Nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên ở Long An
Đảng ủy xã An Phước (Long Thành, Long An) họp bàn sơ kết 4 năm thực hiện Nghị quyết TW4 (khóa X).
Thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên”, Tỉnh ủy Long An có Kết luận số 175-KL/TU bổ sung một số nội dung nhằm cụ thể hoá nghị quyết. Long An đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nên chất lượng hoạt động của các loại hình TCCSĐ và hệ thống chính trị ở cơ sở có sự chuyển biến tích cực. Nhiều chi bộ, đảng bộ cơ sở giữ vững và phát huy được vai trò hạt nhân chính trị, lãnh đạo nhân dân thực hiện có hiệu quả đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Đặc biệt là hoạt động của các đảng bộ xã, phường, thị trấn có những chuyển biến tích cực, thể hiện rõ vai trò lãnh đạo toàn diện, có sự đổi mới về phương thức lãnh đạo, phong cách và lề lối làm việc. Nhiều cấp ủy cơ sở và cán bộ, đảng viên đã được rèn luyện, trưởng thành qua thực tiễn, gương mẫu, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Căn cứ vào chủ trương, nghị quyết cấp trên, cấp ủy cơ sở đã kịp thời xây dựng nghị quyết, chương trình, kế hoạch có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng những vấn đề bức xúc, có tính khả thi, phù hợp với từng địa phương, đơn vị.

Coi trọng xây dựng, bổ sung, hoàn thiện quy chế làm việc của cấp ủy cơ sở (về chức năng, nhiệm vụ; chế độ hội họp, công tác, thông tin, báo cáo, kiểm tra…) và mối quan hệ giữa cấp ủy với các tổ chức có liên quan như HĐND, UBND, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Tạo điều kiện thuận lợi để mặt trận, các đoàn thể phát huy tinh thần sáng tạo, hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ, đóng góp  tích cực vào công tác xây dựng đảng, chính quyền.

Các cấp ủy trực thuộc tỉnh ủy tập trung củng cố, kiện toàn TCCSĐ, xây dựng nghị quyết về nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng, lập tổ công tác trực tiếp kiểm tra, giúp cơ sở khó khăn, yếu kém. Các cấp ủy cơ sở đảng thực hiện nghiêm túc, nền nếp chế độ sinh hoạt định kỳ hằng tháng. Chất lượng sinh hoạt đảng nâng lên rõ rệt. Nội dung sinh hoạt chi bộ tập trung kiểm điểm những vấn đề trọng tâm, cụ thể, thiết thực những việc của tháng trước, giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc xảy ra.

Đánh giá chất lượng TCCSĐ chặt chẽ từ nội dung, biện pháp và thời gian. Năm 2009, số TCCSĐ đạt trong sạch, vững mạnh là 73,94%; yếu kém là 2,24%. Năm 2010, số liệu tương ứng là 77,82% và 0,80%.

Phân công nhiệm vụ cho đảng viên chặt chẽ, phù hợp hơn. Đảng viên đương chức được phân công theo chức trách, nhiệm vụ và tham gia sinh hoạt các đoàn thể nơi công tác. Đảng viên hưu trí được phân công thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ sở, theo từng thời điểm, địa bàn dân cư, phù hợp với sức khoẻ, tuổi đời của đảng viên. Hằng tháng, có 5 đảng viên báo cáo việc thực hiện công việc trước chi bộ thông qua sổ rèn luyện đảng viên.

Công tác đánh giá chất lượng đảng viên qua các năm đi vào thực chất hơn: đảng viên đủ tư cách, hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2008: 73,61%, 2009: 77,46%, 2010: 79,2%; trong đó, đảng viên đủ tư cách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2008: 17,09%, 2009: 17,49%, 2010: 17,23%. Đảng viên đủ tư cách, hoàn thành nhiệm vụ năm 2008: 16,6%, 2009: 7,91%, 2010: 5,91%. Đảng viên vi phạm tư cách năm 2008: 1,15%, 2009: 1,09%, 2010: 1,25%.

Công tác kết nạp đảng viên đạt kết quả cao, do được các cấp ủy quan tâm chỉ đạo, có chương trình, kế hoạch cụ thể, giao chỉ tiêu cho cơ sở hằng năm. Từ năm 2008 đến tháng 7-2011, đã kết nạp được 6.420 đảng viên; trong đó, đoàn viên TNCS Hồ Chí Minh là 4.261, chiếm tỷ lệ 66,37%, đảng viên nữ là 2.673, chiếm 41,63%, nâng tổng số đảng viên toàn đảng bộ tỉnh lên 31.629 người. Nhìn chung, các cấp ủy đã coi trọng việc tạo nguồn, quan tâm đến lực lượng đoàn viên thanh niên, nữ, giáo viên; đồng thời, chú trọng tiêu chuẩn chính trị theo Quy định 57-QĐ/TW của Bộ Chính trị.

Thực hiện Quy định 76-QĐ/TW của Bộ Chính trị, việc phối hợp giữa cấp ủy quản lý đảng viên với cấp ủy nơi cư trú khá tốt. Khâu giới thiệu đảng viên sinh hoạt  và nhận xét, đánh giá đảng viên của cấp ủy nơi cư trú được thực hiện ngày càng chặt chẽ hơn.

Hạn chế

Việc xây dựng nghị quyết của một số TCCSĐ chưa sát thực tế, chưa tập trung vào những vấn đề trọng tâm, bức xúc của cơ sở. Tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết ở địa bàn dân cư chưa sâu. Năng lực lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của một ít TCCSĐ cấp xã trên một số lĩnh vực về kinh tế - xã hội còn hạn chế.

Một số cấp ủy, đảng bộ, chi bộ, nhất là chi bộ ấp, khu phố có nội dung sinh hoạt chưa sâu, chất lượng còn thấp; địa điểm sinh hoạt không ổn định, thường sinh hoạt ở nhà của đảng viên. Công tác quản lý đảng viên thiếu chặt chẽ, một số đảng viên xa rời quần chúng, hạn chế về năng lực lãnh đạo.

Năng lực vận dụng, cụ thể hoá đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở một số TCCSĐ chưa đạt yêu cầu, chưa giải quyết tốt những vấn đề phức tạp nảy sinh ở địa bàn dân cư. Từ năm 2008 đến tháng 6-2011, có 24 TCCSĐ vi phạm phải xử lý kỷ luật; trong đó, hình thức khiển trách: 15, cảnh cáo: 9; đối tượng vi phạm có cả đảng ủy, ban thường vụ, chi ủy và chi bộ.

Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, phẩm chất đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên ở một số nơi thực hiện chưa tốt. Một bộ phận cán bộ, đảng viên thoái hoá, biến chất về đạo đức, lối sống, giảm sức chiến đấu; tinh thần tự phê bình và phê bình ở nhiều nơi còn hạn chế, còn tình trạng nể nang, ngại đụng chạm.

Việc đánh giá chất lượng TCCSĐ và đảng viên ở một số TCCSĐ chưa thật sát đúng. Công tác kết nạp đảng viên chưa chú trọng vào các nguồn là công nhân, người lao động sản xuất, kinh doanh giỏi, các nhân tố tích cực, nòng cốt trong các phong trào của mặt trận, các đoàn thể.

Phương thức lãnh đạo của một số TCCSĐ chậm đổi mới và chưa ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thời gian tới Tỉnh ủy Long An đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

- Các cấp ủy đảng tiếp tục quán triệt Nghị quyết số 22-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X), Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư về “nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”; tiếp tục cụ thể hoá chức năng, nhiệm vụ của các loại hình TCCSĐ; bổ sung, hoàn thiện quy chế lãnh đạo của đảng bộ, chi bộ cơ sở.

- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên trên các lĩnh vực, gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị, tạo chuyển biến rõ rệt về chất lượng hoạt động của các loại hình cơ sở đảng.

- Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng đội ngũ cấp ủy viên, trước hết là bí thư cấp ủy, thực hiện trẻ hóa, tiêu chuẩn hóa, tăng cường bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ theo chức danh cán bộ cơ sở. Các cấp ủy, tổ chức đảng cần xây dựng các tiêu chuẩn cụ thể cho cấp ủy viên, lựa chọn những người xứng đáng vào cấp ủy và tập trung thực hiện việc chuẩn hóa, tăng cường bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ công tác đảng cho cấp ủy viên của đảng bộ, chi bộ.

- Các cấp ủy đảng phải nâng cao năng lực vận dụng, xác định đúng nhiệm vụ chính trị, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Định hướng chỉ đạo chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội bằng nhiều biện pháp tích cực, chủ động, sáng tạo để đưa nghị quyết vào cuộc sống.

- Thực hiện tốt công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ; quy hoạch, luân chuyển cán bộ tập trung cho cơ sở. Có chính sách thu hút cán bộ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về công tác tại xã; quan tâm tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ từ cơ sở.

- Giữ vững các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng, trước hết là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, xây dựng khối đoàn kết thống nhất. Nội dung sinh hoạt phải được chuẩn bị cụ thể, thiết thực; giữ vững kỷ luật, kỷ cương, tạo nên sức mạnh đoàn kết thống nhất của tổ chức đảng.

- Tăng cường giáo dục, rèn luyện, quản lý đảng viên, không để một đảng viên nào đứng ngoài sự quản lý của tổ chức đảng. Nâng cao chất lượng TCCSĐ không thể tách rời chất lượng đảng viên.

- Thường xuyên giáo dục, rèn luyện, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, trình độ, kiến thức và năng lực công tác cho đội ngũ cán bộ, đảng viên.

- Phát huy trách nhiệm xây dựng đảng của quần chúng. Tạo lập cơ chế, quy định, môi trường để nhân dân giám sát, phản biện tổ chức đảng, chính quyền trong việc cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

- Tiếp tục đổi mới nội dung và phương pháp đánh giá chất lượng TCCSĐ và đảng viên. Đánh giá chất lượng TCCSĐ phải gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị, sự vững mạnh của các tổ chức trong hệ thống chính trị.

- Cấp ủy cấp trên trực tiếp của TCCSĐ phải kiểm tra, thẩm định chặt chẽ và chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá chất lượng TCCSĐ; biểu dương, khen thưởng những TCCSĐ có thành tích xuất sắc và tuyên truyền, phổ biến kinh nghiệm để nhân rộng.

- Thường xuyên kiểm tra, giám sát, quản lý cán bộ, đảng viên trong thực thi nhiệm vụ nơi công tác, sinh hoạt nơi cư trú; giữ gìn phẩm chất đạo đức lối sống.

- Trong công tác kết nạp đảng viên, các cấp ủy phải chú trọng phương châm “coi trọng chất lượng, chống khuynh hướng chạy theo số lượng, khắc phục bệnh thành tích”, quan tâm tạo nguồn là công nhân, người lao động sản xuất, kinh doanh giỏi; các nhân tố tích cực, nòng cốt trong các phong trào của mặt trận và các đoàn thể.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất