bộ kiêm nhiệm 3-4 chức danh và được hưởng nguyên phụ cấp của các chức danh kiêm nhiệm thay vì chỉ được hưởng mức 0,2 -0,3 hệ số lương cơ bản như quy định hiện nay.
Đối với đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, việc xác định số lượng cán bộ, công chức được quy định bởi luật, vì vậy vấn đề là các xã cần căn cứ từ tình hình thực tế của địa phương để bố trí số lượng công chức phù hợp. Ví dụ, xã đông dân, nhiều giao dịch liên quan đến tư pháp – hộ tịch, có thể bố trí 2 công chức ở vị trí này; xã ít dân, ít giao dịch, chỉ cần bố trí 1 công chức. Đối với MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, mỗi tổ chức chỉ nên bố trí 1 chức danh cấp phó. Về lâu dài, để tinh gọn bộ máy, có thể bố trí trưởng các đoàn thể chính trị - xã hội kiêm Phó Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Đảng ủy, Phó Ban Tuyên giáo Đảng ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ; phó đoàn thể này kiêm nhiệm phó đoàn thể khác; Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ kiêm Chủ tịch Hội Người cao tuổi...Đối với thôn, khu dân cư, nên bố trí Bí thư Chi bộ kiêm trưởng ban công tác mặt trận thôn; Trưởng thôn kiêm Thôn đội trưởng; Phó Bí thư Chi bộ kiêm trưởng các chi hội đoàn thể...
Cùng với việc bố trí cán bộ kiêm nhiệm, nên sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hoạt động của các tổ chức; giải quyết, khắc phục những hạn chế của mô hình thôn có nhiều chi bộ, thôn đông dân chưa được chia tách hợp lý. Với việc thành lập ngày càng nhiều các tổ chức hội, cần tuyên truyền, vận động để các tổ chức hội xác định rõ mục đích lập hội của mình, hoạt động trên tinh thần tự nguyện, không đòi hỏi ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động. MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội, các tổ chức xã hội đặc thù cần đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, tránh “hành chính hóa” hoạt động các đoàn thể.
Hoài Anh - Thanh Mai