Nhân dịp Tết đến, Xuân về, phóng viên (PV) Tạp chí Xây dựng Đảng có dịp phỏng vấn đồng chí Nguyễn Ngọc Lâm, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương (ảnh) xoay quanh vấn đề nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.
PV: Hội nghị Trung ương 6 (khoá X) đã ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 2-2-2008 về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Xin Đồng chí đánh giá những ưu điểm nổi trội trong việc thực hiện Nghị quyết?
TCCSĐ là nền tảng của Đảng, là cầu nối giữa Đảng với dân, có vị trí rất quan trọng trong hệ thống tổ chức của Đảng. Do đó, Nghị quyết được các cấp ủy và tổ chức đảng triển khai thực hiện khẩn trương, nghiêm túc và tương đối đồng bộ gắn với việc xây dựng các đề án, kế hoạch, chương trình hành động. Nhiều cấp ủy đảng đã sáng tạo, vận dụng linh hoạt với tình hình thực tiễn của địa phương; một số nơi có những cách làm mới đem lại kết quả cụ thể, vừa bảo đảm những quy định chung, vừa phù hợp với đặc thù từng nơi.
Trong quá trình thực hiện Nghị quyết, các cấp ủy đảng đã kết hợp với việc triển khai thực hiện các nghị quyết, quy định, kết luận khác của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; với việc tổ chức các phong trào thi đua lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn của Đảng và dân tộc; với thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và công tác chuẩn bị, tiến hành đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XI của Đảng, đã tạo sự chuyển biến tiến bộ cụ thể trên các mặt: sắp xếp mô hình tổ chức trong các loại hình TCCSĐ; đào tạo, bồi dưỡng cấp ủy và cán bộ cơ sở; đưa sinh viên tốt nghiệp về xã, phường, thị trấn; công tác xây dựng tổ chức đảng, kết nạp đảng viên trong doanh nghiệp ngoài nhà nước; tạo nền nếp sinh hoạt chi bộ... Đặc biệt, thực hiện thí điểm chủ trương đại hội đảng bộ cơ sở trực tiếp bầu ban thường vụ, bí thư, phó bí thư; bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND ở cấp xã và thí điểm giao một số quyền cấp trên cơ sở cho đảng ủy cơ sở mà cấp trên trực tiếp không phải là tỉnh uỷ, thành uỷ, đảng ủy trực thuộc Trung ương là những nét mới, tích cực, đem lại kết quả và kinh nghiệm bước đầu.
Những chuyển biến tiến bộ và kết quả đạt được qua thực hiện Nghị quyết đã góp phần củng cố, nâng cao một bước năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Qua sắp xếp, hoàn thiện mô hình tổ chức đảng ở các cấp, tính đến 30-6-2011, toàn Đảng có 56.675 TCCSĐ. Kết quả đánh giá chất lượng TCCSĐ 3 năm (2008-2010) cho thấy: Tỉ lệ TCCSĐ đạt TSVM các năm 2008, 2009, 2010 tương ứng là 71,8%, 75,8%, 68,9%; tỉ lệ TCCSĐ yếu kém giảm: 1,1%; 0,6% và 0,4%. Tỉ lệ đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ 71,7%, 72,4%, 75,1%; tỉ lệ đảng viên vi phạm tư cách giảm: 0,7%, 0,6% và 0,4%.
Công tác phát triển đảng viên được các cấp ủy quan tâm chỉ đạo và đạt được một số kết quả tích cực, nhất là đối với những nơi có ít hoặc chưa có đảng viên. Từ năm 2008 đến hết tháng 6-2011, toàn Đảng kết nạp được 611.663 đảng viên, bình quân mỗi năm kết nạp 174.760 đảng viên, nâng tổng số đảng viên toàn Đảng lên 3.792.383. Trong số đảng viên kết nạp, tỉ lệ là đoàn viên, thanh niên tăng từ 66,6% năm 2008 lên 67,8% năm 2010. Đảng viên là công nhân tăng từ 13.454 năm 2008 lên 15.221 năm 2010. Số có trình độ đại học và cao đẳng trở lên tăng từ 69.687 năm 2008 lên 74.730 đồng chí năm 2010. Một số cấp ủy đã chỉ đạo và thực hiện thí điểm việc kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng, đem lại một số kết quả và kinh nghiệm bước đầu: Hải Phòng kết nạp được 26 đảng viên, Lào Cai 15, Bà Rịa - Vũng Tàu 13, Ninh Bình 8, Thanh Hóa 8. Kết quả công tác phát triển đảng viên đã góp phần tích cực trong việc thu hẹp số thôn, làng, ấp, bản chưa có tổ chức đảng, chưa có đảng viên. Năm 2008, cả nước còn 8.948 thôn, bản chưa có chi bộ và 1.210 thôn, bản chưa có đảng viên thì đến 30-6-2011, còn 3.818 thôn, bản chưa có chi bộ (giảm 5.130) và 724 thôn, bản chưa có đảng viên (giảm gần 500). Nhiều tỉnh miền núi, biên giới không còn thôn, bản chưa có chi bộ như Tuyên Quang, Bình Định, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Tây Ninh, Cà Mau…
PV: Vậy còn hạn chế, khuyết điểm trong thực hiện Nghị quyết thưa Đồng chí?
Việc xây dựng kế hoạch, chương trình hành động và các đề án thực hiện Nghị quyết của một số cấp ủy còn thiếu cụ thể, chưa sát với tình hình, nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị. Trong quá trình tổ chức thực hiện, một số cấp ủy chỉ đạo chưa chặt chẽ, thiếu thường xuyên, toàn diện. Do đó, sự chuyển biến tiến bộ và kết quả thực hiện Nghị quyết chưa đều giữa các vùng, các địa phương và các loại hình TCCSĐ.
Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức cán bộ ở nhiều nơi còn xem nhẹ, giản đơn, một chiều. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cấp ủy viên và đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở chưa chú trọng bồi dưỡng theo chức danh và kinh nghiệm xử lý tình huống. Việc thực hiện trẻ hoá cán bộ và nâng cao trình độ, kiến thức cho đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở xã, phường, thị trấn còn gặp nhiều khó khăn và không ít nơi còn biểu hiện chạy theo bằng cấp để chuẩn hoá cán bộ. Nhìn chung, nhận thức, sự vận dụng, cụ thể hoá và tổ chức thực hiện đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước của nhiều cấp ủy cơ sở còn hạn chế.
Việc xây dựng và hoàn thiện mô hình tổ chức đảng ở cơ sở và cấp trên trực tiếp cơ sở chưa được nghiên cứu một cách hệ thống và còn vướng mắc. Xây dựng, phát triển tổ chức đảng, các đoàn thể nhân dân trong doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài còn chậm và kết quả hạn chế. Nhiều tổ chức đảng, đoàn thể nhân dân lúng túng về nội dung và phương thức hoạt động. Kỹ năng lãnh đạo giải quyết tình huống ở cơ sở còn hạn chế. Một số TCCSĐ chưa thực hiện đúng, đầy đủ chức năng, nhiệm vụ theo quy định, chưa thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ. Tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng còn yếu. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức và lối sống; hoài nghi, dao động trước những diễn biến phức tạp ở trong nước và trên thế giới; nói không đi đôi với làm; thờ ơ, vô cảm trước những biểu hiện tiêu cực trong Đảng và ngoài xã hội; một số cán bộ, đảng viên vi phạm Điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng.
Việc đánh giá chất lượng TCCSĐ và đảng viên ở nhiều nơi còn chạy theo thành tích; công tác kiểm tra, thẩm định của cấp ủy cấp trên chưa chặt chẽ, còn dễ dãi, nể nang, chiếu cố để động viên cơ sở. Nhiều TCCSĐ chưa chú trọng đúng mức chất lượng kết nạp đảng viên, còn chạy theo số lượng, chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Ngược lại, có nơi nhiều năm không kết nạp được đảng viên. Số đảng viên được kết nạp là sinh viên, quần chúng ưu tú trên địa bàn dân cư và là công nhân, lao động trong các thành phần kinh tế còn ít. Việc thực hiện thí điểm kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng còn hạn chế.
PV: Theo Đồng chí, đâu là nguyên nhân?
Trong quá trình đổi mới, thực hiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế nhiều vấn đề mới nảy sinh. Cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu từ năm 2008 đến nay đã tác động tiêu cực đến công tác xây dựng đảng nói chung, xây dựng TCCSĐ và đội ngũ cán bộ, đảng viên nói riêng.
Việc nghiên cứu, ban hành một số quy định, hướng dẫn cụ thể hoá thực hiện Nghị quyết của các cơ quan trung ương còn chậm. Một số quy định, hướng dẫn chưa thật phù hợp, quá trình thực hiện còn vướng mắc. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của cấp trên đối với cơ sở chưa chặt chẽ, thiếu thường xuyên, sâu sát.
Một số vụ việc tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, vi phạm khuyết điểm của cán bộ, đảng viên ở các cấp chưa được xử lý nghiêm minh, kịp thời đã ảnh hưởng và tác động không nhỏ đến tư tưởng, giảm sút niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân với Đảng, Nhà nước.
PV: Vậy những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở hiện nay là gì, thưa đồng chí?
Hiện nay, đảng ủy bộ phận chỉ là cấp trung gian, không lãnh đạo nhiệm vụ chính trị và không quyết định các vấn đề về tổ chức, cán bộ nên nhiều chi bộ có đông đảng viên nhưng không muốn thành lập đảng bộ bộ phận, dẫn đến khó khăn trong tổ chức sinh hoạt chi bộ và công tác quản lý, phân công công tác cho đảng viên.
Tình trạng đảng bộ cơ sở trực thuộc đảng ủy cơ sở đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều, nhất là ở các bộ, ngành và các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Một số đơn vị cơ sở, tổ chức đảng chưa đồng bộ, thống nhất với các tổ chức chính quyền và tổ chức chính trị - xã hội; một số loại hình tổ chức đảng mới ra đời (đảng bộ, chi bộ cơ sở khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp) nhưng chưa có quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ.
Do chưa có quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đảng ủy cấp trên cơ sở trong các cơ quan hành chính nhà nước và chế độ, chính sách đối với cán bộ chuyên trách công tác đảng ở các bộ, ngành nên việc vận dụng khác nhau.
Số lượng đảng viên ở các đảng bộ xã, phường, thị trấn ngày càng đông nhưng không có cán bộ chuyên trách làm công tác văn phòng đảng ủy nên công tác xây dựng đảng nói chung, công tác đảng vụ ở cơ sở gặp khó khăn. Do chưa có hướng dẫn cụ thể về thực hiện biên chế đối với các đơn vị có cán bộ luân chuyển, tăng cường về cơ sở gặp khó khăn (luân chuyển, tăng cường cán bộ ở huyện, quận về xã, phường, thị trấn nhưng cán bộ đó vẫn trong biên chế của huyện, quận nên huyện, quận không bổ sung được cán bộ do không còn biên chế).
Do chưa có hướng dẫn cụ thể về chính sách thu hút sinh viên tốt nghiệp đại học về công tác ở cơ sở nên khó thực hiện, nhất là đối với những tỉnh nguồn thu ngân sách ít. Mặt khác, do chưa có chính sách để giải quyết những cán bộ, công chức cơ sở tuổi cao, trình độ năng lực hạn chế chưa đủ tuổi hoặc chưa đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội để nghỉ hưu nên không có điều kiện tiếp nhận cán bộ trẻ, có trình độ đại học về cơ sở.
Việc điều động những cán bộ trẻ, có khả năng phát triển từ cán bộ chuyên trách hoặc công chức cơ sở sang làm công tác đảng có nhiều khó khăn, cán bộ tâm tư (nếu chuyển đồng chí bí thư đoàn sang làm văn phòng đảng ủy hoặc làm phó ban tổ chức, phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra thì đồng chí đó từ cán bộ chuyên trách thành cán bộ không chuyên trách).
PV: Để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW, theo Đồng chí các cấp ủy đảng cần chỉ đạo như thế nào?
Tiếp tục cụ thể hoá việc thực hiện Nghị quyết gắn với đẩy mạnh việc học tập tư tưởng và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) về một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay.
Các ban, cơ quan đảng có liên quan ở Trung ương và các cấp ủy trực thuộc Trung ương đánh giá việc triển khai thực hiện nghị quyết, đồng thời tập trung, nghiên cứu, giải quyết những khó khăn, vướng mắc nêu trên.
Tiếp tục chỉ đạo xây dựng, kiện toàn, sắp xếp tổ chức đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở cho đồng bộ, thống nhất. Các cấp ủy cấp trên cơ sở tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc xây dựng và thực hiện quy chế hoạt động của các loại hình TCCSĐ theo đúng quy định của Trung ương.
Tập trung xây dựng, củng cố, phát triển tổ chức đảng và đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước theo Kết luận số 80-KL/TW ngày 29-7-2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá X), nhất là đối với những doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn, có vị trí quan trọng và có đông công nhân.
Đẩy mạnh công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở; tích cực trẻ hoá đội ngũ cán bộ, coi trọng việc bồi dưỡng cán bộ theo chức danh và kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách đảng và cấp ủy viên cơ sở. Làm tốt công tác tạo nguồn kết nạp đảng viên; đẩy mạnh kết nạp đảng viên là sinh viên các trường cao đẳng, đại học, trung cấp chuyên nghiệp, là công nhân lao động trong các thành phần kinh tế và địa bàn dân cư. Nâng chất lượng các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ công tác đảng cho đội ngũ cấp ủy viên cơ sở, bí thư chi bộ và cán bộ chuyên trách công tác xây dựng đảng ở các cấp.
Chỉ đạo chặt chẽ việc đánh giá chất lượng TCCSĐ và đảng viên cuối năm, khắc phục bệnh thành tích, bảo đảm phản ánh đúng chất lượng của TCCSĐ và đội ngũ đảng viên. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Phát hiện xử lý kỷ luật kịp thời, nghiêm minh đối với các tổ chức đảng và đảng viên vi phạm, kiên quyết đưa ra khỏi Đảng những người không đủ tư cách đảng viên. Có giải pháp phù hợp để quản lý chặt chẽ số đảng viên thường xuyên đi làm ở xa nơi cư trú và số đi lao động ở nước ngoài.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Đồng chí. Chúc Đồng chí và Ngành Tổ chức xây dựng Đảng đạt nhiều kết quả hơn nữa trong năm 2012, góp phần tiếp tục xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Nguyễn Ngọc Lâm
Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương