Nâng cao tính định hướng, tính dẫn không chỉ là yêu cầu của Tạp chí Xây dựng Đảng mà còn đối với báo chí của Đảng ở Trung ương

Nếu tôi nhớ không nhầm thì cách đây gần 7 năm, vào tháng 6-2003, Ban Biên tập Tạp chí Xây dựng Đảng đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Nâng cao tính hấp dẫn trên Tạp chí Xây dựng Đảng”. Cuộc Hội thảo đã thu hút được đông đảo các nhà lãnh đạo, quản lý, nhà khoa học, nhà báo... tham gia rất sôi nổi với nhiều đánh giá, nhận xét, đề xuất, kiến nghị rất bổ ích đối với các lĩnh vực xây dựng Đảng, được hiểu theo nghĩa rộng, tức là: Tư tưởng, lý luận, tổ chức, kiểm tra, dân vận, đối ngoại, văn phòng cấp ủy... Do đó, có thể nói những ý kiến đóng góp cho Tạp chí Xây dựng Đảng không chỉ là yêu cầu cần thiết hiện nay của Tạp chí Xây dựng Đảng mà còn đối với các báo chí của Đảng ở Trung ương. Từ cuộc Hội thảo năm 2003 đến nay, chắc chắn Ban Biên tập Tạp chí Xây dựng Đảng cũng đã tiếp thu, vận dụng làm cho Tạp chí ngày càng hấp dẫn hơn, thể hiện ở lượng xuất bản ngày càng tăng.

Lần này, Tạp chí Xây dựng Đảng tổ chức Hội thảo với chủ đề “Nâng cao tính định hướng, tính hấp dẫn trên Tạp chí Xây dựng Đảng”. Nội dung Hội thảo lần này có điểm giống với nội dung của Hội thảo lần trước, chỉ có điểm khác là lần này có thêm nội dung “nâng cao tính định hướng”. Ở đây có câu hỏi đặt ra là: hiện nay tính định hướng của Tạp chí Xây dựng Đảng chưa cao hoặc đã cao rồi nhưng yêu cầu còn phải cao nữa? Tính hấp dẫn của Tạp chí Xây dựng Đảng cũng chưa cao, hoặc đã cao rồi cần tiếp tục cao nữa? Có lẽ đó cũng là quy luật của cuộc sống, luôn luôn yêu cầu cao hơn so với thực tại.

Nhân đây, xin nêu ra một vài suy nghĩ xuất phát từ trăn trở, băn khoăn của bản thân trong quá trình mấy chục năm làm báo chí của Đảng.

Thế nào là định hướng và nâng cao tính định hướng của Tạp chí? Tôi hiểu tính định hướng ở đây là định hướng tư tưởng chính trị với nền tảng là Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, các quan điểm, đường lối, nghị quyết của Đảng, trong đó có những nội dung liên quan đến công tác xây dựng đảng. Với tư cách là một bạn đọc thường xuyên các tạp chí của cơ quan Trung ương Đảng, nếu được so sánh và lựa chọn sự ưu tiên một trong hai “tính định hướng” và “tính hấp dẫn”, tính nào cần quan tâm, yêu cầu cấp thiết hơn trong tình hình cạnh tranh gay gắt của các phương tiện thông tin đại chúng hiện nay, thì tôi sẽ chọn “tính hấp dẫn”. Có hấp dẫn thì dần dần mới lôi cuốn nhiều người đọc và có đọc thì mới biết định hướng của tạp chí đúng hay sai, cao hay thấp? Hiện nay, với cơ chế bao cấp, tổ chức bỏ tiền ra mua báo chí cấp không cho cán bộ, đảng viên, rất ít người bỏ tiền túi ra mua, hơn nữa các ban biên tập cũng ít có những cuộc khảo sát, điều tra, tìm hiểu thông tin về việc sử dụng báo chí được cấp phát ra sao, thì khó có căn cứ để đánh giá tính định hướng của một tờ báo, tạp chí nào đó cao hay thấp, hấp dẫn nhiều hay ít. Tất nhiên, đối với các tạp chí lý luận-chính trị, hấp dẫn chính là ở nội dung của vấn đề và cách trình bày, thể hiện nội dung đó, hoàn toàn không phải chỉ dựa vào hình thức tạp chí.

Có rất nhiều chủ trương, đường lối, nghị quyết, chỉ thị của Đảng cần được tuyên truyền, phổ biến, định hướng trên các báo chí của Đảng. Có những chủ trương mang tính chiến lược lâu dài, có những nghị quyết, chỉ thị cho một giai đoạn, thời kỳ. Có những nghị quyết cho một ngành, lĩnh vực, địa phương, tổ chức hay đối tượng cụ thể v.v. Nhưng nói chung, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng khi đang còn giá trị thực hiện cũng không phải là cái gì nhất thành bất biến mà luôn được bổ sung, điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp với cuộc sống. Nhiều khi chủ trương, đường lối đi sau cuộc sống, được rút ra từ cuộc sống. Do đó, đối với báo chí, một trong những đặc trưng của định hướng trong báo chí là luôn luôn mở. Đảng có thể thông qua kênh quan trọng này để bổ sung, điều chỉnh, sửa đổi chủ trương, đường lối lãnh đạo của mình.

Trên thực tế, việc nâng cao tính định hướng của báo chí nói chung và tạp chí các cơ quan đảng ở Trung ương nói riêng, hiện nay, còn được quan niệm khác nhau, hiểu khác nhau, lãnh đạo, chỉ đạo cũng khác nhau nên chưa có một định nghĩa, một chuẩn mực thống nhất, đương nhiên ấn phẩm cũng được thể hiện khác nhau. Vì chưa có một quy định nhất quán thế nào là đúng định hướng, là không đúng định hướng, bắt bẻ thế nào là định hướng “thấp” cho nên cũng chưa có căn cứ mà khen, chê. Trong thực tế, còn có quan niệm “định hướng rộng” và “định hướng hẹp”. Định hướng rộng trong các bài viết được hiểu là chỉ cần làm sao quán triệt, thể hiện được “cái thần”, cốt lõi của đường lối, chỉ thị, nghị quyết, quy định của Đảng về một vấn đề gì đó, với đối tượng nào đó, không nhất thiết phải bám sát, trích từng câu, từng chữ, từng dấu chấm, dấu phảy của văn bản. Cũng có người quan niệm định hướng rộng theo hướng rộng rãi hơn, phóng khoáng hơn với ý nghĩa bài viết không đi ngược lại đường lối, nghị quyết, chỉ thị, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước là được, miễn là tác phẩm chỉ ra hướng đi để đến đích, còn có thể đi bằng cách nào, bằng phương tiện gì thì tùy từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể mà vận dụng, phát huy tính năng động, sáng tạo của người tham gia hành trình.

Định hướng hẹp, được nhiều người hiểu rằng bài viết cần bám sát văn bản, câu chữ cụ thể, nhiều khi cần phải trích nguyên văn từng câu, từng chữ, từng dấu chấm, dấu phảy để phân tích, chuyển tải nội dung đến với người đọc. Điều này ví việc chỉ dẫn người đi đến một đích nào đó phải nhất thiết đi theo đường nào, chỉ rõ chỗ nào đường tốt, chỗ nào đường xấu, chỗ nào có “cua”, chỗ nào hay xảy ra tai nạn v.v. Có người còn ví “định hướng hẹp” kiểu đó như thể hình thức “cầm tay chỉ việc”, chọn sẵn “thức ăn” cho người khác.

Trong thực tế công tác xây dựng đảng, vì nhiều nguyên nhân, quá trình đưa đường lối, nghị quyết của Đảng vào cuộc sống lại có tình trạng mâu thuẫn trong xử lý mối quan hệ giữa “định hướng rộng” và “định hướng hẹp”. Chẳng hạn, đường lối, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước về một lĩnh vực, vấn đề gì đó rõ ràng là “định hướng rộng”, thế nhưng khi được thể chế hoá bằng các văn bản như quy chế, quy định, nghị định, thông tư, hướng dẫn cụ thể thì nhiều khi trở nên chật chội, gò bó, làm mất đi sự cởi mở, thông thoáng, hạn chế khả năng sáng tạo của cuộc sống.

Đối tượng bạn đọc của Tạp chí Xây dựng Đảng nói riêng và báo chí của Đảng nói chung, đa số là các cán bộ, đảng viên, quần chúng công tác trong các cơ quan, các ban của Đảng, cấp ủy viên ở cơ sở, các cán bộ nghiên cứu, giảng dạy ở các nhà trường khác nhau trong hệ thống chính trị. Bằng nhiều “kênh” thông tin khác nhau, có những nội dung mang tính định hướng như quan điểm, đường lối, nguyên tắc, quy định của Đảng, Nhà nước bắt buộc các cán bộ, đảng viên phải biết, phải thuộc, phải nhớ để vận dụng, xử lý trong công tác hằng ngày. Vả lại, bạn đọc các tạp chí của Đảng ở Trung ương hầu hết là đảng viên, do đó họ thường xuyên được nghiên cứu, quán triệt, giáo dục, nâng cao trình độ lý luận chính trị, đường lối, quan điểm, nghị quyết của Đảng liên quan đến các lĩnh vực của đời sống xã hội, đồng thời còn nhiều yếu tố ràng buộc khác, cho nên không lo cán bộ, đảng viên “mất” hoặc không có bản lĩnh và trình độ để nhận biết một bài báo thế nào là đúng định hướng, thế nào là sai định hướng.

Do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có cơ chế, cách thức quản lý, chỉ đạo và quan niệm còn chưa rõ ràng về tính định hướng của báo chí, từ lâu xuất hiện một xu hướng ở một số báo chí là hiểu một cách máy móc, cứng nhắc về tính định hướng chính trị trong quá trình thể hiện bài viết trên báo chí. Không ít cán bộ, biên tập viên, người quản lý, lãnh đạo báo chí có tư tưởng, suy nghĩ rằng tờ báo, tạp chí nào càng đăng tải nhiều những chỉ thị, nghị quyết của Đảng liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chủ quản báo chí, đăng nhiều bài phát biểu, ảnh của lãnh đạo thì có nghĩa là báo chí đó có tính định hướng hơn các báo chí khác. Việc nặng về đăng lại những chỉ thị, nghị quyết, bài phát biểu của lãnh đạo thật ra vô hình trung đã biến tờ tạp chí thành một tờ công báo, làm cho tạp chí thêm nặng nề, khô cứng, ít thông tin, thông tin kém hấp dẫn, đồng thời lại lãng phí giấy mực không cần thiết. Trong khi đó, những văn bản này được phổ biến, chuyển tải bằng nhiều kênh khác nhau đến với bạn đọc nhanh hơn bằng con đường tạp chí nhiều.

Một điểm đáng lưu ý là, Tạp chí Xây dựng Đảng nói riêng, các tạp chí của các ban Đảng ở Trung ương nói chung, rất ít khi, nếu không muốn nói là hầu như không bị các cơ quan chủ quản, cơ quan quản lý báo chí “tuýt còi” vì số tạp chí nào đó không đúng định hướng hay định hướng còn “thấp”. Do đó, phải chăng, Tạp chí Xây dựng Đảng nói riêng và các tạp chí của Đảng ở Trung ương nói chung do “sợ” xa rời tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ mà còn gò bó, khuôn cứng, công thức trong quan niệm cũng như trong thể hiện về tính định hướng, chưa thật sự “mở”, tạo điều kiện để bạn đọc có ý kiến tranh luận, trao đổi thẳng thắn nhiều vấn đề trong công tác xây dựng đảng đặt ra. Không ít cán bộ lãnh đạo, quản lý của cơ quan chủ quản báo chí, ban biên tập, biên tập viên, phóng viên sợ bài viết không đúng định hướng hoặc định hướng còn xa, còn thấp, cho nên nhiều khi tác phẩm báo chí bị gò bó, khuôn sáo theo một khuôn mẫu không cần thiết, làm mất đi bản sắc của tác giả.

Điều rất cần làm rõ, phân biệt một cách tương đối giữa định hướng trên báo chí với định hướng trên các kênh lãnh đạo khác. Báo chí có chức năng, nhiệm vụ đặc thù của nó, ngoài chức năng là cơ quan phát ngôn, thông tin, tuyên truyền của Đảng, một ban đảng hay cấp ủy đảng, nó còn là diễn đàn, phản ánh, đăng tải tiếng nói, ý tưởng, ý kiến của cán bộ, đảng viên và nhân dân nhằm góp phần xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, đủ sức và xứng đáng là người lãnh đạo giai cấp, đất nước, dân tộc. Do đó, làm sao cho báo chí vừa giữ được định hướng chính trị, vừa phát huy được trí tuệ, sáng kiến của đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân là một điều rất khó nhưng không thể không thực hiện. Để làm tốt điều này, theo tôi, nên chăng phải có sự tác động đồng bộ của các nhân tố có tính quyết định sau đây:

Thứ nhất, Đảng cần tiếp tục đổi mới, mở rộng, phát huy dân chủ hơn nữa nhằm không ngừng phát huy trí tuệ, sáng kiến của toàn Đảng, toàn dân, đóng góp xây dựng Đảng. Thật sự cầu thị, có cơ chế lãnh đạo, quản lý báo chí để làm sao cho các cơ quan này vừa tuyên truyền đúng định hướng lại vừa tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan báo chí phát huy cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, tính năng động, sáng tạo của mình trong quá trình tác nghiệp, là nơi thu hút, tập hợp được đông đảo người đọc tham gia ý kiến, kinh nghiệm trong công tác xây dựng đảng.

Thứ hai, lãnh đạo các cơ quan chủ quản báo chí của Đảng ở Trung ương cần có sự nhất quán trong lãnh đạo, quản lý báo chí, am hiểu sâu sắc chức năng, nhiệm vụ, đặc thù của báo chí. Hiện nay, hình như chưa có một quy định, cơ chế thống nhất, cụ thể về của các cơ quan chủ quản và lãnh đạo các cơ quan chủ quản trong lĩnh vực báo chí. Do đó, mỗi nơi chỉ đạo xây dựng quy chế, quy định quản lý một kiểu. Cán bộ lãnh đạo trực tiếp được phân công thay mặt cơ quan chủ quản phụ trách, lãnh đạo báo chí cần những tiêu chuẩn gì, am hiểu gì về báo chí và công tác quản lý báo chí? Vì không hiểu rõ đối tượng mình quản lý cho nên trên thực tế xảy ra hai xu hướng: Một là, buông lỏng lãnh đạo, quản lý, thiếu định hướng trong công tác tuyên truyền, thậm chí “khoán trắng” mọi việc cho cơ quan báo chí; Hai là, lãnh đạo, quản lý một cách khắt khe theo kiểu “cầm tay chỉ việc”, hạn chế khả năng sáng tạo, tự chủ của Ban Biên tập, tòa soạn. Việc bổ nhiệm lãnh đạo, điều động cán bộ, lấy người về công tác tại các cơ quan báo chí đôi khi cũng tùy tiện, không tuân thủ Luật Báo chí và những quy định của Đảng về công tác này, nhất là khi cán bộ lãnh đạo chủ chốt trong cơ quan báo chí lại chưa trải qua quá trình lãnh đạo báo chí, chưa phải hội viên Hội Nhà báo, chưa được cấp thẻ nhà báo... gây nhiều khó khăn, lúng túng cho cán bộ, thậm chí nảy sinh mâu thuẫn nội bộ kéo dài.

Thứ ba, Ban Biên tập, nhất là Tổng biên tập và đội ngũ những người làm báo trong tòa soạn phải có bản lĩnh, phẩm chất, năng lực lãnh đạo, quản lý báo chí và phải có tay nghề. Báo chí là một nghề. Muốn báo chí vừa đúng định hướng, vừa phát huy năng lực, trí tuệ của đội ngũ cộng tác viên, của đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng thì báo chí cần nắm vững định hướng tuyên truyền, đồng thời bám sát cuộc sống, phản ánh những vấn đề bức xúc trong công tác xây dựng đảng để phản hồi với Đảng. Các chuyên mục cần phong phú, luôn đổi mới nhằm phản ánh được đa dạng tiếng nói, nhiều chiều ý kiến trong công tác xây dựng đảng. Việc báo chí tổ chức các cuộc hội thảo chuyên đề về các lĩnh vực xây dựng Đảng là cần thiết và bổ ích.

Thứ tư, xây dựng được đội ngũ đông đảo cộng tác viên có chất lượng. Sự thành công, đem lại hiệu quả trong định hướng cũng như làm cho báo chí ngày càng hấp dẫn thì một nhân tố góp phần quan trọng là đội ngũ cộng tác viên. Lãnh đạo báo chí giỏi có nghĩa là xây dựng, huy động được nhiều cộng tác viên, những chuyên gia trong công tác xây dựng đảng, những nhà báo có quyền uy. Sự định hướng, gợi ý, trao đổi định kỳ và liên hệ thường xuyên, có cơ chế động viên, khích lệ với các cộng tác viên là việc có vẻ như xưa cũ nhưng không phải báo chí nào cũng làm tốt. Tạo ra sự đa dạng, phong phú về cộng tác viên với nhiều trình độ, lứa tuổi, lĩnh vực hoạt động khác nhau, tham gia vào nhiều thể loại, chuyên mục khác nhau, với tiếng nói nhiều chiều là yếu tố làm nên tính đa dạng, phong phú và hấp dẫn của báo chí về công tác xây dựng đảng.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất